Cam Thảo Đất (Cam Thảo Nam - Scoparia dulcis L.)
1 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (Nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) | Lamiales (Hoa môi) |
Họ(familia) | Scrophulariaceae (Hoa mõm chó) |
Chi(genus) | Scoparia |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Scoparia dulcis L. | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Ambulia micrantha Raf. |
Cây Cam Thảo Đất có tên khoa học là Scoparia dulcis L. Cam Thảo Đất là loài cây ưa ẩm, ưa sáng, được tìm thấy ở nhiều nơi của nước ta, dùng làm thuốc chữa bệnh. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp đến bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Cam Thảo Đất
1 Cam Thảo Đất là cây gì?
Tên khoa học: Scoparia dulcis L.
Tên gọi khác: Cam Thảo Nam, Thổ Cam Thảo, Dã Cam Thảo.
Họ thực vật: Hoa mõm chó Scrophulariaceae.
Ngoài ra, còn một số loại Cam thảo khác như Cam thảo bắc (tên khoa học là Glycyrrhiza spp.), Cam thảo dây (tên khoa học là Abrus precatorius L.), Cam thảo đá bia (tên khoa học là Telosma procumbens (Blanco) Merr.).
Dưới đây là một số hình ảnh cây Cam Thảo Đất:
1.1 Đặc điểm thực vật
Cam Thảo Đất thuộc dạng cây thảo, thân cứng, mọc thẳng, chiều cao khoảng 0,3 đến 1 mét.
Thân cây nhẵn, có dạng hình trụ, gốc cây hóa gỗ. Cam Thảo Đất là loại cây phân nhánh nhiều.
Lá cây mọc vòng 3 cái một, đôi khi gặp lá cây mọc đối. Cuống ngắn, phiến lá có dạng hình bầu dục hoặc hình mác. Đầu lá tù, gốc lá hẹp dần, một nửa phía trên của lá có khía răng cưa tù.
Hoa của cây Cam Thảo Đất mọc ở kẽ lá, có màu trắng. Cuống hoa dài, mảnh. Có 4 lá đài, tràng ống có dạng hình bánh xe gồm 4 thùy, nhị 4.
Quả nang nhỏ, gần giống hình cầu. Hạt rất nhỏ, bề mặt nhăn nheo.
Mùa hoa quả rơi vào tháng 5 đến tháng 7.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.
Thời điểm thu hái: Xuân, hạ.
Chế biến: Có thể dùng tươi hoặc sấy khô. Khi sử dụng nên cắt thành từng đoạn ngắn.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chi Scoparia L. trên thế giới có khoảng 10 loài, phân bố chủ yếu ở các vùng nhiệt đới. Tại Việt Nam, chi này có duy nhất một loài gọi là Cam Thảo Đất.
Hiện nay, có thể tìm thấy cây mọc hoang ở nhiều nơi, đặc biệt là những vùng nhiệt đới của Nam Á, Đông Nam Á, Trung Quốc.
Tại nước ta, Cam Thảo Đất được coi là một loài cỏ dại, có thể tìm thấy ở nhiều địa phương khác nhau, bao gồm cả những tỉnh thuộc vùng núi, trung du và đồng bằng.
Cam Thảo Đất là loài cây ưa sáng, ưa ẩm, thường mọc thành từng đám ở ven sông, ruộng, ven đường đi, nương rẫy bỏ hoang. Ở độ cao trên 1000 mét, ít bắt gặp Cam Thảo Đất.
Là loại cây mọc nhanh, có thể mọc từ hạt, thời điểm sinh trưởng vào cuối mùa xuân và phát triển mạnh trong mùa hè. Vào thu, cây bắt đầu ra quả, quả già thì tàn lụi.
Cam Thảo Đất có thể được tìm thấy và khai thác được ở nhiều địa phương khác nhau trên cả nước, đáp ứng nhu cầu hiện nay.
1.4 Cách trồng
Cam Thảo Đất có thể được trồng trên nhiều loại đất khác nhau, bao gồm cả những loại đất đồi, có tính chất khô hạn. Cây chưa được trồng phổ biến mà hầu hết chỉ thấy ở các vườn thuốc hoặc vườn thực vật của các cơ sở y tế, cơ quan nghiên cứu, trường đại học,...
Nhân giống Cam Thảo Đất bằng hạt, khả năng nảy mầm cao, gieo trồng vào tháng 2 đến tháng 3 hàng năm.
Đất đem trồng Cam Thảo Đất chỉ cần cày bừa, lên luống, thêm ít phân chuồng, tuy nhiên cần đảm bảo khoảng cách để các cây có khả năng phát triển tốt đa.
Cây có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.
2 Thành phần hóa học
Toàn cây có chứa flavonoid, diterpen và các acid hữu cơ.
Các hợp chất diterpen bao gồm:
- Scoparinol.
- Scopadulin.
- Dulanol.
- Acid scopadulcic A, B.
- Acid scoparic A, B, C.
Các Flavonoid bao gồm:
- Luteolin.
- Hymenoxin.
- Vicenin-II.
- Vitexin.
- Linarin.
Ngoài ra, còn có thêm một số hợp chất khác như glutinol, tanin, alcaloid, duleiol.
3 Tác dụng - Công dụng của cây Cam thảo đất
3.1 Tác dụng dược lý
Cam Thảo Đất có tác dụng an thần đồng thời làm giảm hoạt động của chuột.
Khi tiến hành nghiên cứu trên hồi tràng chuột lang đã được cô lập, người ra nhận thấy rằng, trong cao dược liệu khô, không nhận thấy có chất nào gây hạ đường huyết.
