Bòng Bong (Thòng Bong - Lygodium flexuosum (L.) Sw.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Tracheophyta (Thực vật có mạch) Polypodiopsida (ngành Dương xỉ) |
Bộ(ordo) | Schizaeales (Ráng ngón) |
Họ(familia) | Lygodiaceae (Bòng bong) |
Chi(genus) | Lygodium |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Lygodium flexuosum (L.) Sw. |
Bòng bong thuộc dạng cây luôn xanh, mọc leo, thân cây mảnh, thể chất cứng, vỏ ngoài có màu nâu nhạt, cây phân thành nhiều nhánh, các nhánh quấn chằng chịt với nhau như mớ bòng bong. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Lygodium flexuosum (L.) Sw.
Tên gọi khác: Thòng bong, Thạch vĩ đằng.
Họ thực vật: Lygodiaceae (Bòng bong).
1.1 Cây Bòng bong (Thòng bong) là cây gì?
Bòng bong thuộc dạng cây luôn xanh, mọc leo, thân cây mảnh, thể chất cứng, vỏ ngoài có màu nâu nhạt, cây phân thành nhiều nhánh, các nhánh quấn chằng chịt với nhau như mớ bòng bong.
Phiến lá dài, các lá mọc đối, mỗi lá xẻ 2-3 lần lông chim, các lá chét mọc cách xa nhau ở gần cuống sau đó lại mọc sít nhau ở gần ngọn, những lá chét ở gần cuống có hình tam giác nhọn, chia thành 2-3 đôi lá chét nhỏ hơn, phía tận cùng là lá chét có dạng hình mác. Những lá chét sinh sản có mang túi bào tử ở mép nhìn như những chiếc răng cưa nhọn. Túi bào tử có màu nâu, chiều dài khoảng từ 2-8mm bên trong có chứa nhiều bào tử nhỏ hình 4 mặt, có màu trắng xám hoặc màu vàng nhạt.
Mùa sinh sản từ tháng 3 đến tháng 7.
Dưới đây là hình ảnh cây Bòng bong (Thòng bong):
Cần tránh nhầm lẫn với các loài Lygodium japonicum (tên thuốc là Hải kim sa), L. scandens Sw. (Bòng bong lá nhỏ), L. conforme (Bòng bong lá to),...
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Dây mang lá.
Thời điểm thu hái: Quanh năm.
Chế biến: Thái nhỏ, dùng tươi hoặc phơi khô.
1.3 Cây Bòng bong mọc ở đâu?
Bòng bong được tìm thấy phổ biến ở vùng nhiệt đới, á nhiệt đới đặc biệt ở các nước ở vùng Nam và Đông Nam Á như Malaysia, Ấn Độ, Lào, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam,...
Tại nước ta, Bòng bong được tìm thấy ở hầu hết các tỉnh thuộc vùng trung du, miền núi, đôi khi còn phát hiện loài cây này ở vùng đồng bằng.
Bòng bong có bản chất là loài ưa sáng, thường mọc tập trung ở những đồi cây bụi, tràng sau nương rẫy hoặc mọc ở vùng ven rừng. Cây sinh sản bằng bào tử, phần thân rễ nằm sát mặt đất có khả năng đẻ nhánh khỏe. Bòng bong là loài sinh trưởng và phát triển nhanh, có thể gây ảnh hưởng đến một số cây trồng khác.
2 Thành phần hóa học
Lá cây Bòng bong có chứa tryptamine, tryptophan.
Toàn cây Bòng bong có chứa chất cho thấy hoạt tính cai đẻ dryocrassol tectoquinon, o,p-coumaryl-dryocrassol. Bên cạnh đó, Bòng bong còn chứa kaempferol-3-β-0-glucoside, kaempferol, β-sitosterol và ligodinolid.
3 Tác dụng của cây Bòng bong
3.1 Tác dụng dược lý
Toàn cây Bòng bong trừ rễ khi cho chuột cống trắng dùng liều bằng ¼ liều LD50 theo đường uống dưới dạng cao chiết thì thấy dược liệu có tác dụng lợi tiểu rõ.
Khi tiến hành thử nghiệm trên in vitro, Bòng bong cho thấy tác dụng ức chế yếu với các chủng vi khuẩn gây bệnh bao gồm trực khuẩn mủ vàng, tụ cầu vàng, trực khuẩn lỵ Flexner, trực khuẩn coli, trực khuẩn Subtilis.
Khi thử nghiệm về tác dụng chống rụng trứng của Bòng bong trên mô hình gây rụng trứng ở thỏ cái thông qua việc tiêm tĩnh mạch axetat đồng với liều 4mg/kg. Sau khi cho thỏ uống cao chiết với Ethanol toàn cây Bòng bong với liều 750mg/kg/ngày, trong 3 ngày liên tục thì thấy tác dụng ức chế rụng trứng của Bòng bong thể hiện ở 20% số con thỏ điều trị so với nhóm đối chứng.
