Cát Sâm (Sâm Nam, Sâm Trâu - Millettia speciosa)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) |
Bộ(ordo) | Fabales (Đậu) |
Họ(familia) | Fabaceae (Đậu) |
Chi(genus) | Millettia |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Millettia speciosa Champ. |
Cây Cát Sâm có tên khoa học là Millettia speciosa Champ. Cây thường được tìm thấy ở vùng núi và trung du phía Bắc. Nhân dân sử dụng rễ để làm thuốc chữa ho, viêm họng. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Cát Sâm
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Millettia speciosa Champ.
Tên gọi khác: Sâm Chèo Mèo, Sâm Nam, Sâm Trâu.
Họ thực vật: Đậu Fabaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Dưới đây là hình ảnh cây Cát sâm:
Cát Sâm thuộc dạng cây nhỏ, thân gỗ, cây leo, chiều dài cây lên đến hàng mét.
Cành cây khi non có phủ một lớp lông mềm màu trắng, sau phát triển cành nhẵn, có màu nâu.
Lá kép lông chim, mọc so le. Các cuống lá có lông. Thường có 11 lá chét, phiến lá có dạng hình mũi mác thuôn hoặc hình bầu dục. Chiều dài lá khoảng 4 đến 7cm, chiều rộng từ 2 đến 3cm. Gốc lá có dạng hình tròn, đầu lá nhọn. Mặt trên của lá có màu lục sẫm, gần gân có nhiều lông, mặt dưới có lông dày màu trắng. Gân lá tạo thành hình mạng nhện rõ.
Cụm hoa tạo thành chùy ở tận cùng của cành, chiều dài cụm hoa từ 10 đến 20cm, có lông. Mỗi cụm hoa có nhiều hoa màu trắng hơi ngà.
Quả phủ nhiều lông mềm, các quả thắt lại ở các hạt, có từ 4-6 hạt, vỏ dày, màu đen.
Mùa hoa rơi vào tháng 7 đến tháng 9, mùa quả rơi vào tháng 10 đến tháng 12.
Lưu ý: Cần tránh nhầm lẫn với cây Sâm Gạo có tên khoa học là Vigna vexillata (L.) Benth. là loài cây có cùng họ nhưng chỉ có 3 lá chét.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ củ.
Chế biến: Rửa sạch, những củ nhỏ có thể để nguyên, những củ to đem bổ dọc thành từng miếng, sau đó phơi hoặc sấy khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Cát Sâm phân bố chủ yếu ở một số nước như Lào, Trung Quốc và Việt Nam. Tại nước ta, cây được tìm thấy ở các tỉnh thuộc miền núi và vùng trung du. Các tỉnh mà Cát Sâm tập trung nhiều như Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Yên Bái,... Độ cao phân bố thường dưới 1000 mét.
Là loại cây ưa ẩm, có khả năng chịu bóng khi còn non. Cát Sâm thường mọc lẫn trong các đám cây bụi hoặc cây gỗ ở những khu rừng thứ sinh, ven bờ nương, ven đồi, điển hình là những khu vực rừng ẩm thuộc núi đá vôi. Tại đây, những cây Cát Sâm thường có kích thước lớn hơn so với những cây mọc ở khu vực khác.
Cát Sâm ra hoa quả nhiều, tái sinh tốt từ hạt. Khi bị chặt phá, phần gốc vẫn có khả năng tái sinh thành cây mới.
2 Kỹ thuật trồng cây cát sâm
Cát sâm hiện nay chỉ mới được trồng trên quy mô nhỏ, tại các vườn gia đình, vườn thuốc, vườn thực vật.
Cây được trồng bằng hạt. Thời điểm gieo trồng là vào mùa xuân (từ tháng 2 đến tháng 3), thu hái vào mùa đông. Có thể sau 2-3 năm mới bắt đầu thu hái.
Cát sâm sống được trên nhiều loại đất khác nhau, tuy nhiên cần chọn những loại đất dễ thoát nước, khu vực trồng ở nơi cao ráo, không bị ngập úng.
Nếu trồng trên quy mô lớn cần phải cày bừa, làm luống cao 25-30cm, rộng 60-70cm.
Bón lót phân chuồng vào hố sau đó mới bắt đầu gieo hạt. Sau khi cây nảy mầm thì tiến hành tỉa bớt, để mỗi hốc khoảng 1-2 cây. Cắm cọc rào để cây có chỗ tựa.
Làm cỏ hàng năm, bón thúc 2-3 lần vào khoảng thời gian cây sinh trưởng mạnh.
Cát Sâm là loài ít bị sâu bệnh phá hại.
3 Thành phần hóa học
Rễ chứa Alcaloid.
4 Củ cát sâm có tác dụng gì?
4.1 Tác dụng dược lý
4.1.1 Chống ho
Khi tiến hành thử nghiệm gây ho ở chuột nhắt bằng cách phun amoniac, người ta nhận thấy rằng, Cát Sâm có tác dụng giảm ho rõ rệt khi so sánh với lô chứng.
4.1.2 Độc tính của thân và lá của cây Cát Sâm
Cao lỏng chiết bằng nước và cồn của thân và lá cây sau khi tiêm dưới màng bụng của chuột nhắt đem thí nghiệm với liều 1000mg/kg tính theo dược liệu khô cho thấy rằng, sau khi tiêm khoảng 5-30 phút, chuột giảm hoạt động và chết do đó chưa thấy có kinh nghiệm sử dụng lá và thân để làm thuốc.
4.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
4.2.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Rễ củ có vị ngọt, tính bình.
Tác dụng: Hoạt lạc, thư cân, nhuận phế, bổ hư.
4.2.2 Công dụng
Cát Sâm là vị thuốc bổ, được sử dụng trong các trường hợp suy nhược, lao phổi, viêm phế quản mạn tính, nhức đầu, sốt, khát nước, tiểu tiện khô khan.
Đã có tài liệu ghi chép rằng, Cát Sâm còn được sử dụng để chữa di tính ở nam giới, bạch đới ở nữ với liều dùng được khuyến cáo là 10-20g, có thể tăng liều lên đến 40g.
5 Một số cách trị bệnh từ cây Cát Sâm
5.1 Chữa ho có nhiều đờm, ho dai dẳng, ho khan
12g Cát Sâm.
12g Mạch Môn.
8g Thiên Môn.
8g Rễ Dâu.
Đem sắc, nước sắc chia làm 3 lần uống trong ngày.
5.2 Chữa khát nước, nhức đầu, sốt, bí tiểu tiện
30g Cát Sâm, đem tẩm mật, sao vàng, sắc lấy nước uống.
Hoặc:
- 12g Cát Sâm.
- 12g Cát Can.
- 4g Cam Thảo.
Đem sắc, chia làm 3 lần uống trong ngày.
5.3 Chữa kém ăn, cơ thể suy nhược
Cát Sâm đem tẩm với nước Gừng, sau đó sao vàng.
Mỗi ngày sử dụng 30g đem sắc lấy nước uống.
6 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Cát Sâm, trang 348-350. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2024.