Cà Gai Leo (Solanum procumbens L.)
117 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Tracheophyta (Thực vật có mạch) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (Nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) | Solanales (Cà) |
Họ(familia) | Solanaceae (Cà) |
Chi(genus) | Solanum (Cà) |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Solanum procumbens L. |
Cà gai leo được biết đến khá phổ biến với công dụng hỗ trợ điều trị cảm cúm, ho, đau nhức, đặc biệt là bệnh gan. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Cà gai leo.
1 Giới thiệu về cây Cà gai leo
Cà Gai Leo còn có tên gọi khác là Cà gai dây, Cà vạnh, Cà quýnh, mọc rải rác ven rừng, lùm bụi, đất hoang, đồi gò, ở đồng bằng và trung du.
Tên khoa học của cà gai leo là Solanum procumbens L., thuộc họ Cà (Solanaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Cà gai leo là cây bụi sống lâu năm, leo hoặc bò trên mặt đất, cao 1-2 m, phân nhánh nhiều, có lông vũ, toàn thân có lông tơ hình sao. Thân và cành hình trụ, thân hóa gỗ, có nhiều gai cong màu vàng, kích thước 2-4 × 1,5-4 mm. Cuống lá 0,5-1,5 cm; lá mọc so le, phiến lá hình trứng thuôn dài, 1,5-6,5 × 1-3,5 cm, ở phía trên có gai hình sao thưa thớt, có nhiều lông tơ ở trục, có gai ở cả hai bề mặt, gốc hình nêm hoặc tròn, mép thường có 5 thùy hình sin, hiếm khi nguyên, đỉnh tù.
Cụm hoa ở đầu mút, hiếm khi xuất hiện ở nách lá, nhiều hoa dạng chùm hình bọ cạp. Có 4 hoa; cuống 4-12 mm. Đài hoa hình chén, 3-4 mm; thùy không đều nhau, 1-2 mm, có lông tơ hình sao ở trục. Tràng hoa màu trắng, đỏ nhạt, hoặc tím nhạt; thùy hình mũi mác, 4-7 mm, có lông hình sao ở mặt dưới. Sợi nhị dài 1mm; bao phấn cao 6 mm Cuống quả dài 1-2 cm. Quả mọng màu đỏ bóng, hình cầu, đường kính 7-9 mm. Hạt màu vàng nhạt, hình thận-đĩa, kích thước 3×2mm.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ và cành lá.
Có thể thu hái rễ và cành lá quanh năm, sau đó rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô hay sấy khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Tại Việt Nam, Cà gai leo được tìm thấy ở Sơn La, Bắc Giang, Phú Thọ, Hải Phòng, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Gia Lai. Ngoài ra cây còn có ở một số tỉnh bên Trung Quốc.
2 Thành phần hóa học
Từ cao ethyl acetate của thân cây Cà gai leo, các nhà khoa học đã phân lập được anthraquinon (ziganein), polyphenol (acid benzoic, Acid salicylic, 4-hydroxybenzaldehyde, acid vanillic) và indole (indole-3-carbaldehyde).
Ngoài ra, trong rễ cây có chứa nhiều Saponin steroid và alcoloid solasodin. Các nghiên cứu đã xác định rằng spirosolan alkaloid, pregnan steroid và saponin steroid là thành phần chính của chiết xuất Cà gai leo.
3 Tác dụng - Công dụng của Cà gai leo
3.1 Tác dụng dược lý
Chống đái tháo đường: Các hợp chất b -sitosterol và 6'-O-acetyl-b -daucosterol có khả năng ức chế mạnh mẽ đối với enzym alpha - glucosidase, giúp giảm lượng đường trong máu.
Chống ung thư: Các hạt nano oxit Kẽm có nguồn gốc từ Cà gai leo làm tăng mức độ ROS, do đó gây ra quá trình peroxy hóa lipid dẫn đến quá trình chết theo chương trình của các tế bào ung thư phổi A549.
Bảo vệ gan: Các saponin steroid trong Cà gai leo có khả năng gây độc tế bào yếu đối với dòng tế bào HepG2, đồng thời ngăn ngừa xơ hóa tế bào gan, tăng đào thải độc tố.
Nhờ chứa hàm lượng lớn saponin steroid, chiết xuất Cà gai leo còn có các tác dụng khác như chống viêm, bảo vệ tim mạch và kháng khuẩn.
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Cây Cà gai leo có tính ấm, vị hơi the, hơi độc, có tác dụng tán phong thấp, tiêu độc tiêu đờm, trừ ho, giảm đau, cầm máu.
Trong đông y, cây Cà gai leo được dùng trong trị cảm cúm, dị ứng, ho gà, đau lưng, đau nhức xương khớp, rắn cắn; dùng ngoài chữa viêm lợi, viêm quanh chân răng…
4 Các bài thuốc từ cây Cà gai leo
4.1 Trị rắn cắn
Nguyên liệu: 30-35g rễ Cà gai leo tươi.
Cách làm: Rửa sạch, thái nhỏ, giã nát, hòa với 200ml nước đun sôi để nguội, lọc lấy phần nước cho người bị cắn uống ngay lập tức, 2 lần trong ngày đầu tiên. Trong 3-5 ngày sau đó, sao vàng 15-30 rễ khô rồi sắc với nước uống ngày 2 lần.
4.2 Trị phong thấp
Nguyên liệu: Rễ Cà gai leo, vỏ Chân chim, rễ Cỏ xước, Dây Đau Xương, Dây máu, rễ Tầm Xuân, mỗi thứ 20g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống.
4.3 Trị ho, ho gà
Nguyên liệu: Rễ Cà gai leo 10g, lá chanh 30g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống.
4.4 Trị sưng mộng răng
Nguyên liệu: Hạt Cà gai leo 4g.
Cách làm: Tán nhỏ, cho vào nồi với một ít sáp ong, đun cho bay hơi, xông vào chân răng.
4.5 Trị viêm gan, xơ gan, chống ung thư
Nguyên liệu: Cà gai leo 30g, Dừa Cạn, Diệp Hạ Châu mỗi vị 10g.
Cách làm: Nguyên liệu sao vàng, sắc lấy nước uống.
4.6 Trị tê thấp, đau lưng, nhức mỏi người
Nguyên liệu: Cà gai leo, dây gấm, thổ Phục Linh, kê Huyết Đằng, Lá Lốt mỗi thứ 10g.
Cách làm: Sao vàng, sắc lấy nước uống, dùng trong 10-30 ngày.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Truong Thi Thu Hien và cộng sự (Ngày đăng 1 tháng 10 năm 2018). Two New Steroidal Saponins from Solanum procumbens, SAGE Journals. Truy cập ngày 17 tháng 2 năm 2023.
Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Cà gai leo trang 288-289, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 17 tháng 2 năm 2023.