Cà Rốt (Daucus carota L. ssp. sativus Hayek)
28 sản phẩm
Dược sĩ Tăng Uyên Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 3 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (Nhánh hoa Cúc |
Bộ(ordo) | Apiales (Hoa tán) |
Họ(familia) | Apiaceae (Hoa tán) |
Chi(genus) | Daucus (Cà rốt) |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Daucus carota L. ssp. sativus Hayek |
Cà rốt được biết đến là một loại rau ăn bổ dưỡng, chứa nhiều Vitamin A giúp mắt sáng. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Cà rốt.
1 Giới thiệu về cây Cà rốt
Tên khoa học của Cà rốt là Daucus carota L. ssp. sativus Hayek, thuộc họ Hoa tán (Apiaceae). Cà rốt là một trong những loại rau trồng rộng rãi nhất và lâu đời nhất trên thế giới. Người La Mã gọi là Cà rốt là nữ hoàng của các loại rau.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây thân thảo sống 2 năm; rễ củ hình trụ ngắn, màu vàng hay đỏ. Lá mọc so le, cắt thành bản hẹp, tiểu bao gồm lá bắc nhỏ nguyên hoặc xẻ. Hoa tập hợp thành tán kép; nhiều hoa không đều ở vòng ngoài và hoa lưỡng tính ở vòng trong. Trong mỗi tán, hoa ở chính giữa thì không sinh sản và màu đỏ tía; còn các hoa sinh sản ở chung quanh thì màu trắng hay hồng. Hoa có lá đài rất nhỏ, hình tam giác, cánh hoa có mép gập vào trong, nhị bằng số cánh hoa; bầu hạ có 2 ô, mỗi ô có 1 noãn. Quả bế đôi, thuôn, có cạnh lồi tua tủa những tơ cứng; hạt được bọc bởi lớp vỏ gỗ và lớp lông cứng bao quanh.
Ở Việt Nam phổ biến 2 loại:
- Loại vỏ đỏ được nhập trồng từ lâu, có củ to nhỏ không đều, lõi to, nhiều xơ, hay phân nhánh, kém ngọt.
- Loại có vỏ màu đỏ ngả sang màu da cam là cà rốt nhập của Pháp (Cà rốt Tim tôm), sinh trưởng tốt hơn; tỷ lệ củ trên 80%, da nhẵn, mập hơn, ăn ngon, được yêu thích hơn.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Củ và quả.
Rễ thu hái vào mùa đông, bỏ thân, lá và rễ con, rửa sạch. Quả thu hái sau khi chín, phơi khô. Lá đôi khi được dùng.
1.3 Đặc điểm phân bố
Cây được trồng khá phổ biến ở Việt Nam. Ngoài ra cũng có mặt trên khắp thế giới.
2 Thành phần hóa học
2.1 Dinh dưỡng
Kết quả phân tích thành phần dinh dưỡng của dịch chiết củ cho thấy hàm lượng protein (14,59%), lipid (10,3%), chất xơ (9,07%), hydrat carbon (51,81%), độ ẩm (10,23%) và hàm lượng tro cao ( 12,99%) và giàu các nguyên tố P (11 mg/L), Na (5,38 mg/L), Fe (3,19 mg/L), K (2,25 mg/L), Ca (2,02 mg/L), Mn (1,15 mg/L), Mg (1,02 mg/L), As (0,83 mg/L), Se (0,40 mg/L), Zn (0,26 mg/L), Cu (0,13 mg/L), Cr (0,02 mg/ L), Ni (0,17 mg/L) và Pb (0,04 mg/L).
Hàm lượng beta caroten dao động từ 24,58 ± 2,38 mg/kg đến 124,28 ± 3,54 mg/kg. Hàm lượng beta carotene của cà rốt sống là 34,94 ± 7,81% và của cà rốt luộc là 23,31 ± 4,246%.
2.2 Hóa thực vật
Sàng lọc hóa học của chiết xuất củ cà rốt cho thấy sự hiện diện của steroid / triterpenes, Saponin, flavonoid và tannin. Chiết xuất metanol và acetone thu được từ vỏ cà rốt chứa diterpen, steroid, flavonoid và axit phenolic. Trong khi đó, trong chiết xuất Ethanol của rễ cà rốt, người ta đã tìm thấy các alkaloid, flavonoid, tanin, carbohydrate, phenol, coumarin, terpenoid và axit chlorogenic.
