Bồn Bồn (Ormocarpum cochinchinense (Lour.) Merr.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) | Fabales (Đậu) |
Họ(familia) | Fabaceae (Đậu) |
Chi(genus) | Ormocarpum |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Ormocarpum cochinchinense (Lour.) Merr. | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Ormocarpum sennosides DC. |
Bồn bồn thuộc dạng cây thảo, chiều cao mỗi cây lên đến 1,5 mét. Thân cây mang nhiều nhánh ngắn. Cây được nhân dân sử dụng trong các trường hợp bị mụn nhọt, Đau Bụng Kinh. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết
1 Cây Bồn bồn là cây gì?
Tên khoa học: Ormocarpum cochinchinense (Lour.) Merr.
Tên đồng nghĩa: Ormocarpum sennosides DC.
Tên gọi khác: Dây dang, Bồn bồn núi, Mạng quả.
Họ thực vật: Đậu (Fabaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Bồn bồn thuộc dạng cây thảo, chiều cao mỗi cây lên đến 1,5 mét. Thân cây mang nhiều nhánh ngắn.
Cuống lá dài 3-9cm, mang 9-17 lá chét, phiến lá chét có dạng hình trứng ngược, chiều dài mỗi lá khoảng 20-25mm, chiều rộng từ 3-10mm, không có lông. Lá kèm nhọn và cứng.
Chùm hoa mọc trên một nhánh ngắn gồm 2-6 hoa trắng, với lườn có sọc đỏ, lá bắc 2, kích thước nhỏ, tràng cao 15mm, bầu có lông, vòi nhụy nhẵn.
Quả đậu, chiều dài mỗi quả khoảng 5cm, chiều rộng khoảng 0,5cm. Khoảng cách giữa các hạt có thắt eo, gân tạo thành một mạng dọc.
Mỗi quả gồm 2-5 hạt, có dạng hình bầu dục, hạt màu nâu.
Dưới đây là hình ảnh cây Bồn bồn:
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Lá và rễ.
1.3 Đặc điểm phân bố
Bồn bồn được tìm thấy ở Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Tại nước ta, cây được tìm thấy chủ yếu ở khu vực Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đồng Nai, Ninh Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu.
2 Thành phần hóa học
Các đặc tính sàng lọc hóa thực vật và chống oxy hóa của lá Ormocarpum cochinchinense L. đã được nghiên cứu sau khi chiết xuất nhiều hợp chất khác nhau trong đó bằng các dung môi khác nhau. Các dung môi khác nhau được sử dụng để chiết xuất là dimethyl sulfoxiamide (DMSO), Ethyl Acetate (EtoAc), Ethanol (EtOH), methanol (MeOH) và chloroform (CHC13).
Các nhà khoa học đã nhận thấy sự hiện diện của các thành phần hóa học bao gồm flavonoid, alkaloid, steroid, terpenoid, Saponin, gum, tannin, resin, coumarin, glycoside, carbohydrate.
3 Tác dụng của cây Bồn bồn
Một nghiên cứu được thực hiện nhằm mục đích điều tra tiềm năng chống oxy hóa và chống đái tháo đường của lá cây Bồn bồn thông qua các phương pháp tiếp cận trong ống nghiệm và in silico. Chiết xuất methanol thể hiện hàm lượng phenolic và Flavonoid cao nhất so với các chiết xuất dung môi là nước, acetone, hexan và chloroform, tương quan với hoạt động chống oxy hóa mạnh. Hơn nữa, chiết xuất methanol thể hiện tác dụng ức chế đáng kể đối với các enzym α-amylase và α-glucosidase, cho thấy tiềm năng của nó như một tác nhân chống đái tháo đường. Phân tích ghép nối phân tử đã xác định các hợp chất, bao gồm myo-inositol, có năng lượng liên kết thuận lợi tương đương với thuốc Metformin tiêu chuẩn. Các hợp chất được chọn thể hiện ái lực liên kết mạnh đối với các enzym α-amylase và α-glucosidase. Phân tích động lực học cấu trúc cho thấy myo-inositol tạo thành phức hợp ổn định hơn với các enzym. Những phát hiện này cho thấy lá O. cochinchinense có đặc tính chống oxy hóa và chống tiểu đường, khiến nó trở thành nguồn tiềm năng để phát triển các tác nhân điều trị.
Ngoài ra chiết xuất Bồn bồn còn cho thấy tác dụng chống oxy hóa, loại bỏ gốc tự do ở nhiều nồng độ khác nhau đồng thời thúc đẩy quá trình liền xương mạnh mẽ.
4 Công dụng theo Y học cổ truyền
4.1 Tính vị, tác dụng
Ở Ấn Độ, rễ cây Bồn bồn được xem là một loại thuốc bổ và kích thích.
4.2 Công dụng
Đọt non của cây được nhân dân dùng làm rau ăn hàng ngày.
Lá cây sau khi giã nát đắp để chữa mụn nhọt. Nhân dân còn sử dụng nước sắc từ lá uống trong trường hợp bị đau bụng kinh. Có thể phối hợp với vỏ Gòn, sắc nước uống chữa viêm khớp.
Nhân dân Ấn Độ sử dụng rễ cây Bòn bòn để chữa bệnh liệt và đau bụng.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Ramkumar Katturajan và cộng sự (Ngày đăng tháng 2 năm 2024). Antioxidant and Antidiabetic Potential of Ormocarpum cochinchinense (Lour.) Merr. Leaf: An Integrated In vitro and In silico Approach, PubMed. Truy cập ngày 3 tháng 10 năm 2024.
Tác giả Gayathri và cộng sự (Ngày đăng tháng 12 năm 2022). In-vitro Antioxidant and In-vitro Anti-inflammatory activities of Ethanolic leaves extract of Ormocarpum Cochinchinense, Journals. Truy cập ngày 3 tháng 10 năm 2024.
Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 1. Bồn bồn, trang 233-234. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2024.