Bưởi (Citrus grandis L.)
55 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Tracheophyta (Thực vật có mạch) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (Nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) | Sapindales (Bồ hòn) |
Họ(familia) | Rutaceae (Cam) |
Chi(genus) | Citrus |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Citrus grandis L. |
Bưởi không chỉ là loại trái cây thơm ngon, bổ dưỡng mà còn đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm trị loét dạ dày, chữa ho, trị phong thấp và chốc đầu. Vậy, vị thuốc này có tác dụng gì? Và sử dụng bưởi thế nào mang lại hiệu quả tối ưu nhất? Mời quý bạn đọc tìm hiểu trong bài viết sau đây.
1 Giới thiệu về cây Bưởi
Bưởi còn có tên gọi khác là Bòng, có tên khoa học là Citrus grandis L., thuộc họ Cam (Rutaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Bưởi là cây thân gỗ, có chiều cao từ 5-10m hoặc hơn, vỏ thân có chứa chất gôm, phân nhánh nhiều. Cành non màu xanh lục, cành già và thân gốc màu nâu. Cành có gai nhỏ mọc thẳng đứng ở nách lá, ban đầu có lông sau nhẵn dần. Lá rộng, có hình trái xoan, tù ở hai đầu, phiến lá nguyên, dai; gân bên 8 đôi, gân mặt dưới lồi rõ hơn ở mặt trên; cuống lá có cánh dài, có nhiều lông ở mặt dưới, nhất là ở đường sống giữa.
Hoa mọc thành chùm ở đầu ngọn cành, có 6-10 hoa, cuống hoa có lông, lá bắc cũng có lông và có hình vạch. Hoa có màu trắng, mùi thơm, có 5 cánh hoa và 4-5 lá đài, lá đài hình tròn, có lông. Hoa lưỡng tính, có khoảng hơn 20 nhị, ngắn bằng một nửa cánh hoa, nhiều mật, bầu hình cầu, có lông, vòi dài, đầu nhụy to tròn. Quả bưởi có hình tròn hoặc hơi méo, đường kính 15-30cm, cùi dày, màu từ xanh lục tới vàng ươm, có nhiều múi, to nhỏ khác nhau, cơm có vị chua đến ngọt, đôi khi đắng và hăng nhẹ tùy giống bưởi. Các tép bưởi có màu vàng nhạt tới hồng đỏ tùy loại, mọng nước. Trong mỗi múi có nhiều hạt màu vàng nhạt. Cây ra hoa gần như quanh năm, nhất là khoảng tháng 3-5 và mùa quả tháng 8-11.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Vỏ quả, có khi dùng cả lá và dịch quả.
Vỏ bưởi được thu hái sau khi quả chín, sau đó phơi trong bóng râm đến héo khô, khi dùng lấy ra rửa sạch, gọt lấy lớp vỏ ngoài cùng. Lá bưởi có thể thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc khô; dịch quả được lấy từ thịt quả chín.
1.3 Đặc điểm phân bố
Bưởi có nguồn gốc từ Ấn Độ, hiện được trồng khắp Việt Nam, ngoài ra còn có ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Malaysia, Philipin…
2 Thành phần hóa học
Vỏ Bưởi chứa hàm lượng lớn naringosid, đây là chất chính gây ra vị đắng cho vỏ bưởi; ngoài ra còn có nhiều tinh dầu (0,8-0,84%). Cả lá và thịt quả cũng chứa tinh dầu nhưng ít hơn.
Quả Bưởi là nguồn giàu Vitamin C và chứa nhiều hợp chất hoạt tính khác nhau rất có lợi cho sức khỏe, ví dụ: Carotenoid, Flavonoid, alkaloid Acridone, limonoid, khoáng chất, tinh dầu và phức hợp Vitamin B. Kali, phospho, Vitamin B1, Vitamin B2, axit folic, Vitamin B12, đường, nước và pectin cũng được tìm thấy trong thịt quả.
