Cao Động Vật

0 sản phẩm

Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:

Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây

Cao Động Vật

Cao động vật là một sản phẩm thu được từ việc nấu và cô đặc xương, thịt, da của một số loài động vật. Trong Y học cổ truyền, cao động vật thường được nấu từ xương hổ, xương khỉ, xương dê. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Cao động vật là gì?

Cao động vật là một sản phẩm thu được từ việc nấu và cô đặc xương, thịt, da của một số loài động vật.

Trong Y học cổ truyền, cao động vật thường được nấu từ xương hổ, xương khỉ, xương dê, trăn, dê, ngựa,... Cao động vật có nhiều đặc điểm tương đồng về tính chất và tác dụng đối với sức khỏe, tuy nhiên, người ta thường sử dụng cao khỉ cho phụ nữ, cao hổ cốt dùng trong trường hợp đau xương, tê thấp còn những loại cao khác thường có tác dụng bổ toàn thân. Các hoạt chất có trong cao động vật chưa được xác định rõ nhưng sơ bộ có thể nhận thấy rằng, đây là một nguồn đạm động vật chứa nhiều acid amin tốt cho cơ thể.

2 Các loại cao động vật phổ biến và tác dụng

Các loại cao động vật phổ biến và tác dụng
Các loại cao động vật phổ biến và tác dụng

Y học cổ truyền sử dụng nhiều loài động vật khác nhau để nấu cao, như đã đề cập, các loại cao thường có tác dụng chung là bồi bổ sức khỏe, dưới đây là một số loại cao động vật phổ biến và tác dụng:

2.1 Cao xương hổ (Cao hổ cốt)

Cao hổ cốt được nấu từ toàn bộ phần xương của con hổ, cao hổ cốt có thể nấu cùng với xương của một số loài động vật khác hoặc nấu cùng với các vị thuốc có nguồn gốc từ dược liệu, điều này còn phụ thuộc vào quan niệm của từng vùng miền, từng người.

Cao hổ cốt có tác dụng mạnh gân cốt, chữa tê thấp, giảm đau nhức, thoái hóa cột sống.

2.2 Cao xương dê

Cao xương dê được nấu từ những đoạn xương to, có thể nấu lẫn xương dê nhà và xương dê núi. Cao xương dê được nấu theo 2 cách:

Cao toàn tính (nấu từ xương và thịt dê) có tác dụng chữa thiếu máu, người gầy yếu, chân tay nhức mỏi.

Cao xương dê được nấu hoàn toàn từ xương của con dê cũng có tác dụng tương tự như cao toàn tính.

2.3 Cao ngựa

Cao ngựa được nấu từ con ngựa thường hoặc ngựa bạch. Cao ngựa có tác dụng bồi bổ sức khỏe cho phụ nữ sau sinh, người suy nhược, trẻ em biếng ăn, giảm mệt mỏi ở người lớn tuổi, người đau nhức gân xương.

2.4 Cao khỉ

Cao khỉ được nấu từ xương của con khỉ, tương tự như cao dê, cao khỉ cũng được chế biến theo 2 cách là nấu cao toàn tính và cao xương khỉ. Cao khỉ có tác dụng bổ huyết rất tốt cho phụ nữ, khi dùng có tác dụng kích thích ăn ngon, làm giảm cảm giác mệt mỏi, điều hòa kinh nguyệt.

2.5 Cao trăn

Cao trăn được nấu từ xương và thịt của con trăn có tác dụng bồi bổ sức khỏe, giảm tình trạng đau nhức xương khớp đặc biệt là ở những bệnh nhân đau cột sống.

2.6 Cao gấu

Gấu ngoài dùng để lấy mật thì cao gấu cũng có nhiều tác dụng đối với sức khỏe như giảm đau lưng, mỏi gối.

2.7 Cao quy bản

Cao quy bản hay cao rùa được nấu từ phần yếm của con rùa có tác dụng giảm đau nhức chân tay, dùng cho trẻ chậm biết đi, người suy nhược, ho lâu ngày,...

2.8 Cao ba ba

Cao ba ba còn được gọi là Miết giáp cao được nấu từ phần mai của con ba ba có tác dụng điều hòa kinh nguyệt, bồi bổ sức khỏe, giảm đau xương khớp nên rất tốt cho phụ nữ.

3 Cách nấu cao động vật

Cách nấu cao động vật
Cách nấu cao động vật

Cách nấu cao động vật cũng tương đối giống nhau, quy trình nấu cao động vật bao gồm một số bước cơ bản như sau:

  • Xương, yếm, mai động vật đem rửa sạch, nếu nấu cao xương thì cần loại bỏ hết phần thịt và phần gân còn xót lại, nếu nấu cao toàn phần thì có thể bỏ qua bước này.
  • Tùy thuộc vào từng loại cao mà có thể ngâm xương với rượu Gừng nhằm mục đích khử bớt mùi hôi của xương.
  • Sau đó, cho xương vào nồi, thêm nước, đun trong vòng 24 giờ. Ở bước này, tùy thuộc vào loại cao mà có thể cần phải tách riêng từng dịch chiết rồi đem cô riêng hoặc dồn dịch chiết vào cô đặc một lần.
  • Đổ ra khuôn, để nguội, cắt thành từng miếng, bọc ni lông và bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát.

Quá trình nấu cao động vật cũng cần phải lưu ý một số vấn đề sau:

  • Không nên nấu cao quá đặc hoặc cao quá lỏng vì nếu cao quá đặc thì ảnh hưởng đến trọng lượng cao còn nếu nấu cao quá lỏng thì sẽ gây khó khăn trong quá trình bảo quản, cao dễ bị mốc hỏng.
  • Trong quá trình nấu thì phải căn nhiệt lượng và khuấy liên tục, đều tay để cao không bị khét.
  • Trước khi đổ khuôn thì cần quét một lớp dầu hoặc một lớp mỡ vào khuôn để tránh cao bị dính.
  • Tùy thuộc vào mục đích sử dụng, văn hóa của từng vùng miền, quan niệm của từng người mà có thể nấu cao của nhiều loài động vật hoặc nấu cùng với các vị thuốc có nguồn gốc là dược liệu khác.

4 Cách sử dụng cao động vật

Cao động vật có tác dụng gì với xương khớp?
Cao động vật có tác dụng gì với xương khớp?

Tùy thuộc vào từng loại cao mà có thể đem ngâm với rượu, dùng với nước cơm hoặc Mật Ong. Do đó, trước khi sử dụng, bạn cần phải tìm hiểu kỹ càng để cao động vật phát huy được hiệu quả tốt nhất.

Lưu ý khi sử dụng cao động vật:

  • Không nên sử dụng thường xuyên, liên tục khi chưa có hướng dẫn của người có chuyên môn.
  • Đối với một số đối tượng nhạy cảm như trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, người lớn tuổi có nhiều bệnh lý nền thì cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Không sử dụng cao động vật khi thấy có dấu hiệu mốc, hỏng.
  • Bảo quản cao ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp.
  • Một số loài động vật hiện nay được xếp vào nhóm động vật quý hiếm như Hổ, Gấu,... do đó, bạn đọc cần tìm hiểu kỹ càng, tránh mua bán sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật quý hiếm vì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

5 Tài liệu tham khảo

Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Xương Hổ trang 978 – 982. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2024.

Các sản phẩm có chứa dược liệu Cao Động Vật

1/0
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
0985.729.595