Tinh dầu của hoa và rễ có 32 thành phần (19 monoterpen, bốn sesquiterpen, hai phenylpropanoid, và bảy aldehyd và rượu mạch hở không phải terpen). Tinh dầu của hoa gồm các monoterpen hydrocacbon (68,4%) và sabinen (51,6%), α-pinen (2,1%), β-pinen (2,3%), γ-terpinen (3%), ρ-cymen (4,2%). ). Các monoterpene oxy hóa hầu hết được đại diện bởi terpinene-4-ol (11,0%). Phần sesquiterpene, chiếm 4,8%, bao gồm chủ yếu là rượu eudesm-6-en-4-ol (3,6%). 6 thành phần của tinh dầu rễ được xác định là giàu phenylpropanoid (76,3%), gồm 2 thành phần chính là dilapiole (46,6%) và myristicin (29,7%). Mức monoterpene tương đối thấp là hydrocarbon (7%), Limonene (3,6%), ρ-cymen (1,5%), α-phellandrene (1%) và myrcene (0,9%).
Phân tích thành phần hóa học của chiết xuất ethanol (lá & hạt) cà rốt cho thấy 47 trong tổng số 48 thành phần của lá cà rốt và tinh dầu hạt. Thành phần chính của tinh dầu lá là α-pinen (27,44%), sabinen (25,34%), germacrene (16,33%).
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Cà chua - Loại quả bổ dưỡng với nhiều công dụng
3 Tác dụng - Công dụng của Cà rốt
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Lợi ích chống oxy hóa, chống ung thư và tăng cường miễn dịch
Cà rốt chứa hàm lượng lớn chất chống oxy hóa. Carotenoid, polyphenol và vitamin có trong cà rốt đóng vai trò là chất chống oxy hóa, chất chống ung thư và chất tăng cường miễn dịch. Chúng đã được chứng minh là có hoạt tính ức chế đột biến góp phần làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Flavonoid và dẫn xuất phenolic, có trong rễ cà rốt cũng đóng một vai trò quan trọng như chất chống oxy hóa. Chúng cũng có tác dụng chống ung thư, giảm viêm và điều chỉnh phản ứng miễn dịch.
Các nhà điều tra cho rằng β-carotene và falcarinol có trong chiết xuất nước ép cà rốt có thể chịu trách nhiệm về tác dụng có lợi này trong việc “tiêu diệt” các tế bào ung thư bạch cầu và ức chế sự tiến triển của chúng. Chất chiết xuất từ cà rốt có chứa các lượng khác nhau của falcarinol, falcarindiol và falcarindiol 3-acetate có tác dụng ức chế đáng kể đối với cả sự tăng sinh tế bào bình thường và tế bào ung thư.
Nghiên cứu cho thấy những con chuột được sử dụng carotene có sự gia tăng đáng kể về tế bào lympho, eosinoplis, bạch cầu đơn nhân và nồng độ tiểu cầu. Tác dụng tăng miễn dịch này là do α- và β-carotenoid của cà rốt.
3.1.2 Tăng cường thị lực
Sự thiếu hụt vitamin A có thể khiến các tế bào cảm quang của mắt bị suy giảm, dẫn đến các vấn đề về thị lực. β-caroten (carotenoid có nhiều hoạt tính tiền vitamin A nhất) trong cà rốt giúp bảo vệ thị lực, đặc biệt là thị lực ban đêm và cũng bảo vệ chống thoái hóa điểm vàng và sự phát triển của bệnh đục thủy tinh thể do tuổi già, nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở người già.
Carotenoid của cà rốt không có hoạt tính vitamin A (lycopen, Lutein và zeaxanthin) cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh võng mạc tiểu đường ở bệnh nhân tiểu đường vì theo quan sát gần đây, bệnh nhân tiểu đường loại 2 có mức caroten, lycopene, lutein và Zeaxanthin không có hoạt tính vitamin A thấp hơn, có mức độ bệnh lý võng mạc tương ứng cao hơn.
3.1.3 Cung cấp năng lượng
Bên cạnh lượng lớn β-caroten và các caroten khác, cà rốt còn chứa các vitamin như vitamin C và K, thiamin (B1), Riboflavin (B2), pyridoxine (B6) và folate (B9), cần thiết cho quá trình chuyển hóa carbohydrate, protein và giúp cơ thể tăng trưởng khỏe mạnh.
