Mỏ Hạc (Geranium nepalense Sweet)

0 sản phẩm

Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:

Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Rosids (nhánh hoa Hồng)

Bộ(ordo)

Geraniales (Mỏ hạc)

Họ(familia)

Geraniaceae (Mỏ hạc)

Chi(genus)

Geranium

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Geranium nepalense Sweet

Mỏ Hạc (Geranium nepalense Sweet)

Mỏ hạc thuộc dạng cây thảo sống nhiều năm, chiều cao mỗi cây khoảng 30 đến 40cm. Thân cây hơi vuông, lúc đầu cây mọc bò, sau phát triển thành mọc thẳng, cây phân cành nhiều. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Geranium nepalense Sweet

Tên gọi khác: Lão quan thảo, Lão quan thảo mỏ ngắn, Cỏ quan.

Họ thực vật: Geraniaceae (Mỏ hạc).

1.1 Đặc điểm thực vật

Toàn cây Mỏ hạc
Toàn cây Mỏ hạc

Mỏ hạc thuộc dạng cây thảo sống nhiều năm, chiều cao mỗi cây khoảng 30 đến 40cm.

Thân cây hơi vuông, lúc đầu cây mọc bò, sau phát triển thành mọc thẳng, cây phân cành nhiều, vỏ thân có phủ một lớp lông có màu trắng bạc.

Lá cây mọc đối, phiến lá chia thành 5 thùy nông có dạng hình mác, mép lá có lông, gốc lá hình tim, đầu lá nhọn, hai mặt có phủ một lớp lông ngắn mềm, mặt trên của lá có màu lục sẫm, mặt dưới của lá nhạt hơn, lông không rõ, những lá kèm có màu nâu sẫm, chiều dài cuống lá khoảng từ 6 đến 11cm, những lá gần ngọn có cuống ngắn hoặc không có cuống.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá, mỗi cụm thường có 2 hoa, có tiểu bao ở gốc, hoa có màu hồng nhạt, 5 lá đài, mặt ngoài có lông, cánh hoa 5, đầu bằng hơi lõm, xếp thành 2 hàng, bầu thượng, 5 ô.

Quả của cây Mỏ hạc thuộc dạng quả nang, hình cầu, mỏ dài, có lông, quả khi chín nứt thành 5 mảnh, các mảnh rời nhau, phần dưới cong lên.

Hạt thuôn tròn, bề mặt nhẵn bóng, có màu nâu sẫm.

Mùa hoa từ tháng 5 đến tháng 7, mùa quả từ tháng 8 đến tháng 10.

1.2 Thu hái và chế biến

Tiêu bản cây Mỏ hạc
Tiêu bản cây Mỏ hạc

Bộ phận dùng: Bộ phận trên mặt đất.

Thời điểm thu hái: Tháng 6 đến tháng 7.

Chế biến: Rửa sạch, buộc thành từng bó, đem sấy khô.

Tiêu chuẩn: Dược liệu sau khi sấy vẫn giữ được màu xanh.

1.3 Đặc điểm phân bố

Geranium L. là một chi lớn, chi này có khoảng 400 loài, các loài phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới, ôn đới ấm và cận nhiệt đới. Tại nước ta, chi này có 3 loài và dưới loài là:

  • Geranium nepalense Sweet được tìm thấy ở Trung Quốc, Nepal, Ấn Độ và Việt Nam. Tại nước ta, loài này chỉ có ở Nghệ An, Lào Cai, Hà Giang.
  • Geranium thunbergii Sieb. et Zucc. được tìm thấy ở Nhật Bản, cây được nhập trồng vào nước ta từ những năm 1990. Hiện nay, loài này được tìm thấy ở Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Vĩnh Phúc và một số khu vực khác.
  • Geranium sibiricum var glabrius (Hara) Ohwi được tìm thấy ở Trung Quốc. Tại nước ta, chỉ bắt gặp loài này ở Lào Cai, Hà Giang.

Về đặc điểm thực vật, các loài Mỏ hạc có nhiều điểm tương đồng, bao gồm:

  • Đều thuộc dạng cây thảo, ưa ẩm, ưa sáng, hơi chịu bóng nhẹ.
  • Sinh trưởng và phát triển tốt ở những nơi có khí hậu ẩm mát quanh năm, nhiệt độ trung bình năm khoảng từ 15 đến 18 độ C.
  • Thường mọc thành từng đám gần bờ suối, chân núi đá vôi.
  • Độ cao phân bố khoảng 1300 mét đến 1600 mét.
  • Quả khi chín tách thành từng mảnh để hạt rơi ra ngoài.
  • Cây con mọc từ hạt vào khoảng giữa tháng 3 đến đầu tháng 5.
  • Cây có hiện tượng tàn lụi vào mùa đông, mọc lại vào giữa mùa xuân năm sau.
  • Thân cành có khả năng phân nhánh khỏe, mọc bò lan tạo nên các đám gần như thuần loại.
Quả của cây Mỏ hạc
Quả của cây Mỏ hạc

2 Cách trồng

Mỏ hạc là cây sinh trưởng và phát triển tốt ở vùng có khí hậu á nhiệt đới. Những vùng có nhiệt độ trung bình năm khoảng từ 15 đến 18 độ C, lượng mưa khoảng 1800 đến 2000mm, độ ẩm không khí từ 70-80%.

