Coca (Erythroxylum coca Lam.)

0 sản phẩm

Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:

Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Tracheophyta (Thực vật có mạch)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Rosids (nhánh hoa Hồng)

Bộ(ordo)

Malpighiales (Sơ ri)

Họ(familia)

Erythroxylaceae (Coca)

Chi(genus)

Erythroxylum

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Erythroxylum coca Lam.

Coca (Erythroxylum coca Lam.)

Coca thuộc dạng cây nhỡ, chiều cao mỗi cây khoảng từ 3 đến 5 mét nhưng khi trồng thì kích thước thường nhỏ hơn. Cây Coca có chứa cocain là một chất gây nghiện gây nguy hiểm. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Erythroxylum coca Lam.

Họ thực vật: Erythroxylaceae (Coca).

2 Cây Coca là cây gì?

Coca và Cocain
Coca và Cocain

Coca thuộc dạng cây nhỡ, chiều cao mỗi cây khoảng từ 3 đến 5 mét nhưng khi trồng thì kích thước thường nhỏ hơn.

Lá cây mọc so le, cuống lá ngắn, có 2 lá kèm thường biến đổi thành gai. Phiến lá của cây Coca có hình bầu dục, mép lá nguyên, mặt trên của lá có màu xanh lục nhạt, mặt dưới có màu nhạt hơn mặt trên. Hai bên của gân chính có kèm theo gân giả cong lồi lên, đây cũng chính là nếp gấp của lá khi còn ở trong chồi.

Hoa mọc thành xim ở kẽ lá hoặc lá bắc, kích thước hoa đều, hoa lưỡng tính. Cuống hoa ngắn, tràng 5 hoa, nhánh hoa có màu trắng, mặt trong của cánh hoa có 1 lưỡi nhỏ, 10 nhị dính với nhau ở gốc. Bầu 3 vòi rời nhau.

Quả thuộc dạng quả hạch có kích thước nhỏ, quả có màu đỏ tươi, còn đài tồn tại, mỗi quả có chứa 1 hạt có nội nhũ.

Dưới đây là hình ảnh cây Coca:

Hình ảnh cây Coca
Hình ảnh cây Coca

Xem thêm: Hiểm họa khôn lường đến từ việc sử dụng cocain có thể bạn chưa biết

2.1 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Lá.

Thời điểm thu hái: Năm thứ 2 sau khi trồng cây.

Chế biến: Phơi hay sấy khô.

2.2 Đặc điểm phân bố

Coca có nguồn gốc ở khu vực nhiệt đới và á nhiệt đới của Nam châu Mỹ. Một số nước có sản lượng coca cao có thể kể đến như:

  • Peru với sản lượng năm 1963 đạt 12.000 tấn lá.
  • Bolivia với sản lượng năm 1963 đạt 3.000 tấn lá.
  • Colombia với sản lượng đạt vài trăm tấn lá mỗi năm.
  • Indonesia với sản lượng năm 2920 đạt 1.500 tấn lá nhưng hiện nay giảm còn 2 tấn lá mỗi năm.

Trên thực tế, sản lượng này có thể nhiều hơn.

Hình ảnh lá và hoa của cây Coca
Hình ảnh lá và hoa của cây Coca

Người ta cũng phân biệt nhiều chủng coca với các đặc điểm thực vật khác nhau, bao gồm:

  • Chủng Erythroxylum coca Lank của Bolivia và Peru trồng và khai thác có đặc điểm là lá dai, kích thước lớn, thường trồng ở vùng cao.
  • Chủng Erythroxylum coca var. spruceana Burck trồng và khai thác ở Giava của Indonesia có đặc điểm là lá mỏng, kích thước nhỏ hơn, thường trồng ở đồng bằng hoặc vùng thấp.
  • Chủng Erythroxylum coca var. novogranatense Morris có đặc điểm là lá tròn và rộng.

Coca được trồng bằng hạt giống cây Coca, người dân Bolivia thường trồng ở những khu vực có độ cao khoảng từ 300 đến 1800 mét, nhiệt độ trung bình năm dao động khoảng từ 18 đến 26 độ C. Tuy nhiên, cây chỉ thường được trồng trong phạm vi gia đình. Lá được thu hoạch vào năm thứ 2 sau khi trồng cây. Sau khi thu hoạch thì tiến hành sấy hoặc phơi khô, đóng thành từng bao, mỗi bao có trọng lượng khoảng 30 đến 50kg. Ước tính mỗi hecta cho thu hoạch khoảng 85kg lá mỗi vụ, một năm cho thu hoạch khoảng 340 đến gần 360kg, nếu quy trình chăm sóc tốt thì có thể thu hoạch được 800kg, mỗi năm thu hoạch lá từ 2-4 lần.

