Cẩu Tích

20 sản phẩm

Cẩu Tích

Ngày đăng:
Cập nhật:

Cẩu tích được sử dụng rộng rãi bởi công dụng trị thấp khớp, đau lưng, nhức mỏi tay chân. Vậy, vị thuốc này có tác dụng gì? Và sử dụng Cẩu tích thế nào mang lại hiệu quả tối ưu nhất? Mời quý bạn đọc tìm hiểu trong bài viết sau đây. 

1 Giới thiệu về cây Cẩu tích

Cẩu tích còn có tên gọi khác là Kim mao, Cu li, mọc ở vùng rừng núi độ cao 500-600m trở lên, ưa ẩm, đôi khi chịu bóng.

Tên khoa học của Cẩu tích là Cibotium barometz, thuộc họ Cẩu tích (Dicksoniaceae). Dưới đây là hình ảnh cây Cẩu tích.

Hình ảnh cây Cẩu tích
Hình ảnh cây Cẩu tích

1.1 Đặc điểm thực vật

Cây lớn đạt chiều cao 1–3 m có thân đồ sộ, phủ phục đến dựng đứng, ngọn non và gốc phủ đầy lông dài, cứng, màu nâu vàng, dài. Các lá mọc thành chùm ở đỉnh của thân cây, dài 1–2m, lưỡng tính kép, hình trứng đến hình elip ở đường viền, kích thước lên đến 2 × 1m, mặt dưới màu xám nhạt, mặt trên màu xanh đậm hơn, có cuống dày, dài tới 1m hoặc hơn, hình tam giác ở mặt cắt ngang ở gốc, mang dày đặc các lông tơ hình quả trám, cuống và trục lá màu xanh lục, bên dưới chuyển sang màu tía theo tuổi; gốc cuống có một khối lông dài (1–1,5cm), phần trên của cuống và trục lá được bao phủ bởi những sợi lông mềm nhỏ, ép chặt trở nên sáng bóng; loa tai nhiều, xen kẽ, hình lông chim, có viền thuôn dài đến hình mũi mác, đỉnh nhọn; lá chét nhiều, thường có một vài cặp lá chét cấp ba ở gốc, có lông chim sâu trong suốt, có cuống rất ngắn hoặc không cuống ở phần xa của loa tai, các đoạn lá chét hình răng cưa nhẹ, có chóp nhọn, mép khía thành răng cưa. 

Mặt dưới lá có các ổ túi bào tử - cách tái sinh của cây. Ổ túi bào tử 1 hay 2, có khi 3 hoặc 4 ở về mỗi bên của gân giữa bậc 3, có màu nâu, hai môi không đều nhau; cái ở ngoài hình cầu, cái ở trong hẹp hơn và thuôn.

Thân rễ – Rhizoma Cibotii, thường gọi là Cẩu tích, Lông phủ ngoài thân rễ cũng được dùng. Do thân rể vị thuốc (cả lông) khi chưa thái trông giống lưng con chó nên được tên Cẩu tích (cẩu là chó, tích là xương sống hay sống lưng).

Cẩu tích hiện diện trong cuốn sách Đông dược đầu tiên là Thần Nông Bản Thảo Kinh cách đây trên hai ngàn năm với một tên khác là Bách chi. Sau đó Ngô Phổ bản thảo gọi là Cẩu thanh, Cường đốc ; Danh y biệt lục gọi là Phù cái, Phù cân;  ngoài ra có nhiều tên khác nữa trong y văn Trung quốc như: Kim mao cẩu tích, Kim cẩu tích, Hoàng cẩu đầu, Kim mao sư tử, Mao cẩu nhi, Kim ty mao, Kim phù cân, Kim miêu mị, Lão hầu mao. Tài liệu Việt nam cũng gọi nhiều tên như Cây lông khỉ, Lông cu li, Cù lần, Cù liền, Co cút pá (Thái), Cút báng (Tày), Nhài cù viằng (Dao), Đạng pàm (K’ho)…

Theo Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở VN , có 3 cây dễ nhầm lẫn với Cẩu tích: cây Áo cốc (Dennstaedtia scabra (Wall.) T. Moore, họ Áo cốc (Dennstaedtiaceae); cây Lá lược (Microlepia speluncae (L.) T. Moore cùng họ Áo cốc; cây Vảy lợp (Davallia divaricata Blume), họ Vảy lợp (Davalliaceae).