Đất trồng cây cần đảm bảo đủ độ ẩm, có ánh sáng nhưng không được quá gay gắt.

Phương pháp trồng phổ biến hiện nay là gieo hạt trong vườn ươm sau đó mới đánh cây đi trồng.

Hạt của cây Mỏ hạc thường có kích thước nhỏ, tỷ lệ nảy mầm tương đối cao, vỏ hạt dày, chắc nên trước khi gieo cần xử lý hạt với acid sulfuric 50-70% trong 3 đến 5 phút, đem rửa sạch rồi mới gieo.

Trước khi gieo có thể trộn hạt cùng với cát, tro, đất bột sau đó dùng rơm, rạ hoặc cỏ để phủ lên mặt, tưới nước để giữ ẩm cho hạt.

Thời vụ gieo thường là từ tháng 10 đến tháng 11, trường hợp thời tiết mưa sớm thì có thể tiến hành gieo hạt vào tháng 9, những cây con đem đánh đi trồng vào tháng 2 đến tháng 3 năm sau, đôi khi có thể kéo dài đến tháng 4.

Đất trồng cần cày bừa kỹ, lên luống, bón lót, khoảng cách trồng cây là 40 đến 60cm.

Mỏ hạc có thể trồng xen lẫn với ngô, các loại cây công nghiệp hoặc cây ăn quả nhưng cần phải trồng thưa, không được để cây bị che bóng quá nhiều.

Sau khi trồng cần tiến hành tưới đủ ẩm, bón thúc và làm cỏ cho cây. Nếu điều kiện thuận lợi thì cây sinh trưởng khá nhanh.

Mỏ hạc có thể được trồng ở khu vực đồng bằng nhưng năng suất kém hơn.

Mỏ hạc là loài ít bị sâu bệnh.

Hoa của cây Mỏ hạc
Hoa của cây Mỏ hạc

3 Thành phần hóa học

Mỏ hạc có chứa acid amin, terpene, amino alcol, Carotenoid, tanin, flavonoid, đường tự do, các nhóm chất phytosterol.

4 Tác dụng của cây Mỏ hạc

4.1 Kháng khuẩn

Dịch chiết nước, dịch chiết cồn, Dung dịch Flavonoid toàn phần của 3 loài đã được nghiên cứu trên 30 loài vi sinh vật, kết quả cho thấy rằng, các chế phẩm đều có tác dụng tốt đối với Staphylococcus aureus. Các chế phẩm không có tác dụng chống nấm.

4.2 Tác dụng giảm đau

Đối với mô hình gây đau quặn bằng cách tiêm dung dịch acid acetic 0,8% vào xoang bụng của chuột nhắt trắng thí nghiệm, cao lỏng Geranium nepalense khi dùng với liều 15g dược liệu/kg đã thể hiện tác dụng giảm đau.

Lá cây Mỏ hạc
Lá cây Mỏ hạc

5 Công dụng theo Y học cổ truyền

5.1 Tính vị, tác dụng

Mỏ hạc có vị đắng, cay, tính bình, cây có tác dụng hoạt huyết, khư phong, giải độc, thanh nhiệt.

5.2 Công dụng

Mỏ hạc được dùng trong trường hợp phong thấp, viêm ruột, chân tay tê dại, ung nhọt. Liều dùng hàng ngày là 6 đến 15g dưới dạng nước sắc, cao lỏng hoặc rượu ngâm.

6 Cây Mỏ hạc trị bệnh gì?

6.1 Chữa nhiễm trùng đường ruột, lỵ amip, lỵ trực tràng, viêm ruột cấp tính, viêm ruột mạn tính

Dùng nước sắc Mỏ hạc (nguyên chất), mỗi lần uống 40ml, ngày uống 2-3 lần.

Hoặc dùng 30g Mỏ hạc, 30g Phượng vĩ thảo, đun sôi đến khi còn 90ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.

Cây Mỏ hạc trị bệnh gì?
Cây Mỏ hạc trị bệnh gì?

6.2 Chữa viêm thấp khớp

6g Mỏ hạc.

15g Thiên niên kiện.

15g Uy linh tiên.

15g Sinh khương.

Các vị đem sắc lấy nước uống.

6.3 Chữa đau dây thần kinh tọa

30g Mỏ hạc.

30g Bạch Thược.

30g Ý dĩ nhân.

15g Uy linh tiên.

12g Nhũ hương.

12g Một dược.

2g Cam Thảo.

Các vị đem sắc lấy nước uống, chia làm nhiều lần trong ngày.

7 Tài liệu tham khảo

  1. Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Lão quan thảo, trang 149-151. Truy cập ngày 17 tháng 2 năm 2025.
  2. Tác giả C H Lu và cộng sự (Ngày đăng tháng 8 năm 2012). Anti-inflammatory activities of fractions from Geranium nepalense and related polyphenols, PubMed. Truy cập ngày 17 tháng 2 năm 2025.

Các sản phẩm có chứa dược liệu Mỏ Hạc (Geranium nepalense Sweet)

1/0
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
0985.729.595