Bồ Cu Vẽ (Cứt Cu, Sâu Vẽ - Breynia fruticosa)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Tracheophyta (Thực vật có mạch) Magnoliopsida (Thực vật hai lá mầm) |
Bộ(ordo) | Malpighiales (Sơ ri) |
Họ(familia) | Euphorbiaceae (Thầu dầu) |
Chi(genus) | Breynia |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Breynia fruticosa (L.) Hook.f. |
Cây Bồ Cu Vẽ có tên khoa học là Breynia fruticosa (L.) Hook.f. Bồ Cu Vẽ thuộc dạng cây nhỏ, nhân dân thường sử dụng để làm thuốc trị rắn cắn, viêm amidan, mụn nhọt. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Bồ Cu Vẽ
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Breynia fruticosa (L.) Hook.f.
Tên gọi khác: Sâu Vẽ, Đỏ Đọt, Cứt Cu, Bạch Địa Hương, Cù Đề.
Họ thực vật: Thầu dầu Euphorbiaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Giống cây Bồ Cu Vẽ thuộc dạng cây nhỏ, chiều cao khoảng 3 đến 6 mét.
Thân cây có dạng hình trụ, cành cây dẹt ở ngọn, trên thân cành có những đốm màu đỏ hơi nhạt hoặc màu đen do sâu vẽ nên.
Lá cây bồ cu vẽ mọc so le, phiến là tương đối dày và dai, có dạng hình trứng hoặc hình bầu dục. Gốc lá có dạng hình tròn hoặc thuôn, đầu lá nhọn. Lá có chiều dài khoảng 3-6cm, chiều rộng từ 2 đến 4,5cm. Mặt trên lá có màu sẫm, hơi bóng, mặt dưới lá có màu rất nhạt. Nhiều lá của cây Bồ Cu Vẽ thường bị sâu bò nên trên bề mặt thường xuất hiện những đường ngoằn ngoèo.
Lá kèm có dạng hình tam giác nhọn.
Cụm hoa mọc thành chùm ở kẽ lá gồm 5-6 hoa đực và hoa cái chỉ gồm 1-3 hoa có màu lục. Hoa đực có đài hình ống, nhị 3. Hoa cái hình chuông, bầu hình trứng, 3 ô.
Quả nang hình cầu, tương đối dẹt, quả có màu đen, đường kính mỗi quả khoảng 5mm, trên quả có đài tồn tại.
Mùa hoa quả rơi vào tháng 6 đến tháng 8.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Lá, vỏ thân, rễ.
Thời điểm thu hái: Quanh năm.
Chế biến: Có thể dùng tươi hoặc phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chi Breynia Forst, et Forst. f. trên thế giới có khoảng 25 loài, gồm nhiều cây bụi hoặc những cây gỗ kích thước nhỏ.
Tại nước ta, có khoảng 14 loài, tuy nhiên chỉ có khoảng 4 loài là được sử dụng để làm thuốc.
Bồ Cu Vẽ phân bố chủ yếu ở các tỉnh thuộc vùng đồng bằng, trung du, miền núi với độ cao phân bố thường dưới 500 mét.
Cây cũng được tìm thấy ở Campuchia, Lào, Nam Trung Quốc.
Là loại cây bụi ưa sáng, có khả năng chịu bóng nhẹ nên Bồ Cu Vẽ thường mọc xen với những loài khác ở bờ nương rẫy, các lùm bụi quanh làng. Cây có thể sinh trưởng và phát triển trên nhiều loại đất khác nhau, bên cạnh đó, cây cũng có khả năng chịu hạn tốt với đặc điểm ra hoa quả hàng năm.
Cây tái sinh chủ yếu từ hạt.
2 Tác dụng - Công dụng của cây Bồ cu vẽ
2.1 Tác dụng dược lý
Tại nước ta, đã có một số nghiên cứu trên thực nghiệm nhằm xác định tác dụng dược lý của Bồ Cu Vẽ, bao gồm:
Tác dụng kháng khuẩn đối với 6 trong 8 loài thông thường khi sử dụng nước sắc, cao, nước ép của cây.
Bồ Cu Vẽ có tác dụng đối với amip khi nghiên cứu trên in vitro.
Nước ép lá, cao lỏng của rễ, cao lỏng của lá có tác dụng chống thực nghiệm.
Kéo dài thời gian sống của chuột nhắt sau khi tiêm nọc rắn hổ mang vào tĩnh mạch.
2.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
2.2.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Bồ Cu Vẽ có vị đắng, tính mát.
Tác dụng: Hạ sốt, thông mạch, giải độc, tiêu sưng, hóa ứ, giảm đau.
2.2.2 Công dụng
Bồ Cu Vẽ được sử dụng để chữa viêm dạ dày, kiết lỵ, viêm họng, ruột cấp, viêm khí quản, sưng amidan, lở loét, viêm âm đạo, rắn cắn, sỏi niệu đạo với liều dùng được khuyến cáo là 20-40g dạng cây tươi hoặc 10-20g cây khô, đem sắc lấy nước uống.
Có thể dùng ngoài đắp vết thương với liều lượng tùy thuộc vào tình trạng bệnh.
3 Một số cách trị bệnh từ cây Bồ Cu Vẽ
3.1 Chữa viêm họng, viêm dạ dày, sưng amidan, viêm ruột
10-15g mỗi vị bao gồm lá Bồ Cu Vẽ, Cỏ Sữa Lá Nhỏ, Cỏ Sữa Lá To, đem sắc lấy nước uống.
3.2 Chữa mụn nhọt, lở loét, chốc đầu, viêm da
Sử dụng lá Bồ Cu Vẽ tươi, đem rửa sạch, giã và đắp lên vùng bị tổn thương.
Trường hợp lở loét bị chảy nước, có thể sử dụng vỏ cây đem cạo, lấy bột để rắc.
3.3 Chữa bỏng
Sử dụng toàn cây Bồ Cu Vẽ, đem chặt nhỏ, sắc đặc, dùng nước sắc để rửa vết thương, mỗi ngày rửa nhiều lần.
3.4 Chữa rắn cắn
Sử dụng 30-40g lá Bồ Cu Vẽ tươi, đem rửa sạch, nhai, nước để uống, bã đắp vào chỗ bị rắn cắn.
Hoặc sử dụng 20g mỗi vị lá Bồ Cu Vẽ tươi, lá Sòi Tía, các vị đem giã nát, sau đó thêm nước và vắt lấy nước cốt, sau đó mài thêm 1-2 Hùng Hoàng rồi dùng nước để uống, bã để đắp.
4 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Bồ Cu Vẽ, trang 240-241. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2024.