Vitamin C thúc đẩy sự hấp thu Sắt non-heme và cần thiết để chống nhiễm trùng và vitamin K giúp ngăn ngừa chảy máu. Thiamin (B1) có tác dụng rất có lợi đối với hệ thần kinh và thái độ tinh thần của chúng ta; riboflavin cần thiết cho quá trình hô hấp tế bào và tạo hồng cầu; pyridoxine ức chế sự hình thành homocysteine và giảm nguy cơ mắc bệnh tim; và folate có thể làm giảm nguy cơ đau tim bằng cách giảm mức homocysteine.
3.1.4 Lợi ích chống bệnh tiểu đường, cholesterol, bệnh tim mạch và chống tăng huyết áp
Caroten giàu vitamin A và cà rốt có thể giúp bệnh nhân tiểu đường kiểm soát tình trạng của họ. Chất xơ từ Cà rốt có khả năng hấp phụ Glucose và hoạt động ức chế amylase; giúp kiểm soát mức glucose huyết thanh sau bữa ăn.
Nghiên cứu đã báo cáo hiệu quả của nước ép cà rốt tím đối với hội chứng chuyển hóa. Nước ép cà rốt tím rất giàu anthocyanin và ít carotenoid. Các tác giả kết luận rằng anthocyanin của nước ép cà rốt chịu trách nhiệm về tác dụng có lợi.
Việc ăn cà rốt làm giảm lượng mỡ trong máu và cải thiện tình trạng chống oxy hóa ở chuột. Ngoài ra, nó còn cải thiện mức độ Vitamin E và tế bào cơ tim. Kết quả cho thấy rằng ăn cà rốt có thể có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh tim mạch liên quan đến chứng xơ vữa động mạch. Hiệu quả có thể là do tác dụng hiệp đồng của chất xơ ăn kiêng và chất chống oxy hóa polyphenol trong cà rốt. Việc tiêu thụ cà rốt cũng có liên quan đến việc giảm nguy cơ đau tim ở phụ nữ.
Các tác giả kết luận rằng huyết áp giảm quan sát được trong các nghiên cứu in vitro có thể là do hoạt động ngăn chặn kênh Canxi của cumarin glycoside từ cà rốt.
3.1.5 Bảo vệ gan thận
Chiết xuất cà rốt giúp bảo vệ gan khỏi tổn thương cấp tính do tác động độc hại của hóa chất môi trường. Nghiên cứu cho thấy Cà rốt có thể có tác dụng bảo vệ đáng kể trong việc làm giảm tổn thương cấp tính tế bào gan do CCl4 gây ra nhờ khả năng chống oxy hóa. Chiết xuất cà rốt thực hiện hoạt động bảo vệ chống lại sự tái tưới máu do thiếu máu cục bộ gây ra tổn thương thận cấp tính, bằng cách giảm hoạt động nhặt gốc tự do.
3.1.6 Lợi ích chữa lành vết thương
Kem bôi từ chiết xuất cà rốt làm giảm đáng kể diện tích vết thương, thời gian biểu mô hóa và độ rộng của vết thương. Trong khi đó, tốc độ co vết thương tăng lên đáng kể. Hơn nữa, cũng có sự gia tăng về độ bền kéo vết thương, hàm lượng hydroxyproline và hàm lượng protein. Tác dụng chữa lành vết thương cũng có thể là do điều hòa biểu hiện Collagen và ức chế nồng độ peroxit lipid tăng cao.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây sáng mắt - Duy trì thị lực, giảm triệu chứng hô hấp
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Củ Cà rốt vị ngọt, cay, mùi hăng, tính hơi ấm, quy kinh tỳ, vị, đại tràng, có tác dụng hạ khí bổ trung, yên ngũ tạng, tăng tiêu hoá, làm khoan khoái trong bụng.
Hạt có vị đắng, cay, tính bình, có tác dụng sát trùng, tiêu tích, lợi tiểu.
Cà rốt có các tính chất: bổ, tiếp thêm chất khoáng, trị thiếu máu (nó làm tăng lượng hồng cầu và huyết cầu tố), làm tăng sự miễn dịch tự nhiên, là yếu tố sinh trưởng kích thích sự tiết sữa, làm cho các mô và da trẻ lại; điều hoà ruột (chống tiêu chảy và nhuận tràng), chống thối và hàn vết thương ở ruột, lọc máu, làm loãng mật, trị ho, lợi tiểu, trị giun và hàn liền sẹo.
3.2.2 Công dụng
Củ Cà rốt được dùng làm thuốc uống trong điều trị các chứng bệnh sau:
- Suy nhược (rối loạn sinh trưởng, thiếu chất khoáng, còi xương, sâu răng).
