Bạch Liễm (Trà Dây - Ampelopsis japonica)
11 sản phẩm
Dược sĩ Khánh Huyền Dược sĩ chuyên môn
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) |
Bộ(ordo) | Vitales (Nho) |
Họ(familia) | Vitidaceae (Nho) |
Chi(genus) | Ampelopsis |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Ampelopsis japonica (Thunb) Makino |
Bạch liễm được biết đến khá phổ biến với công dụng hỗ trợ điều trị trĩ, mụn nhọt và bỏng. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Bạch liễm.
1 Giới thiệu về cây Bạch liễm
Tên khoa học của Bạch liễm là Ampelopsis japonica (Thunb) Makino, thuộc họ Nho (Vitaceae). Cây thường mọc ở vùng đồi núi, leo bám lên cây bụi, mùa hoa tháng 5-8, mùa quả tháng 9-10.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây thân leo, nhẵn, có thân cứng và leo bằng các tua cuốn chẻ hai mọc đối diện với lá tại cùng một đốt. Lá mọc cách, hai lần kép, cuống có cánh, thường có 3-5 lá chét hình trái xoan bánh bò dài 4cm, rộng 2cm, nhọn hai đầu, gân lồi và có lông phủ, mặt trên màu nâu sẫm, mặt dưới trăng trắng, mép có răng cưa nhỏ và có lông.
Cụm hoa đối diện với lá, nhỏ, lưỡng phân; nụ tròn, to 1-1,5mm. Hoa kích thước nhỏ, màu vành lục; đài hoa 5 thùy nông; cánh hoa 5; nhị 5; đĩa mật hơi phân thùy. Quả hình cầu, đường kính 6mm, màu trắng hoặc xanh lam.
Lưu ý: Cần phân biệt Bạch liễm với Dây chìa vôi (cũng có tên khác là Bạch liễm, nhưng tên khoa học là Cissus modeccoides) để tránh sử dụng nhầm.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ, thường gọi là Bạch liễm.
Rễ đào về được rửa sạch, có thể ngâm nước cho mềm, thái mỏng rồi phơi khô.
Lưu ý: Hiện nay, trên thị trường xuất hiện Bạch liễm giả từ củ Khoai lang, củ Bạch cập, cần phân biệt rõ. Bạch liễm tươi chuẩn có hình tròn, to gần như quả trứng gà, thường dính liền với phần gốc cây; 2 đầu hơi nhọn, có lớp vỏ ngoài đen, trong trắng mịn, nếm thử có vị đắng.
1.3 Đặc điểm phân bố
Tại Việt Nam, Bạch liễm được tìm thấy tại các tỉnh Tây Nguyên. Ngoài ra còn có ở Nhật Bản, Trung Quốc.
2 Thành phần hóa học
Trong rễ củ Bạch liễm có chứa chất nhầy và tinh bột. Hiện có khá ít nghiên cứu về thành phần hóa học cũng như tác dụng dược lý của loài này.
Hiện đã xác định được 37 hợp chất có trong rễ củ Bạch liễm, bao gồm: Ethyl linoleate, lupeone, bis(2-ethylhexyl)phthalate, 24-n-propylcholesten-3-one, -sitosterol linoleate, 1,2,3-trilinolein, -linolenic acid, 1-acetyl--carboline, betulin, undecanoic acid, rel-(3R,3S,4R,4S)-3,3,4,4-tetrahydro-6,6-dimethoxy[3,3-bi-2H-benzopyran]-4,4-diol, (–)-pinoresinol, 3,5-dimethoxy-4-hydroxyphenylpropynol, (6R,7E,9R)-9-hydroxy-4,7-megastigmadien-3-one, S-(+)-dehydrovomifoliol, 4,5-dihydroblumenol A, 3-furoic acid, vanillic acid, (7S,8S)-3-methoxy-3,7-epoxy-8,4-oxyneoligna-4,9,9-triol, (2S)-1,2,6-tri-O-[(9Z,12Z,15Z)-octadeca-9,12,15-trienoyl]-3-O--D-galactopyranosylglycerol, trans-abscisic acid, linoleic acid-1-glyceride, L-pyroglutamic acid methyl ester, euscaphic acid, ethyl 3,4-dihydroxybenzoate, trans-1-deoxyabscisic acid, 4-ethyl-2-hydroxysuccinat, gallic acid, ethyl gallate, p-hydroxyphenylethanol, p-coumaric acid, resveratrol, aromadendrene, (+)-catechin, (–)-epigallocatechin, (–)-epicatechin và (–)-epicatechin 3-O-gallate.
