Khổ Sâm Bắc Bộ (Croton tonkinensis Gagnep.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Tracheophyta (Thực vật có mạch) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) | Malpighiales (Sơ ri) |
Họ(familia) | Euphorbiaceae (Thầu dầu) |
Chi(genus) | Croton |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Croton tonkinensis Gagnep. |

Khổ sâm Bắc Bộ thuộc dạng cây nhỏ, chiều cao mỗi cây khoảng từ 1 đến 1,5 mét, cành non mảnh. Lá cây mọc so le, có khi mọc tụ họp 3-4 lá như kiểu mọc vòng, hai mặt có phủ một lớp lông óng ánh. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Croton tonkinensis Gagnep.
Họ thực vật: Euphorbiaceae (Thầu Dầu).
1.1 Đặc điểm thực vật

Khổ sâm Bắc Bộ thuộc dạng cây nhỏ, chiều cao mỗi cây khoảng từ 1 đến 1,5 mét, cành non mảnh.
Lá cây mọc so le, có khi mọc tụ họp 3-4 lá như kiểu mọc vòng, hai mặt của lá có phủ một lớp lông óng ánh nhìn như lá nhót, mặt dưới của lá phủ nhiều lông hơn, phiến lá có dạng hình ngọn giáo, chiều dài mỗi lá khoảng từ 5-9 cm, chiều rộng từ 1-3cm, chóp nhọn dài thành mũi nhọn, mép lá nguyên, có 3 gân tỏa ở gốc, có tuyến dạng răng cưa.
Hoa có kích thước nhỏ, màu trắng, mọc thành chùm ở nách lá hoặc đầu cành, hoa đơn tính cùng gốc.
Quả có 3 mảnh vỏ.
Hạt có dạng hình trứng, màu nâu.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Lá.
Thời điểm thu hái: Lá được thu hái khi cây đang có hoa sau đó đem phơi hoặc sấy khô, khi dùng thì sao vàng.
1.3 Đặc điểm phân bố

Khổ sâm Bắc bộ thường phân bố ở một số tỉnh thành như Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng.
Khổ sâm Bắc bộ có bản chất là loài ưa sáng, thường mọc trên những trảng thường xanh hay rụng lá, sinh sống được trên khu vực đất nhiều đá khô cằn, độ cao phân bố từ 100 đến 500 mét. Cây cũng thường được trồng bằng cách gieo hạt hoặc cành vào mùa xuân.
Thời điểm ra hoa từ tháng 5 đến tháng 8.
2 Thành phần hóa học
Lá cây Khổ sâm Bắc bộ có chứa các nhóm chất alcaloid, Flavonoid, tanin. Hàm lượng alcaloid toàn phần là 0,31 đến 0,33%.
Hai diterpenoid mới, crotonkinensins A (1) và B (2), được phân lập từ lá của cây thuốc đặc hữu Việt Nam Croton tonkinensis. Cấu trúc của chúng được xác định là 7alpha,10alpha-epoxy-14beta-hydroxygrayanane-1(5),16(17)-dien-2,15-dione (1) và 7alpha,10alpha-epoxy-14beta-hydroxygrayanane-1(2),16(17)-dien-15-one (2) bằng phân tích quang phổ. Hợp chất 1 và 2 cho thấy tác dụng chống viêm mạnh đối với hoạt động của chất xúc tác COX-2 do LPS gây ra và biểu hiện COX-2 trong tế bào Raw 264.7.
3 Tác dụng của cây Khổ sâm Bắc bộ

