Ba Dót (Bả Dột, Trạch Lan - Eupatorium triplinerve Vahl)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) |
Bộ(ordo) | Asterales (Cúc) |
Họ(familia) | Asteraceae (Cúc) |
Chi(genus) | Eupatorium |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Eupatorium triplinerve Vahl | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Eupatorium ayapana Vent. |
Bã dót thuộc dạng cây thảo, mọc thành bụi dày, chiều cao mỗi cây khoảng từ 40 đến 50cm. Thân cây tròn nhẵn, có màu đỏ nhạt hoặc màu đỏ tía. Lá Ba dót mọc đối ở gốc và mọc so le ở ngọn. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Eupatorium triplinerve Vahl
Tên đồng nghĩa: Eupatorium ayapana Vent.
Tên gọi khác: Bả dột, Trạch lan, Yên bạch đỏ.
Họ thực vật: Asteraceae (Cúc).
1.1 Đặc điểm thực vật
Bã dót thuộc dạng cây thảo, mọc thành bụi dày, chiều cao mỗi cây khoảng từ 40 đến 50cm.
Thân cây tròn nhẵn, có màu đỏ nhạt hoặc màu đỏ tía. Lá Ba dót mọc đối ở gốc và mọc so le ở ngọn, phiến lá có dạng hình mác, gốc lá thuôn do phiến lá men theo cuống, đầu lá nhọn, chiều dài mỗi lá khoảng từ 6 đến 8cm, chiều rộng từ 10 đến 12mm, mép lá nguyên, gân giữa có kích thước to, hai gân bên mọc từ gốc. Hai mặt của lá cây Ba dót nhẵn, lá khi vò ra có mùi thơm nhẹ.
Cụm hoa mọc thành ngù ở kẽ lá hoặc gần ngọn, cụm hoa có nhiều đầu nhỏ, hoa có màu hồng, tổng bao có 2-3 hàng lá bắc, tràng hình ống.
Quả bế, bề mặt nhẵn, có 5 khía và tận cùng có màu lông màu trắng, dễ rụng.
Mùa hoa quả từ tháng 10 đến tháng 12.
Cần tránh nhầm lẫn với cây Mần tưới (tên khoa học là Eupatorium fortunei Turez) với đặc điểm là lá có răng cưa, không có 2 gân bên ở gốc lá.
Dưới đây là hình ảnh cây Bả dột:
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Lá.
1.3 Đặc điểm phân bố
Eupatorium L. là một chi lớn, các loài trong chi này chủ yếu là những cây thân thảo hoặc thân bụi, được tìm thấy chủ yếu ở khu vực nhiệt đới của châu Mỹ, một số loài được tìm thấy ở châu Phi và châu Á.
Tại nước ta, chi này có khoảng 10 loài, có nguồn gốc từ châu Mỹ, một số tài liệu cho rằng, các loài này đã được nhập vào nước ta từ lâu sau đó trở nên hoang dại hóa.
Ba dót là loài ưa ẩm, ưa sáng, những cây trồng trong vườn có khả năng chịu bóng. Ba dót sinh trưởng và phát triển tốt nhất trong điều kiện thời tiết nóng ẩm. Từ một nhánh của cây con ban đầu, sau một năm đã có thể phát triển thành một bụi lớn. Ba dót đẻ nhánh khỏa, phần gốc sau khi cắt vẫn có khả năng tái sinh, cây ra hoa quả nhiều hàng năm, tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa rõ cây có nhân giống bằng hạt hay không.
2 Thành phần hóa học
Lá của cây ba dót chứa tinh dầu với thành phần chính là hoạt chất thynohydroquinon dimethyl ether.
Phần trên mặt đất của cây Ba dót chứa tinh dầu với các thành phần gồm:
- α-pinen (chiếm 0,10%).
- β-pinen (chiếm 0,20%).
- α-phelandren.
- α-terpinen (chiếm 0,20%).
- β-elemen (chiếm 1,20%).
- Selina - 4,11 - dien.
- α-selinen.
- Caryophyllene oxyd (chiếm 0,40%).
Phần tan trong nước của cây có chứa ayapin, ayapanin, coumarin, thymohydroquinon dimethyl-ether, thymoquinon, methyl thymylether.
Lá cây chứa carotein.
3 Cây Bả dột có tác dụng gì?
3.1 Tác dụng dược lý
Ayapanin và ayapin cho thấy tác dụng cầm máu. Cả 2 chất này đều không độc, đều có tác dụng khi dùng tại chỗ cũng như dùng theo đường uống hoặc tiêm dưới da. Ayapanin và ayapin không cho thấy tác dụng đối với hô hấp và huyết áp.
Dịch hãm từ cây Ba dót đã cho thấy tác dụng làm ra mồ hôi và gây nôn.
Nhân dân Philippin sử dụng nước sắc từ lá khô và dịch ép lá tươi để làm nước rửa trong trường hợp bị thương hoặc vết loét có mùi hôi thối.
Nhân dân Ấn Độ sử dụng nước sắc từ lá để dùng trong trường hợp chảy máu cam, tuy nhiên, phương thuốc này chỉ được lưu truyền trong nhân dân.
Cao chiết bằng nước từ lá cây Ba dót cho thấy tác dụng kích thích tim, giảm nhịp đập nhưng lại làm tăng sức bóp cơ tim.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Trong Y học cổ truyền, Ba dót có vị đắng, hơi cay, mùi thơm, giúp giải cảm, làm ra mồ hôi.
3.2.2 Công dụng
Lá và cành khô có mùi thơm, nhân dân ở vùng nhiệt đới thường dùng để uống thay trà. Ngoài ra, Ba dót còn được dùng trong trường hợp khi bị cảm sốt, rối loạn tiêu hóa, đau bụng.
Để dùng trong trường hợp cầm máu, có thể dùng nước sắc từ lá của cây để uống hoặc dùng lá tươi đem giã nát sau đó đắp tại chỗ.
Để dùng trong trường hợp rối loạn kinh nguyệt, có thể phối hợp Ba dót cùng với các loại dược liệu khác.
Liều dùng thông thường được khuyến cáo là từ 15 đến 30g thuốc đem sắc nước uống.
4 Một số cách trị bệnh từ cây Ba dót
4.1 Chữa cảm sốt, rối loạn tiêu hóa
Dùng 20-30g Ba dót đem sắc lấy nước uống.
4.2 Chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, rong kinh
Phối hợp Ba dót với Mần tưới, mỗi vị dùng 20g sau đó đem sắc nước để uống.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Bả dột, trang 106-107. Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2024.
Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 1. Bả dột, trang 72. Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2024.