Dừa Nước (Dừa Lá - Nypa fruticans Wurmb.)

0 sản phẩm

Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:

Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Monocots (Thực vật một lá mầm)

Commelinids (nhánh Thài lài)

Bộ(ordo)

Arecales (Cau)

Họ(familia)

Arecaceae (Cau)

Chi(genus)

Nypa

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Nypa fruticans Wurmb.

Dừa Nước (Dừa Lá - Nypa fruticans Wurmb.)

Dừa nước có thân ngầm nằm trong lớp bùn, thân dài và to. Lá gần như mọc vòng ở ngọn cây, phiến lá có dạng lông chim, chiều dài mỗi lá khoảng từ 5 đến 6 mét, có các đoạn thon. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Nypa fruticans Wurmb.

Tên gọi khác: Dừa lá.

Họ thực vật: Arecaceae (Cau).

1.1 Đặc điểm thực vật

Dừa nước có thân ngầm nằm trong lớp bùn, thân dài và to.

Lá gần như mọc vòng ở ngọn cây, phiến lá có dạng lông chim, chiều dài mỗi lá khoảng từ 5 đến 6 mét, có các đoạn thon, hẹp nhọn, mặt dưới có vảy màu lục, mép lá cong về phía dưới.

Cụm hoa Dừa nước có chiều cao đến 2 mét, các nhánh dực có màu vàng, mang nhiều hoa đực cao đến 2mm, có tiền diệp hẹp, nhị 3.

Quả của cây Dừa nước thuộc dạng quả hạch, các quả mọc tụ họp thành buồng hình cầu, đường kính mỗi buồng có khi lên đến 40cm, vỏ quả có màu mận sẫm, mỗi quả chứa một hạt cứng, phôi nhũ khi còn non thì không có màu, trong suốt.

Dưới đây là hình ảnh quả Dừa nước:

Quả của cây Dừa nước
Quả của cây Dừa nước

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Gốc của lá, quả.

1.3 Đặc điểm phân bố

Dừa nước được tìm thấy ở Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Australia, Philippin, Châu Phi và Việt Nam. Tại nước ta, Dừa nước phân bố ở Quảng Nam, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

Dừa nước thường mọc ở rừng sát và dựa rạch có nước lợ, cây gặp nhiều ở các tỉnh như Cà Mau, Tân An, Gò Công ở miền Nam và Ba Ngòi, Hội An ở miền Trung, đây đều là những khu vực có nhiệt độ quanh năm trên 20 độ C.

Dừa nước có thể được đem trồng thử ở vùng Thủy Nguyên của Hải Phòng nhưng các cây lại không phát triển được. Ở miền Nam nước ta, Dừa nước thường được trồng ở các vuông tôm thuộc Cà Mau, Bến Tre nhằm mục đích che nắng cho tôm, đồng thời có thể trồng để khai thác lá, dịch nhựa. Nhân dân ta còn trồng Dừa nước ở 2 bên bờ sông thuộc vùng Cửu Long của tỉnh Bến Tre và sông Cần Giuộc thuộc tỉnh Long An.

Tùy vào đặc điểm, điều kiện thổ nhưỡng mà kích thước và hương vị của mỗi quả Dừa nước cũng sẽ khác nhau. Những cây trồng ở Bến Tre do có ảnh hưởng của nguồn nước phù sa ở sông Cửu Long nên phát triển tốt, quả to, vị ngon ngọt còn những cây trồng ở Cần Giuộc do tiếp xúc với nguồn nước mặn nên phát triển kém hơn, quả cũng nhỏ hơn, vị nhạt hơn.

Nhân dân Bến Tre thường trồng Dừa nước với mục đích lấy lá nên thường cây chỉ ra quả một năm, thời điểm ra quả là vào tháng 9 (tháng 8 Âm lịch), còn những cây trồng ở Cần Giuộc thì không bị cắt lá nên ra hoa quả quanh năm, trung bình mỗi hecta trồng được khoảng từ 200 đến 300 bụi dừa, mỗi bụi cho thu hoạch số lượng quả nặng khoảng 3-5kg.

Hoa của cây Dừa nước
Hoa của cây Dừa nước

2 Thành phần hóa học

Dịch cây có chứa saccharose chiếm 15%. Quả cũng giàu carbohydrate, chất xơ, khoáng chất và vitamin A

3 Tác dụng của cây Dừa nước

3.1 Hỗ trợ làm giảm đường huyết

Một nghiên cứu được thực hiện để đánh giá tiềm năng chống tăng đường huyết và giảm đau của chiết xuất methanol từ lá và thân cây Dừa nước. Hoạt tính chống tăng đường huyết đã được thử nghiệm trên chuột tăng đường huyết được nạp Glucose và tác dụng giảm đau được đánh giá bằng cách sử dụng mô hình chuột quằn quại do axit axetic.