Coca được nhập trồng vào nước ta từ lâu (khoảng những năm 1930) nhưng không được nhân rộng và phát triển. Cây phân bố rộng rãi từ Bắc vào Nam.

Đặc điểm thực vật
Đặc điểm thực vật

3 Thành phần hóa học

Lá của cây coca có chứa:

  • Nước (chiếm 6-7%).
  • Chất vô cơ (chiếm 8 đến 10%).
  • Tanin chiếm tỷ lệ thấp.
  • Acid chlorogenic.

Trước đây, các nhà khoa học xác định trong lá của cây Coca có chứa cocaxitrin và cocaflavin nhưng hiện nay, các chất này tương ứng với rutozit và izoquexitrozit với tỷ lệ 0,05 đến 0,1% tinh dầu, thành phần tinh dầu có chứa salicylat metyl, Vitamin B1, B2, Vitamin C và chất sáp.

Lá của cây Coca
Lá của cây Coca

Coca chứa alcaloid với hàm lượng từ 0,5 đến 2% gồm dẫn xuất của N-methylpyrrolidine (hygrin và cuscohygrin) và dẫn xuất của pseudo tropanol (đây là thành phần quan trọng nhất), người ta lại phân dẫn xuất này ra thành:

  • Ester của ecgonic gồm cocain (hay methylbenzoylecgonin), xinamylcocain, truxillin hay cocamin.
  • Tropacocain nghĩa là benzoylpseudotropanol.

Bên cạnh đó, tác giả Hegnauer còn phát hiện thấy nicotin với hàm lượng thấp. Tỷ lệ các alcaloid cũng thay đổi tùy thuộc vào nguồn gốc của cây Coca, cụ thể như sau:

  • Lá cây Coca được trồng ở Bolivia chứa cocain và cuscohygrin.
  • Lá cây Coca được trồng ở Peru chứa cocain và xinamylcocain.
  • Lá cây Coca được trồng ở Giava có chứa xinamylcocain và tropacocain với hàm lượng thấp.

Xem thêm: Cây thuốc phiện (Hoa Anh Túc - Papaver somniferum) có bị cấm không?

4 Tác dụng của cây Coca

Hoa của cây Coca
Hoa của cây Coca

4.1 Tác dụng dược lý

Các thổ dân thuộc vùng miền nam của châu Mỹ đã biến sử dụng lá Coca từ lâu đời, họ cho rằng, lá Coca là một loại thuốc bổ, sau khi nhai lá thì không còn cảm giác đói khát, nguyên nhân do thành phần cocain có tác dụng làm tê niêm mạc dạ dày. Bên cạnh đó, họ cũng cho rằng, việc sử dụng lá Coca còn có tác dụng giúp họ tăng cường sức khỏe, làm việc nặng nhọc mà không cảm thấy mệt mỏi. Trên thực tế, đây chỉ là tác dụng gây tê của alcaloid chứ không phải một loại thuốc bổ.

Thành phần cocain được sử dụng như một loại thuốc gây tê bề mặt, cơ chế tác dụng của thuốc là tác động lên đoạn cuối của thần kinh cảm giác đồng thời thể hiện tác dụng gây co mạch với cơ chế tác dụng giống giao cảm.

Khi dùng trong, cocain lại là một chất độc đối với hệ thần kinh, ban đầu, thuốc làm cho cơ thể có cảm giác phấn chất, các cơ được tăng thêm sức mạnh nhưng sau đó lại gây hiện tượng xỉu. Sử dụng liều cao cocain sẽ kích thích sau đó dẫn tới co quắp và sau cùng là liệt hô hấp. Các chất phân hủy của cocain ít thấy tác dụng dược lý.

Các nhà khoa học phân biệt 2 loại nghiện:

Nghiện nhai lá coca

Có khoảng 5-6 triệu người dân miền nam châu Mỹ có hiện tượng nghiện nhai lá Coca, ước tính số lượng có thể lên đến vài kilogam mỗi năm. Họ nhai tương tự như nhai lá Trầu Không, có thể nhai với tro bếp, khi nhai thì sức làm việc tăng nhưng dần dần cơ thể sẽ suy sụp, gầy yếu

Nghiện tiêm và hít cocain

HIện tượng này xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Người nghiện luôn phải sử dụng cocain dưới dạng tiêm hoặc hít để tìm kiếm sự sảng khoái nhất thời, liều dùng cũng vì thế mà ngày một tăng lên, các biến chứng cũng dần xuất hiện theo thời gian như tinh thần suy sụp, gặp ảo giác, có biến chứng liên quan đến thị lực và thính giác,...

