Bạch Đồng Nữ (Clerodendrum chinense)

9 sản phẩm

Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:

Nếu phát hiện thông tin nào chưa chính xác, vui lòng báo cáo cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Bộ(ordo)

Lamiales (Hoa môi)

Họ(familia)

Verbenaceae (Cỏ roi ngựa)

Chi(genus)

Clerodendrum

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Clerodendrum chinense

Bạch Đồng Nữ (Clerodendrum chinense)

Bạch đồng nữ được biết đến khá phổ biến với công dụng hỗ trợ điều trị bệnh phụ nữ. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Bạch đồng nữ.

1 Giới thiệu về cây Bạch đồng nữ

Bạch đồng nữ còn có tên gọi khác là Vậy trắng, Bấn trắng, Mò Mâm Xôi, mọc ở nơi sáng và ẩm, trong rừng thưa, ven rừng, ven đường đi, ở độ cao từ thấp tới 1500m.

Tên khoa học của Bạch đồng nữ là Clerodendrum chinense, thuộc họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae). Dưới đây là hình ảnh cây Bạch đồng nữ.

Hình ảnh cây Bạch đồng nữ
Hình ảnh cây Bạch đồng nữ

1.1 Đặc điểm thực vật

Cây nhỏ cao 1-1,5m, có lông mịn, nhánh có 4 cạnh. Lá bản to, mọc đối, có cuống dài, phiến hình trái xoan, hầu như tròn; chóp nhọn ngắn, gốc hình tim hoặc cắt ngang, mép lá có răng cưa không đều.

Cụm hoa hình chùy mọc ở ngọn, hình mâm xôi, dày. Hoa đơn, màu trắng hoặc trắng pha hồng, mùi thơm dễ chịu; lá bắc dạng lá, đài màu đỏ, cao 2,5cm, thùy dài 10-16mm, có lông mịn; tràng nhẵn, thùy tràng hình bầu dục, nhị mọc thò ra ngoài; bầu nhẵn mang vòi mảnh và dài. Quả hạch kích thước 1cm, có đài hoa bao bên ngoài.

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Rễ và lá; đôi khi dùng toàn cây.

Thu hái quanh năm, rửa sạch, thái phiến, phơi hoặc sấy khô, cũng có thể dùng tươi.

1.3 Đặc điểm phân bố

Bạch đồng nữ có thể được tìm thấy ở Nam Trung Quốc, Thái Lan, Bán đảo Malaysia, Sumatra, Java, Borneo, Sulawesi, Maluku, Philippines và Ai Cập. 

Tại Việt Nam, cây có ở Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Phú Thọ, Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai.

2 Thành phần hóa học

Lớp các hợp chất hóa học có trong lá của Bạch đồng nữ là các alkaloid, steroid, flavonoid, triterpenoid, saponin, tanin và quinon. Đã có báo cáo rằng cây chứa monomelittoside, melittoside, harpagide, racemic rengyolon, racemic dihydrorengyolon, rengyooxide, rengyoside B, cornoside, dihydrocornoside, 5-O-βglucopyranosyl-harpagide, beta-sitosterol, clerosterol, daucosterol, axit caffeic, acteoside, leucoseceptoside A, isoverbascoside , decaffoylverbascoside, kaempferol, 5,4'-dihydroxy-kaempferol-7-O-beta-rutinoside, hispidulin, lupeol và icariside B5.

3 Cây Bạch đồng nữ có tác dụng gì?

3.1 Tác dụng dược lý

3.1.1 Hoạt tính kháng khuẩn

Cây được chứng minh có hoạt tính kháng khuẩn, cụ thể là antiplasmodium và antiprotozoal. Dịch chiết chloroform của hoa Bạch đồng nữ có hoạt tính chống lại Plasmodium falciparum với IC50 <10 μg/ml. Ngoài ra, dịch chiết chloroform của thân, hoa và lá có hoạt tính kháng đơn bào Trypanosoma cruzi. Tác dụng dược lý này được cho là do hợp chất rengyolon được phân lập từ lá tạo ra.

Lá thể hiện nhiều hoạt tính kháng khuẩn, cả trên vi khuẩn Gram dương và Gram âm. Dịch chiết Ethanol của lá có khả năng ức chế sự phát triển của Escherichia coli, Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa, Streptococus pneumonia, Bacilius. subtilis, Vibrio cholerea, Corynebacterium kroppenstedtiiSalmonella enterica. Tác dụng kháng khuẩn này được cho là do các hợp chất phenolic, flavonoid, tanin và Saponin tạo ra.