Chiết xuất methanol từ lá và thân cây Dừa nước thô được phát hiện cho thấy hoạt tính chống tăng đường huyết đường uống đáng kể trên chuột nạp glucose ở mọi liều lượng. Hoạt tính chống tăng đường huyết tối đa được quan sát thấy ở liều 500mg chiết xuất methanol từ lá và thân cây Dừa nước/kg trọng lượng cơ thể, cao hơn so với tác dụng thu được khi dùng thuốc tiêu chuẩn Glibenclamide ở liều 10 mg glibenclamide/kg trọng lượng cơ thể).

Hoạt động giảm đau đáng kể cũng được chứng minh bởi chiết xuất methanol từ lá và thân cây Dừa nước trên mô hình chuột quằn quại do axit axetic. Chiết xuất gây ra sự ức chế tối đa 39,88% (p <0,001) đối với sự quằn quại ở liều 600 mg/kg trọng lượng cơ thể, tốt hơn kết quả thu được với thuốc chuẩn (200 mg aspirin/kg trọng lượng cơ thể, ức chế 49,34%). Nghiên cứu đã chỉ ra rằng chiết xuất methanol từ lá và thân cây Dừa nước có hoạt động chống tăng đường huyết và giảm đau đáng kể và do đó có tiềm năng lớn cần nghiên cứu thêm.

3.2 Ức chế quá trình sinh melanogenesis trong khối u ác tính

Phenolic và Flavonoid (axit caffeic, catechin, epicatechin và hirsutine) trong phân đoạn etyl axetat của cây Dừa nước đã được phân tích thông qua sắc ký lỏng khối phổ. Phân đoạn etyl axetat của cây Dừa nước ức chế đáng kể sự biểu hiện của tyrosinase (TYR) và các protein liên quan đến TYR 1 và 2 (TYRP-1/2), đây là những yếu tố chính tham gia vào quá trình hình thành hắc tố. Nghiên cứu cho thấy rằng phân đoạn etyl axetat của cây Dừa nước có thể là một nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể ức chế sự biểu hiện melanin quá mức bằng cách điều chỉnh các con đường hình thành hắc tố khác nhau.

Thịt quả có vị thơm ngọt
Thịt quả có vị thơm ngọt

4 Công dụng theo Y học cổ truyền

Quả có phôi nhũ trong có hương vị thơm ngon, dùng để ăn hoặc để nuôi lợn giúp lợn nhanh lớn.

Quày quả non hay bụp phèn đem xào nấu với vọp cũng rất ngon.

Phần nõn non còn dùng để làm thuốc lá.

Chất dịch ngọt được hứng từ cuống quày quả non được dùng để chế biến đường, rượu hoặc giấm.

Vỏ hạt cứng có thể chất rắn, màu đẹp nên thường dùng để làm cúc áo.

Lá cây Dừa nước được nhân dân địa phương dùng để lợp nhà, dựng vách. Phần lá non dùng để gói bánh nếp hay các vận dùng thường dùng như cơi trầu, gàu xách.

Phần bẹ của cây Dừa nước và sống lá được dùng để bện dây thừng, dệt thảm, làm dây buộc. Phần cơm dừa ăn ngon và mát nên Dừa nước còn có tên gọi là trái mát mật. Khi ăn thì cho cơm dừa, thêm đường, đá vào trộn đều, để khoảng 5-10 phút là có thể lấy ra ăn. Phần cơm dừa còn được dùng để làm nhân chè đậu xanh. Một số người cho rằng, cơm dừa nước còn dùng để chữa đái tháo đường và chứng nhức đầu nếu dùng đúng và đủ liều lượng.

Người ta thường dùng phần gốc của lá Dừa nước đem nướng, vắt nước dùng để trị bệnh hậu sản hoặc dùng làm thuốc trị ỉa chảy, liều dùng là 4-8g.

Nhân dân Philippin thường dùng lá cây Dừa nước, giã nát, dùng làm bột để trị các vết cắn của động vật, rết cắt, ngoài ra, còn dùng để trị loét.

5 Giá dừa nước là bao nhiêu?

Giá 1kg cơm quả có giá thành dao động khoảng từ 100.000 đến 150.000 đồng 1kg.

6 Tài liệu tham khảo

  1. Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 1. Dừa nước, trang 831-832. Truy cập ngày 20 tháng 2 năm 2025.
  2. Tác giả Hasan Reza và cộng sự (Ngày đăng tháng 10 năm 2011). Anti-hyperglycemic and antinociceptive activity of methanol leaf and stem extract of Nypa fruticans Wurmb, PubMed. Truy cập ngày 20 tháng 2 năm 2025.
  3. Tác giả So-Yeon Han và cộng sự (Ngày đăng tháng 11 năm 2022). Nypa fruticans Wurmb inhibits melanogenesis in isobutylmethylxanthine‑treated melanoma via the PI3K/AKT/mTOR/CREB and MAPK signaling pathways, PubMed. Truy cập ngày 20 tháng 2 năm 2025.

Các sản phẩm có chứa dược liệu Dừa Nước (Dừa Lá - Nypa fruticans Wurmb.)

1/0
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
0985.729.595