4.2 Công dụng theo Y học cổ truyền

Tiêu bản của cây Coca
Tiêu bản của cây Coca

Trong Y học, lá của cây Coca (chứa ít nhất 0,7% alcaloid, trong đó thành phần chủ yếu là cocain) sẽ được dùng làm thuốc nhưng thuốc này xếp vào nhóm gây nghiện, khi dùng cần phải theo dõi thận trọng để tránh tình trạng nghiện thuốc ở người bệnh. Các chế phẩm làm từ lá Coca như cao lỏng, cồn, bột chứa trên 5 phần nghìn alcaloid cũng phải theo dõi thận trọng và được xếp vào nhóm thuốc gây nghiện.

Trước đây, nhiều người thường sử dụng lá Coca như một loại thuốc bổ nhưng hiện nay ít dùng. Nước hãm từ lá Coca có thể dùng ngoài để làm thuốc súc miệng.

Hiện nay, lá Coca được sử dụng chủ yếu để làm nguyên liệu chiết xuất cocain dưới dạng clohydrat cocain, đây là một loại thuốc độc gây nghiện, liều dùng tối đa là 0,03 đến 0,06, thuốc này được dùng làm thuốc gây tê tại chỗ trong lĩnh vực nha khoa.

Người ta đã ước tính số lượng cocain được sử dụng trong ngành Y dược trên toàn thế giới là dưới 2 tấn/năm (chiếm 4% tổng lượng lá coca đem sản xuất trên toàn thế giới). Pháp sản xuất 200kg cocain mỗi năm và vẫn phải nhập rất nhiều lá coca hoặc cocain từ những nơi trồng coca trên toàn thế giới.

Lá coca được dùng để làm nguyên liệu chế nước uống giải khát và nhai: Đây là lĩnh vực được cho có nhu cầu sử dụng lá Coca lớn nhất, khoảng hàng nghìn tấn mỗi năm (số liệu được công bố chính thức). Tuy nhiên, người ta cũng tìm nhiều cách khác nhau nhằm hạn chế nhu cầu này nhưng còn gặp nhiều khó khăn do người dân có truyền thống nhai lá coca với tro bếp. Bên cạnh đó, lá Coca còn được dùng làm nguyên liệu để chế nước giải khát (nước uống Coca-Cola) cũng rất lớn. Để tránh tình trạng gây nghiện, từ năm 1961, tại hội nghị quốc tế đã quy định phải loại bỏ hết cách chất cocain, ecgonin, alcaloid dẫn xuất của ecgonin khỏi lá coca.

Tại một số tỉnh thuộc miền Nam nước ta, họ thường nhập cao Coca về để chế nước Coca, tuy nhiên lại không biết rõ quy trình chế cao Coca như thế nào, do đó, để đảm bảo an toàn, không nên sử dụng loại nước uống này mà sử dụng những nguyên liệu có sẵn trong nước để chế nước uống cho phù hợp với nhu cầu.

5 Một số câu hỏi thường gặp

Cây Coca có chứa chất ma túy không?
Cây Coca có chứa chất ma túy không?

5.1 Cây Coca có độc không?

Cây Coca có chứa cocain là một chất gây nghiện, ban đầu sau khi sử dụng, người bệnh có biểu hiện hưng phấn, các cơ bắp được tăng thêm sức lực, nhưng việc sau đó sẽ có hiện tượng xỉu, sử dụng liều cao các cơ có dấu hiệu co quắp và sau đó là liệt hô hấp, gây ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, không khuyến cáo sử dụng lá cây coca dưới mọi hình thức để đảm bảo an toàn.

5.2 Cây Coca có chứa chất ma túy không?

Theo đó, trong thành phần của cây Coca có chứa hoạt chất Cocain là một chất gây nghiện. Cocain được sử dụng trong Y học với mục đích gây tê trong nha khoa, các chế phẩm từ lá Coca đều được xếp vào nhóm thuốc gây nghiện và cần phải theo dõi thận trọng trong quá trình sử dụng để tránh gây nghiện cho người bệnh.

Bên cạnh đó, Pháp luật Việt Nam cũng quy định Coca có chứa chất ma túy, do đó, việc trồng, sản xuất, buôn bán, sử dụng,... đều được coi là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định.

Hiện nay, cocain được nhiều đối tượng bán dưới dạng bột hoặc dạng tinh thể màu trắng. Việc sử dụng Cocain có thể gây nên tình trạng ngộ độc cấp tính, phản ứng có thể xảy ra ở người mới sử dụng hoặc đã sử dụng lâu năm. Việc sử dụng Cocain trong thời gian dài có thể sẽ gây nghiện.

6 Tài liệu tham khảo

Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Cô Ca trang 921-924. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2025.

Tác giả M Novák và cộng sự (Ngày đăng tháng 5 năm 1984). Biological activity of the alkaloids of Erythroxylum coca and Erythroxylum novogranatense, PubMed. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2025.

Các sản phẩm có chứa dược liệu Coca (Erythroxylum coca Lam.)

1/0
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
0985.729.595