Ba Chạc (Euodia lepta Merr.)
5 sản phẩm
Dược sĩ Tăng Uyên Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) |
Bộ(ordo) | Sapindales (Bồ hòn) |
Họ(familia) | Rutaceae (Cam) |
Chi(genus) | Euodia (Dầu dấu) |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Euodia lepta Merr. | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Euodia gracilis Kurz |
Ba chạc được biết đến khá phổ biến với công dụng hỗ trợ điều trị bệnh truyền nhiễm, cảm cúm, phong thấp đau nhức. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Ba chạc.
1 Ba chạc là cây gì?
Ba Chạc còn có tên gọi khác là Chè đắng, Chè cổ, Cây dấu dầu, mọc trên các đồi cây bụi, bìa rừng và trong rừng thưa, thường ở độ cao 100-500m, cũng gặp ở độ cao trên 1500m.
Tên khoa học của Ba chạc là Euodia lepta Merr., thuộc họ Cam (Rutaceae).
Cần phân biệt cây Ba chạc với cây Chè Đắng (Ilex kaushue) vì cùng có tên Chè đắng. Dưới đây là hình ảnh cây Ba chạc.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây gỗ nhỏ hoặc nhỡ, cao 4-5m. Cành non có lông, sau nhẵn. Lá mọc đối, kép, có 3 lá chét, đôi khi chỉ có 1 lá chét, lá chét gần như không cuống. Lá non có lông nhung mịn, vò nát có mùi Long Não. Phiến lá chét hình trái xoan, nguyên, dài 4,5-13cm, rộng 2,5-4cm, gốc thuôn, đầu nhọn, có lông hung vàng. Cuống lá dài có lông.
Cụm hoa mọc ở nách lá thành xim, ngắn hơn lá. Lá bắc và lá bắc con nhỏ. Lá đài hình trái xoan, đôi khi hình đĩa, hơi khum ở đầu, mặt nhẵn, mép có lông. Tràng 4-5 cánh màu trắng, trắng hơi xanh, xanh vàng, hồng, mùi hơi hắc, dài gấp 3 lần lá đài, hình trái xoan, ngọn hơi cong vào, nhẵn. Nhị 4, nhẵn, chỉ nhị dài bằng cánh hoa. Hoa đực có bầu thô sơ. Hoa cái bầu hình trứng, có lông, 1 vòi nhụy nhẵn, đầu nhụy hình đầu hoặc hình đĩa có 4 rãnh. Quả cây Ba chạc có hình trái xoan, khi chín có màu đỏ, thành cụm thưa, có 1-4 mảnh vỏ nhẵn, nhăn nheo. Hạt hình cầu, màu đen lam, bóng loáng. Toàn cây có mùi thơm. Mùa hoa tháng 4-5, mùa quả tháng 6-7.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ, thân, lá.
Thu hái lá, rễ quanh năm, rửa sạch rễ, thái nhỏ, phơi nắng tới khô; lá phơi trong râm hoặc sấy tới khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Tại Việt Nam, cây có ở khắp mọi nơi. Ngoài ra còn có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Mianma, Đài Loan, Lào, CaBa chạcuchia, Philippin, Niu Ghine.
2 Thành phần hóa học
Nhóm hợp chất | Bộ phận | Thành phần |
Alkaloid | Thân | Evolitrine, kokusaginine, dictamnine, skimmianine, atanine, nitrogen-methylatanine |
Lá | Leptanoines A, B, C, melineurine, 7-hydroxydictamnine, kokusagine, 5-methoxymaculine, N-trans -coumaroyltyranine | |
Toàn cây | N-(4-Hydroxyphenethyl) tetracosamide, pteleifolin D, E, uridine | |
Dẫn xuất furan | Lá | Leptonol, evodione, leptene A, isoevodionol, acronyculatin G, Pteleifolol, evodionol methyl ether, leptol B… |
Bộ phận khác | Isoevodionol, methylleptol A, alloevodione, pteleifolin B, pteleifolone A-C… | |
Phenylpropanoid | Thân | Psoralen, 2',3'-dehydromarmesin, umbelliferone, pteleifolin A-C, acronyculatin B, marmesin, (+)-peucedanol… |
Toàn cây | Pteleifolin A-2, osthenol, flacoside A, radulignan | |
Flavonoid | Pteleifolone D, oroxylin A, wogonin, formononetin, daidzein, pteleifolosin C… | |
Terpenoid | Clovandiol, icariside B5, β-Amyrin, dihydrophaseic acid, 4-megastigmen-3, 9-dione… | |
Hợp chất thơm | Pteleifolol A-D, melicospiroketal A-E… | |
Hợp chất phenolic | Tachioside, isotachioside, canthoside D, cuneataside D… | |
Khác | 2 steroid, 1 axit béo, 2 dihydrofuran, 2 glycoside và hai racemate acylcyclopentanone polyprenyl hóa |
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Cúc Hoa Vàng Và Những Lợi Ích Tuyệt Vời Cho Sức Khỏe
