Bán Hạ Nam (Typhonium Blumei)
38 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 3 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Bán hạ được biết đến khá phổ biến với công dụng chữa cảm sốt, sổ mũi, nhức đầu, đau răng, phong thấp nhức xương. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Bán hạ.
1 Giới thiệu về cây Bán hạ
Bán Hạ hay còn được gọi là Bán hạ rẽ, Chóc ri,... có tên khoa học là Typhonium Blumei, thuộc họ thuộc họ Ráy - Araceae.
Hiện nay có 2 loài bán hạ được biết đến phổ biến là Bán Hạ Bắc và bán hạ nam:
Bán hạ bắc, có tên khoa học là Pinellia ternata, thuộc họ Ráy - Araceae. Cây mọc hoang hay được trồng nhiều ở Trung Quốc để làm thuốc. Đa phần dược liệu này ở nước ta phải nhập lôi từ Trung Quốc.
Bán hạ nam, hay còn gọi là Củ chóc, Lá ba chìa, Chóc chuột, Bán hạ ba thùy, có tên khoa học là Typhonium trilobatum, thuộc họ Ráy - Araceae. Cây được trồng phổ biến tại Việt Nam nên bài viết này sẽ tìm hiểu kỹ về Bán hạ nam.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây thảo cao 20 - 50cm. Thân rễ, củ gần hình cầu có khía ngang, đường kính đến 4cm, nằm dưới mặt đất. Lá hình mũi mác mọc từ củ có cuống dài pha màu đỏ tím nhạt, chia làm ba thuỳ hình trái Xoan dài; đầu nhọn, mép uốn lượn, gân mặt dưới lá đôi khi cũng có màu đỏ tím, cuống lá dài 25 - 30cm, phình thành bẹ.
Cụm hoa là một bông mo, ngắn hơn lá, mo có phần ống thuôn dài 25cm hình trứng và phần phiến hình trái xoan thuôn nhọn, mặt ngoài màu lục, mặt trong màu đỏ tím, rộng 5-6cm. Trục hoa màu hồng, mang nhiều hoa nhỏ, phần mang hoa cái ở dưới, hình trụ ngắn, phần mang hoa đực dài hơn, kéo dài thành một phần hình dùi, thẳng, gốc hơi loe rộng, hoa có mùi khó ngửi. Phấn không sinh sản dài, màu đỏ điều. Quả mọng hình trứng.
1.2 Thu hái và chế biến
Bán hạ bộ phận dùng: Thân rễ, củ
Thu hoạch thân rễ từ tháng 7 - 12 khi cây lụi, đào lấy thân rễ, rửa sạch, cắt bỏ rễ; đổ thành đống, ủ 7 - 10 ngày đến khi vỏ ngoài mềm nát, chà xát cho tróc hết lớp vỏ ngoài; đô bằng hơi nước đến khi củ chín đều (không còn nhân trắng đục); để nguyên hoặc thái phiến dày 0,2 - 0,3 cm; phơi (hoặc sấy) đến khô; phân loại củ to (nam tinh), củ nhỏ (bán hạ) đem đồ chín.
Bào chế bán hạ:
- Mục đích: Giúp thay đổi đường dùng của thuốc (từ thuốc dùng ngoài sang thuốc uống), làm giảm tính kích thích của Bán hạ đồng thời làm giảm tính cay, tính gây ngứa của dược liệu. Giúp bảo quản thuốc được lâu hơn, giảm tính vụn nát của thuốc, tăng tác dụng tiêu đờm, ôn hòa của thuốc.
- Nấu với gừng: Trước hết ngâm nước nóng một ngày đêm cho sạch Nhựa, rồi ngâm với nước Bồ Kết một ngày đêm, với nước nhiên chua một ngày đêm, sau đem nấu với Gừng. Dùng Gừng sống 150g cho 1kg củ chóc, giã nát chế nước vào ngâm với củ Chóc trong một buổi, lại đổ ngập nước, nấu trong 2 giờ, đem phơi sấy khô. Nếu còn ngứa, thì lại nấu với nước Gừng lần nữa cho đến khi hết ngứa mới dùng.