Trong nghiên cứu xác định thành phần hóa học tinh dầu bưởi có các thành phần khác nhau như α-Pinen, β-Pinen, Sabinin, methyl heptenon, β-myrcen, hexanal, t-Ocimin, linalool, 1-Hexene,3,3-dimethyl, geranyl format, geranylacetat và β-farnesen thu được từ lá, trong đó các thành phần chính là: Z-citral, 4-methyl-1-hexen, E-citral và DL-limonen.
3 Tác dụng - Công dụng của Bưởi
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Hoạt động chống oxy hóa
Bưởi có khả năng chống oxy hóa đáng kể nhờ hàm lượng lớn flavonoid, polyphenol và vitamin C - là những chất trung hòa tốt các gốc tự do, trong đó polyphenol là thành phần quan trọng ngăn ngừa tổn thương oxy hóa. Chiết xuất Bưởi cũng khử ion Sắt thành dạng sắt cho thấy khả năng ức chế sự hình thành phản ứng Fenton và cản trở việc tạo ra gốc hydroxyl có tính phản ứng cao trong tự nhiên.
3.1.2 Tác dụng chống viêm
Khả năng chống viêm của Bưởi được thể hiện qua sự ức chế các chất trung gian gây viêm khác nhau như IFN-α, IL-2 và IL-4. Tác dụng chống viêm cấp tính của các coumarin như Auraptene, Isoauraptene, Meranzin hydrat thu được từ vỏ Bưởi cho thấy giảm đáng kể các triệu chứng viêm như sưng đau, nóng đỏ…
3.1.3 Chống khối u
Limonoids từ hạt Bưởi, đặc biệt là limonin và nomilin đã báo cáo các hoạt tính sinh học ngăn ngừa hóa trị, đặc biệt là loại bỏ gốc tự do cũng như hoạt động cảm ứng glutathion S-transferase. Chiết xuất metanol của Bưởi đã được chứng minh là làm tăng tuổi thọ của tế bào khối u không khả thi và số lượng của chúng cũng như giảm thể tích khối u. Ngoài ra, chiết xuất Bưởi liên kết với axit mật thứ cấp có liên quan đến việc phát triển ung thư đại trực tràng nhờ làm giảm yếu tố nguy cơ.
3.1.4 Hoạt tính kháng khuẩn
Chiết xuất hạt Bưởi đã được chứng minh là có thể chống lại sự gây hại của các vi khuẩn thường gặp như Pseudomonas aeruginosa, Haemophillus influenzae, Staphylococcus aureus, Streptococcus pneumoniae, Streptococcus pyogens. Hoạt tính kháng khuẩn cao nhất đã được nhìn thấy bởi chiết xuất metanol, tiếp theo là acetone, nước và ether dầu hỏa.
Ngoài ra, chiết xuất Bưởi còn có nhiều tác dụng khác, bao gồm bảo vệ gan và thận, bảo vệ tế bào, giảm cholesterol máu, hạ đường huyết, cải thiện chuyển hóa Glucose, ngăn ngừa tăng cân, giảm rối loạn lipid máu…
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Vỏ Bưởi được gọi là Cam phao, có tính đắng cay, tính ấm, không độc, có tác dụng thông lợi, trừ đàm hóa thấp, hoạt huyết, giảm đau, tiêu thũng.
Trong đông y, vỏ quả được dùng trong trị đờm cổ họng, đau bụng lách to, đau dạ dày, đầy hơi, khó tiêu, ho hen, đau thoát vị đĩa đệm. Lá bưởi có ích trong hạ sốt, ho, đau đầu, hắt hơi, viêm vú, viêm amidan. Dịch từ thịt quả được dùng trong biếng ăn, mệt mỏi, ngộ độc, thiểu niệu, suy mật, sốt, bệnh phổi…
4 Các bài thuốc từ cây Bưởi
4.1 Trị phù thũng
Nguyên liệu: Vỏ Bưởi đào, Mộc thông, Bồ hóng, mỗi vị 20-30g, Diêm tiêu 12g, Cỏ bấc 8g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống ngày 1 thang, chia làm hai lần mỗi ngày trước khi ăn bụng đang đói, ăn một khúc mía trước và sau khi uống thuốc. Hạn chế đồ mặn, muối.
