Lá Khát (Lá Thiên Đường - Catha edulis)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) | Celastrales (Dây gối) |
Họ(familia) | Celastraceae (Dây gối) |
Chi(genus) | Catha |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Catha edulis |

Lá khát thuộc dạng cây bụi thường xanh, Lá khát hiện nay được dùng để tổng hợp ma túy, có thể gây nghiện hoặc gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe của con người. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Cây Khát là cây gì?
Tên khoa học: Catha edulis
Tên gọi khác: Lá thiên đường.
Họ thực vật: Celastraceae (Dây gối).
Lá khát còn có tên gọi khác là Lá thiên đường bởi vì sau khi sử dụng, người dùng sẽ có cảm giác hưng phấn, kích thích như đang ở trên ‘thiên đường’.

1.1 Đặc điểm thực vật
Lá khát thuộc dạng cây bụi thường xanh, được trồng thành bụi hoặc thành từng đám cây nhỏ, chiều cao mỗi cây khoảng từ 2 đến 4 mét, cây sinh trưởng và phát triển tốt ở độ cao từ 1500 đến 2000 mét so với mực nước biển.
Lá cây có mùi thơm, vị chát, hơi ngọt, mép lá có khía răng cưa.
Hoa nhỏ, màu trắng, thường mọc thành chùm ở nách lá.
Thân cây khi còn non thường có màu đỏ tím.
Dưới đây là hình ảnh cây Lá khát:

1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Lá.
1.3 Đặc điểm phân bố
Cây khát được cho là có nguồn gốc từ Ethiopia và được du nhập vào Yemen từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ sáu.
Lá khát sinh trưởng được trên nhiều loại đất và khí hậu khác nhau. Cây có thể được trồng ở những vùng hạn hán.
Cây được trồng và thu hoạch quanh năm.

2 Thành phần hóa học
Lá khát chứa hơn bốn mươi loại ancaloit, glycoside, tannin, amino axit, vitamin và khoáng chất. Điều kiện môi trường và khí hậu cũng ảnh hưởng đến thành phần hóa học có trong lá Khát. Tại Yemen, có khoảng 44 loại cây Khát khác nhau có nguồn gốc từ các khu vực địa lý khác nhau của quốc gia này.
Nhiều hợp chất khác nhau được tìm thấy trong lá khát bao gồm ancaloit, terpenoid, Flavonoid, sterol, glycoside, tannin, axit amin, vitamin và khoáng chất. Phenylalkylamine và cathedulin là những ancaloit chính. Cathedulin dựa trên bộ khung sesquiterpene polyhydroxyl hóa và về cơ bản là polyester của euonyminol.
Phenylalkylamine trong lá khat bao gồm cathinone [S-(-)-cathinone] và hai đồng phân diastereo là cathine [1S, 2S-(+)-norpseudoephedrine hoặc (+)-norpseudoephedrine] và norephedrine [1R, 2S-(-)-norephedrine].
Cathinone chủ yếu được tìm thấy trong lá non và chồi. Trong quá trình trưởng thành, cathinone được chuyển hóa thành cathine [(+)-norpseudoephedrine] và (-)-norephedrine.
Cathinone có thể gây ra rối loạn giấc ngủ, việc giải phóng cathinone trong máu kích thích CNS, thúc đẩy giải phóng dopamine, serotonin và noradrenalin, dẫn đến ức chế các con đường dẫn truyền giấc ngủ.
Lá và cành chứa một lượng lớn tanin (lên đến 14% trọng lượng khô), nhiều người sử dụng Lá khát thường xuyên có thể dẫn đến tình trạng táo bón.

3 Tác dụng của cây Lá khát
3.1 Tác dụng dược lý
Lá khát chứa nhiều hợp chất khác nhau và do đó việc nhai lá khát có thể có nhiều tác dụng khác nhau. Các tác dụng chính chủ yếu là tác dụng lên hệ tiêu hóa và hệ thần kinh.
Các tác dụng kích thích tâm thần cấp tính của Lá khát bao gồm tăng cường tâm trạng và sự tỉnh táo, hưng phấn, tăng khả năng học tập, cảm giác lạc quan, phấn chấn, giúp cơ thể có nhiều năng lượng, tăng khả năng tập trung.
Cũng tương tự như amphetamine, cathinone, thành phần hoạt chất trong Lá khát, có tác dụng ức chế sự thèm ăn, do đó, nhiều người tin rằng, nhai Lá khát có thể giúp kiểm soát cân nặng, chống béo phì.
Nhai Lá khát còn có tác dụng ngăn ngừa mệt mỏi, giảm đau, cải thiện trí nhớ. Các thử nghiệm có đối chứng với giả dược cho thấy rằng, Lá khát giúp tăng vận động, tăng cảm giác hưng phấn và kích thích cho người dùng.
Khi nhai Lá khát, thành phần cathinone được giải phóng trong vòng 15 đến 45 phút, với nồng độ cathinone đỉnh trong huyết tương đạt được sau 1,5 đến 3,5 giờ kể từ khi bắt đầu nhai. Cathinone có thể phát hiện được trong huyết tương trong vòng 24 giờ sau khi nhai.
3.1.1 Tác động lên hành vi
Khi tiến hành nghiên cứu trên chuột, Lá khát có tác dụng làm tăng hoạt động hành vi của chuột.
Ở người, việc nhai Lá khát gây ra trạng thái hưng phấn với cảm giác tỉnh táo và kích thích tăng lên. Tuy nhiên, các phản ứng này nhanh chóng mất đi, người bệnh có thể xuất hiện tâm trạng chán nản, cáu kỉnh, chán ăn, khó ngủ.

