Áo Cộc (Liriodendron chinense (Hemsl.) Sarg.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Magnoliidae (Phân lớp Mộc lan) |
Bộ(ordo) | Magnoliales (Mộc lan) |
Họ(familia) | Magnoliaceae (Ngọc lan) |
Chi(genus) | Liriodendron |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Liriodendron chinense (Hemsl.) Sarg. |

Áo cộc thuộc dạng cây gỗ to, rụng lá, chiều cao mỗi cây có thể lên đến 40 mét, đường kính thân cây khoảng từ 0,9 đến 1 mét. Phiến lá có dạng hình áo cộc, chiều dài từ 10 đến 18 cm. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Liriodendron chinense (Hemsl.) Sarg.
Họ thực vật: Magnoliaceae (Ngọc lan).
1.1 Đặc điểm thực vật

Áo cộc thuộc dạng cây gỗ to, rụng lá, chiều cao mỗi cây có thể lên đến 40 mét, đường kính thân cây khoảng từ 0,9 đến 1 mét. Phiến lá có dạng hình áo cộc, chiều dài mỗi lá khoảng từ 10 đến 18 cm, chiều rộng từ 11 đến 19cm, chiều dài mỗi cuống lá khoảng từ 7 đến 14cm.
Hoa mọc đơn độc ở đầu cành, chiều dài khoảng 5cm, có 3 lá đài màu lục, gồm 6 cánh hoa có màu vàng vàng, gốc tía. Nhị và lá noãn có số lượng nhiều, xếp lợp.
Quả có dạng hình cọc sợi, chiều dài khoảng 7 đến 9cm, được cấu tạo bởi nhiều quả cứng nhỏ có cánh tạo thành.
Mỗi quả nhỏ có chứa 1 đến 2 hạt.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ và vỏ cây.
1.3 Đặc điểm phân bố

Áo cộc được tìm thấy ở Trung Quốc và Việt Nam. Tại nước ta, cây sinh trưởng và phát triển tại một số tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc bao gồm Lào Cai, Sơn La.
Áo cộc thường mọc rải rác trong các khu rừng rậm nhiệt đới thường xanh mưa ẩm, ở các thung lũng, khe nước hay chân núi. Cây tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt và chồi.
Thời điểm ra hoa từ tháng 5 đến tháng 6, quả chín vào tháng 9 đến tháng 10.
2 Thành phần hóa học

Có 3 hợp chất gồm fragransin B2, liriodendritol và rhamnocitrin đã được phân lập, tinh chế và xác định từ chiết xuất Ethanol của lá cây Áo cộc.
Quá trình nghiên cứu chiết xuất MeOH của cây Áo cộc đã phân lập được 21 hợp chất, trong đó có 4 hợp chất alcaloid, 3 lignan, 4 steroid và 10 benzenoid.
3 Tác dụng của cây Áo cộc

Một nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tác dụng bảo vệ của chiết xuất ethanol từ vỏ cây Áo cộc trên mô hình chuột mắc bệnh thận tăng axit uric (HN) và các cơ chế liên quan. chiết xuất ethanol từ vỏ cây Áo cộc ở liều tương ứng là 250 mg/kg/ngày hoặc 500 mg/kg/ngày được uống cho chuột HN được gây ra bằng hỗn hợp Adenine (160 mg/kg/ngày)/kali oxonate (2,4 g/kg/ngày) trong 21 ngày. Vào cuối quá trình điều trị, axit uric huyết thanh, chức năng thận (creatinin huyết thanh, nitơ urê máu và microalbumin nước tiểu), bài tiết axit uric trong nước tiểu 24 giờ, cũng như những thay đổi bệnh lý ở thận đã được nghiên cứu bằng xét nghiệm sinh hóa, điểm số mô bệnh học, miễn dịch huỳnh quang và mô hóa học, RT-qPCR và phân tích western blotting. Các nhà khoa học đã kết luận rằng, chiết xuất ethanol từ vỏ cây Áo cộc làm giảm sự tiến triển của chuột mắc bệnh thận tăng axit uric bằng cách ức chế hoạt động của con đường truyền tín hiệu NF-κB, ASK1/JNK/c-Jun và JAK2/STAT3, làm giảm sự xâm nhập của các yếu tố gây viêm và tích tụ axit uric trong thận.
Ngoài ra, chiết xuất ethanol của lá cây Áo cộc còn cho thấy tác dụng kháng khuẩn đối với vi khuẩn Gram dương và Gram âm nhưng tác dụng trên Gram dương mạnh hơn. Chiết xuất ethanol của lá cây Áo cộc cho thấy hoạt động kháng khuẩn mạnh nhất đối với S. epidermidis.
Bên cạnh đó, chiết xuất ethanol của lá cây Áo cộc còn thể hiện tác dụng chống oxy hóa.
4 Công dụng theo Y học cổ truyền

4.1 Tính vị, tác dụng
Áo cộc có vị cay, tính ấm. Rễ cây có tác dụng khử phong, trừ thấp, giúp mạnh gân cốt.
4.2 Công dụng

Nhân dân thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) thường dùng rễ cây Áo cộc trong trường hợp tê đau xương khớp, vỏ cây Áo cộc dùng để trị bệnh do thủy thấp phong hàn dẫn tới miệng khát, khí cấp, tứ chi yếu mỏi.
Áo cộc là loài có giá trị kinh tế cao, được trồng làm cây cảnh, gỗ cũng thuộc dạng gỗ tốt. Tuy nhiên, Áo cộc hiện nay đang bị đe dọa và được liệt kê trong danh sách những loài thực vật có khả năng sinh sản thấp, chính vì lý do này mà cần có biện pháp nhân giống và bảo tồn loài Áo cộc.
5 Chữa tê đau xương khớp, yếu mỏi các chi

40g vỏ khô của cây Áo cộc.
24g Nguyên tuy.
24g Sơn du ma (Âm hành thảo).
1,2g Gừng già.
12g Cam Thảo.
Các vị đem nấu lấy nước, thêm đường đỏ, uống vào sáng sớm trước bữa ăn. Mỗi ngày uống 1 thang.
6 Tài liệu tham khảo
- Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 1. Áo cộc, trang 48-49. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2025.
- Tác giả Jing Pan và cộng sự (Ngày đăng tháng 1 năm 2021). Ethanol extract of Liriodendron chinense (Hemsl.) Sarg barks attenuates hyperuricemic nephropathy by inhibiting renal fibrosis and inflammation in mice, PubMed. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2025.
- Tác giả Ya-Li Wang và cộng sự (Ngày đăng tháng 6 năm 2024). Antioxidant, Antimicrobial, and Anti-Inflammatory Effects of Liriodendron chinense Leaves, PubMed. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2025.