Chay Bắc bộ (Artocarpus tonkinensis)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) |
Bộ(ordo) | Rosales (Hoa hồng) |
Họ(familia) | Moraceae (Dâu tằm) |
Chi(genus) | Artocarpus |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Artocarpus tonkinensis A. Chev. ex Gagnep. |

1 Giới thiệu
Tên khoa học: Artocarpus tonkinensis A. Chev. ex Gagnep.
Tên gọi khác: Chay vỏ tía.
Họ thực vật: Moraceae (Dâu tằm).
1.1 Đặc điểm thực vật

Chay Bắc bộ là loài cây gỗ lớn, có thể phát triển đến chiều cao khoảng 15 mét. Thân cây mọc thẳng, nhẵn bóng và phân nhiều cành nhánh. Cành và lá non có lớp lông mịn như nhung bao phủ, sau đó trở nên nhẵn; vỏ thân có màu xám.
Lá mọc cách, sắp xếp thành hai dãy dọc theo cành. Phiến lá có hình bầu dục hoặc trái Xoan, dài từ 7 đến 15 cm, rộng khoảng 3 đến 7 cm. Phần đầu lá nhọn, gốc tròn, gân lá nổi rõ. Mặt dưới của lá có lớp lông ngắn màu nâu hung.
Cụm hoa mọc đơn độc ở kẽ lá. Quả là loại quả tụ, có hình gần tròn, cuống ngắn màu vàng. Thịt quả mềm, màu hồng, có vị chua; hạt lớn, chứa nhiều nhựa dính.
1.2 Thu hái và chế biến
Quả và rễ là hai bộ phận được sử dụng làm dược liệu, với tên dược là Fructus et Radix Artocarpi Tonkinensis.
1.3 Đặc điểm phân bố
Cây Chay Bắc bộ thường xuất hiện trong các khu rừng nguyên sinh, sinh trưởng tốt ở nơi có độ ẩm cao và nhiều ánh sáng. Loài cây này được tìm thấy nhiều ở khu vực ven rừng, chân núi và dọc theo các con suối hoặc sông. Ngoài môi trường tự nhiên, cây cũng được trồng để thu hái quả ăn và sử dụng phần vỏ dày ăn kèm trầu cau.
Mùa ra hoa từ tháng 3 đến tháng 5, trong khi quả thường chín từ tháng 6 đến tháng 9.
Phân bố: Cây phân bố tự nhiên chủ yếu tại các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ Việt Nam như: Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Nam, Thanh Hóa và Nghệ An. Ngoài ra, loài này cũng có mặt tại một số khu vực ở Trung Quốc.