3 Cây Ba chạc có tác dụng gì?
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Chống viêm, giảm đau, hạ sốt
Tác dụng chống viêm của Ba chạc hỗ trợ tác dụng thanh nhiệt của nó. Các chất chiết xuất hoặc các hợp chất được phân lập từ Ba chạc chủ yếu phát huy tác dụng chống viêm của chúng bằng cách ức chế các cytokine gây viêm như TNF-α, IL-6 và IL-1, các yếu tố phiên mã như NF-κB và các chất trung gian gây viêm như NO, PGE2 và COX-2.
Tác dụng chống viêm của Ba chạc góp phần vào tác dụng giảm đau của nó. Cơn đau do viêm có liên quan chặt chẽ với các sản phẩm của các cytokine gây viêm như TNF-α, IL-6 và các loại khác tùy theo nguyên nhân.
Tác dụng hạ sốt của Ba chạc dựa trên khả năng thanh nhiệt và giải độc. Các nghiên cứu đã tiết lộ rằng PGE2 và COX-2 đóng vai trò chính trong sự phát triển của cơn sốt. Nghiên cứu cho thấy tHGA và El-ME từ Ba chạc thể hiện tác dụng ức chế đáng kể đối với COX-2 và PGE2, từ đó giúp hạ sốt.
3.1.2 Kháng khuẩn, kháng nấm
Một nghiên cứu in vitro cho thấy chiết xuất từ lá Ba chạc có hoạt tính kháng khuẩn đáng kể đối với một số vi khuẩn gây bệnh như S.aureus, Bacillus subtilis, Pseudomonas aeruginosa và Aspergillus niger.
Nghiên cứu khác đã đánh giá hoạt tính diệt nấm của 10 chủng nấm của Ba chạc đối với Colletotrichum musae, C.gloeosporioides, Fusarium oxysporum f.sp.cubense, Botryodiplodia theobromae, Pestalotia palmarum. Kết quả cho thấy cây có tác dụng kháng nấm mạnh mẽ, chống lại các chủng thử nghiệm.
3.1.3 Chống khối u
Các hoạt tính chống tăng sinh của các chất chiết xuất được chứng minh thông qua khả năng chống lại các dòng tế bào ung thư vú ở người HCC1937 và MDA-MB-231, dòng tế bào ung thư đại trực tràng ở người HCT116 và dòng tế bào ung thư biểu mô tế bào gan ở người HepG2.
Hơn nữa, chiết xuất Ba chạc gây chết tế bào apoptotic phụ thuộc vào caspase trong tất cả các dòng tế bào được thử nghiệm. Do đó, tác dụng chống khối u của cây có liên quan đến việc gây ra quá trình chết theo chương trình.
3.1.4 Bảo vệ gan
Tác dụng bảo vệ gan của chiết xuất Ethanol từ Ba chạc đã được đánh giá trong mô hình chuột bị tổn thương gan do CCl4 gây ra. Kết quả chứng minh chiết xuất làm giảm đáng kể hoạt tính ALT và AST huyết thanh và hàm lượng MDA trong gan, đồng thời tăng cường đáng kể hoạt động GSH-px so với mô hình, từ đó cải thiện các chức năng gan bị tổn thương.
3.1.5 Chống oxy hóa
Các hoạt động chống oxy hóa của chiết xuất Ba chạc được xác định bằng thử nghiệm nhặt gốc tự do như H2O2, superoxide anion và các gốc tự do hydroxyl. Kết quả cho thấy các hợp chất có hoạt tính nhặt gốc tự do mạnh mẽ nhất trong nước sắc là ở thân.
3.1.6 Các tác dụng khác
Ngoài các tác dụng trên, nghiên cứu cũng cho thấy chiết xuất Ba chạc có khả năng làm giảm mức đường huyết, điều hòa miễn dịch, có hoạt tính ức chế Cholinesterase, hiệu quả trong bệnh thoái hóa thần kinh cấp tính như thiếu máu não và bệnh thoái hóa thần kinh mãn tính như AD.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây Chè đắng - Vị thuốc thanh nhiệt hạ sốt, trị tiểu đường
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Ba chạc có tính hàn, vị đắng, mùi thơm, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hóa thấp chỉ dương, thư cân hoạt lạc, khư phong, trừ ôn nhiệt, chống ngứa, giảm đau, lợi sữa.
Trong đông y, lá được dùng trong chữa ghẻ, mụn nhọt, lở ngứa, chốc đầu. Chữa các chứng nhiệt sinh khát nước, ho đau cổ họng, mắt mờ, trẻ em sốt cao sinh kinh giật. Rễ và vỏ chữa phong thấp, đau gân, nhức xương tê bại, bán thân bất toại và điều hoà kinh nguyệt.