Hoạt chất Amellin có trong cây Cam Thảo Đất được chứng minh có tác dụng chống đái tháo đường nhưng không làm hạ đường huyết quá mức. Bên cạnh đó, hoạt chất này cũng có tác dụng tăng khả năng dự trữ kiềm, làm giảm lượng Sắt trong huyết thanh.
Hoạt chất Amellin được sử dụng trong nhiều bệnh lý khác nhau như ceton niệu, thiếu máu, viêm võng mạc, các biến chứng trong bệnh đái tháo đường, giúp các vết thương mau lành.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Cam Thảo Đất có vị ngọt, tính mát.
Tác dụng: Nhuận phế, lợi tiểu, bổ tỳ, giải độc, thanh nhiệt.
3.2.2 Công dụng
Tại Việt Nam và Quảng Tây - Trung Quốc sử dụng Cam Thảo Đất để thay thế cho vị Cam Thảo Bắc trong các bài thuốc giải độc cơ thể, chữa sốt, say sắn.
Bên cạnh đó, Cam Thảo Đất còn được sử dụng để chữa ho, ban sởi, viêm họng, kinh nguyệt quá nhiều với liều dùng dược khuyến cáo là 20-40g cây tươi, đem sắc lấy nước uống hoặc có thể phối hợp với các vị thuốc khác như Mạn Kinh, Cỏ Tranh, Kim Ngân, Sài Hồ Nam, Kinh Giới.
Tại đảo Angti, nhân dẫn sử dụng rễ của cây để chữa lậu dưới dạng thuốc sắc.
Nhân dân Brazil sử dụng nước ép của cây để thụt chữa tiêu chảy, uống giúp chữa ho. Nước hãm từ lá của cây Cam Thảo Đất được dùng trong các trường hợp sốt, ho, làm thuốc súc miệng, chữa viêm phế quản, chữa đau răng.
Nước hãm nóng có tác dụng lợi tiểu, nước sắc để nguội dùng cho người sỏi thận hoặc mắc các bệnh về thận.
Nước sắc từ các bộ phận của Cam Thảo Đất bao gồm rễ, lá, ngọn được dùng trong các trường hợp sốt, tiêu chảy, lỵ.
Làm nước hãm từ hạt của cây bằng cách ngâm hạt trong nước qua đêm để làm nước uống giải khát.
4 Một số cách trị bệnh từ cây Cam Thảo Đất
4.1 Trị cước khí phù thũng
Cước khí phù thũng là tình trạng 2 chân bị phù nề, tích nước. Bài thuốc như sau:
40g Cam Thảo Đất.
40g đường đỏ.
Đem sắc, sau đó uống 2 lần mỗi ngày, trước bữa ăn.
4.2 Phòng trị ban sởi (ma chẩn)
Sử dụng Cam Thảo Đất đem sắc lấy nước uống thay trà, liên tục trong 3 ngày.
4.3 Trị trẻ em can hỏa phiền nhiệt (nóng gan)
20g Cam Thảo Đất tươi.
Thêm đường cát, nước sôi.
Chưng cách thủy và uống.
4.4 Trẻ eczema, mụn rộp
Sử dụng Cam Thảo Đất tươi đem giã, vắt lấy nước và bôi vào vùng bị tổn thương.
Trị trẻ em sốt, tiểu không thông, viêm ruột
Sử dụng 20-40g Cam Thảo Đất, đem sắc lấy nước uống.
4.5 Trị ho phế nhiệt
Sử dụng 40 đến 80g Cam Thảo Đất, đem sắc lấy nước uống.
4.6 Trị viêm họng
Sử dụng 160g Cam Thảo Đất tươi, giã nát, vắt lấy nước, thêm Mật Ong, ngậm và nuốt dần.
4.7 Trị mụn nhọt
Sử dụng 80g Cam Thảo Đất tươi, thêm muối, giã nát và sắc lấy nước uống.
5 Một số bài thuốc sử dụng Cam Thảo Đất cùng các dược liệu khác
5.1 Ung thu sinh phù thũng
50g Cam Thảo Đất.
30g Đậu Đỏ.
30g Long Quỳ.
10g Đại Táo.
Mỗi ngày sắc uống 1 thang.
5.2 Mụn nhọt
20g Cam Thảo Đất.
20g Kim Ngân Hoa.
20g Sài Đất.
Mỗi ngày sắc uống 1 thang.
5.3 Dị ứng, mề đay
15g Cam Thảo Đất.
20g Ké Đầu Ngựa.
20g Kim Ngân Hoa.
10g Lá Mã Đề.
Mỗi ngày sắc uống 1 thang.
5.4 Sốt phát ban
15g Cam Thảo Đất.
15g Sài Đất.
15g Cỏ Nhọ Nồi.
20g Củ Sắn.
12g Lá Trắc Bá.
Mỗi ngày sắc uống 1 thang.
5.5 Trị tiểu tiện không thông
15g Cam Thảo Đất.
12g Râu Ngô.
12g Hạt Mã Đề.
Mỗi ngày sắc uống 1 thang.
5.6 Cây Cam Thảo Đất trị ho
15g Cam Thảo Đất.
10g Lá Bồng Bồng.
15g vỏ cây Dâu.
Mỗi ngày sắc uống 1 thang.
5.7 Trị cảm cúm, ho nóng
30g Cam Thảo Đất tươi.
15g Diếp Cá.
9g Bạc Hà.
Đem sắc lấy nước uống.
5.8 Trị lỵ
15g Cam Thảo Đất.
15g Lá Mơ Lông.
20g Cỏ Seo Gà.
Mỗi ngày sắc uống 1 thang.
6 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Cam Thảo Đất, trang 334-336. Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2024.