Lòng Mang (Pterospermum heterophyllum Hance)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Magnoliophyta (Thực vật có hoa) Magnoliopsida (Thực vật hai lá mầm thật sự) |
Bộ(ordo) | Malvales (Bông) |
Họ(familia) | Sterculiaceae (Trôm) |
Chi(genus) | Pterospermum |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Pterospermum heterophyllum Hance |

Lòng mang thuộc dạng cây gỗ, kích thước lớn, cây thường xanh, chiều cao mỗi cây lên đến 20 mét, thân tròn và thẳng, vỏ ngoài của thân có màu xám trắng, những cành non có nhiều lông. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Pterospermum heterophyllum Hance
Họ thực vật: Sterculiaceae (Trôm).
1.1 Đặc điểm thực vật

Lòng mang thuộc dạng cây gỗ, kích thước lớn, cây thường xanh, chiều cao mỗi cây lên đến 20 mét, thân tròn và thẳng, vỏ ngoài của thân có màu xám trắng, những cành non có nhiều lông nhung màu vàng.
Lá cây mọc so le, phiến lá có dạng hình trái Xoan, thuôn, những lá non có dạng hình chân vịt, chia thành 5 thùy, các lá già có dạng hình khiên hay hình tim, mép lá nguyên, hơi lượn sóng, đầu lá nhọn, phần gốc lá không cân xứng, mặt trên của lá nhẵn, có màu xanh, mặt dưới có phủ một lớp lông mềm mọc rải rác, những lá kèm thường xẻ hình long chi,.
Hoa của cây Lòng mang thường mọc ở nách lá, 5 lá đài, 5 cánh hoa, gồm 15 nhị xếp thành 5 bó.
Quả của cây Lòng mang thuộc dạng quả nang, chiều dài khoảng 4-6cm, chiều rộng từ 2 đến 2,5cm, hạt của cây Lòng mức có cánh.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ.
Thời điểm thu hái: Quanh năm.
Chế biến: Rửa sạch, thái miếng, đem đồ rồi phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Lòng mang được tìm thấy ở Trung Quốc và Việt Nam. Tại nước ta, cây thường phân bố ở khu vực Bắc bộ và Trung bộ.
Lòng mang thường mọc ở những khu rừng thứ sinh núi đất, ven cửa rừng, núi đất xen núi đá hoặc ở ven đường, độ cao phân bố từ 500 đến 700 mét trở xuống, cây thường mọc rải rác, ít khi mọc tập trung thành loại hình ưu thế rõ rệt.
Thường ra hoa vào từ tháng 4 đến tháng 5, quả chín đến tháng 3 năm sau.
2 Thành phần hóa học

Các nhà khoa học đã phân lập và định danh được 9 hợp chất là taraxerol (1), betulin (2), acid betulinic (3), acid sumaresinolic (4), 2-methoxy-5-hydroxy-1, 4-naphthoquinone (5), 5, 7-dihydroxy-6, 8-dimethylchromone (6), alpha-monpalmitin (7), acid palmitic (8), beta-sitosterol (9) từ rễ cây Lòng mang. Các thành phần hóa học của cây Lòng mang được phân lập và tinh chế bằng sắc ký cột silica gel và sephadex LH-20. Cấu trúc của chúng được xác định dựa trên dữ liệu quang phổ và tính chất lý hóa.
3 Tác dụng của cây Lòng mang
Viêm khớp dạng thấp (RA) là một bệnh viêm tự miễn mạn tính gây khó khăn trong quá trình sinh hoạt của nhiều bệnh nhân. Nhiều bài thuốc dân gian truyền thống đã được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị viêm khớp dạng thấp. Rễ cây Lòng mang đã được sử dụng rộng rãi như một bài thuốc Y học cổ truyền ở Trung Quốc để điều trị viêm khớp dạng thấp nhưng vẫn chưa có cơ sở khoa học. Một nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định các thành phần hóa học và tác dụng điều trị của cây Lòng mang trên mô hình viêm khớp do tá dược (AIA) ở chuột.
Kết quả cho thấy chiết xuất của cây Lòng mang cải thiện đáng kể các tổn thương mô học ở khớp gối, tăng trưởng trọng lượng cơ thể, giảm điểm viêm khớp, giảm chỉ số tuyến ức và lách ở chuột mô hình. Hơn nữa, điều trị bằng chiết xuất của cây Lòng mang đã điều chỉnh giảm đáng kể nồng độ yếu tố dạng thấp (RF), protein phản ứng C (CRP), yếu tố hoại tử khối u alpha (TNF-α), interleukin-1β (IL-1β), IL-6, IL-17, cyclooxygenase-2 (COX-2), 5-lipoxygenase (5-LOX) và metalloproteinase ma trận-2 (MMP-2), và điều chỉnh tăng đáng kể nồng độ IL-4 và IL-10 ở chuột mô hình. Nghiên cứu này cho thấy chiết xuất của cây Lòng mang có tác dụng chống viêm khớp dạng thấp nổi bật đối với chuột AIA bằng cách điều chỉnh phản ứng viêm.

4 Công dụng theo Y học cổ truyền
4.1 Tính vị, tác dụng
Lòng mang có vị ngọt, nhạt, tính hơi nóng, có tác dụng giãn cơ, khư phòng, hoạt huyết, trừ thấp, thông lạc
4.2 Công dụng

Lòng mang thường được dùng trong một số trường hợp bao gồm:
- Đau tê do phong thấp, viêm khớp do phong thấp, hao tổn cơ xương.
- Cơ thể và các khi mỏi mệt, không muốn hoạt động ở những phụ nữ sau khi sinh hoặc do nguyên nhân thần kinh (phụ nữ sau khi đẻ đau trệt).
- Đau lưng.
- Bệnh nhân liệt nửa người.
- Bệnh nhân sưng đau tích tụ do ngã.
Liều dùng từ 15 đến 30g dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu uống.
Nhân dân thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) thường dùng rễ cây để trị phong thấp đau xương còn cành và lá của cây Lòng mang thì dùng để trị ngoại thương xuất huyết.
5 Cây Lòng mang trị bệnh gì?

5.1 Trị viêm khớp do phong thấp mạn tính, đau lưng
10g Móng bò Champion.
30g Lòng mang.
15g Màng tang.
30g Cát sâm.
Các vị đem sắc lấy nước uống.
5.2 Trị đòn ngã tổn thương
30g Lòng mang.
30g Ngũ bội tử.
30g Ngũ Vị Tử.
Các vị đem sắc lấy nước uống.
6 Tài liệu tham khảo
Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 1. Lòng mang, trang 1329-1330. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2025.
- Tác giả Li Yang và cộng sự (Ngày đăng 11 tháng 12 năm 2020). Chemical Composition of Pterospermum heterophyllum Root and its Anti-Arthritis Effect on Adjuvant-Induced Arthritis in Rats via Modulation of Inflammatory Responses, PubMed. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2025.
- Tác giả Yan Shi và cộng sự (Ngày đăng tháng 8 năm 2008). [Studies on chemical constituents from roots of Pterospermum heterophyllum], PubMed. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2025.