2 Thành phần hóa học
Vỏ rễ cây chứa hàm lượng lớn tanin, một hợp chất có tác dụng se niêm mạc, chống viêm và cầm máu.
Một Flavonoid glucoside có hoạt tính sinh học mới (5-hydroxy-8-hydroxymethyl-8-methyl-2-[4-(3,4,5-trihydroxy-6-hydroxymethyl-tetrahydro-pyran-2-yloxy)-phenyl]-8H-pyrano[3,2-g]chromen-4-one) có khối lượng phân tử trung bình là 514,49 Da đã được phân lập. Các nhà khoa học đã đặt tên cho hợp chất này là artonkin-4'-O-glucoside. Ba flavonoid glucoside có hoạt tính khác được phân lập và mô tả là alphitonin-4-O-beta-D-glucoside, maesopsin-4-O-beta-D-glucoside và kaempherol-3-O-beta-D-glucoside. Cả bốn hợp chất đều được phát hiện có tác dụng chống viêm với các hiệu lực khác nhau.
3 Tác dụng của cây Chay Bắc bộ
Chay Bắc bộ là một loại cây mọc ở miền Bắc Việt Nam, nước sắc từ lá của cây được dân tộc H'Mông dùng làm bài thuốc truyền thống để chữa viêm khớp và đau lưng. Các nhà khoa học đã thực hiện một nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả và cơ chế tác dụng của thuốc sắc trên chuột DBA/1J bị viêm khớp do Collagen (CIA).
Chuột được điều trị bằng thuốc sắc (At) từ lần tiêm chủng collagen đầu tiên hoặc sau khi phát triển CIA đều ít bị phù khớp và thâm nhiễm viêm hơn đáng kể, trong khi tổn thương sụn do CIA chỉ có thể được ngăn ngừa bằng cách điều trị At sớm. Hồ sơ biểu hiện gen tự miễn dịch cho thấy chemokine CCL20 liên quan đến tế bào Th17 và các cytokine IL-6, IL-17 và IL-22 bị giảm mạnh bởi At. Giảm biểu hiện của IL-2 , IL-17 , IL-22 và FasL trong các tế bào hạch bạch huyết từ chuột được điều trị bằng At đã được xác nhận thêm bằng PCR thời gian thực. Thuốc sắc cũng ức chế sự phân cực của tế bào Th17 từ tế bào T lách CD4 + theo mức độ IL-17 và RORC, một yếu tố phiên mã đặc hiệu của tế bào Th17. Phân tích sắc ký xác định thành phần chính của At là maesopsin-β- D -glucoside, có thể ức chế sự biệt hóa trong ống nghiệm của tế bào Th17. Thuốc sắc làm giảm đáng kể các dấu hiệu và triệu chứng của CIA và ức chế sự phát triển và chức năng của tế bào Th17, làm nổi bật hoạt động chống viêm mạnh mẽ của loại dược liệu này.

4 Công dụng theo Y học cổ truyền
4.1 Tính vị, tác dụng
Quả có vị chua, tính bình. Tác dụng chủ yếu gồm: thanh nhiệt, thu liễm, cầm máu, hỗ trợ tiêu hoá, kích thích vị giác và giúp ăn ngon.
Rễ có vị chát, cũng có tác dụng làm se, giảm đau nhẹ và hỗ trợ điều trị một số bệnh viêm nhiễm.
4.2 Công dụng
Quả chay chín được dùng ăn trực tiếp hoặc nấu canh chua. Khi không sử dụng ngay, quả có thể phơi khô để dùng dần.
Dân gian dùng quả chay để điều trị các chứng: nóng phối, ho ra máu, xuất huyết tiêu hóa, chảy máu cam, đau họng, dạ dày kém tiết acid hoặc kém ăn. Cách dùng phổ biến là ăn 5-7 quả chín hoặc ép lấy nước uống. Nếu không có quả tươi, có thể dùng 30-60g quả chay khô hoặc rễ chay sắc lấy nước uống.
Rễ chay còn được ăn kèm trầu cau. Trong y học cổ truyền, rễ được dùng điều trị các bệnh như: đau lưng, mỏi gối, tê thấp, rong kinh, bạch đới, giúp chắc răng. Liều dùng thường là 20-40g ở dạng thuốc sắc.

5 Cây Chay Bắc bộ trị bệnh gì?
5.1 Trị đau lưng, mỏi gối, tê thấp
Rễ và lá chay 20g.
Thổ Phục Linh 15g.
Thiên niên kiện 16g.
Các vị đem sắc với 600ml nước còn 200ml, chia làm 2 lần uống trong ngày.

5.2 Chữa rong kinh, khí hư (bạch đới)
Rễ chay 50-60g.
Rễ cỏ tranh 50-60g.
Các vị đem sắc uống trong ngày.
6 Tài liệu tham khảo
- Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 1. Chay Bắc bộ, trang 406-407. Truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2025.
- Tác giả Sabrina Adorisio và cộng sự (Ngày đăng 31 tháng 5 năm 2019). Artocarpus tonkinensis Protects Mice Against Collagen-Induced Arthritis and Decreases Th17 Cell Function, PubMed. Truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2025.
- Tác giả D T N Dang và cộng sự (Ngày đăng tháng 2 năm 2009). A novel anti-inflammatory compound, artonkin-4'-O-glucoside, from the leaves of Artocarpus tonkinensis suppresses experimentally induced arthritis, PubMed. Truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2025.