3.1.2 Tác động lên bàng quang
Lá khát có thể gây ra sự giảm lưu lượng nước tiểu trung bình và tối đa ở nam giới khỏe mạnh. Các tác động lên nước tiểu có thể được trung gian thông qua kích thích thụ thể alpha1-adrenergic bởi cathinone.
3.1.3 Đối với hệ thống tim mạch
Nhai Lá khát có thể làm tăng huyết áp và nhịp tim trong thời gian ngắn.
3.1.4 Đối với chức năng vỏ thượng thận
Lá khát và thành phần cathinone làm tăng nồng độ hormon vỏ thượng thận ở người.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
Lá khát thường được người dân dùng để nhai, đây vừa là hoạt động xã hội vừa là hoạt động văn hóa của người bản địa. Người ta cho rằng, việc nhai Lá khát có thể giúp cơ thể cảm thấy khỏe mạnh, tự tin. Ở Yemen, người Hồi giáo là những người nhai khat nhiều nhất. Họ nhai Lá khát với mục đích cải thiện hiệu suất làm việc, giúp cơ thể luôn giữ được sự tỉnh táo đồng thời tăng khả năng làm việc. Ngoài ra, người dân cũng cho rằng, nhai Lá khát rất có lợi cho một số bệnh lý như đau đầu, cảm lạnh, viêm khớp, đau nhức cơ thể và cả bệnh trầm cảm.
4 Tác hại của Lá khát (Lá thiên đường)

Việc sử dụng Lá khát sẽ gây ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch, tiêu hóa, hô hấp, nội tiết và tiết niệu sinh dục. Ngoài ra, Lá khát còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh và có thể gây ra chứng loạn thần hoang tưởng, hưng cảm và ảo tượng.
Các phản ứng phụ cấp tính có thể xuất hiện như tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, mất ngủ, chán ăn, táo bón, khó chịu, cáu kỉnh, đau nửa đầu và suy giảm khả năng tình dục ở nam giới. Phản ứng trầm cảm nhẹ cũng đã được báo cáo ở những người đang trong quá trình cai Lá khát hoặc những người sau khi hút Lá khát. Việc sử dụng thường xuyên liều cao có thể gây ra phản ứng loạn thần.
Một số tác dụng phụ khác có thể xảy ra bao gồm:
- Xuất hiện ảo giác khi ngủ.
- Suy giảm chức năng nhận thức.
- Biến chứng thần kinh.
- Biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim.
- Biến chứng trên khoang miệng và Đường tiêu hóa như tăng nguy cơ mắc nha chu, viêm dạ dày,...
- Tăng nguy cơ xuất hiện ung thư.
- Ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản.
- Nguy cơ xuất hiện biến chứng đối với thai nhi.
Việc sử dụng Lá khát cũng có nguy cơ gây nghiện, ngộ độc Lá khát có thể gây ra những triệu chứng cấp tính hoặc nguy hiểm hơn là xuất hiện các biến chứng gây tử vong. Hiện nay, nhiều người bất chấp những tác động bất lợi đối với sức khỏe mà vẫn sản xuất, buôn bán Lá khát để tổng hợp thành một loại ma túy ở dạng tinh thể muối, có màu trắng hoặc màu hồng nhạt, người dùng sau khi sử dụng sẽ có cảm giác hưng phấn, dùng thường xuyên có thể gây nghiện và xuất hiện ảo giác, mờ mắt, tăng nhịp tim,... điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như lối sống đạo đức của nhiều người do đó, cần có biện pháp cảnh báo và răn đe chặt chẽ hơn.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Nasir Tajure Wabe (Ngày đăng năm 2011). Chemistry, Pharmacology, and Toxicology of Khat (Catha Edulis Forsk): A Review, PubMed. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2025.
Nhóm tác giả của Drug.com. Khat, Drugs.com. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2025.