Cao Hổ Cốt
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Animalia (Động vật) Chordata (Động vật có dây sống) Mammalia (Thú) |
Bộ(ordo) | Carnivora (Ăn thịt) |
Họ(familia) | Felidae (Mèo) |
Chi(genus) | Panthera |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Panthera ligris L. |
Cao hổ hay cao hổ cốt là cao nấu từ xương hổ. Trong Y học cổ truyền, cao hổ cốt có nhiều tác dụng đối với cơ thể như mạnh gân cốt, trừ thấp, giảm đau nhức. Toàn bộ xương của con hổ được gọi là hổ cốt. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
Lưu ý: Bài viết dưới đây chỉ mang tính chất cung cấp thông tin, không khuyến khích việc săn bắt, mua bán, nuôi nhốt vì Hổ là loài động vật quý hiếm do đó việc mua bán cao hổ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
1 Cao hổ là gì? Cách nấu cao hổ cốt
Hổ là loài động vật ăn thịt, có kích thước lớn, rất khỏe mạnh, trọng lượng cơ thể lên đến 150kg, hổ có tên khoa học là Panthera ligris L. thuộc họ Felidae (Mèo).
Cao Hổ hay cao hổ cốt là cao nấu từ xương hổ. Trong Y học cổ truyền, cao hổ cốt có nhiều tác dụng đối với cơ thể như mạnh gân cốt, trừ thấp, giảm đau nhức.
Toàn bộ xương của con hổ được gọi là hổ cốt, với những yêu cầu như sau:
- Hổ cốt phải đầy đủ các chi tiết xương, xương phải còn nguyên vẹn, không bị vỡ vụn.
- Không lẫn xương của các loài động vật khác.
- Thể chất chắc, khô, bên trong rỗng còn bên ngoài có màu vàng ngà.
- Trọng lượng xương phải trên 7kg.
Trong đó, quý nhất là 4 xương chân và xương đầu, đặc biệt là 2 xương chân trước, trên xương có một lỗ được gọi là mắt phượng hay Thông Thiên, răng hàm có 3 đỉnh nhô lên được gọi là tam sơn, đây cũng là điểm khác biệt so với xương của các loài thú khác.
Xương khổ bị trúng thuốc độc trong quá trình săn bắt dẫn đến có màu đen hoặc màu xanh lam thì không sử dụng.
Xem thêm: Cao Dê có tác dụng gì với sức khỏe? Những ai không nên sử dụng?
1.1 Chuẩn bị
Xương hổ được chọn kỹ lưỡng, đảm bảo đủ chi tiết, đáp ứng được yêu cầu về trọng lượng và chất lượng.
Theo kinh nghiệm nhân dân thì người ta thường nấu xương hổ với xương của một số loài động vật khác như Khỉ, Gấu, Sơn dương, đặc biệt là Sơn dương (nhân dân thường nấu 5 bộ xương Sơn dương cùng với 2 bộ xương Hổ gọi là ‘ngũ dương nhị hổ’), ngoài ra cũng có thể nấu xương Hổ cùng với một số dược liệu có nguồn gốc từ thực vật. Việc kết hợp còn tùy vào quan niệm của từng người, từng vùng.
1.2 Cách tiến hành
Xương đem đun sôi cùng nước trong vòng 30 phút, một số nơi còn cho thêm lá Đu Đủ. Khuấy đều nhằm mục đích cho róc hết thịt và gân còn xót lại.
Vớt ra, dùng bàn chải hoặc dụng cụ có lông bằng thép cọ mạnh, rửa nhiều lần cho thật sạch.
Đem phơi xương hổ lúc trời nắng to hoặc sấy ở nhiệt độ từ 50 đến 60 độ C cho khi khô.
Xương sau khi sơ chế có màu trắng, không còn mùi hôi.
Ngày xưa, người ta sơ chế xương bằng cách cho vào rọ tre, để nước suối chảy qua trong 15 đến 20 ngày để loại bỏ hết phần thịt còn xót lại sau đó đem phơi cho khô nhằm mục đích loại bỏ khí xấu (khu phong), có lẽ là để cho xương bay hết mùi hôi thối.