GS.Đỗ Tất Lợi xếp Cẩu tích vào nhóm thuốc chữa tê thấp, đau nhức. Nhưng các tài liệu của trường Đại học Y Hà Nội, GS.Hoàng Bảo Châu, GS. Trần Văn Kỳ,… cũng như một số  các giáo trình Trung quốc như Tân biên Trung y học khái yếu đều xếp Cẩu tích vào nhóm thuốc bổ, cùng phân nhóm bổ dương với các vị thuốc khác như Lộc nhung, Tắc kè, Nhục Thung Dung, Cốt toái bổ, Ba Kích, Đỗ trọng,… Có lẽ Cẩu tích là vị thuốc rẻ nhất trong nhóm bổ dương  (giá hiện nay 20.000/ kg), vì vậy người viết bài này gọi tếu là « bổ dương đệ nhất… rẻ ».

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng của Cẩu tích: Thân rễ, đôi khi dùng cả lông phủ ngoài thân rễ.

Thu hái quanh năm, tốt nhất là vào mùa thu - đông, cắt bỏ rễ con và cuống lá, cạo hết lông vàng để riêng. Rễ củ đã cạo lông mang rửa sạch, thái phiến hoặc cắt đoạn dai 4-10mm, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng tẩm rượu qua 1 đêm rồi sao vàng.

HÌnh ảnh dược liệu Cẩu tích
HÌnh ảnh dược liệu Cẩu tích

1.3 Đặc điểm phân bố

Tại Việt Nam, cây có ở Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh qua Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Lâm Đồng đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra còn có ở Trung Quốc, Lào, Campuchia, Atxam, Nhật Bản và một số nước nhiệt đới khác của châu Á.

2 Thành phần hóa học

Các nghiên cứu đã báo cáo Cẩu tích có chứa dầu dễ bay hơi, pterosin, hợp chất thơm, hợp chất phenolic tan trong nước, flavonoid, axit amin, nguyên tố vô cơ. Ngoài ra, sau khi chế biến (sấy, cắt, rang, luộc, v.v.), Cẩu tích chứa các hợp chất phenolic, dầu dễ bay hơi, sterol, saccharide, glucozide, axit amin, nguyên tố khoáng và photpholipide.

2.1 Acid hữu cơ

Pterosin R, pterosin Z và ptaquiloside được tìm thấy ở Cẩu tích. 12 thành phần, chủ yếu là axit hữu cơ, được phân lập từ dầu dễ bay hơi của thân rễ Cẩu tích với axit palmitic và axit linoleic là các axit chính. Hàm lượng axit protocatechuic và axit caffeic trong tất cả các mẫu thân rễ Cẩu tích được thu thập từ các khu vực khác nhau lần lượt là trên 0,020 và 0,029%, và hàm lượng cao nhất được tìm thấy trong các sản phẩm chế biến. 

2.2 Tinh dầu

25 hợp chất đã được xác định trong tinh dầu từ thân rễ Cẩu tích; các thành phần chính là axit oleic, axit linoleic, axit palmitic, axit pentadecanoic, 7,10,13-hexadecatrienoic axit metyl este, linolenic axit metyl este với hàm lượng tương đối trên 10%. 

2.3 Sesquiterpen

3 sesquiterpen bất thường có nhân 1-indanone và một dẫn xuất spiropyranosyl orthoester bất thường của axit protocatechuic được phân lập từ thân rễ.

