Cà phê chè (Cà phê Arabica - Coffea arabica L.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (Nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) | Gentianales (Long đởm) |
Họ(familia) | Rubiaceae (Cà phê) |
Chi(genus) | Coffea |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Coffea arabica L. |

1 Giới thiệu
Tên khoa học: Coffea arabica L.
Tên gọi khác: Cà phê Arabica.
Họ thực vật: Rubiaceae (Cà phê).
1.1 Đặc điểm thực vật

Đây là loài cây thân gỗ nhỏ, thường cao từ 4 đến 5 mét. Cành có gờ cạnh, khi non có màu nâu đen, khi già chuyển sang màu xám. Lá cây có dạng thuôn dài, hình trứng ngược, đầu lá tù, gốc nhọn; mặt trên xanh bóng, mặt dưới nhạt màu hơn và có gân mảnh nhưng nổi rõ. Lá kèm có dạng thuôn nhọn, phần gốc rộng.
Hoa mọc thành chùm xim ở nách lá, mỗi chùm gồm 8 đến 15 hoa màu trắng. Đài hoa nhỏ, hình chóp cụt, ống ngắn. Hoa có 5 cánh thuôn dài, ống tràng mảnh và dài. Nhị gồm 5, đính trên họng ống tràng, chỉ ngắn, bao phấn dẹt hình dải, đầu nhọn. Bầu nhụy chia thành hai ô, mỗi ô chứa một noãn. Vòi nhụy ngắn, đầu chia hai thùy. Quả thuộc loại hạch, hạt bên trong có lưng lồi cứng, bụng phẳng, thường dài khoảng 10mm và rộng 6–7mm.
1.2 Thu hái và chế biến
Hạt, được gọi là Semen Coffeae trong dược liệu học.
Hạt có thể thu hoạch quanh năm. Sau khi thu hái, hạt được tách vỏ rồi đem phơi khô để bảo quản hoặc chế biến.
1.3 Đặc điểm phân bố

Coffea arabica có nguồn gốc từ vùng Abixini ở Ethiopia. Loài này được thuần hóa từ thế kỷ 14 tại bán đảo Ả Rập và sau đó lan rộng ra nhiều vùng, đặc biệt là Trung và Nam Mỹ. Qua quá trình lai tạo và chọn lọc, hiện tồn tại nhiều giống như Typica, Moka, Bourbon, Caturra, Mundo Novo. Loài cây này phát triển tốt trên đất đỏ bazan, không chịu được khí hậu có sương muối. Cây bắt đầu cho quả sau khoảng 3 năm trồng.
Phân bố: Ở Việt Nam, cây được trồng phổ biến tại các tỉnh có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Nghệ An và Quảng Trị.
2 Thành phần hóa học
Hạt cà phê xanh chứa hơn 50% carbohydrate, chủ yếu là polysaccharide. Ngoài ra còn có lipid (10–15%), protein (10–15%) và các acid hữu cơ, đặc biệt là acid chlorogenic (còn gọi là acid cafeinquinic). Hàm lượng Cafein trong C. arabica dao động từ 0,5–1,8%, trung bình khoảng 1–1,3%, thấp hơn nhiều so với cà phê vối (1,3–5,2%).
Khi rang, hạt cà phê sản sinh các hợp chất tạo hương thơm đặc trưng, được gọi chung là cafeol, gồm acid cafeic, oleic, linoleic và palmitic, chiếm khoảng 0,05%. Tuy nhiên, trong quá trình rang cũng xuất hiện một hợp chất độc tiềm tàng gọi là cafeotoxin (khoảng 0,07%), có thể gây hại nếu tích lũy với liều cao hoặc kéo dài.
Tính đến tháng 5 năm 1975, các nhà khoa học đã xác định được 468 hợp chất trong cà phê; con số này đến nay đã vượt quá 600 thành phần.

