Dọt sành (Cây cẳng gà, cây bã mía, thanh táo rừng, bông trang giả - Pavetta indica L.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Trúc Ly Dược sĩ Lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Tracheophyta (Ngành thực vật có mạch) Magnoliopsida (Lớp Hai lá mầm (Ngọc Lan)) |
Bộ(ordo) | Gentianales (Long đởm) |
Họ(familia) | Rubiaceae (Cà phê) |
Chi(genus) | Pavetta L. |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Pavetta indica L. |

Cây Dọt sành thuộc dạng nhỏ hoặc cây nhỡ, cao khoảng 2–3m, thân và cành mảnh mai, mọc đối. Cành non có thể nhẵn hoặc mang lớp lông mịn. Lá cũng mọc đối, hình dạng bầu dục trái Xoan hoặc dạng mác thon, kích thước dao động từ 10–20cm dài, 2–7cm rộng. Dân gian dùng lá bánh tẻ giã nát đắp ngoài chữa mụn nhọt hoặc bôi vết bỏng do Giời Leo. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
Tên khoa học: Pavetta indica L.
Tên Tiếng Việt: Dọt sành, Cây cẳng gà, cây bã mía, thanh táo rừng, bông trang giả, kho som kao (Tày).
Tên nước ngoài: White pavetta (Anh), bois de pintade (Pháp).
Họ: Cà phê (Rubiaceae)
1 Đặc điểm thực vật

Cây thuộc dạng nhỏ hoặc cây nhỡ, cao khoảng 2–3m, thân và cành mảnh mai, mọc đối. Cành non có thể nhẵn hoặc mang lớp lông mịn. Lá cũng mọc đối, hình dạng bầu dục trái xoan hoặc dạng mác thon, kích thước dao động từ 10–20cm dài, 2–7cm rộng. Lá có gốc thuôn, đầu lá tù hoặc hơi nhọn, mặt trên lá nhẵn bóng, trong khi mặt dưới có thể có ít lông. Gân lá nổi rõ, lá kèm nhỏ, hình tam giác và dễ rụng.
Hoa mọc thành cụm xim tán ở đầu cành, thường ngắn hơn lá. Lá bắc rộng, hoa mang màu trắng hoặc tím nhạt. Đài hoa ngắn, có 4 răng hình tam giác; ống đài hẹp và giống hình chuông. Tràng hoa có 4 cánh thuôn dài, ống tràng hình trụ mảnh. Hoa có 4 nhị, chỉ nhị ngắn, bao phấn thò ra ngoài; bầu hoa có 2 ô.
Quả dạng mọng, hình thuôn hoặc cầu, khi chín ăn được, bên trong chứa 2 hạt màu nâu đen.
Mùa hoa quả: Từ tháng 8 đến tháng 12.
Cây có nhiều biến thể, bao gồm:
Pavetta indica L. var. canescens Pitard
Pavetta indica L. var. tomentosa Hook.
Pavetta indica L. var. nigrescens Pierre
2 Phân bố và sinh thái

Chi Pavetta L. chủ yếu bao gồm cây bụi hoặc cây gỗ nhỏ, phân bố rộng rãi tại các vùng nhiệt đới châu Á. Tại Việt Nam, chi này có 15 loài, trong đó 2 loài được sử dụng làm thuốc, bao gồm dọt sành.
Cây xuất hiện ở các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, và Malaysia. Tại Việt Nam, cây mọc rải rác ở vùng núi và trung du, từ Cao Bằng, Lạng Sơn tới khu vực Nam Tây Nguyên. Cây thích môi trường ẩm, ưa bóng, thường mọc dưới tán rừng cây lá rộng thường xanh. Ở vùng trung du, cây thường thấy trong các thảm thực vật dọc bờ suối, ở độ cao từ vài chục mét đến hơn 1000m. Dọt sành ra hoa và quả nhiều, tái sinh chủ yếu bằng hạt. Cây có thể nhân giống bằng hạt hoặc trồng từ cây con.
3 Bộ phận dùng
Rễ, lá, và gỗ của cây được sử dụng, có thể dùng tươi hoặc sau khi phơi sấy khô.
4 Thành phần hóa học