Ở Trung Quốc lá được dùng:
- Phòng trị bệnh cúm truyền nhiễm, viêm não;
- Đột quy tim, cảm lạnh, sốt, viêm họng, sưng amygdal;
- Viêm phế quản tích mủ, viêm gan.
Rễ được dùng trị:
- Thấp khớp, đau dây thần kinh hông, đau lưng;
- Ngộ độc lá ngón.
- Dùng ngoài trị đòn ngã tổn thương, nọc rằn, áp xe, vết thương nhiễm trùng, eczema, viêm mủ da, trĩ.
4 Cách dùng và bài thuốc từ cây Ba chạc
4.1 Cách dùng
Lá: Ngày dùng 20-40g lá, dạng nước sắc hoặc cao. Thường nấu nước đế tắm rửa hoặc xông. Có thể phối hợp với Kim Ngân Hoa (lượng bằng nhau) nấu nước uống.
Rễ, vỏ: Ngày uống 4-12g rễ và vỏ khô dạng thuốc sắc.
Ở Trung Quốc: Liều dùng: Lá 10-15g, rễ 9-30g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài, lấy lá tươi đắp hoặc nấu nước rửa, lấy lá phơi khô tán bột làm thuốc đắp.
4.2 Bài thuốc
4.2.1 Chữa phong thấp, đau nhức xương khớp
Bài 1: Lấy 20-40g rễ (hay vỏ cây) sắc với 1L nước, uống hàng ngày; hoặc ngâm rượu uống.
Bài 2: Dùng 1 nắm lá Ba chạc tươi, 1 nắm lá tầm gửi cây sau trắng. Rửa sạch, ngâm nước muối loãng, giã nát, đắp vào vùng bọ đau, ngày 1 lần, dùng trong 7-10 ngày.
Bài 3: Ba chạc, Dây Đau Xương, Câu Đằng, Tang Ký Sinh, mỗi vị 20-30g. Sắc uống.
4.2.2 Phòng ngừa cảm cúm, viêm não
Nguyên liệu: Ba chạc, đơn buốt, cúc chỉ thiên mỗi vị 15g, Rau Má 30g.
Cách làm: Sắc uống ngày 1 thang.
4.2.3 Kích thích tiêu hóa, lợi sữa
Bài 1: Lấy 10g rễ Ba chạc sắc uống.
Bài 2: Dùng 16g lá. Sắc với 6 bát nước trên lửa nhỏ trong nửa tiếng tới khi còn 3 bát, chia 3 lần uống trong ngày, dùng trong 7 ngày.
4.2.4 Chữa bệnh khác
Cây Ba chạc chữa ghẻ, chốc đầu: Dùng 1 nắm lá tươi hoặc khô đều được, nấu lấy nước gội đầu hoặc tắm rửa.
Chữa chán ăn, bồi bổ cơ thể, lợi tiêu hóa: Dùng 10 – 15g rễ (hoặc vỏ thân) nấu với 1L nước, uống nhiều lần trong ngày, dùng trong 30 ngày.
Chữa ngộ độc lá ngón, giải độc gan: Dùng 15-20g Ba chạc (lá, rễ, vỏ thân đều được). Sắc nước uống.
Chữa nổi mẩn ngứa trên da: Dùng 50-100g lá, cành non, rửa sạch, nấu với 5L nước trong tối thiểu nửa tiếng. Gạn lấy nước tắm, bã chà lên vùng da mẩn ngứa.
Điều trị rối loạn kinh nguyệt: Dùng 12g rễ sắc lấy 400ml nước thuốc, chia 3 lần uống trong ngày, dùng trước kỳ kinh nửa tháng.
Chữa viêm họng, đau họng, sốt co giật: Dùng 20-40g lá sắc nước uống hoặc chế cao dùng hàng ngày.
Trị đau nhức xương khớp, đau gân, liệt nửa người: Dùng 4 – 12g rễ khô hoặc vỏ thân sắc uống.
Cầm máu vết thương: Dùng lá Ba chạc, cỏ nhọ nồi, tỷ lệ 1:2. Rửa sạch, giã nát, đắp vào vết thương chảy máu rồi băng lại.
Chữa tổn thương ngoài da, tiêu viêm kích thích lên da non: Giống bài trên nhưng tỷ lệ ba chạc - cỏ nhọ nồi là 2:1.
5 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Võ Văn Chi (Xuất bản năm 2021). Ba chạc trang 56-57, Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 1. Truy cập ngày 7 tháng 5 năm 2023.
2. Tác giả Qi Yao và cộng sự (Ngày đăng 6 tháng 4 năm 2020). The phytochemistry, pharmacology and applications of Melicope pteleifolia: A review, Science Direct. Truy cập ngày 7 tháng 5 năm 2023.