Tiến hành cưa xương thành từng đoạn 10cm, chẻ nhỏ, sau đó nạo bỏ hết tủy và lớp xương xốp ở bên trong, rửa sạch, ngâm tẩm. Trước đây, nhân dân thường ngâm xương với nước Ngải Cứu hoặc nước luộc rau cải trong 1 ngày 1 đêm rồi mới đem rửa, sau đó tẩm xương với rượu gừng. Hiện nay, người ta chỉ ngâm rượu Gừng với tỷ lệ 50kg xương hổ ngâm cùng với 1kg gừng và 5 lít rượu 40 độ.
Chuẩn bị thùng nhôm, xếp xương vào bên trong, đổ nước cho ngập, rồi đem đi nấu. Ở giữa thùng nhôm có thể đặt một chiếc rổ tre để múc dịch chiết trong quá trình nấu.
Đun sôi liên tục trong 24 giờ, khi nước cạn thì cho tiếp nước vào, nước lúc nào cũng phải ngập mặt xương, tiến hành rút dịch chiết lần 1, đem cô riêng. Làm 2 lần, cô đặc riêng từng dịch chiết.
Khi cô dịch chiết cuối gần được thì trộn hết các dịch chiết vào với nhau, trộn đều rồi tiếp tục cô đến khi thu được cao đặc.
Màu của cao hổ cốt thành phẩm là màu vàng ngà.
1.3 Lưu ý trong quá trình chế biến cao hổ cốt
Không nên để cao đặc quá, khó tạo thành bánh nhưng cũng không nên để cao quá lỏng vì có thể làm cao bị hỏng hoặc bị mốc. Cô đến khi nhấc đũa khuấy cao lên cao không bị chảy nữa là được.
Đun với lửa nhỏ, khuấy đều tay để cao không bị khê.
Bôi dầu vào khay để khi đổ khuôn thì cao không bị dính.
Bảo quản cao ở chỗ kín, khô, mát để tránh cao bị hỏng, ảnh hưởng đến chất lượng.
Xem thêm: Cao Ngựa: Thuốc bổ chữa cơ thể suy nhược cho người mới ốm dậy
2 Thành phần hóa học
Xương hổ có chứa protid và phosphat.
Cao Hổ Cốt nguyên chất có chứa:
- Nitơ toàn phần chiếm 14,93-16,66%.
- Acid amin chiếm 0,58 đến 0,74%.
- Độ ẩm chiếm 19,88 đến 26,16%.
- Tro chiếm 2,6%.
- Clo (tính theo acid chlohydric) chiếm 0,67%.
- Asen chiếm 5 phần triệu.
- Calci chiếm 0,08%.
3 Uống cao hổ cốt có tác dụng gì? Cách dùng
3.1 Trong Y học cổ truyền
Cao hổ có vị gì? Xương hổ và cao hổ cốt có vị mặn, cay, hơi tanh, tính ấm, có tác dụng mạnh gân cốt, trục phong hàn, trừ thấp, giảm đau nhức, bổ dương.
Cao hổ cốt có tác dụng gì cho xương khớp? Cao hổ cốt trong Y học cổ truyền có giá trị cao, dùng để chữa tê thấp, đau nhức gân xương, cơ thể suy yếu, chân tay co quắp, thoái hóa cột sống.
Liều dùng: 4-6g mỗi ngày hoặc hơn.
3.1.1 Chữa viêm xương, yếu xương
Dùng 40-60g Cao hổ cốt, ngâm với 1 lít rượu, trước khi ăn cơm thì hâm nóng, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 10-15ml.
Hoặc:
- 4-6g Cao hổ cốt.
- 10g Thiên niên kiện.
- 10g Cốt Toái Bổ.
- 10g Đỗ Trọng.
- 1 lít rượu.
- Ngâm trong 10-15 ngày.
- Lọc lấy nước để uống.
- Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 15ml trước bữa ăn.
3.1.2 Làm thuốc bổ từ cao hổ cốt
1 con gà giò, mổ bỏ ruột, thêm vào bụng 1 miếng cao hổ cốt có trọng lượng khoảng 10-20g. Đặt vào bát sứ, thêm 1 chén rượu nhỏ.
Đun cách thủy, nước thịt sẽ làm chín con gà đồng thời hòa tan cao hổ cốt, hấp cho đến khi gà chín nhừ, chỉ lấy nước tiết ra từ con gà để cho người bệnh ăn, có thể ăn thịt nhưng thịt lúc này rất bã, ăn không ngon.
