Cao Ngựa Bạch
1 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Ngựa bạch còn được gọi là Ngựa bạch tạng, ngựa trắng trội, cao ngựa bạch là cao được nấu từ xương của con ngựa bạch có tác dụng mạnh gân xương, điều hòa kinh nguyệt. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Cao xương ngựa bạch là gì?
Ngựa bạch còn được gọi là Ngựa bạch tạng, ngựa trắng trội là những cá thể ngựa có màu lông trắng, nguyên nhân là do sự tương tác của các gen lặn thông qua hiện tượng đột biến. Những đột biến này có thể do tự nhiên hoặc nhân tạo, được chọn lọc để nhân giống nhằm tạo ra một giống ngựa bạch như Ngựa bạch Việt Nam, Ngựa bạch Pháp, Ngựa bạch Mỹ,... Ngựa bạch Việt Nam là giống loài quý hiếm, có số lượng ít, thường được tìm thấy ở vùng Đông Bắc của Việt Nam như Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Cao Bằng.
Ngựa bạch có tác phong chậm chạp nhưng có thể hình săn chắc, sức khỏe dẻo dai. Một trong những điểm khác biệt giữa Ngựa bạch và ngựa thường là đôi mắt và móng ngựa. Mắt của những con Ngựa bạch thuần chủng nhìn như hòn bi ve, móng ngựa cũng phủ màu trắng, toàn thân không có một vết chấm đen. Vào buổi tối, nếu lấy đèn soi vào mắt ngựa thì đồng tử chuyển từ hình tròn sang hình chữ nhật. Còn vào những ngày trời nắng nhiều, thời điểm ánh sáng mặt trời gần như vuông góc với mặt đất (từ 11 giờ 30 phút đến 13 giờ 30 phút) thì ngựa bạch gần như không thể phân biệt được đường đi.
Thức ăn của Ngựa bạch chủ yếu là cỏ tươi trên đồi núi, sau được nhân giống và nuôi nhốt thì được bổ sung thêm cám, ngô,...
Ngựa bạch được dùng để nấu cao và được cho là có nhiều tác dụng hơn so với cao ngựa thường. Cao ngựa bạch cũng là một trong những cống vật chỉ được dùng cho vua chúa thời xưa. Hiện nay, ngựa bạch được nhân giống, lai tạo, chăm sóc để phục vụ nhu cầu của con người.
2 Cách nấu cao ngựa bạch
Cao Ngựa Bạch được nấu giống cao của các loài động vật khác (cao dê, Cao Khỉ,...). Tùy thuộc vào kích thước của con Ngựa bạch mà lượng cao đặc cho được cũng sẽ không giống nhau.
2.1 Chuẩn bị
Xương ngựa bạch cho lên nồi, thêm nước, đun sôi trong vòng 30 phút để làm sạch cũng như để cho phần thịt và gân còn sót lại trên xương róc ra hết. Khi đun cần khuấy trộn hàng giờ để xương nhanh sạch.
Dùng một chiếc bàn chải bằng Sắt hoặc dụng cụ bằng sắt để làm sạch xương, rửa xương nhiều lần với nước, vớt ra, để ráo, phơi dưới nắng to hoặc sấy xương ở nhiệt độ từ 50 đến 60 độ C cho Xương Khô, nếu phơi dưới nắng thì tốt hơn.
Lấy cưa để cưa xương thành từng khúc, các khúc có chiều dài khoảng 10cm, dùng dao chẻ xương thành nhiều mảnh, cạo bỏ hết phần tủy bên trong, rửa lại xương bằng nước sạch.
Ngâm xương ngựa bạch trong hỗn hợp rượu Gừng theo tỷ lệ 5 lít rượu 40 độ ngâm với 1kg gừng tươi để khử mùi cho 50kg xương.
2.2 Cách tiến hành
Xếp xương vào một thùng nhôm, ở giữa thùng có đặt một giỏ tre để tiện chắt dịch chiết, đổ nước ngập mặt xương khoảng 10cm, để nồi sôi liên tục trong 24 giờ, khi cạn nước thì thêm nước sôi vào, để nước luôn ngập mặt xương, sau 24 giờ thì tiến hành lấy dịch chiết lần 1, để riêng, tiếp tục thêm nước sôi, lặp lại quy trình và đun tiếp trong 24 giờ rồi lấy dịch chiết lần 2, để riêng, lần 3 làm tương tự như 2 lần đầu.
Các dịch chiết đem cô riêng, ở lần thứ 3, khi dịch chiết cô gần được thì cho dịch chiết của 2 lần trước vào trộn đều, tiếp tục cô đến khi thu được cao đặc.