Khi tiến hành thử nghiệm cao chiết với ethanol-nước từ toàn cây Bòng bong về tác dụng chống sinh sản ở chuột cống và chuột nhắt trắng cái với liều 500mg cao cho 1kg thể trọng chuột mỗi ngày, dùng trong 7 ngày, trong những ngày uống thuốc đều cho chuột giao hợp đã cho thấy tác dụng chống sự làm tổ của trứng đã thụ tinh ở 100% chuột cống trắng và 70% chuột nhắt trắng.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Bòng bong có vị hơi ngọt, tính mát, quy vào kinh bàng quang, tiểu tràng, có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu, tiêu viêm, thanh nhiệt, giải độc.
3.2.2 Công dụng
Nhân dân thường sử dụng toàn cây Bòng bong để làm thuốc lợi tiểu, đái buốt đau, chữa đái nhắt, đái ra cát sạn, đái ra máu. Ngoài ra, cây Bòng bong còn được dùng để làm thuốc lợi sữa, chấn thương ứ máu, chữa táo bón.
Liều dùng thông thường theo đường uống là 12 đến 30g dưới dạng thuốc sắc.
Khi dùng ngoài thì không kể liều lượng, dùng cây Bòng bong giã nát đắp lên vết thương, vết loét.
Y học cổ truyền Ấn Độ sử dụng cây Bòng bong để làm thuốc long đờm. Rễ cây tươi khi dùng ngoài có tác dụng chữa bong gân, thấp khớp, eczema, ghẻ, vết thương bị cắn đứt hoặc dùng khi bị nhọt độc rất hiệu quả. Làm thuốc long đờm bằng cách sắc lá cây với liều dùng trong ngày với 2 lít nước trong ½ giờ, chia làm 3-4 lần uống trong ngày. Rễ tươi giã thành bột nhão dùng để đắp ngoài khi bị thấp khớp.
Y học dân gian Nepal sử dụng cây Bòng bong được đốt cháy, tán thành bột sau đó trộn với nước, bôi ngoài trị ecpet.
4 Cây Bòng bong trị bệnh gì?
4.1 Thuốc lợi tiểu, đái rắt, đái buốt
12-20g lá Bòng bong dùng để sắc nước uống trong ngày. Bên cạnh đó, có thể phối hợp với cỏ tranh hoặc dây hương, nên dùng hàng ngày đến khi khỏi bệnh.
4.2 Chữa trẻ em phù thũng toàn thân, mặt phù nặng, bụng to có nước, đi tiểu ít
20g Bòng bong.
20g vỏ quả bầu khô.
12g tinh tre xanh.
12g vỏ trắng rễ dâu.
12g cỏ may.
Các vị đem sắc nước uống mỗi ngày đến khi bệnh thuyên giảm.
4.3 Chữa đái buốt, âm đạo, dương vật sưng đau, đái ra dưỡng trấp hoặc đái ra sỏi
30-40g Bòng bong.
40g Hoạt thạch.
20g lá cườm.
10g Cam Thảo.
Các vị tán nhỏ, mỗi lần uống 8g thuốc sắc cùng với 20g Mạch Môn, chia làm 3 lần uống trong ngày.
4.4 Chữa viêm tuyến vú
30-40g Bòng bong đem sắc uống. Có thể dùng lá Bòng bong giã nát, chưng nóng đắp ngoài.
4.5 Chữa vết thương phần mềm
Sử dụng một lượng bằng nhau các vị lá Bòng bong, lá Hàn the, lá Mỏ quả tươi, sau đó giã nát, đắp lên vết thương đã được rửa sạch bằng nước lá Trầu Không thêm Phèn phi. Mỗi ngày thay thuốc 1 lần, sau 3-5 ngày khi vết thương đỡ thì thay thuốc 2 ngày 1 lần.
4.6 Chữa chín mé, quai bị
Lá Bòng bong giã, sau đó chưng cùng dấm và đắp lên vết thương.
4.7 Làm tiêu tan sỏi niệu
40g Bòng bong.
40-80g Kim tiền thảo.
20-40g Ý dĩ.
20-40g Hoạt thạch.
12-40g Miết giáp.
12-20g Thương truật.
12-20g Hạ Khô Thảo.
12-20g Bạch Chỉ.
Mỗi ngày sắc lấy 1 thang để uống.
Làm tăng bài xuất sỏi niệu
12-40g Bòng bong.
40g Kim tiền thảo.
20-40g Thạch vĩ.
20-40g Hoạt thạch.
12-40g Xa tiền tử.
12-20g Đông quì tử.
12g Ngưu Tất.
12g Chỉ Xác.
12g Hậu phác.
12g Vương bất lưu hành.
Các vị đem sắc uống mỗi ngày 1 thang.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1, trang 226-228. Truy cập ngày 30 tháng 11 năm 2024.
Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Thòng Bong trang 252. Truy cập ngày 30 tháng 11 năm 2024.