2.4 Carbohydrat

10 hợp chất được tinh chế từ dịch chiết cồn 70% của Cẩu tích và cấu trúc của chúng được xác định là 1- O -caffeyl- d -glucopyranose; 6- O -caffeyl- d -glucopyranose; 3- O -caffeyl- d -glucopyranose; 3-hydroxymetyl-2(5 H )-furanon; β -mirosit; cibotiumbaroside A; axit protocatechuic; đường; mannose; Corchoionoside C và axit kojic (Xu et al. 2012b). Xu et al. ( 2013b ) cô lập hai tanin thủy phân, 4- O -caffeoyl- α - d -glucopyranose và 4- O -caffeoyl- β - d -glucopyranose, từ thân rễ.

2.5 Các hợp chất khác

Cẩu tích có Flavonoid và giàu nguyên tố vi lượng như Fe, Ca, Zn, Mg, Ni, Mn, Cu. Các nghiên cứu đã tìm thấy các hợp chất sau trong thân rễ: β -sitosterol, daucosterol, onitin, alternariol, (3 R )-des- O -methyl lasiodiplodin, axit protocatechuic. 

8 hợp chất bao gồm hai dẫn xuất furan mới, cibotium bacoside A và B, corchoionoside C và một glycoglycerolipid mới, cibotiglycerol đã được phân lập từ dịch chiết metanol của thân rễ Cẩu tích. 

Hàm lượng axit phenolic tổng số trong thân rễ Cẩu tích từ các khu vực khác nhau ở Trung Quốc thay đổi từ 3,72–6,16 % và là 3,09–5,09 % trong các sản phẩm chế biến của nó.  Hàm lượng tanin trong thân rễ giảm sau các quá trình chế biến khác nhau.

== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cốt toái bổ - Vị thuốc bổ thận, chữa đau nhức xương khớp hiệu quả

3 Tác dụng - Công dụng của Cẩu tích

3.1 Tác dụng dược lý

3.1.1 Chống loãng xương

Cẩu tích được phát hiện là có khả năng kích thích cao đối với hoạt động của phosphatase kiềm trong nguyên bào tạo xương của bào thai người. Một số hợp chất được phân lập từ thân rễ bao gồm cibotiumbaroside B và cibotiglycerol cho thấy sự ức chế sự hình thành hủy cốt bào hủy xương mà không ảnh hưởng đến khả năng sống sót của tế bào đại thực bào có nguồn gốc từ tủy xương. Chiết xuất thân rễ ngăn chặn sự giảm tổng mật độ khoáng của xương ở xương đùi do cắt bỏ buồng trứng ở chuột cái, đi kèm với sự giảm đáng kể trong quá trình tái tạo xương, bằng chứng là mức độ giảm của các dấu hiệu chu chuyển xương, chẳng hạn như osteocalcin (OC), kiềm phosphatase (ALP), deoxypyridinoline (DPD) và bài tiết Ca và P trong nước tiểu.

Gần đây, một thông tin trên báo Tuổi trẻ ngày 20/10/2009, dẫn nguồn Journal of Natural Products cho biết các nhà khoa học thuộc Trường ĐH Quốc gia Chungnam (Daejeon, Hàn Quốc) cùng cộng sự tại Việt Nam vừa cho biết chiết xuất từ cây Cẩu tích có thể giúp điều trị chứng loãng xương. Theo các nhà khoa học, hoạt chất này có thể giúp ức chế hoạt động của các tế bào tiêu xương, ngăn ngừa quá trình gãy xương. Vì vậy trong tương lai một loại thuốc mới điều trị chứng loãng xương sẽ được bào chế dựa trên hoạt chất này.

3.1.2 Hoạt động bảo vệ gan

Onychin thể hiện tác dụng chống oxy hóa và bảo vệ khỏi tổn thương gan do lipid peroxide gây ra ở chuột. Nó làm giảm đáng kể mức độ lipid peroxide malondialdehyd trong homogenate gan.

