Dầu Lai Có Củ (Ngô Đồng, Vạn Linh, Sen Núi, Sen Lục Bình - Jatropha podagrica)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Tracheophyta (Thực vật có mạch) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) | Malpighiales (Sơ ri) |
Họ(familia) | Euphorbiaceae (Thầu dầu) |
Chi(genus) | Jatropha |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Jatropha podagrica Hook. |

Dầu lai có củ thuộc dạng cây nhỏ, chiều cao mỗi cây khoảng từ 30 đến 60cm, một số cây có kích thước lớn hơn. Lá cây mọc so le, phiến lá có dạng hình bầu dục hoặc hình trứng. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Jatropha podagrica Hook.
Tên gọi khác: Vạn linh, Ngô đồng, Sen núi.
Họ thực vật: Euphorbiaceae (Thầu Dầu).
Cần tránh nhầm lẫn với cây Ngô đồng thân gỗ (tên khoa học là Firmiana simplex).

1.1 Đặc điểm thực vật
Dầu lai có củ thuộc dạng cây nhỏ, chiều cao mỗi cây khoảng từ 30 đến 60cm, một số cây có kích thước lớn hơn.
Thân cây có gốc phình to.
Lá cây mọc so le, phiến lá có dạng hình bầu dục hoặc hình trứng, lá gần tròn, mép lá có khía nông tạo thành 5 thùy, cuống lá dính vào trong phiến lá, gân mọc tỏa có dạng hình chân vịt, những lá kèm chia thành phiến hẹp.
Cụm hoa mọc thành ngù ở kẽ lá, hoa có màu đỏ, gồm 5 cánh dài.
Quả thuộc dạng quả nang, đường kính mỗi quả khoảng 1,5cm.
Mùa hoa từ tháng 5 đến tháng 7.
Dưới đây là hình ảnh cây Dầu lai có củ:

1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Lá và vỏ thân.
1.3 Đặc điểm phân bố
Trên thế giới, chi Jatropha L. có khoảng 175 loài, phân bố rộng rãi ở nhiều khu vực thuộc vùng nhiệt đới từ châu Mỹ đến châu Phi và châu Á. Tại nước ta, chi này có 5 loài, chủ yếu là các loài được trồng.
Dầu lai có củ là loài có nguồn gốc ở vùng Nam Mỹ, hiện nay được trồng ở nhiều nơi từ Trung Quốc đến các quốc gia thuộc Đông Nam Á và Nam Á. Tại Việt Nam, Dầu lai có củ thường được trồng trong các vườn gia đình, vườn chùa hay được trồng làm thuốc ở vườn của Trạm Y tế xã hoặc các cơ sở chữa bệnh theo Y học cổ truyền.
Dầu lai có củ về bản chất là loài ưa sáng, có khả năng hơi chịu bóng, chịu hạn cao, sinh trưởng và phát triển được trên nhiều loại đất khác nhau. Trong quá trình trồng ít cần chăm sóc đặc biệt là những cây trồng ở nơi có nhiều nắng, hạt có tỷ lệ nảy mầm cao. Dầu lai có củ còn có khả năng tái sinh dưỡng chất tốt từ những đoạn thân sau khi vùi xuống đất.

2 Thành phần hóa học
Nhựa mủ của cây Dầu lai có củ chứa 2 peptid cyclic có tên gọi là podacyclin A và podacyclin B.
Hạt của cây có chứa dầu béo, thành phần của dầu chủ yếu là acid palmitic, acid linoleic, acid oleic.
Các tài liệu khác ghi chép rằng, dầu béo có chứa acid béo no với thành phần chủ yếu là acid arachidonic và acid oleic.
Dầu lai có củ còn chứa xanthophyll có tác dụng ức chế hình thành melanin, không gây độc đối với tế bào.

3 Tác dụng của cây Dầu lai có củ
3.1 Tác dụng dược lý
Dầu lai có củ được sử dụng phổ biến trong Y học cổ truyền để điều trị nhiễm trùng da, có tác dụng như một loại thuốc hạ sốt, thuốc lợi tiểu và thuốc nhuận tràng. Các nhà khoa học đã nghiên cứu các chất chuyển hóa thứ cấp có trong lá cây Dầu lai có củ với mục đích xác định các hợp chất tự nhiên thể hiện hoạt động kháng vi-rút tiềm tàng. Năm chất chuyển hóa thứ cấp bao gồm một auronol glycoside, hai coumarin, một chromane và một gallotannin đã được phân lập từ lá cây Dầu lai có củ. Nghiên cứu cho thấy rằng, một số hoạt chất thể hiện tác dụng kháng virus, đây có thể coi là ứng cử viên tiềm năng để kiểm soát đại dịch.

Chiết xuất hexan, chloroform và methanol từ rễ gỗ và vỏ rễ cây Dầu lai có củ đã được nghiên cứu về hoạt tính kháng khuẩn của chúng đối với 18 loại vi khuẩn. Tất cả các chiết xuất đều thể hiện một số hoạt tính kháng khuẩn phổ rộng, ở nồng độ 20 mg/mL. Chiết xuất hexan thường hoạt động mạnh hơn chiết xuất chloroform và methanol. Chiết xuất hexan từ vỏ rễ cây vàng là hoạt tính mạnh nhất trong tất cả các chiết xuất và hoạt tính của nó tương đương với gentamycin nhưng tốt hơn về khả năng kiểm soát S. aureus và B. cereus. Ba trong số các chiết xuất, chiết xuất hexan từ vỏ rễ cây vàng và chiết xuất hexan và methanol từ gỗ rễ cây cho thấy hoạt tính kháng nấm vừa phải đối với nấm men, Candida albicans.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền

3.2.1 Tính vị, tác dụng
Y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng, Dầu lai có củ có vị ngọt, đắng, tính hàn, cây có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, chỉ thống, tiêu thũng.
3.2.2 Công dụng

Theo kinh nghiệm dân gian, Dầu lai có củ thường được sử dụng phần thân để làm thuốc chữa táo bón hoặc thuốc tẩy gây nôn. Lá cây dùng trong trường hợp ghẻ lở, cuống lá giã nát đắp trong trường hợp sa tử cung.
Nếu dùng cho bệnh nhân ho ra máu thì dùng lá và thân cây Dầu lai có củ đem giã dập sau đó chế nước sôi để uống.
Nhân dân Trung Quốc sử dụng 9-15g cả cây Dầu lai có củ đem giã nát, thêm rượu sau đó gạn lấy nước uống còn bã đắp khi bị rắn cắn.
4 Tài liệu tham khảo
- Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Ngô đồng, trang 406-407. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2025.
- Tác giả Yoon Seo Jang và cộng sự (Ngày đăng tháng 11 năm 2023). Antiviral Effects of Secondary Metabolites from Jatropha podagrica Leaves against the Pseudotyped Virus of SARS-CoV-2 Omicron, PubMed. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2025.
- Tác giả OO Aiyelaagbe và cộng sự (Ngày đăng tháng 2 năm 2000). The antimicrobial activity of roots of Jatropha podagrica (Hook), PubMed. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2025.