Bông Bông Núi (Calotropis procera)

0 sản phẩm

Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:

Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Asterids (nhánh hoa Cúc)

Bộ(ordo)

Gentianales (Long đởm)

Họ(familia)

Asclepiadaceae (Thiên lý)

Chi(genus)

Calotropis

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Calotropis procera (Ation) (Dryand. ex) W. T. Aiton

Bông Bông Núi (Calotropis procera)

Bông bông núi thuộc dạng cây bụi nhỏ, cành non phủ nhiều lông, sau nhẵn. Lá cây khi còn non có phủ một lớp lông như bông. Cụm hoa mọc thành xim như ngù, chiều dài cuống hoa từ 8-12cm. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Calotropis procera (Ation) (Dryand. ex) W. T. Aiton

Tên gọi khác: Bông bông quý.

Họ thực vật: Asclepiadaceae (Thiên lý).

1.1 Đặc điểm thực vật

Đặc điểm thực vật của cây Bông bông núi
Đặc điểm thực vật của cây Bông bông núi

Bông bông núi thuộc dạng cây bụi nhỏ, cành non phủ nhiều lông, sau nhẵn.

Lá cây khi còn non có phủ một lớp lông như bông.

Cụm hoa mọc thành xim như ngù, chiều dài cuống hoa khoảng từ 8 đến 12cm, hoa có tràng hoa hình chuông, đường kính mỗi hoa khoảng 2,5cm, các thùy có hình trái Xoan, nhọn, có màu tía, viền màu trắng ở gốc, phần dưới lại có màu trắng bạc, nhị tạo thành một khối đứng ở giữa hoa, bao phấn có ngựa mọc vào trong.

Quả thuộc dạng quả đại, chiều dài khoảng 7-10cm, hột dẹt, có lông mào dài.

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Lá, vỏ và rễ.

Quả của cây Bông bông núi
Quả của cây Bông bông núi

1.3 Đặc điểm phân bố

Bông bông núi được tìm thấy ở Ấn Độ, các nước nhiệt đới Châu Phi và Việt Nam. Tại nước ta, cây thường phân bố ở Bình ĐỊnh, Khánh Hòa.

Bông bông núi thường mọc tập trung trên các truông gai cây bụi khô cằn hoặc trên bãi cát ven biển. Cây tái sinh tự nhiên khỏe, có thể trồng bằng cách giâm thân cành.

2 Thành phần hóa học

Toàn cây Bông bông núi
Toàn cây Bông bông núi

Lá và thân cây Bông bông núi có chứa calotropin và calotropagenin.

Nhựa cây có chứa uscharin 0,45%, calotin 0,15%, calotoxin 0,15% và 5 steroid glucid trợ tim cùng với một aglycon và calotropagenin.

3 Tác dụng của cây Bông bông núi

3.1 Thúc đẩy quá trình làm lành vết thương

Các mô hình chuột Wistar được điều trị bằng chiết xuất nước của lá cây Bông bông núi với liều lượng 25 mg/kg cho vết thương rạch và 50 mg/kg cho vết thương cắt bỏ cho thấy sức bền đứt của da khâu tăng đáng kể và tốc độ co vết thương lớn hơn, dẫn đến giảm thời gian biểu mô hóa. Tính chất chữa lành vết thương của chiết xuất nước của lá cây Bông bông núi có thể là do các thành phần hóa học dẫn đến tăng sinh fibrin.

3.2 Chống oxy hóa

Cây Bông bông núi
Cây Bông bông núi

Nhiều nghiên cứu khác nhau đã liên kết căng thẳng oxy hóa với một số bệnh tim mạch như suy tim sung huyết, bệnh cơ tim, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, phì đại tim và thiếu máu cục bộ.

Phân tích hóa thực vật của chiết xuất nước của lá cây Bông bông núi đã báo cáo sự hiện diện của phenol và beta-carotene. Beta-carotene là chất chống oxy hóa mạnh và là chất ức chế oxy đơn hiệu quả nhất. Khả năng dọn gốc tự do DPPH (1, 1-diphenyl-2-picrylhydrazyl), ức chế gốc oxit nitric và thử nghiệm sức mạnh khử đã cho thấy tiềm năng chống oxy hóa của chiết xuất nước của lá cây Bông bông núi, phụ thuộc vào liều lượng.