- Thiếu máu.
- Bệnh tiêu hóa: Tiêu chảy trẻ em và người lớn, bệnh trực trùng coli, viêm ruột non kết, bệnh đường ruột, táo bón, loét dạ dày tá tràng, xuất huyết dạ dày ruột.
- Bệnh phổi (ho lao, ho gà mạn tính, hen).
- Bệnh khác: lao hạch, thấp khớp, thống phong, sỏi, vàng da, xơ vữa động mạch, suy gan mật, giảm sữa nuôi con, bệnh ngoài da, ký sinh trùng đường ruột (sán xơ mít).
- Dự phòng các bệnh nhiễm trùng và thoái hoá, đề phòng sự lão hoá và các vết nhăn...
- Dùng ngoài chữa vết thương, loét, bỏng, đinh nhọt, cước, nứt nẻ, bệnh ngoài da (eczema, nấm, chốc lở tại chỗ), dùng đắp apxe và ung thư vú, ung thư biểu mô.
Hạt dùng trị giun đũa, giun kim, bệnh sán dây, đau bụng giun, trẻ em cam tích.
4 Cách dùng và bài thuốc từ cây Cà rốt
4.1 Cách dùng
Thường sử dụng Cà rốt dưới dạng tươi để ăn sống (làm nộm, trộn dầu giấm), xào, nấu canh, hầm thịt. Hoặc dùng ép lấy dịch, phối hợp với các loại rau quả khác làm nước giải khát hoặc nước dinh dưỡng.
Nên ăn Cà rốt vào lúc nào? Bất cứ khoảng thời gian nào cũng có thể ăn Cà rốt, đối với nước ép có thể vào buổi sáng hoặc buổi tối sau khi ăn. Để uống trong, người ta dùng dịch (nước ép) Cà rốt tươi (ngày dùng 60-100g sáng và chiều, tốt nhất vào sáng sớm lúc đói uống 1 cốc).
Cũng dùng dịch tươi làm thuốc trị ho, bệnh về đường hô hấp, hen, khản tiếng.
Củ Cà rốt được dùng phổ biến trong các thang thuốc bổ Đông y, và nấu xúp cho trẻ em bị tiêu chảy ăn thay sữa dưới hình thức ẩm thực trị.
4.2 Ai không nên ăn Cà rốt?
Tác hại của ăn Cà rốt sống là có thể gây ngộ độc vitamin A do vượt quá lượng khuyến cáo, có thể dẫn tới chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi, chảy máu mũi… Ăn quá nhiều Cà rốt cũng gây chuyển màu da sang vàng, cam.
Một số cá nhân có thể bị dị ứng với cà rốt và họ có thể bị phát ban da, tiêu chảy, phản ứng phản vệ, nổi mề đay và sưng tấy… Do đó, không nên dùng cho người dị ứng.
4.3 Bài thuốc
4.3.1 Chữa sau khi ốm kém ăn, uể oải, suy yếu
Dùng củ Cà rốt khô, thái mỏng, tẩm mật sao 30g, cây Vú bò thái miếng phơi khô, tẩm mật sao, Hoài Sơn sao mỗi vị 24g. Mạch Môn chẻ đôi bỏ lõi sao, Ngưu Tất, Thổ Tam Thất mỗi vị 12g, sắc uống.
4.3.2 Trị tiêu chảy trẻ em
Dùng bột Cà rốt khô 50g, hoặc Cà rốt tươi 500g, nước 1 lít, nấu thành xúp. Giai đoạn đầu mỗi ngày ăn 100-150ml/kg cân nặng, ăn làm 6 bữa (nếu truyền hoặc uống nước thì bớt lượng xúp Cà rốt tương ứng); giai đoạn sau cho ăn kèm với sữa mẹ, trọng lượng xúp cà rốt giảm dần.
Chữa giun sán: Bột Cà rốt 12-18g, dùng trong ngày.
5 Tài liệu tham khảo
1. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1, tác giả Võ Văn Chi, Nhà xuất bản y học (Xuất bản năm 2021). Cà rốt trang 295-297, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2023.
2. Tác giả Engla Kartika và cộng sự (Đăng vào tháng 1 năm 2021). Phytochemical and Pharmacological Review of Carrot (Daucus carota L.), Research Gate. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2023.
3. Tác giả João Carlos da Silva Dias (Ngày đắng 15 tháng 11 năm 2014). Nutritional and Health Benefits of Carrots and Their Seed Extracts, Scientific Research. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2023.