- Bán hạ Dược điển Việt Nam: Ngâm củ Chóc vào nước vo gạo 1 - 2 ngày rồi vớt ra, rửa sạch, ngâm với phèn chua trong hai ngày. Khi nhấm không còn cay thì vớt ra, rửa sạch để ráo nước. Giã hơi giập, phơi qua, phân loại củ to, củ nhỏ, tẩm nước Gừng, ủ 2 - 3 giờ rồi đem sấy cháy cạnh. Bảo quản nơi khô ráo.
- Bán hạ tẩm cùng Cam Thảo và Bồ kết (theo kinh nghiệm): Sử dụng 1kg của Bán hạ nấu với 100g cam thảo và 100g quả bồ kết. Đổ nước ngập mặt dược liệu sau đó đun cho đến khi cạn nước. Khi bẻ củ ra thì thấy ruột trong đều là được, nếu vẫn còn đốm trắng thì phải nấu lại. Sau đó phơi khô. Tuy nhiên, đối với phương pháp này thì thành phẩm thu được vẫn còn gây ngứa.
Mô tả dược liệu: Bán hạ nam được chế biến thành phiến khô; phiến có hình tròn, đường kính thường là 0,5 - 3 cm, ít khi đến 4 cm; màu trắng đục, trắng ngà hay vàng nhạt; xung quanh phiến còn ít vỏ mỏng và vết tích sẹo của rễ con; thể chất chắc, khô cứng. Vị nhạt, gây tê lưỡi, ngứa.
Trước khi dùng, Bán hạ được chế biến bằng cách ngâm với nước vo gạo, nước vôi, phèn chua hoặc tẩm Cam thảo.
1.3 Đặc điểm phân bố
Cây Bán hạ nam phân bố khắp nơi từ đồng bằng đến trung du và miền núi (dưới 1.000 m), trong đất liên cũng như ở một số đảo lớn. Cây thường mọc hoang trên đất trũng ấm mát, bờ ao, ven suối, ở vườn, ven đường đi, đất ẩm trong vườn, bãi sông, ruộng hoa màu và nương rẫy, đặc biệt phong phú trên các vùng đất phù sa; gặp nhiều ở vùng đồng bằng. Ra hoa vào cuối mùa hạ đến mùa thu. Bán hạ nam có thể được nhân giống hữu tính và vô tính. Hạt chín vào mùa đông, rụng xuống đất, sang xuân nảy mầm thành cây
rồi đánh đi trồng. Cũng có thể tách mầm từ cây mẹ để làm giống.
Phân bố: Sơn La, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Hà Nội, Ninh Bình vào Đồng Nai và Tp. Hồ Chí Minh. Còn có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Malaixia, Xri Lanca.
2 Thành phần hóa học
Dịch chiết cồn củ Chóc chứa thiamine, niacin, carotene, axit folic, sterol và β-sitosterol. Củ Chóc của Việt nam chứa alkaloid, đường khử, các hợp chất phenol, flavonoid, tanin, steroid, gôm và glycoside.
Phân tích hóa học sơ bộ của dịch chiết Bán hạ cho thấy sự hiện diện của đường khử, alkaloid, flavonoid, tanin, steroid, gôm và glycoside. Các nghiên cứu khoa học trước đây đã báo cáo rằng các alkaloid, Flavonoid và tannin được biết là có tác dụng ức chế prostaglandin synthetase chịu trách nhiệm về tác dụng chống nhiễm trùng và chống viêm. Sự hiện diện của tanin, alkaloid, Saponin, flavonoit, sterol và/hoặc triterpen và đường khử trong cây thuốc cũng được biết là có hoạt tính chống tiêu chảy, khả năng ức chế nhu động ruột, tác dụng kháng vi sinh vật và tác dụng kháng tiết. Ngoài ra, đặc tính làm se da của tanin được biết là có tác dụng chống nôn, chống nóng và chống tiêu chảy. Do đó, tác dụng chống nhiễm trùng và chống viêm của chiết xuất có thể là do sự hiện diện của flavonoid, tanin, alkaloid đơn lẻ hoặc kết hợp.
