Bằng Lăng (Lagerstroemia speciosa (L.) Pers.)
6 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) | Myrtales (Sim) |
Họ(familia) | Lythraceae (Tử vi) |
Chi(genus) | Lagerstroemia |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Lagerstroemia speciosa (L.) Pers. |
Bằng lăng được biết đến khá phổ biến với công dụng chữa nấm da, tiêu chảy, bỏng, chống nhiễm khuẩn và hỗ trợ giảm cân. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Bằng lăng.
1 Giới thiệu về cây Bằng lăng
1.1 Các loại cây bằng lăng
Hiện nay, có hai loài cây Bằng lăng được biết đến.
Loài thứ nhất là Bằng lăng nước, có tên khoa học là Lagerstroemia speciosa (L.) Pers. và thuộc họ Tử vi - Lythraceae.
Loài thứ hai là Bằng lăng ổi, còn được gọi là Bằng lăng cườm hoặc Thao lao, có tên khoa học là Lagerstroemia calyculata Kurz và cũng thuộc họ Tử vi - Lythraceae.
1.2 Đặc điểm thực vật
Bằng Lăng nước, đây là một cây gỗ lớn, có kích thước trung bình. Lá bầu dục, tròn ở gốc, nhọn ngắn ở chóp, dài 10-20cm và rộng 5-9cm. Lá đặc và rất nhẵn, cả hai mặt đều có màu nhạt. Chuỗi hoa đứng ở ngọn, nhánh có lông, nụ hoa tròn đỏ. Hoa rộng hơn 3cm, màu đỏ tím và đài có lông sát. Có 6 cánh hoa có cuống 5mm và nhiều nhị. Quả nang của Bằng lăng nước có hình dạng trứng, dài 20x18mm và mang lá đài xoè ra. Khi nở, quả nang sẽ phân thành 6 mảnh, hạt có đường kính từ 12-15mm.
Bằng lăng ổi, đây là một cây gỗ rụng lá, cao từ 30-35m. Cành mảnh, có lông hình sao màu vàng. Lá hình ngọn giáo thuôn, dài từ 7-14cm và rộng từ 2-5cm. Gốc tù, hơi lệch, chóp nhọn kéo dài thành mũi, dai, có lông lúc non, về sau chỉ có lông ở mặt dưới lá và gân bên 10-13 đôi, cuống lá 3-5mm và có lông. Cụm hoa hình chuỗi ở ngọn, dài từ 12-20cm, có nhiều lông vàng. Hoa hợp thành nhóm từ 6-8 cái. Nụ hoa hình nón ngược hay hình trứng, cao 4-5mm, đài hình chuông, ống dài 5mm, có 6 thuỳ tam giác. Cánh hoa 6, hình tròn hay hình tim ngược, rộng 2-5mm và nhị nhiều. Bầu 5-6 ô, vòi dài. Quả nang của Bằng lăng ổi hình trứng, dài 12mm, khi chín nứt thành 6 mảnh.
1.3 Thu hái và chế biến
Bằng lăng nước: Bộ phận dùng: Vỏ, lá và quả. Có thể thu vỏ và lá quanh năm.
Bằng lăng ổi: Bộ phận dùng: Vỏ.
1.4 Đặc điểm phân bố
Bằng lăng nước: Mọc rải rác trong rừng hoặc trảng cây bụi và thường ra hoa vào tháng 4. Có thể trồng loài cây này ở Đồng Nai, Lâm Đồng, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, cây còn có mặt ở Mianma, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia và Philippin.
Bằng lăng ổi: Cây thường mọc trong rừng nửa rụng lá ở độ cao dưới 800m. Loài cây này ưa đất sâu dày với độ ẩm trung bình và tái sinh tốt bằng hạt và chồi. Thời điểm ra hoa của cây này là tháng 6-7 và có quả chín tháng 3-4 năm sau. Có thể tìm thấy cây Bằng lăng ổi ở Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Đồng Nai và Tây Ninh, cũng như Myanmar, Lào, Campuchia và Thái Lan.
2 Thành phần hóa học
Bằng lăng nước: Mọi phần của cây đều chứa một chất có tác dụng giảm đường trong máu, đặc biệt là lá già và quả chín với hoạt tính tương đương với khoảng 6-7.7 đơn vị Insulin. Vỏ cây là nguồn tốt của tanin. Lá cây chứa alanin, isocleucin, acid aminobutyric và menthoeonin, nhưng không chứa alcaloid, glucosid, sterol và Flavonoid.
Bằng lăng ổi: Vỏ chứa tanin.
Chiết xuất từ lá của cây Lagerstroemia speciosa đã được chứng minh là chứa triterpen pentacyclic có hoạt tính ức chế men α-glucosidase. Lá của cây bằng lăng cũng chứa valoneic acid dilatone, một chất có khả năng ức chế enzyme xanthine oxidase, từ đó giảm mức acid uric trong máu. Việc sử dụng lá cây bằng lăng có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh của người bị gout.
Thành phần acid corosolic được tìm thấy nhiều trong quả già và lá của cây đã được chứng minh có tác dụng ổn định đường huyết và giảm béo phì. Hoạt chất này hiện nay đã được nghiên cứu và phát triển để sử dụng làm thuốc ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Các hợp chất tanin được tìm thấy ở lá của cây có thể kể đến như ellagitannins, lagerstroemia, lagertannins cũng có tác dụng tương tự là ổn định đường huyết.