Rễ: Chứa glucosid, vỏ rễ có D-manitol và glucosid đắng tương tự salicin.
Cành: Chứa tinh dầu (0,55%), nhựa (1,9%), alcaloid (1,4%), và chất nhầy (7,8%).
Lá: Có phản ứng dương tính với alcaloid, chứa β-sitosterol, α-amyrin, quercetin, acid caffeic, acid chlorogenic và acid 3-epiursolic.
Chiết xuất methanol từ lá và cành Pavetta indica L. (MEPI) đã được phân tích bằng phương pháp sắc ký khí khối phổ (GC-MS) cho thấy sự hiện diện của 12 hợp chất, với các thành phần chính bao gồm:
- 5,6-Dehydrokawain (66,65%): Thành phần chiếm tỷ lệ cao nhất, có hoạt tính chống xâm lấn và chống di căn.
- 1-(2,6-Dihydroxy-4-methoxyphenyl)-3-phenyl-2-propen-1-one (18,76%): Hợp chất có tác dụng gây độc tế bào ung thư.
- Stigmast-5-en-3-ol (3,78%): Có hoạt tính chống tăng sinh và thúc đẩy apoptosis trên tế bào ung thư.
- Citral (2,25%): Hợp chất thơm có khả năng chống tăng sinh tế bào ung thư và kích thích apoptosis.
- Phytol (1,43%): Chất ức chế quá trình chuyển tiếp biểu mô – trung mô (EMT) trong tế bào ung thư gan.
Ngoài ra, các hợp chất khác bao gồm:
- Beta-Caryophyllene (0,68%)
- Methyl palmitate (0,75%)
- Caryophyllene oxide (0,73%)
5 Tác dụng dược lý

Theo tài liệu nước ngoài, rễ cây có tác dụng tẩy và lợi tiểu.
5.1 Hoạt tính chống ung thư
MEPI (Chiết xuất methanol từ lá và cành Pavetta indica L.) gây ra hiện tượng dừng chu kỳ tế bào tại pha sub-G1 và kích hoạt apoptosis thông qua con đường caspase-8, -3, -7 và c-PARP.
Giảm biểu hiện của các marker chuyển tiếp biểu mô – trung mô (EMT) như Vimentin, Snail, Slug, và MMP-9, góp phần ức chế khả năng di căn của tế bào ung thư.
Làm giảm đáng kể sự di chuyển và xâm lấn của tế bào ung thư vú ba âm tính (TNBC) dòng MDA-MB-231.
5.2 Cơ chế hiệp đồng với Doxorubicin (DOX)

Khi kết hợp với DOX, MEPI làm giảm khả năng sống sót của tế bào ung thư một cách hiệp đồng, với chỉ số hiệp đồng (CI) < 1.
MEPI giảm biểu hiện protein MRP1 – yếu tố liên quan đến hiện tượng kháng thuốc của tế bào ung thư.
5.3 Nhạy cảm hóa bức xạ
Kết hợp MEPI với chiếu xạ gamma liều 2 hoặc 4 Gy làm tăng tổn thương DNA (qua chỉ dấu γ-H2AX) và gây apoptosis mạnh hơn so với điều trị riêng lẻ.
Giảm sự hình thành khối u và gây dừng chu kỳ tế bào tại pha G1.
5.4 Hoạt tính kháng viêm và bảo vệ gan
Chiết xuất từ lá Pavetta indica L. thể hiện khả năng kháng viêm trên mô hình viêm ở chuột.
Có khả năng bảo vệ gan trên mô hình tổn thương gan ở chuột thí nghiệm.
6 Công dụng theo dân gian

6.1 Tính vị, công năng
Rễ cây có vị đắng pha ngọt, khi đun sôi có mùi thơm dễ chịu.
6.2 Công dụng

6.2.1 Theo kinh nghiệm dân gian
Gỗ: Sử dụng 10–20g gỗ sắc lấy nước uống, giúp chữa bệnh tê thấp.
Rễ: Kích thích tiêu hóa, giúp khai vị. Rễ sau khi rửa sạch, phơi khô, sao qua, tán nhỏ, ngâm rượu uống hàng ngày.
Lá: Dùng lá bánh tẻ giã nát đắp ngoài chữa mụn nhọt hoặc bôi vết bỏng do giời leo. Nước sắc lá dùng để tắm chữa ghẻ.
6.2.2 Ứng dụng ở các quốc gia khác
Ở Ấn Độ, rễ được dùng chữa vàng da, đau đầu, bệnh tiết niệu, phù và tắc phủ tạng.
Tại Malaysia, lá chữa ghẻ và mụn nhọt, rễ giúp giảm ngứa và nước sắc hỗ trợ phụ nữ sau sinh.
Ở Philippines, vỏ cây được dùng điều trị tắc phủ tạng ở trẻ nhỏ, lá giúp làm dịu đau trĩ.
Sử dụng thực phẩm và công nghiệp: Quả chín ăn tươi hoặc đóng hộp. Hoa được dùng làm rau ở Ấn Độ và chiết xuất thơm từ hoa dùng trong mỹ phẩm ở Thái Lan.

7 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Dọt sành, trang 678-679. Truy cập ngày 15 tháng 01 năm 2025.
Tác giả Yen Thi-Kim Nguyen và cộng sự (đăng ngày 18 tháng 06 năm 2019). Methanol Extract of Aerial Parts of Pavetta indica L. Enhances the Cytotoxic Effect of Doxorubicin and Induces Radiation Sensitization in MDA-MB-231 Triple-Negative Breast Cancer Cells. Molecules (Basel, Switzerland). Truy cập ngày 15 tháng 01 năm 2025.