Bàm Bàm (Entada phaseoloides (L.) Merr.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) | Fabales (Đậu) |
Họ(familia) | Fabaceae (Đậu) |
Phân họ(subfamilia) | Mimosaceae (Trinh nữ) |
Chi(genus) | Entada |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Entada phaseoloides (L.) Merr. |
Cây Bàm Bàm còn được gọi là Dây Bàm. Loại dược liệu này được sử dụng để làm thuốc chữa ghẻ, viêm loét hoặc thuốc trị nóng sốt ở trẻ em. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết về cây Bàm Bàm
1 Giới thiệu
Tên khác: Dây Bàm, Đậu Dẹt.
Tên khoa học: Entada phaseoloides (L.) Merr.
Họ thực vật: Trinh nữ Mimosaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Bàm Bàm thuộc loại cây gỗ, thân leo cao.
Cành cây không thẳng, thường vặn vẹo.
Lá kép 2 lần lông chim, các lá mọc sole nhau, tận cùng có một tua cuốn chẻ làm đôi.
Có 6-8 lá chét mọc đối nhau, phiến lá có hình bầu dục, mỗi lá dài 4-6cm, phiến rộng 2-3cm. Gốc lá có hình thuôn hoặc tròn, hai mặt của lá cây Bàm Bàm nhẵn.
Cụm hoa của cây mọc ở kẽ lá, dài khoảng 15 đến 20cm, có lông. Hoa của Bàm Bàm có màu vàng.
Đài có lông hoặc nhẵn.
Tràng có 5 cánh rời nhau, nhị 5.
Quả Bàm bàm dẹt, to như lưỡi dao, mép quả dày, thắt eo giữa các hạt.
Hạt to, tương đối dày, hạt có màu nâu bóng, cứng.
Mùa hoa rơi vào tháng 1 đến tháng 3, mùa quả rơi vào tháng 4 đến tháng 6.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Dây, thu hái quanh năm, dây sau khi thu hái về rửa sạch, thái thành lát, đồ trên bếp rồi đem phơi khô.
Bộ phận dùng: Hạt, sẽ được thu hái vào mùa đông và xuân, sau khi hái về sẽ đem bóc vỏ, luộc hoặc đem đi hấp, sao sấy khô, tán nhỏ thành bột.
1.3 Đặc điểm phân bố
Bàm Bàm được tìm thấy ở nhiều nơi từ Bắc đến Nam.
Cây thường leo trên các loại cây gỗ lớn tại các rừng nguyên sinh hoặc rừng thứ sinh. Bàm Bàm thường phát triển dọc theo các con suối và thung lũng, độ cao phân bố rơi vào khoảng 300 đến 1200 mét.
Bên cạnh đó, Bàm Bàm cũng được tìm thấy ở một số các nước khác như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan,...
2 Thành phần hóa học
Trong thân cây, vỏ và hạt của Bàm Bàm có chứa nhiều saponin. Ngoài ra, có một thành phần khác cũng được tìm thấy là glucoside.
3 Tác dụng - Công dụng của cây Bàm bàm
3.1 Tác dụng dược lý
Các bộ phận trên mặt đất của cây Bàm Bàm có tác dụng gây hạ huyết áp đồng thời ức chế hệ thần kinh trung ương.
Saponin có tác dụng gây tan mạnh hồng cầu ở người, ức chế hoạt động của cơ trơn và ức chế hô hấp.
Hạt Bàm Bàm có độc tính mạnh, tuy nhiên có thể làm giảm độc tính của hạt bằng cách đun sôi hạt nhiều lần với nước.
3.2 Công dụng
Lá cây Bàm Bàm được sử dụng để hạ sốt ở trẻ em.
Thân cây được sử dụng để chữa phong thấp, ứ máu với liều lượng được khuyến cáo là 20 đến 40g, sắc uống trong ngày.
Vỏ cây sau khi đập dập, ngâm nước, chất lỏng màu nâu đỏ chiết ra từ vỏ có thể sử dụng thay thế xà phòng để tắm, gội. Bên cạnh đó, vỏ cây cũng có thể được sử dụng để nấu nước tắm trị ghẻ.
Một số nơi sử dụng hạt của cây Bàm Bàm để lên vùng bị rắn cắn.
Nhân của hạt Bàm Bàm có chứa độc tố do đó sử dụng để làm duốc cá.
Theo Y học cổ truyền Ấn Độ, người dân sử dụng thân cây làm thuốc gây nôn. Nước ngâm gỗ và vỏ cây được dùng để bôi lên vết thương ngoài da trị loét. Thuốc bào chế từ hạt của cây dùng để điều trị sưng viêm.
Cần lưu ý rằng, ngâm vỏ cây Bàm Bàm cần cẩn thận vì nếu để dính vào mắt sẽ gây viêm kết mạc.
Hạt Bàm Bàm rất độc, khi sử dụng cần tránh nhầm lẫn.
4 Một số cách trị bệnh từ cây Bàm Bàm
4.1 Chữa phong thấp, đau nhức
- 30g thân cây Bàm Bàm.
- 20g Cốt Toái Bổ.
- 20g Huyết Giác.
Sắc uống.
4.2 Chữa nóng sốt ở trẻ em
- 50-100g lá Bàm Bàm tươi.
- Lá Chanh.
- Lá Gang Trâu.
- Lá Rang Ngựa.
Giã nhỏ, xoa đều khắp người
4.3 Chữa ghẻ
Vỏ cây Bàm Bàm sau khi giã nát sẽ cho vào nước ngâm, dùng nước này để tắm, bã chà xát lên người.
5 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam (tập 1). Bàm Bàm, trang 166-167. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2024.