Mao Tử (Đậu Dại - Eriosema chinense Vogel)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) | Fabales (Đậu) |
Họ(familia) | Fabaceae (Đậu) |
Chi(genus) | Eriosema |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Eriosema chinense Vogel |

Mao tử thuộc dạng cây thảo, chiều cao mỗi cây khoảng từ 15 đến 50cm, rễ cây phình thành củ, có dạng hình con thoi. Nhánh cây mọc đứng, có lông màu hung đỏ. Lá có một lá chét thuôn dài. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Eriosema chinense Vogel
Tên gọi khác: Đậu dại.
Họ thực vật: Fabaceae (Đậu).
1.1 Đặc điểm thực vật

Mao tử thuộc dạng cây thảo, chiều cao mỗi cây khoảng từ 15 đến 50cm, rễ cây phình thành củ, có dạng hình con thoi.
Nhánh cây mọc đứng, có lông màu hung đỏ.
Lá có một lá chét thuôn dài, chiều dài mỗi lá khoảng từ 2,5 đến 6cm, rộng từ 1 đến 2cm, phần gốc lá tù, phần đầu hơi nhọn, mặt trên của lá có phủ một lớp lông mềm, mặt dưới có phủ một lớp lông rậm màu trắng trắng. Mỗi lá có 5-7 đôi gân bên, hướng lên, cuống lá có phủ một lớp lông cứng, chiều dài cuống lá khoảng 2mm, lá kèm có dạng sợi.
Cụm hoa mọc thành chùm ngắn ở nách lá, chiều dài cụm hoa khoảng từ 6 đến 10mm, mỗi chùm có 1-3 hoa gần như không có cuống, đài hoa có dạng hình chuông, 5 thùy rời, các cánh hoa có màu vàng, nhị 2 bó, bầu 2 noãn, có lông màu trắng.
Quả thuộc dạng quả đậu, phủ lông rậm, màu hung đỏ, có dạng hình trái Xoan bầu dục, mỗi quả gồm 2 hạt màu đen, có dạng hình thận, gần như hình móng ngựa.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ củ.
Thời điểm thu hái: Đầu mùa xuân, cuối mùa thu.
Chế biến: Rửa sạch, thái mỏng, phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Mao từ được tìm thấy ở Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Philippin và Việt Nam. Tại nước ta, cây thường mọc phổ biến ở nhiều nơi.
2 Thành phần hóa học

Sáu Flavonoid prenyl hóa, (2R,3S)-3,5,4'-trihydroxy-6″-6″dimethylpyrano(2″,3″:7,6)-8-(3″', 3″'-dimethylallyl)flavanone, (2R,3S)-3,5,2'-trihydroxy-4'-methoxy-6″,6″-dimethylpyrano(2″,3″:7,6)-8-(3″',3″'-dimethylallyl)flavanone, (2R,3R)-3,5,2',4'-tetrahydroxy-6″,6″-dimethylpyrano(2″,3″:7,6)-8-(3″',3″'-dimethylallyl)flavanone, 3,5,2',4'-tetrahydroxy-6",6"-dimethylpyrano(2",3":7,6)-8-(3"',3"'-dimethylallyl)flavone, (2R,3R,2"'R)-3,5,2"'-trihydroxy-4'-methoxy-6",6"-dimethylpyrano(2",3":7,6)-8-(3"'-methylbut-3"'-enyl)flavanone, (2R,3R)-3,5-dihydroxy-4'-methoxy-6",6"-dimethylpyrano(2",3":7,6)-8-(2"',3"'-epoxy-3"'-methyl butyl)flavanone, một Isoflavone, 6,7-dimethoxy-5,2',4'-trihydroxyisoflavone và octaeicosanyl-trans-p-coumarate cùng với 12 hợp chất đã biết, được phân lập từ rễ cây Mao tử.
3 Tác dụng của cây Mao tử
Eriosematin E, một flavanone prenylated, được phân lập bằng sắc ký cột và được xác định bằng cách so sánh điểm nóng chảy và dữ liệu quang phổ. Một nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định cơ chế tác dụng của cây Mao tử trong bệnh tiêu chảy, kết quả cho thấy rằng, eriosematin E thể hiện tác dụng chống tiêu chảy tốt có thể do tiềm năng chống tiết dịch và chống oxy hóa của hoạt chất này.
Một nghiên cứu khác cũng được thực hiện nhằm nghiên cứu tác dụng chống tiêu chảy của Mao tử. Chiết xuất Ethanol cùng với ba phân đoạn gồm etyl axetat, cloroform và hexan, cũng như lupinifolin được phân lập từ phân đoạn cloroform, đã được sàng lọc để xác định tỷ lệ bài tiết phân bình thường và mô hình tiêu chảy do dầu Thầu Dầu gây ra. Kết quả cho thấy, hoạt tính chống tiêu chảy của phần cloroform được phát hiện là cao nhất, tiếp theo là chiết xuất ethanol và lupinifolin, có thể là do sự hiện diện của lupinifolin cùng với các thành phần thực vật khác. Do đó, nghiên cứu đã xác nhận một cách khoa học tiềm năng chống tiêu chảy của rễ từ cây Mao tử, tác dụng này có thể là do tác dụng chống tiết với hoạt tính kháng khuẩn tiềm tàng.
4 Công dụng theo Y học cổ truyền

4.1 Tính vị, tác dụng
Củ Mao tử có vị ngọt, hơi se, tính bình có tác dụng hóa đờm, mát phổi, sinh tân dịch, mát máu, khỏi khát, tiêu sưng.
4.2 Công dụng
Mao tử thường được dùng trong các trường hợp như:
- Bệnh nhân ho gió có đờm hoặc ho khan.
- Bệnh nhân viêm đường hô hấp trên.
- Bệnh nhân phát sốt bồn chồn, khát nước.
- Bệnh nhân áp xe phổi.
- Bệnh nhân bị lỵ.
Liều dùng từ 15 đến 30g dưới dạng thuốc sắc, có thể dùng riêng hoặc phối hợp cùng với các vị thuốc khác.
Nếu dùng ngoài thì dùng củ tươi đem giã nát đắp vào vết thương khi bị Vấp ngã, dao chém gây thương tích.
Nhân dân cũng thường dùng rễ cây Mao tử để làm thuốc bồi bổ cho trẻ sau khi bị sởi dẫn đến suy nhược.
5 Cây Mao tử trị bệnh gì?

5.1 Trị cảm lạnh, viêm đường hô hấp trên, ho, sốt
30g Mao tử.
30g Thạch cao.
Các vị đem sắc lấy nước uống.
5.2 Trị lỵ
15g Đậu dại.
15g hoa của cây Gạo.
Các vị đem nấu cùng với thịt nạc để ăn.
6 Tài liệu tham khảo
- Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Mao tử, trang 47-48. Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2025.
- Tác giả Satyendra K Prasad và cộng sự (Ngày đăng tháng 1 năm 2017). Antidiarrhoeal activity of eriosematin E isolated from the roots of Eriosema chinense Vogel, Pubmed. Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2025.
- Tác giả Sanit Thongnest và cộng sự (Ngày đăng tháng 12 năm 2013). Eriosema chinense: a rich source of antimicrobial and antioxidant flavonoids, PubMed. Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2025.
- Tác giả Satyendra K Prasad và cộng sự (Ngày đăng tháng 11 năm 2013). Antidiarrhoeal evaluation of root extract, its bioactive fraction, and lupinifolin isolated from Eriosema chinense, Pubmed. Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2025.