Trong số đó, các thành phần hoạt tính đáng chú ý nhất là: Catechin, axit galic, kaempferol, quercetin, axit euscaphic, resveratrol và epicatechin.
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Cỏ Lào - Giúp cầm máu, làm lành vết thương hiệu quả
3 Tác dụng - Công dụng của Bạch liễm
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Chống oxy hóa
Dịch chiết aceton (SC50 = 54,88 μg/mL) cho thấy hoạt tính thu hồi gốc DPPH mạnh, tiếp theo là metanol (SC50 = 84,73 μg/mL), etanol (SC50 = 87,12 μg/mL), etyl acetat (SC50 = 92,14 μg/mL) và nước (SC50 = 98,54 μg/mL). Đối với hiệu ứng nhặt gốc tự do Superoxide, ngoại trừ metanol (SC50 = 290,83 μg/mL), etanol (SC50 = 307,20 μg/mL) và nước (SC50 = 313,84 μg/mL), các dịch chiết khác không có tác dụng đáng kể. Tác dụng giảm khả năng chống oxy hóa của Sắt (FRAP) cũng được đánh giá. Dịch chiết aceton cho giá trị FRAP cao nhất (1001,00 TE mM/g), tiếp theo là etanol (736,95 TE mM/g), metanol (712,56 TE mM/g), etyl acetat (587,11 TE mM /g) và nước (413,34 TE mM/g). Từ những kết quả trên cho thấy dịch chiết từ rễ Bạch liễm có khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ, nhất là dịch chiết metanol, etanol và nước.
3.1.2 Chống viêm
Chiết xuất Ethanol của rễ Bạch liễm ở mức 30 mg/kg đã ngăn ngừa đáng kể tình trạng da bị đóng vảy, ban đỏ và tăng trọng lượng da so với sử dụng carbon dioxide ở chuột; đồng thời ngăn ngừa tăng sản biểu mô và thâm nhiễm tế bào miễn dịch. Ngoài ra, chiết xuất cũng làm giảm đáng kể mức TNF-α, IL-6 và MCP-1, cho thấy tác dụng chống viêm tương tự Dexamethason.
3.1.3 Chống alpha-glucosidase
Hoạt tính kháng α-glucosidase của dịch chiết axeton là mạnh nhất, tiếp theo là etanol, etyl axetat, metanol, diclometan, n-hexan và cloroform Hầu hết các chất chiết xuất bằng dung môi khác nhau cho thấy hoạt tính kháng α-glucosidase mạnh hơn Acarbose. Những kết quả này chỉ ra rằng các chiết xuất dung môi khác nhau của Bạch liễm có tác dụng ức chế mạnh α-glucosidase, ngoại trừ chiết xuất nước. Đây là cơ sở cho hoạt tính chống tiểu đường tiềm năng của Bạch liễm.
3.1.4 Tác dụng ức chế acetylcholinesterase (AChE)
Phân tích cho thấy 5 trong 7 thành phần chính của chiết xuất Bạch liễm thể hiện hoạt tính kháng AChE mạnh hơn axit chlorogenic, cụ thể là axit euscaphic (IC50 = 11,64 μg/mL), catechin (IC50 = 26,35 μg/mL), acid galic (IC50 = 41,59 μg/mL), epicatechin (IC50 = 53,38 μg/mL) và kaempferol (IC50 = 55,04 μg/mL).