3.2 Trong Y học hiện đại
Xương hổ trong Y học cổ truyền là một loại dược liệu quý, được dùng để điều trị các triệu chứng đau mãn tính nhờ chức năng tăng cường cơ và xương, trừ phong hàn, giảm đau và co giật. Vì hổ là loài động vật được bảo vệ nên các nhà khoa học đã áp dụng phương pháp nghiên cứu sinh học để phát triển bột xương hổ sinh học, có thành phần tương tự như xương hổ tự nhiên. Các nghiên cứu hiện đại cho thấy rằng, bột xương hổ sinh học có tác dụng chống viêm, giảm đau và chống loãng xương rất tiềm năng.
4 Những người không nên dùng cao hổ cốt
Cao hổ cốt có nhiều tác dụng đối với sức khỏe, tuy nhiên, đối với những người hỏa vượng, huyết hư thì không dùng cao hổ cốt và các sản phẩm chế biến từ hổ.
5 Một số câu hỏi thường gặp
5.1 Uống cao hổ cốt kiêng ăn gì?
Trong quá trình sử dụng cao hổ cốt thì không nên uống nước chè hoặc ăn rau muống vì các vị này có tính chất kỵ nhau, khi dùng chung không tốt cho sức khỏe.
5.2 Cách ngâm rượu cao hổ cốt
1 lạng cao hổ ngâm với bao nhiêu lít rượu? 50g cao hổ cốt ngâm cùng với 1 lít rượu ngon, để trong khoảng 20-30 ngày là có thể dùng được hoặc đợi đến khi cao hổ cốt tan hoàn toàn.
Rượu cao hổ có màu gì? Cao hổ cốt thật khi đem ngâm thì có màu đục, hậu vị ngầy ngậy sau khi uống.
5.3 Uống cao hổ cốt vào lúc nào?
Cao hổ cốt ngâm rượu thì nên uống trước bữa ăn để đảm bảo hiệu quả tốt nhất.
5.4 Bao nhiêu tuổi thì uống được cao hổ cốt?
Không nên sử dụng cao hổ cốt cho trẻ em, việc sử dụng cao hổ cốt cho bất kỳ đối tượng nào cũng cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo an toàn.
5.5 Bệnh gút có dùng cao hổ cốt được không?
Cao hổ cốt trong Y học cổ truyền có tác dụng làm giảm tình trạng đau nhức xương khớp, tê thấp. Tuy nhiên, ở bệnh nhân bị bệnh gút, việc sử dụng cao hổ cốt cần có sự cân nhắc của bác sĩ để tránh những biến chứng không mong muốn có thể xảy ra.
5.6 Phụ nữ bao nhiêu tuổi uống được cao hổ
Phụ nữ trên 35 tuổi đang gặp các bệnh lý liên quan đến xương khớp, tê thấp có thể sử dụng cao hổ cốt.
5.7 Cách dùng cao hổ cốt ngâm mật ong
Có thể hòa tan cao hổ cốt với nước ấm, sau đó thêm Mật Ong và khuấy đều cho dễ uống.
6 Cách phân biệt cao hổ cốt thật và giả
Cao hổ cốt có giá thành rất cao, khó tìm mua, chính vì lý do này mà nhiều người đã nấu cao từ các loại thú khác rồi quảng cáo là cao hổ cốt, theo kinh nghiệm trong nhân dân, để phân biệt được cao hổ cốt thật thì cần chú ý vài điểm sau:
- Cao hổ cốt thật khi cắm một ngọn cỏ tươi lên thì ngọn cỏ sẽ héo úa sau một thời gian.
- Khi cho chó ngửi cao hổ cốt thật thì chúng có xu hướng sợ sệt, sủa inh ỏi.
- Cao hổ cốt khi ngâm rượu có màu trắng đục.
- Người sau khi dùng cao sẽ thấy một luồng khí nóng chạy dọc theo cơ thể.
7 Giá 1 lạng cao hổ cốt là bao nhiêu?
Cao hổ cốt có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng 1 lạng tùy thuộc vào hàm lượng hổ cốt có trong cao.
Giá cao hổ cốt xịn ở chợ đen có khi lên đến 50.000.000 đồng/lạng tùy thuộc vào nguồn gốc của con hổ.
8 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Xương Hổ trang 978 – 982. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2024.
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Hổ, trang 1130-1132. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2024.
Tác giả Yifan Li và cộng sự (Ngày đăng tháng 1 năm 2017). Traditional Chinese Medicine Bionic Tiger Bone Powder for the Treatment of AI-Associated Musculoskeletal Symptoms, NCBI. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2024.