Diterpenoid từ cây Khổ sâm Bắc bộ rất giàu ent-kaurane, kaurane và nhóm grayanane và là những chất chuyển hóa trung gian có giá trị của thực vật với các hoạt tính sinh học khác nhau. Một nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hoạt tính chống lao của các diterpenoid này đối với cả các chủng M. tuberculosis nhạy cảm và kháng thuốc lần đầu tiên. Tất cả các diterpenoid ent-kaurane, kaurane và grayanane đều cho thấy hoạt tính từ cao đến trung bình đối với Mycobacterium. Hoạt tính chống lao cao nhất được quan sát thấy đối với ent-1β, 7α, 14β-triacetoxykaur-16-en-15-one (cpp604), với các giá trị MIC là 0,78, 1,56 và 3,12-12,5 µg/ml đối với H37Ra, H37Rv và tất cả các chủng Mycobacterium tuberculosis kháng thuốc khác đã được kiểm tra. Ngoài ra, các diterpenoid loại ent-kaurane khác cũng cho thấy hoạt động rất cao chống lại vi khuẩn lao, bao gồm cpp609 (1,56 µg/ml), cpp610 (1,56 µg/ml), cpp601 (3,12-6,25 µg/ml), cpp602 (3,12-6,25 µg/ml), cpp607 (3,12-6,25 µg/ml) và cpp608 (3,12-6,25 µg/ml). Từ mối quan hệ cấu trúc-hoạt động, các nhóm chức năng R3 và R5 của bộ khung ent-kaurane được phát hiện có tác dụng điều chỉnh hoạt động chống vi khuẩn lao.
4 Công dụng theo Y học cổ truyền
4.1 Tính vị, tác dụng
Lá cây Khổ sâm Bắc bộ có vị đắng, hơi chát, hơi ngọt, có tính mát hay tính bình, có tác dụng sát trùng, thanh nhiệt, tiêu độc.
4.2 Công dụng
Khổ sâm Bắc bộ thường được dùng trong trường hợp ung nhọt, lở loét, ỉa ra máu, viêm mũi, viêm loét dạ dày - tá tràng, đau bụng, lỵ, tiêu hóa kém.
Liều dùng là 15 đến 20g lá đem sao vàng rồi sắc lấy nước uống. Có thể dùng ngoài bằng cách lấy nước sắc đặc rồi rửa khi bị mụn nhọt, lở ngứa.
5 Cây Khổ sâm Bắc bộ trị bệnh gì?
5.1 Chữa đau bụng không rõ nguyên nhân
Dùng mấy lá Khổ sâm Bắc bộ nhai cùng với mấy hạt muối, trường hợp có nôn và sôi bụng thì nhai cùng với một lát Gừng sống.
5.2 Chữa đau bụng lâm râm sau hay sau khi ăn đau bụng, khó tiêu
30-40g lá Khổ sâm Bắc bộ.
30-40g dây Ngấy hương.
Các vị phơi khô, thêm 3 lát gừng rồi sắc lấy nước uống.
Hoặc dùng 2 loại dược liệu trên hãm nước uống thay trà.
5.3 Chữa kiết lỵ, đau bụng đi ngoài
1 nắm lá Khổ sâm Bắc bộ.
1 nắm lá Phèn đen.
Các vị đem sắc lấy nước uống.
Hoặc dùng 10g lá Khổ sâm Bắc bộ, 10g lá Rau Sam, 10g lá Cỏ sữa, 10g Nhọ nồi.
Các vị đem sắc lấy nước uống, mỗi ngày 1 thang.
5.4 Chữa mẩn ngứa khắp mình mẩy
Dùng lá cây Khổ sâm Bắc bộ, 15g Huyền Sâm, 15g Kim ngân, 15g Sinh Địa, 10g quả Ké.
Các vị đem tán thành bột rồi làm thành viên, mỗi ngày uống 20-25g.
6 Tài liệu tham khảo
- Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 1. Khổ sâm Bắc bộ, trang 1220-1221. Truy cập ngày 5 tháng 3 năm 2025.
- Tác giả Phuong-Thien Thuong và cộng sự (Ngày đăng tháng 11 năm 2009). Crotonkinensins A and B, diterpenoids from the Vietnamese medicinal plant Croton tonkinensis, PubMed. Truy cập ngày 5 tháng 3 năm 2025.
- Tác giả Woong Sik Jang và cộng sự (Ngày đăng tháng 1 năm 2016). In vitro antituberculosis activity of diterpenoids from the Vietnamese medicinal plant Croton tonkinensis, PubMed. Truy cập ngày 5 tháng 3 năm 2025.