3 Tác dụng của cây Cà phê chè
Một nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá xem chiết xuất nước của cây Cà phê chè, được chế biến từ hạt cà phê có mức độ rang khác nhau và các thành phần hóa học chính có thể phát huy tác dụng chống bệnh gút trong cơ thể sống hay không.
Chiết xuất cà phê được lấy từ hạt cà phê chưa rang, rang nhạt, rang vừa và rang đậm và từ cà phê không chứa caffein và cà phê truyền thống và được pha chế với nước ở nhiệt độ 25°C và 98°C. Chuột C57BL/6 được gây bệnh gút bằng cách tiêm tinh thể urat monosodium và được điều trị bằng chiết xuất cà phê với liều lượng 25, 75 và 225 mg/kg và thành phần hóa học của chúng với liều lượng 10 mg/kg. Các tác dụng giảm đau và chống viêm đã được đánh giá.
Cà phê chè làm giảm bệnh gút và hiệu quả này có thể là do giảm cảm giác đau quá mức, di chuyển bạch cầu trung tính và nồng độ cytokine. Những kết quả này cho thấy cà phê là ứng cử viên tiềm năng cho các nghiên cứu về liệu pháp điều trị bệnh gút cấp tính.

4 Công dụng theo Y học cổ truyền
4.1 Tính vị, tác dụng
Cà phê có vị đắng, mang lại tác dụng kích thích thần kinh trung ương, giúp tỉnh táo, tăng nhịp tim, lợi tiểu và hỗ trợ tiêu hóa. Ngoài ra, nó làm co mạch ngoại vi và mạch ở một số cơ quan như phổi, thận, mũi, vành tim. Tuy nhiên, nếu dùng liều cao hoặc kéo dài, cà phê có thể gây kích thích quá mức, dẫn đến mất ngủ, bồn chồn, đau dây thần kinh và các biểu hiện trầm cảm. Đặc biệt, khi đun sôi, cafeotoxin, thành phần độc, sẽ bị phá hủy.
4.2 Công dụng
Cà phê Arabica thường được biết đến với tác dụng tăng cường tim và thần kinh, nhưng trong y học dân gian ở một số nơi, như ở Ả Rập và Châu Phi, C. arabica được dùng để điều trị đau đầu, đau nửa đầu, cúm, thiếu máu, phù nề, suy nhược, hen suyễn, viêm và vết thương.
Hạt cà phê sau khi rang có mùi thơm đặc trưng, thường được xay thành bột để pha chế thành cà phê uống, cà phê hòa tan, cà phê sữa hoặc cà phê đã loại bỏ cafein. Hạt còn được sử dụng để chiết xuất cafein, một hoạt chất dùng trong ngành dược phẩm dưới dạng viên uống hoặc thuốc tiêm dưới da nhằm kích thích thần kinh và tim mạch.
Cà phê là thức uống rất phổ biến tại Việt Nam cũng như trên thế giới, đồng thời là một mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao.
Chống chỉ định: Không nên sử dụng cà phê ở những người bị rối loạn thần kinh hoặc mắc bệnh viêm cơ tim đang tiến triển.

5 Một số câu hỏi thường gặp
5.1 1kg cafe arabica bao nhiêu tiền?
Giá thành 1kg Arabica dao động khoảng từ 280.000 đến 450.000 đồng.
5.2 Mua cà phê Arabica ở đâu?
Bạn đọc có thể tìm mua Cà phê Arabica trên các sàn thương mại điện tử, nên lựa chọn những địa chỉ uy tín, thương hiệu lâu năm để sử dụng.
5.3 Cà phê Việt Nam là Arabica hay Robusta?
Tại nước ta, Arabica và Robusta đều được trồng nhằm mục đích tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tuy nhiên Robusta vẫn được trồng phổ biến, chiếm đa số sản lượng cà phê tại nước ta.
5.4 Arabica ở đâu ngon nhất?
Theo những người trong nghề, Cà phê Arabica ở Đà Lạt cho hương vị thơm ngon nhất do thời tiết và thổ nhưỡng ở đây là điều kiện lý tưởng cho loại cà phê này.
6 Tài liệu tham khảo
- Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 1. Cà phê chè, trang 292-293. Truy cập ngày 11 tháng 5 năm 2025.
- Tác giả Rafaela Cunha Matosinhos và cộng sự (Ngày đăng tháng 2 năm 2022). Coffea arabica extracts and their chemical constituents in a murine model of gouty arthritis: How they modulate pain and inflammation, PubMed. Truy cập ngày 11 tháng 5 năm 2025.