Mò Giấy (Nhũ Hương, Bời Lời Hoa Thơm - Litsea monopetala)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Magnoliidae (Phân lớp Mộc lan) |
Bộ(ordo) | Laurales (Long não) |
Họ(familia) | Lauraceae (Long não) |
Chi(genus) | Litsea |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Litsea monopetala (Roxb.) Pers. | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Litsea polyantha Juss. |

Mò giấy thuộc dạng cây gỗ, chiều cao mỗi cây khoảng 6 mét, một số cây cao tới 12 mét, cành có nhiều lông ngắn và mọc sít nhau, bề mặt có màu xám hay nâu. Lá cây mọc so le. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Litsea monopetala (Roxb.) Pers.
Tên đồng nghĩa: Litsea polyantha Juss.
Tên gọi khác: Mò gỗ, Nhũ hương, Bời lời hoa thơm.
Họ thực vật: Lauraceae (Long Não).
1.1 Đặc điểm thực vật

Mò giấy thuộc dạng cây gỗ, chiều cao mỗi cây khoảng 6 mét, một số cây cao tới 12 mét, cành có nhiều lông ngắn và mọc sít nhau, bề mặt có màu xám hay nâu.
Lá cây mọc so le, các lá cách nhau khoảng 2cm, chiều dài cuống lá khoảng 2cm, phiến lá có dạng màng, hình bầu dục thuôn, kích thước thay đổi, mặt trên của lá sáng bóng, mặt dưới có màu nâu và phủ một lớp lông mịn.
Hoa có lông màu trắng bạc, có cuống, 4 cái mọc hợp với nhau tạo thành dạng tán, hoa có màu trắng.
Quả thuộc dạng quả mọng, hình trái Xoan, cao khoảng 1cm, màu đen, cuống quả có một cái đãi phẳng ở phần đầu.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Lá, rễ và vỏ cây.
Thời điểm thu hái: Quanh năm.
Chế biến: Dùng tươi hay phơi khô.
Rễ cây sau khi thu hái về rửa sạch, đem thái nhỏ, phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Mò giấy được tìm thấy ở Trung Quốc, Ấn Độ đến Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Tại nước ta, cây thường phân bố ở Lai Châu, Cao Bằng, Sơn La, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Kon Tum, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Gia Lai, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Mò giấy thường mọc trong các khu rừng thứ sinh, ven rừng, dọc theo đường mòn trong rừng, ven khe suối vùng đồi núi thấp, độ cao phân bố dưới 300 mét.
Mò giấy có bản chất là loài ưa sáng, sinh trưởng và phát triển tốt trong khu đất ẩm, cát pha. Cây sinh trưởng bằng hạt tốt đặc biệt những nơi có đủ ánh sáng.
Thời điểm ra hoa là từ tháng 2 đến tháng 5, có quả từ tháng 6 đến tháng 8.

2 Thành phần hóa học
Hạt có chứa 21,2 đến 25% dầu béo, nhân hạt có chứa tới 33% dầu, đây là một loại dầu chứa các glycerid của acid lauric.
3 Tác dụng của cây Mò giấy
3.1 Chống tiêu chảy
Tác dụng chống tiêu chảy của chiết xuất methanol từ vỏ cây khô và các bộ phận trên mặt đất của cây Mò giấy đã được nghiên cứu và đánh giá ở chuột bằng các mô hình khác nhau (tiêu chảy do dầu Thầu Dầu và nhu động ruột đẩy ở chuột). Chiết xuất methanol từ vỏ cây khô và các bộ phận trên mặt đất của cây Mò giấy (50, 75, 100 mg/kg, po) làm giảm đáng kể (P<0,01) sự khởi phát của tiêu chảy, bài tiết phân và cũng cho thấy giảm đáng kể (P<0,001) nhu động ruột khi thử nghiệm bột than ở chuột. Kết quả của nghiên cứu đã chứng minh việc sử dụng Mò giấy trong Y học cổ truyền ở bệnh nhân tiêu chảy.
3.2 Chống oxy hóa
Mò giấy cũng được nghiên cứu về tiềm năng chống oxy hóa và cho nhiều kết quả khả quan.

4 Công dụng theo Y học cổ truyền
4.1 Tính vị, tác dụng
Lá cây Mò giấy khi vò ra có mùi thơm giống mùi Quế. Vỏ cây có vị chát, se có tác dụng kích thích và lợi tiểu hóa.
4.2 Công dụng
Vỏ cây được sử dụng làm thuốc bổ thần kinh và xương, chất kích thích, giảm đau và chất sát trùng và đã được dùng để điều trị bệnh tiểu đường, tiêu chảy, kiết lỵ và viêm khớp. Ngoài ra, vỏ cây Mò giấy còn có hoạt tính chống oxy hóa và chống tiêu chảy.

Dân gian thường dùng lá cây Mò giấy giã ra để hơ nóng đắp trong trường hợp giảm đau, ngoài ra còn dùng để sắc nước uống trong trường hợp bị ỉa chảy. Lá cây Mò giấy cũng được sử dụng trong Y học cổ truyền làm thuốc nhuận tràng. Lá của cây Mò giấy cũng đã được báo cáo là có hoạt tính kháng khuẩn, chống viêm, ổn định màng, chống huyết khối xơ vữa động mạch, chống tăng đường huyết, chống tiêu chảy, kháng khuẩn và kháng nấm.
Nhân dân Ấn Độ thường dùng dầu hạt dưới dạng thuốc bôi trong trường hợp bị thấp khớp. Vỏ cây đem hơ nóng trị ỉa chảy, ngoài ra có thể dùng tươi hoặc dùng khô để đắp khi bị bầm giập.
Vỏ cây đem tán thành bột rồi đắp vào những chỗ bị đau do đánh đập, vết thương bầm tím, lao động nặng, cùng thường dùng vỏ cây để bó gãy xương cho động vật nuôi.
5 Tài liệu tham khảo
- Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Mò giấy, trang 104. Truy cập ngày 1 tháng 3 năm 2025.
- Tác giả Brijendra Singh Poonia và cộng sự (Ngày đăng tháng 4 năm 2007). Anti-diarrheal activity of methanol extract of Litsea polyantha bark in mice, PubMed. Truy cập ngày 1 tháng 3 năm 2025.
- Tác giả Nripendra Nath Biswas và cộng sự (Ngày đăng 30 tháng 10 năm 2017). Screening of Natural Bioactive Metabolites and Investigation of Antioxidant, Antimicrobial, Antihyperglycemic, Neuropharmacological, and Cytotoxicity Potentials of Litsea polyantha Juss. Ethanolic Root Extract, PubMed. Truy cập ngày 1 tháng 3 năm 2025.