Ngoài ra, trong sản giật phù thũng, có thể dùng 8g hỗn hợp vỏ Bưởi khô và Ích mẫu (đồng lượng), tán nhỏ rồi uống với rượu vào lúc đói; cũng có thể sắc lấy nước uống (mỗi vị 20-30g).
4.2 Trị ho có đờm
Nguyên liệu: Vỏ Bưởi 10g.
Cách làm: Tán nhỏ, pha với nước, thêm đường trắng, uống dần trong ngày.
Ngoài ra, có thể dùng Cơm bưởi 100g, rượu gạo 15ml, Mật Ong 30ml; đun cách thủy tới khi chín nhừ, ăn một lần mỗi ngày. Hoặc cũng có thể ngâm thịt quả với rượu qua một đêm, đun cách thủy tới nhừ, thêm mật ong rồi ngậm và nuốt.
4.3 Trị hen suyễn
Nguyên liệu: Vỏ Bưởi (1 quả nặng 0,5-1kg), Bách hợp 1 miếng, vẩy Hành khô 120g, đường trắng 120-250g, sắc nước uống 3 lần mỗi ngày, dùng trong 9 ngày.
4.4 Trị rối loạn tiêu hóa, miệng nhạt, rỏ dãi ở phụ nữ có thai
Ăn 60g thịt quả mỗi lần, ngày ăn 3 lần.
Ép lấy nước bưởi, uống 50g mỗi lần, ngày uống 3 lần, dùng trong 5 ngày.
Hoặc ép nước từ 5-8 quả, cô đặc lại, thêm 500g mật ong, 100g đường phèn, 10ml nước Gừng tươi, cô tiếp tới khi thành cao, bỏ chai lọ. Mỗi lần dùng 15ml cao, 2 lần mỗi ngày, kéo dài 5 ngày.
4.5 Trị miệng hôi, giải rượu
Nguyên liệu: Nước ép bưởi 1 quả, vỏ quít 10g, gừng tươi 6g.
Cách làm: Nấu chung, thêm đường đen vừa đủ, mỗi ngày dùng 1 lần, trong 5 ngày.
Hoặc có thể ăn 100g thịt bưởi.
4.6 Trị đau khớp hoặc sưng đau do ngã
Nguyên liệu: Vỏ bưởi tươi 250g, gừng tươi 30g.
Cách làm: Băm hoặc xay nhuyễn, đắp lên vết thương.
5 Phụ nữ mang thai và cho con bú có sử dụng được Bưởi không ?
Nếu sử dụng bưởi ở mức độ vừa phải, nó khá an toàn khi mang thai.Quả có thể giúp phụ nữ mang thai tránh được một số biến chứng về sức khỏe. Tuy nhiên, có thể có một số tác dụng phụ mà bạn nên ghi nhớ.
- Bưởi có hóa chất tên là furanocoumarins có thể làm gián đoạn quá trình phân hủy của một số loại thuốc như thuốc trị cholesterol cao trong gan. Do đó, nếu bạn đang ăn bưởi thường xuyên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Ở một số người, bưởi có thể gây kích ứng Đường tiêu hóa. Bưởi là một loại thực phẩm có tính axit và ăn quá nhiều bưởi có thể dẫn đến trào ngược axit và ợ nóng.
6 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Rusat Jahin Anmol và cộng sự (Ngày đăng 17 tháng 10 năm 2021). Phytochemical and Therapeutic Potential of Citrus grandis (L.) Osbeck: A Review, PubMed. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2023.
2. Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Bưởi trang 94-95, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2023.
3. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Bưởi trang 270-271, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2023.