3.1.3 Chống oxy hóa, chống viêm

Chiết xuất thân rễ Cẩu tích thể hiện tác dụng nhặt gốc tự do mạnh đối với gốc 1,1-diphenyl-2-picrylhydrazyl (DPPH), gốc superoxide và gốc oxit nitric. Trong mô hình đại thực bào phúc mạc của chuột được kích thích bằng IFN-/γLPS, Cẩu tích đã ức chế quá trình sản xuất oxit nitric và bài tiết IL-6 một cách phụ thuộc liều lượng. Hơn nữa, chiết xuất cho thấy giảm biểu hiện iNOS và COX-2 mà không gây độc tế bào. Những kết quả này cho thấy Cẩu tích có thể là một tác nhân hữu ích như một chất chống oxy hóa và chống viêm.

Tác dụng của Cẩu tích
Tác dụng của Cẩu tích

== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Dây đau xương - Vị thuốc trị đau nhức xương khớp và hỗ trợ tiêu hoá

3.2 Công dụng theo y học cổ truyền

Cẩu tích có tính ấm, vị đắng, ngọt, quy vào kinh can, thận, có tác dụng bổ can thận, mạnh gân xương, trừ phong thấp. Lông Cẩu tích có tác dụng cầm máu nhờ khả năng hút huyết thanh tạo cục máu đông nhanh hơn.

Trong đông y, Cẩu tích được dùng trong trị phong hàn, thấp tê, đau lưng, nhức mỏi tay chân, khó cử động, đau dây thần kinh tọa, chứng tiểu són, di tinh, bạch đới, chống viêm. Lông vàng quanh thân rễ đắp vết thương chảy máu.

4 Các bài thuốc từ cây Cẩu tích

4.1 Cẩu tích đun uống hàng ngày trị phong thấp, chân tay tê bại không muốn cử động

Nguyên liệu: Cẩu tích 20g, Mộc qua, Tần Giao mỗi vị 12g, Ngưu Tất, Tang chi, Tục Đoạn, Đỗ Trọng mỗi vị 8g, Tùng tiết, Quế chi mỗi vị 4g.

Cách làm: Sắc với 600ml nước còn 250ml, chia 2 lần uống trong ngày.

4.2 Trị thận hư, sống lưng đau mỏi, tiểu không tự chủ, bạch đới, di tinh

Nguyên liệu: Cẩu tích 15g, Thục Địa 12g, Đỗ trọng dây 10g, Dây tơ hồng (sao), Kim anh mỗi vị 8g.

Cách làm: Sắc lấy nước uống.

Hoặc: Cẩu tích, Thục địa mỗi vị 16g, Ngưu tất, Thỏ Ty Tử, Sơn Thù du, Đỗ trọng, Cao ban long mỗi vị 12g.

Cách làm: Cao ban long để riêng, các vị khác sắc lấy nước hòa với cao ban long để uống.

4.3 Trị phong thấp đau nhức xương khớp, tay chân yếu mỏi hoặc bại liệt co quắp

Nguyên liệu: Cẩu tích 15g, Tục đoạn, Cốt toái bổ mỗi vị 12g, Đương Quy 10g, Xuyên Khung, Bạch Chỉ mỗi vị 4g.

Cách làm: Sắc lấy nước uống.

Bài thuốc từ Cẩu tích trị đau nhức xương khớp
Bài thuốc từ Cẩu tích trị đau nhức xương khớp

4.4 Ngâm rượu Cẩu tích giúp tăng cường sức khỏe, mạnh gân xương, điều trị các bệnh về xương khớp, thần kinh tọa

Nguyên liệu: Rắn 1 bộ (gồm 1 con hổ mang, 1 cạp nong, 1 rắn ráo), Thiên niên kiện, Cẩu tích, Huyết Giác, Ngũ gia bì, Hà Thủ Ô đỏ mỗi vị 100g, Kê Huyết Đằng 200g, Trần Bì 30g, Tiểu hồi 20g, rượu trắng loại 40 độ 10L. 