Bên cạnh đó, lá cây còn chứa valoneic acid dilactone (VAD) có tác dụng làm giảm acid uric cho bệnh nhân gout nhờ tác dụng tương tự như chất ức chế xanthine oxidase
Dịch chiết từ lá của cây đã được chứng minh có tác dụng tốt đối với bệnh nhân Gout tốt hơn biệt dược chứa Allopurinol là Zylopzim.
Các nhà nghiên cứu khoa học cũng rút ra được rằng, lá và quả già của cây có tác dụng hạ đường huyết tốt nhất trong tất cả các bộ phận. Lá non và hoa chỉ có hiệu lực khoảng 70%.
3 Công dụng - Tác dụng của (lá) Bằng lăng
3.1 Vị thuốc Bằng lăng - Công dụng theo y học cổ truyền
Tính vị, tác dụng:
- Bằng lăng nước có tác dụng gây ngủ từ hạt, xổ từ vỏ và lá, cũng như thu liễm, kích thích và làm giảm nhiệt từ rễ.
- Bằng lăng ổi có vị chát và có tác dụng làm săn da từ vỏ cây.
Công dụng: Quả Bằng lăng nước được sử dụng để đắp ngoài nhằm điều trị bệnh áp tơ ở miệng. Vỏ thân của cây thường được sử dụng để hãm nước uống, trị ỉa chảy. Rễ của cây được dùng để trị ung thũng độc ở Quảng Tây, Trung Quốc.
Tương tự như các loài Bằng lăng khác, vỏ cây Bằng lăng ổi có thể được sử dụng để hãm nước uống trị ỉa chảy.
Bằng Lăng Nước là loài cây có nhiều lợi ích, các bộ phận của cây có công dụng khác nhau như:
- Hạt có tác dụng gây ngủ.
- Rễ có tác dụng hạ nhiệt, kích thích, làm se.
- Vỏ thân và lá của cây đem hãm để làm thuốc trị ỉa chảy.
- Nhân dân Philippines, Ấn Độ sử dụng nước hãm từ lá để chữa tiểu đường.
- Quả đắp ngoài để trị tổn thương có loét và đau ở miệng.
Cần lưu ý sử dụng thận trọng cho các đối tượng như phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú, trẻ em mặc dù kết quả thử độc tính cho thấy Bằng Lăng Nước an toàn.
Đối với trường hợp bệnh nhân tiểu đường đang sử dụng thuốc hạ đường huyết thuộc nhóm sulfonylureas (Glipizide và Glyburide) thì cần phải cân nhắc hiệu chỉnh liều để đảm bảo an toàn khi dùng cùng với các chế phẩm chứa dược liệu Bằng Lăng Nước.
3.2 Bài thuốc từ cây Bằng lăng
3.2.1 Điều trị hắc lào và nấm da
Ngâm vỏ thân cây bằng lăng thái nhỏ với cồn 20-30% trong 600 phút và bôi lên vùng da bị nấm hoặc hắc lào.
3.2.2 Điều trị tiêu chảy và kiết lỵ
Sắc 20-30g vỏ thân cây bằng lăng tía khô với 400ml nước để còn lại 100ml, sau đó uống hai lần mỗi ngày. Cũng có thể nghiền thành bột hoặc nấu thành viên uống, sử dụng trong 7-10 ngày.
3.2.3 Lá bằng lăng chữa tiểu đường
Uống nước lá bằng lăng có tác dụng gì? Nấu 50g lá cây bằng lăng già hoặc 50g quả khô với 0,5 lít nước cho đến khi sôi. Lọc và uống 4-6 cốc trong ngày để phòng và chữa bệnh tiểu đường hiệu quả.
3.2.4 Điều trị bỏng
Nấu 100g vỏ thân cây bằng lăng tía với nước để lấy dịch rửa vết bỏng. Băm 200g còn lại nhỏ, nấu với hai lần nước, lọc và cô thành cao lỏng, bôi lên vết thương từ 2-3 lần mỗi ngày. Cao lỏng giúp se lại vết thương thành màng, độ mềm và dai, giữ sạch vết thương, tránh nhiễm khuẩn mà không cần băng bó.
3.2.5 Phòng chống nhiễm khuẩn
Nấu vỏ cây bằng lăng với nước và cô đặc thành cao. Bôi lên vết thương sẽ tạo lớp màng bảo vệ và giúp giảm đau.
3.2.6 Hỗ trợ giảm cân
Đun lá cây bằng lăng để uống nước giúp ngăn chặn tích tụ carbohydrate và giảm hình thành mỡ. Đây là phương pháp giảm cân hiệu quả đối với người bị tiểu đường loại 2.
3.2.7 Hỗ trợ bệnh lợi tiểu
Hãm lá bằng lăng như nước trà và uống hằng ngày để giúp lợi tiểu và phòng ngừa các bệnh đường tiết niệu.
3.2.8 Làm trà thuốc để phòng và chữa tiểu đường
Sử dụng 50g lá già hoặc quả khô của cây Bằng Lăng.
0,5 lít nước sôi.
Đem hãm.
Sử dụng 4-6 cốc mỗi ngày
20g lá và quả khô trong 100cc nước được chứng minh có tác dụng tương đương với 6 – 7,7 đơn vị insulin.
4 Hình ảnh cây Bằng Lăng bonsai dáng dẹp, độc đáo
5 Tài liệu tham khảo
- Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Bằng lăng trang 135 - 136, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2023.