2.3 Lưu ý trong quá trình nấu cao ngựa bạch
Về cơ bản, quy trình nấu cao ngựa bạch cũng tương tự như nấu cao từ xương của các loài động vật khác. Tuy nhiên, dưới đây là một số lưu ý cho những người lần đầu nấu cao ngựa bạch:
- Không nên nấu cao quá đặc vì có thể làm giảm khối lượng cao.
- Không nên nấu cao quá loãng vì gây khó khăn trong quá trình đổ khuôn, thành phẩm thu được cũng khó bảo quản. Nấu cao đến khi nhấc đũa lên cao không chảy nữa là được.
- Khi nấu cần liên tục khuấy trộn để tránh cao bị khê, cháy.
- Trước khi đổ khuôn thì bôi một lớp dầu hoặc mỡ lên khuôn để tránh cao dính vào khuôn.
- Cao sau khi nguội thì tiến hành cắt, chia bánh, bảo quản cao ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng.
2.4 Đặc điểm của cao ngựa bạch
Tương tự như cao ngựa thường, cao ngựa bạch có màu nâu hơi vàng, khi để lâu thì chuyển sang màu nâu sẫm.
3 Thành phần hóa học
100g cao ngựa bạch có chứa:
- 8,52g nước.
- 1,1g Lipid.
- 73,31g protein.
- 0,41g canxi.
- 0,42g phospho.
- 5,96g chất xơ.
4 Tác dụng của cao ngựa bạch
4.1 Trong Y học cổ truyền
Cao ngựa bạch có tốt không? Y học cổ truyền xưa và nay đánh giá thịt ngựa và cao ngựa bạch là những vị thuốc quý. Bên cạnh đó, các bộ phận khác của con ngựa cũng được dùng với mục đích phòng và chữa bệnh. Cao ngựa bạch thời xưa thường chỉ được dùng cho vua chúa vì Ngựa bạch là loài động vật rất hiếm, cao ngựa bạch cũng có giá trị hơn cao ngựa thường rất nhiều.
Cao ngựa bạch có tính mát, giúp mạnh gân xương, bồi bổ sức khỏe, thường được dùng trong các trường hợp:
- Người gầy yếu, mệt mỏi.
- Người suy nhược cơ thể.
- Người mới ốm dậy.
- Phụ nữ sau khi sinh.
- Người gặp tình trạng đau nhức xương khớp.
- Phụ nữ kinh nguyệt không đều.
- Trẻ em biếng ăn, còi xương, suy dinh dưỡng.
- Dùng cho người lớn tuổi để bồi bổ sức khỏe.
4.2 Tác dụng dược lý
Y học hiện đại sử dụng thịt ngựa, cao ngựa bạch như một loại thực phẩm bổ sung giàu đạm, giàu Canxi tốt cho sức khỏe.
Cao xương ngựa bạch giàu canxi, do đó có tác dụng mạnh gân cốt, hỗ trợ tăng trưởng chiều cao ở trẻ nhỏ.
Cao ngựa bạch còn giàu các loại acid amin, vitamin và khoáng chất giúp bồi bổ sức khỏe, hỗ trợ điều trị các bệnh lý liên quan đến xương khớp như viêm xương khớp, khô khớp, thoái hóa khớp,...
4.3 Cao ngựa bạch có tốt cho đàn ông không?
Cao ngựa bạch có tác dụng mạnh gân cốt, bồi bổ sức khỏe, do đó, đàn ông sử dụng cao ngựa bạch cũng rất tốt.
4.4 Phụ nữ uống cao ngựa bạch có tác dụng gì?
Phụ nữ dùng cao ngựa bạch giúp bồi bổ sức khỏe, ngăn ngừa tình trạng loãng xương, hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt, giảm đau nhức xương khớp.
Với phụ nữ sau khi sinh, ăn cao ngựa bạch giúp cơ thể nhanh phục hồi, giảm tình trạng mệt mỏi.
5 Cách sử dụng cao ngựa bạch
5.1 Nên ăn cao ngựa bạch vào lúc nào?
Có thể ăn cao ngựa bạch vào mọi thời điểm trong ngày, liều dùng mỗi ngày là 5 đến 10g cao, chia làm 2 lần. Tùy độ tuổi mà tính liều dùng cao cho phù hợp.
5.2 Cách ăn cao ngựa bạch
Cao ngựa bạch cũng được sử dụng tương tự như cao ngựa thường, cách dùng như sau:
- Ăn trực tiếp.
- Ăn với cháo nóng.
- Trộn cao ngựa bạch với 1 thìa Mật Ong rồi đem đi hấp cách thủy.
- Ngâm rượu để uống.