Cách làm: Ngâm trong ít nhất 3 tháng, dùng cho người trên 30 tuổi, mỗi ngày 1 chén nhỏ 30ml trước khi ngủ.

4.5 Trị lưng đau, gối mỏi thuộc thận âm hư

Nguyên liệu: Cẩu tích, Thỏ ty tử, Đương quy, Phục Linh đồng lượng.

Cách làm: Nghiền thành bột, luyện Mật Ong thành viên 9g. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 - 2 viên cùng nước nóng.

4.6 Trị lưng gối mỏi do thận can hư

Nguyên liệu: Cẩu tích 10g, Sa uyển tử 12 - 15g, Đỗ trọng 10 - 12g.

Cách làm: Sắc uống ngày 1 thang.

Lưu ý: Không dùng Cẩu tích cho người thận hư nhiệt, bí tiểu hoặc nước tiểu vàng đỏ.

5 Kinh nghiệm đúc rút

Với các kiến thức về Cẩu tích đã tra cứu trên đây, chúng tôi đã mạnh dạn ứng dụng Cẩu tích vi quân (vị thuốc chính) để điều trị thấp khớp, đau lưng, thần kinh tọa do thoái hóa cột sống, loãng xương… với liều sử dụng 30-45g/ thang thuốc sắc (gấp 3 lần liều chỉ định trong các sách: 10-15g) và chỉ cần phối hợp thêm vài vị thuốc nam khác (khoảng 6 -12g) như:  hàn thấp gia Lá Lốt, Quế chi; phong thấp gia Tỳ giải, Ngũ gia bì gai; huyết ứ gia Cỏ xước, Huyết đằng, … thường đem lại hiệu quả nhanh và mạnh hơn so với điều trị bằng cổ phương Độc Hoạt ký sinh thang trước đó mà giá thành thang thuốc lại rất thấp.

Một nhóm bệnh khác là khí hư thể thận suy (huyết trắng nhiều mà trong loãng) được chúng tôi dùng Cẩu tích vi quân phối hợp với  tá dược Bạc thau, Bướm bạc, Bạch đồng nữ điều trị cũng rất hiệu quả.

Cần lưu ý không dùng Cẩu tích trong các trượng hợp thận hư có nhiệt, tiểu tiện ít mà vàng và buốt nóng, mồm đắng, lưỡi khô.

Sau cùng, xin giới thiệu một nhãn thuốc giúp nhớ tác dụng chính vị này:

“CẨU TÍCH bổ thận ôn dương

 Khí hư, thấp khớp, loãng xương nên dùng”.

6 Tài liệu tham khảo

1. Tác giả T. K. Lim (Ngày đăng 22 tháng 10 năm 2015). Cibotium barometz, PubMed. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2023. 

2. Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Cẩu tích trang 110-111, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2023.

3. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Cẩu tích trang 380-381, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2023.

Các sản phẩm có chứa dược liệu Cẩu Tích

Hoàn phong thấp Nam Hà
Hoàn phong thấp Nam Hà
Liên hệ
Sâm nhung bổ thận TW2 Mediusa
Sâm nhung bổ thận TW2 Mediusa
120.000₫
Vagalex Max
Vagalex Max
Liên hệ
Linh Chi Thiên Ma Thấu Cốt Hoàn
Linh Chi Thiên Ma Thấu Cốt Hoàn
Liên hệ
Phong Thấp Nam Hà (Lọ 50g)
Phong Thấp Nam Hà (Lọ 50g)
Liên hệ
Sâm nhung bổ thận P/H
Sâm nhung bổ thận P/H
120.000₫
Kim Thính Platinum
Kim Thính Platinum
530.000₫
Cahaba Xương Khớp Gold
Cahaba Xương Khớp Gold
490.000₫
Phục Cốt Quang
Phục Cốt Quang
Liên hệ
Khớp Gia Bảo
Khớp Gia Bảo
450.000₫
Tui Hua Shen Jing Tong
Tui Hua Shen Jing Tong
145.000₫
12 1/2
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

hotline
0868 552 633
0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633