3.3 Chống tăng bilirubin máu

Các mô hình chuột Wistar tăng bilirubin máu do phenylhydrazine và Paracetamol gây ra được điều trị bằng chiết xuất nước của lá cây Bông bông núi đã cho thấy mức giảm bilirubin huyết thanh toàn phần, tương tự như Silymarin, đã được chứng minh là có đặc tính bảo vệ gan. Đặc tính chống tăng bilirubin máu của chiết xuất nước của lá cây Bông bông núi có thể là do đặc tính hạ bilirubin của nó được thể hiện bởi các chất chống oxy hóa thực vật, do đó dẫn đến sự ổn định màng tế bào gan.

Các bộ phận của cây Bông bông núi
Các bộ phận của cây Bông bông núi

4 Công dụng theo Y học cổ truyền

4.1 Tính vị, tác dụng

Lá cây có vị đắng, hơi chát, tính mát, có tác dụng tiêu đờm, tiêu độc, trừ ho, giáng nghịch. Người ta cũng đã nghiên cứu về dược lý của các bộ phận khác nhau của cây. Các chất độc cường tim được tìm thấy trong nhựa cây như calotropin, calotoxin, uscharin có tác dụng tương tự như Ouabain.

Rễ và lá của cây có tác dụng đối với hô hấp và huyết áp, ngoài ra, còn có tác dụng chống ung thư (dạng biểu bì mũi hầu).

Cao chiết từ hoa của cây Bông bông núi thể hiện tác dụng trên độc tính cấp tính, có tác dụng giảm đau, hạ nhiệt, chống viêm, kháng khuẩn và tác dụng đối với sự tiết hormone prostaglandin.

Quả của cây Bông bông núi
Quả của cây Bông bông núi

4.2 Công dụng

Bông bông núi cũng được dùng tương tự như loài Bông bông.

Bông bông núi được dùng để trị ho, hen, lở ngứa, trị ngộ độc, rắn cắn, đinh nhọt, đau răng, đau mắt, đau tim, bệnh hoa liễu, bệnh ngoài da, bệnh đậu mùa, vết thương ngoài da.

Nhân dân Ấn Độ thường dùng cồn thuốc chiết từ lá cây để trị sốt rét. Ngoài ra, cây Bông bông núi cũng được dùng để chữa kiết lỵ, đắp ngoài trị viêm khớp, trộn cùng Mật Ong để đắp lên các nốt viêm trong miệng.

Vỏ cây đặc biệt là rễ cũng được coi là vị thuốc bổ. Hoa đem nghiền thành bột để trị ho, tiêu hóa kém.

Nhân dân Trung Quốc thường dùng lá để trị viêm nhánh khí quản, ho gà, hen suyễn, vỏ rễ dùng khi bị ghẻ, giang mai.

Trong y học Ayurveda, lá khô của cây Bông bông núi được sử dụng để làm giảm đau thấp khớp và tê liệt, ngoài ra còn được dùng khi bị ho đờm, lá non của cây được sử dụng để điều trị chứng đau nửa đầu. Bên cạnh đó, lá cây đem nghiền thành bột được sử dụng để thúc đẩy quá trình lành vết thương nhanh hơn, như một loại thuốc nhuận tràng và để điều trị chứng khó tiêu.

5 Tài liệu tham khảo

  1. Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 1. Bông bông quý, trang 235-236. Truy cập ngày 17 tháng 3 năm 2025.
  2. Tác giả Aisha Habeeb và cộng sự (Ngày đăng 15 tháng 5 năm 2024). Calotropis procera and the Pharmacological Properties of Its Aqueous Leaf Extract: A Review, PubMed. Truy cập ngày 17 tháng 3 năm 2025.

Các sản phẩm có chứa dược liệu Bông Bông Núi (Calotropis procera)

1/0
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
0927.42.6789