5.3 Cách ngâm rượu cao ngựa bạch
Cao ngựa bạch ngâm rượu không chỉ dễ sử dụng mà còn giúp tăng khả năng lưu thông khí huyết, giúp mạnh gân cốt, giảm đau nhức xương khớp hiệu quả.
1 lạng cao ngựa bạch ngâm được bao nhiêu lít rượu? 100g cao ngựa bạch hay 1 lạng cao ngựa bạch đem ngâm cùng 1 lít rượu 40 độ, nên để càng lâu càng tốt. Mỗi lần dùng 1 chén nhỏ, ngày uống 2 lần.
Rượu cao ngựa bạch có màu trắng sữa, mùi thơm ngon, dễ uống.
6 Những ai không nên dùng cao ngựa bạch?
Cao ngựa bạch có nhiều tác dụng đối với sức khỏe, dùng được cho nhiều đối tượng khác nhau, tuy nhiên, nếu không sử dụng đúng, cao ngựa bạch có thể gây ra một số phản ứng không mong muốn. Dưới đây là một số đối tượng cần cân nhắc, tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ trước khi muốn dùng cao ngựa bạch:
- Bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền.
- Bệnh nhân bị gout.
- Bệnh nhân sử dụng thuốc tây dài ngày.
- Phụ nữ có thai.
- Trẻ em không dùng rượu ngâm cao ngựa bạch.
Trong quá trình sử dụng cao ngựa bạch thì cần kiêng ăn đồ tanh, đồ cay nóng, nước chè đặc, rau muống, đậu xanh, măng.
7 Cao ngựa bạch và cao ngựa thường loại nào tốt hơn?
Từ xa xưa, Ngựa bạch thường khó tìm hơn so với ngựa thường do đó cao ngựa bạch cũng có giá thành đắt đỏ hơn. Vậy nên sử dụng cao ngựa bạch hay cao ngựa thường?
Về bản chất, cao ngựa bạch và cao ngựa thường có quy trình chế biến và công dụng tương tự như nhau. Hiện nay, Ngựa bạch cũng được lai giống và nuôi phổ biến hơn nên cao ngựa bạch không còn quá khó tìm, giá thành vì thế mà cũng dễ tiếp cận hơn.
Bất kể là ngựa bạch hay ngựa thường, muốn có chất lượng cao tốt thì cần nấu cao từ những con ngựa khỏe, cao nấu từ những con ngựa thường xuyên nuôi nhốt, ít vận động, ăn nhiều cám thì chất lượng thường kém, cao có mùi hôi.
=>>> Xem thêm: Cao Ngựa: Thuốc bổ chữa cơ thể suy nhược cho người mới ốm dậy
8 Giá cao ngựa bạch là bao nhiêu?
Do chưa có quy định cụ thể nên giá thành cao ngựa bạch thường được tự các thương nhân sản xuất định giá. Nhìn chung, giá thành 1 lạng cao ngựa bạch dao động khoảng từ 850.000 đến 1.200.000 đồng.
Hiện nay, một số người săn lùng cao ngựa bạch mắt đỏ vì cho rằng, đây mới là dòng ngựa quý, thuần chủng khiến cho giá cao ngựa bạch mắt đỏ lên đến vài triệu đồng 1 lạng. Tuy nhiên, hiện nay, Ngựa bạch Việt Nam cũng được nhân giống rất nhiều, cao ngựa bạch Việt Nam cũng có hiệu quả tốt, giá thành dễ tiếp cận hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, nhiều người vì lợi nhuận mà nấu cao ngựa từ xương lợn hoặc quảng cáo cao ngựa thường là cao ngựa bạch để đẩy giá sản phẩm lên cao khiến người tiêu dùng nhầm lẫn, ảnh hưởng đến kinh tế cũng như hiệu quả sử dụng. Không chỉ vậy, để cho cao ngựa không có mùi hôi, nhiều người còn cho thêm đường vào trong quá trình nấu cao, nấu cao cùng với da động vật để cao nhanh đông, nhanh thu được thành phẩm. Về bản chất, da động vật cũng giàu Collagen nhưng đây cũng là một hình thức lừa dối người tiêu dùng, độn giá thành sản phẩm lên cao nhằm trục lợi.
Do đó, để đảm bảo an toàn, bạn đọc nên lựa chọn những địa chỉ uy tín, tránh tình trạng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
9 Tài liệu tham khảo
- Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2 (Xuất bản năm 2006). Ngựa trang 1173 - 1175. Truy cập ngày 18 tháng 1 năm 2025.
- Tác giả Hee-Jin Kim và cộng sự (Ngày đăng tháng 8 năm 2017). Nutritional Composition in Bone Extracts from Jeju Crossbred Horses at Different Slaughter Ages, PubMed. Truy cập ngày 18 tháng 1 năm 2025.