Theo kết quả của cuộc điều tra hiện tại, có thể kết luận rằng chiết xuất từ lá Ethanol của T. trilobatum có tác dụng chống đau, chống viêm và chống tiêu chảy đáng kể, hỗ trợ cho việc sử dụng truyền thống của loại cây này để điều trị các bệnh liên quan.
3 Tác dụng - Công dụng của rễ củ Bán hạ
3.1 Bán hạ có tác dụng gì?
Bán Hạ Nam có nhiều tác dụng dược lý gồm tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, giảm đau, cầm tiêu chảy, làm lành vết thương, chống oxy hóa. Ngoài ra, còn có tác dụng làm tan huyết khối và chống trầm cảm.
3.2 Vị thuốc Bán hạ - Công dụng theo y học cổ truyền
Tính vị, tác dụng: Củ Chóc có vị rất cay và có tác dụng kích thích mạnh. Hoạt chất gây
Cay là một chất dễ bay hơi nên nên qua quá trình nóng hoặc phơi khô thì vị cay không còn nữa. Khi đã chế thành dạng Nam tinh thì vẫn còn ít vị cay ngứa, tính ấm, có độc, tán phong đờm, kết hạch, sưng tấy, sát trùng, hạ khí tiêu nước ứ đờm đọng, cầm nôn ọe.
Công dụng: Bán hạ nam được dùng chữa buồn nôn, nôn, họ nhiều đờm, tiêu hóa kém, bụng đầy chướng.
Thường dùng trị nôn mửa ở phụ nữ có thai, nôn mửa trong trường hợp viêm dạ dày (có thể dùng toàn cây) giã nát, đắp tại chỗ chữa rắn cắn, mụn nhọt, viêm vú, viêm mủ da, đòn ngã tổn thương, chảy máu.
Ở Ấn Độ, người ta dùng củ làm thuốc chữa trĩ, dùng ăn với Chuối chữa bệnh đau dạ dày và đắp ngoài chữa các vết cắn của rắn độc.
4 Bán hạ chế có tác dụng gì? Bài thuốc từ cây Bán hạ
4.1 Bài thuốc Ôn đởm thang
Dược vị:
- 8-12g Bán hạ chế (quân).
- 8-12g Trần Bì (thần).
- 8-12g Chỉ thực (thần).
- 8g Trúc nhực (thần).
- 12g Phục Linh (tá).
- 4g Cam thảo (sứ).
- 3 lát Sinh khương (tá).
- 5 quả Đại táo (tá).
Chủ trị đởm uất đờm nhiều với các triệu chứng tâm phiền khó ngủ, rêu lưỡi trắng, đởm khiếp dị quý. Nguyên nhân gây bệnh do đởm khiếp dị quý, đởm vị bất hòa, đờm trọc nội nhiễu, khi uất sinh đờm.
Ôn đởm thang có tác dụng hòa vị lợi Đởm, lý khí hóa đườm, giúp tiêu đờ, cầm nôn, giảm cảm giác bứt dứt, miệng đắng, khó chịu.
Giải thích bài thuốc: Đây là bài Nhị trần thang gia thêm các vị Đại táo, Chỉ thực, Trúc như trong đó Chỉ thực khi kết hợp với Bán hạ có tác dụng hóa đờm, tăng tác dụng của bài Nhị trần. Trúc như khi kết hợp cùng với Trần bì có tác dụng hòa trị, hỗ trợ cho bài thuốc Nhị trần, 2 vị Đại táo và Phục linh khi phối hợp cùng Cam thảo có tác dụng an thần, hòa trung. Chỉ thực, Trúc nhự có tính mát, khi phối hợp với Trần bì và Bán hạ là 2 vị thuốc có tính ôn thì có tác dụng thanh nhiệt nhưng không gây hàn do đó giúp hóa đờm mà không gây táo.
Trên lâm sàng, có thể sử dụng bài thuốc Ôn đởm thang trong các trường hợp mất ngủ do Vị rối loạn, các bệnh ở hệ thần kinh,... Ngoài ra, có thể dùng khi bị suy nhược thần kinh, váng đầy, ăn kém, tim hồi hộp, người béo phì, đau tức ngực do đờm thấp.