Ngoài ra, chiết xuất Bạch liễm ngăn chặn đáng kể sự di cư và xâm lấn của các tế bào ung thư vú MDA‑MB‑231 trong ống nghiệm và ức chế sự biểu hiện của metallicoproteinase (MMP)‑2 và MMP‑9.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây Bạch chỉ - Vị thuốc trị cảm sốt, sổ mũi, nhức đầu, đau răng
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Bạch liễm có tính hơi hàn, vị đắng, ngọt, quy vào kinh tâm, can, tỳ, vị, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu ung, tán kết.
Trong đông y, Bạch liễm được dùng trong trị trĩ rò, tràng nhạc, mụn nhọt, lở ngứa, bỏng lửa và bỏng nước.
4 Các bài thuốc từ cây Bạch liễm
4.1 Trị chứng bỏng nhiệt (lửa hoặc nước sôi)
Dùng Bạch liễm tán thành bột mịn, lấy một lượng vừa đủ thoa lên vùng da bị bỏng; có thể hòa với nước tạo hỗn hợp sền sệt rồi lấy bông thấm vào xoa đều lên vết bỏng.
4.2 Chữa bệnh phong thấp gân rút sưng đau, duỗi co khó khăn
Nguyên liệu: Bạch liễm, Thục phụ tử theo tỷ lệ 2:1.
Cách làm: Tán thành bột mịn, mỗi lần uống khoảng 3 phân với rượu, ngày dùng 2 lần, kéo dài trong 10 ngày cùng với kiêng thịt lợn, thức ăn lạnh.
4.3 Chữa nghẹn thức ăn
Nguyên liệu: Bạch liễm, Bạch chỉ đồng lượng.
Cách làm: Sắc lấy nước uống.
4.4 Chữa nghẹn họng do các vật sắt, tre, thép đâm vào cổ họng; đinh nhọt mới phát
Nguyên liệu: Bạch liễm, Bán Hạ, đồng lượng.
Cách làm: Ngâm nước sôi, chia làm 2 lần uống trong ngày cùng với rượu ấm.
4.5 Chữa chứng mặt sinh ra giống như gai châm, sần sùi như bột phấn
Nguyên liệu: Bạch liễm 2 phân, Hạnh nhân nửa phân, chất trắng ở phân gà khoảng 1 phân.
Cách làm: Trộn đều, tán nhỏ, thêm Mật Ong rồi phết lên da mặt.
4.6 Chữa chứng sưng viêm
Nguyên liệu: Bạch liễm, Xích tiểu đậu, Vương thảo.
Cách làm: Tán thành bột mịn, trộn với lòng trắng trứng gá rồi thoa lên chỗ sưng viêm.
Hoặc: Bạch liễm, Lê lô tỷ lệ 2:1.
Cách làm: Tán thành bột mịn, trộn đều với một chút rượu, thoa vào chỗ sưng viêm, ngày thoa 3 lần.
4.7 Chữa chứng mũi nổi những hạt thịt nhỏ có màu đỏ
Nguyên liệu: Bạch liễm, Bạch thạch chi, Hạnh nhân mỗi vị nửa lượng.
Cách làm: Tán thành bột mịn, trộn cùng lòng trắng trứng gà rồi phết vào giấy sạch, dán lên chỗ mụn thịt trước khi ngủ, sáng dậy rửa sạch, thực hiện tới khi khỏi.
4.8 Chữa lở loét không thu miệng lại
Nguyên liệu: Bạch liễm, Xích liễm, Hoàng bá mỗi vị 9g, Khinh phấn 3g.
Cách làm: 3 vị đầu tán thành bột mịn, sau đó thêm Khinh phấn, dùng nước sắc của hành rửa xức vào vùng da lở loét giúp thu miệng dần, chóng lành.
Lưu ý: Không dùng Bạch liễm cho người tỳ vị hư hàn, ung nhọt đã vỡ; người không có thực hoả, nhiệt độc.
5 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Jia-Hua Liang và cộng sự (Ngày đăng 23 tháng 6 năm 2023). Bioactive Components from Ampelopsis japonica with Antioxidant, Anti-α-Glucosidase, and Antiacetylcholinesterase Activities, NCBI. Truy cập ngày 27 tháng 3 năm 2023.
2. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Bạch liễm trang 104-105, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 27 tháng 3 năm 2023.