3.1.2 Trị đái tháo đường

Hình ảnh cây Bạch đồng nữ
Hình ảnh cây Bạch đồng nữ

Lá cây có tác dụng trị đái tháo đường. Chiết xuất metanol ở liều 400 mg/kg thể trọng có thể làm giảm mức đường huyết tối đa ở chuột được cung cấp Glucose và chuột mắc bệnh tiểu đường do streptozotocin gây ra so với các chiết xuất khác.

Việc giảm nồng độ glucose trong máu do sử dụng chiết xuất lá Bạch đồng nữ được cho là thông qua cơ chế tăng tiết Insulin và hấp thu glucose ở ngoại vi. Các hợp chất Flavonoid chứa trong lá được cho là có tác dụng ức chế các enzym α-amylase và α-glucosidase do đó làm giảm quá trình thủy phân carbohydrat và cuối cùng là giảm lượng đường trong máu sau bữa ăn. 

3.1.3 Giảm đau, hạ sốt, chống viêm

Chiết xuất metanol của lá Bạch đồng nữ có hoạt tính giảm đau đáng kể ở liều uống 100mh/kg trên chuột. 

Hoạt tính hạ sốt được thể hiện bằng chiết xuất metanol và chloroform của lá với liều 100 mg/kg thể trọng bằng phương pháp hạ sốt do nấm men ở chuột. 

Chiết xuất lá có hoạt tính chống viêm ở bàn chân chuột bị viêm do carrageenan. Kết quả cho thấy chiết xuất metanol ở liều 100 mg/kg có hoạt tính kháng viêm đáng kể so với chiết xuất chloroform. Tác dụng chống viêm được cho là thông qua cơ chế ức chế enzym cyclooxygenase trong quá trình tổng hợp prostaglandin. Hoạt động này được tạo ra bởi hợp chất verbascoside có trong lá.

3.1.4 Chống oxy hóa

Bột lá được chiết xuất bằng cách ngâm tuần tự với dung môi n-hexan, etyl axetat và etanol. Hoạt tính chống oxy hóa được thể hiện tuần tự bằng dịch chiết ethanol (IC50 23,37 ppm), dịch chiết etyl axetat (IC50 27,26 ppm) và dịch chiết n-hexan (IC50 88,77 ppm). Hoạt tính chống oxy hóa rất mạnh được thể hiện bởi các chất chiết xuất từ ​​ethanol và ethyl axetat có lẽ là do hai chất chiết xuất này chứa rất nhiều polyphenol và flavonoid.

3.1.5 Chống sốt rét

Nghiên cứu cho thấy Bạch đồng nữ có hoạt tính diệt bọ gậy đối với muỗi Anopheles stephensi và Aedes aegypti. Các chế phẩm thử được sử dụng là dịch chiết lá etanol, metanol, n-hexan, cloroform với các nồng độ 200, 300, 400, 500, 600 ppm. Kết quả cho thấy tỷ lệ chết của ấu trùng Anopheles stephensi tăng từ 200 lên 600 ppm, tỷ lệ chết cao nhất ở dịch chiết ethanol nồng độ 600ppm. 

Tác dụng của Bạch đồng nữ
Tác dụng của Bạch đồng nữ

==>> Mời bạn đọc tham khảo cây có cùng tác dụng: Dược liệu Ích mẫu: Đặc điểm, công dụng, tính vị, quy kinh

3.2 Công dụng theo y học cổ truyền

Rễ Bạch đồng nữ có tính bình, vị ngọt, quy vào kinh , có tác dụng khư phong trừ thấp, hoạt huyết cường cân, tiêu thũng giáng áp. Lá có tính bình, vị hơi nhạt, có tác dụng khư ú, giải độc.

Trong đông y, rễ Bạch đồng nữ được dùng trong trị thấp khớp, lưng gối đau, tê bại, cước khí thủy thũng; khí hư, bạch đới, rối loạn kinh nguyệt; vàng da, mắt vàng; dùng ngoài trị trĩ, thoát giang. Lá cũng trị khí hư, bạch đới, ngoài ra còn tăng huyết áp, dùng ngoài trị ghẻ, mụn nhọt, chốc đầu.