Tham khảo:
- La Đông Dật nói: Đởm là chức vụ trung chính, là phủ thanh tĩnh, thích được yên tĩnh, ghét sự phiền nhiễu, thích nhu hòa, không thích uất át, vì khí Thiếu dương mộc ở phương Đông là khí ôn hòa. Nếu bệnh mới khỏi hoặc bệnh đã lâu ngày, hoặc nóng lạnh mới giảm, dư nhiệt ở ngực và cách mạc chưa hết, sẽ thương tổn đến hỏa khí của Thiếu dương, vì thế cho nên bị hư phiền, run sợ, là vì đởm bị nhiệt nung đốt không yên; nhiệt mà nôn mửa ra đắng là vì đởm phủ bị uất thực không được thanh tĩnh. Nguyên nhân Đởm khí nghịch lên là do thấp nhiệt ở Tỳ thổ nhưng khí can mộc lại không thăng được. Như vậy thì trước nên thanh nhiệt và giải lợi Tam tiêu. Trong bài dùng Trúc nhự thanh nhiệt ở vị quản; Cam thảo, Sinh khương làm thần điều hòa vị để yên chính khí, "Nhị trần" làm tá, dưới có Chỉ thực trừ đờm bít ở Tam tiêu, lấy Phục linh tính bình thấm, đem lại thanh khí cho trung tiêu, đồng thời khu tà và dưỡng chính, Tam tiêu bình thì Thiếu dương bình, Tam tiêu chính thì Thiếu dương chính. Đởm sẽ không thanh tĩnh an hòa sao? Hỏa tức là ôn, ôn Đởm thực ra là lương Đởm: Nếu Đởm thực sự Hàn mà khiếp nhược lại thuộc về mệnh môn hỏa suy, nên trị vào Can Thận (Danh y phương luận).
- Bài "Ôn đởm thang' do bài 'Nhị trần thang' gia vị mà thành, ôn đởm thang' thêm Chỉ thực hạ khí, Trúc nhự thanh nhiệt, trị các chứng Đởm hư, Đởm nhiệt xông lên, hư phiền, không ngủ, run sợ, miệng đắng, nôn ra bọt dãi, có công năng hòa Vị, trị đờm kiêm chỉ nôn. Tên gọi là 'Ôn đởm' mà thực chất là thanh Đởm hòa Vị (Thượng Hải phương tễ học).
4.2 Chữa kinh giản lưng gáy cứng đờ, miệng chảy đờm rãi, hoặc trúng phong méo mồm lệch mắt
Nam tinh, Kinh Giới và Gừng sống đều 12g sắc uống. Ngoài dùng củ Chóc chuột giã nát hoặc tán bột trộn với nước Gừng đắp vào sau gáy và bên mặt không méo (nếu tê liệt mắt).
4.3 Chữa hen suyễn
Nam tinh tán bột trộn với mật bò hay mật lợn vừa đủ dính (độ 30%) đặt trên sanh đồng sấy khô, làm viên với hồ, uống mỗi lần 2-3g, ngày uống 3 - 4 lần với nước Gừng. Khi đang lên cơn thì uống với nước sắc Hẹ
4.4 Đinh nhọt và viêm mủ da
Lấy một lượng củ Chóc vừa phải nghiền bột, trộn thêm ít bột Hồng hoàng làm chất bột dẻo để đắp.
Lưu ý: Người cơ thể suy nhược, khô tân dịch, khát nước, đại tiện táo, ho khan và người có mang không dùng.
5 Tài liệu tham khảo
- Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Bán hạ trang 83 - 84, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2023.
- Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Bán hạ trang 123 - 124, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2023.
- Tác giả Khadem Ali và cộng sự (Đăng tháng 09 năm 2012). Analgesic, anti-inflammatory and anti-diarrheal activities of ethanolic leaf extract of Typhonium trilobatum L. Schott, PubMed. Truy cập ngày 14 tháng 02 năm 2023.