4 Các bài thuốc từ cây Bạch đồng nữ

4.1 Trị khí hư bạch đới, rối loạn kinh nguyệt

Nguyên liệu: Lá hoặc rễ Bạch đồng nữ 15-20g, có thể thêm Ích mẫu, Hương phụ, Ngải cứu, hoặc phối hợp với rễ Xích đồng nam, lá Huyết dụ, lá Mía đỏ.

Cách làm: Sắc lấy nước uống.

4.2 Điều kinh

Nguyên liệu: Bạch đồng nữ 16g, Ich mẫu 40g, Hương Phụ chế 15g, Đậu đen 10g, Nghệ vàng, Ngải Cứu mỗi vị 2g.

Cách làm: Sắc đặc lấy nước uống.

4.3 Trị rối loạn kinh nguyệt, kinh thấy sớm kỳ, lượng máu nhiều đỏ tươi, hoặc máu ít đỏ thẫm, thống kinh

Nguyên liệu: Bạch đồng nữ, Ich mẫu, Cỏ nhọ nồi, rễ Gai, Dành dành hay vỏ Núc Nác mỗi vị 20g.

Cách làm: Sắc lấy nước uống.

Bạch đồng nữ thường được phối hợp với Ích mẫu và Ngải cứu
Bạch đồng nữ thường được phối hợp với Ích mẫu và Ngải cứu

==>> Mời bạn đọc tham khảo thêm: Xích đồng nam - Cây thuốc quý chữa bệnh cho phái nữ

4.4 Trị vàng da, niêm mạc mắt vàng thâm

Nguyên liệu: Rễ Bạch đồng nữ 20g.

Cách làm: Sắc với 400ml nước cho tới khi còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày.

4.5 Trị viêm gan, viêm mật vàng da

Nguyên liệu: Bạch đồng nữ, Nhân Trần, Diệp Hạ Châu, Chi Tử mỗi vị 12-16g.

Cách làm: Sắc lấy nước uống, dùng trong 3-4 tuần.

4.6 Trị dị ứng, mụn nhọt, ngứa lở ngoài da hoặc âm nang

Nguyên liệu: Hoa Bạch đồng nữ tươi hoặc khô 12g hoặc 6g tương ứng.

Cách làm: Sắc lấy nước uống mỗi ngày.

4.7 Trị tăng huyết áp

Hoa của cây Bạch đồng nữ
Hoa của cây Bạch đồng nữ

Nguyên liệu: Lá khô Bạch đồng nữ 20-30g.

Cách làm: Sắc lấy nước uống.

4.8 Trị sưng nóng, đỏ khớp

Nguyên liệu: Bạch đồng nữ 80g, Tầm Xuân, Cà Gai Leo, Đơn răng cưa, cành Dâu, Đơn tướng quân mỗi vị 8g, Dây gấm 120g.

Cách làm: Sắc lấy nước, chia làm 2 lần uống trong ngày.

5 Tài liệu tham khảo

1. Tác giả Donald Emilio Kalonio và cộng sự (Ngày đăng 31 tháng 3 năm 2022). Clerodendrum fragrans (Vent) Willd: Review of Pharmacognosy-Phytochemical and Pharmacology, AMHJ. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2023.  

2. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Bạch đồng nữ trang 102-103, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2023

Các sản phẩm có chứa dược liệu Bạch Đồng Nữ (Clerodendrum chinense)

Ago Eva
Ago Eva
Liên hệ
Venux Vagina Lux
Venux Vagina Lux
Liên hệ
Lavenda Plus
Lavenda Plus
Liên hệ
Viên Đặt Phụ Khoa Vaginal Yalla
Viên Đặt Phụ Khoa Vaginal Yalla
Liên hệ
Bọt Tuyết Vệ Sinh EMPURA
Bọt Tuyết Vệ Sinh EMPURA
Liên hệ
Xuân Nữ Đan
Xuân Nữ Đan
Liên hệ
Ích Mẫu Eva An Nguyệt San
Ích Mẫu Eva An Nguyệt San
Liên hệ
Medstand Ngọc Dạ Linh
Medstand Ngọc Dạ Linh
90.000₫
Vela Eva
Vela Eva
Liên hệ
1 1/1
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633