Xuất tinh ngược: Nguyên nhân, triệu chứng và hướng dẫn điều trị
Trungtamthuoc.com - Bệnh xuất tinh ngược là một bệnh nam khoa mặc dù không gây đau đớn cho người bệnh nhưng lại có thể gây vô sinh nam. Vậy làm thế nào để biết mình bị mắc bệnh xuất tinh ngược hay không, cách điều trị và phòng tránh bệnh như thế nào? Mời bạn đọc cùng Trung tâm thuốc tìm hiểu thêm trong bài viết này nhé.
1 Xuất tinh ngược là gì?
1.1 Xuất tinh là gì?
Xuất tinh là hiện tượng sinh lý xảy ra khi nam giới đạt khoái cảm sau những kích thích tình dục. Xuất tinh ở nam giới thường được kiểm soát thông qua hệ thần kinh giao cảm, lúc cao trào đạt cực khoái cũng là lúc cánh mày râu xuất tinh ra bên ngoài.
Quá trình này giải phóng tinh dịch từ cơ quan sinh dục nam giới ra bên ngoài (xuất tinh bình thường). Tinh trùng sau khi được giải phóng sẽ tìm gặp trứng và thực hiện quá trình thụ thai.
1.2 Xuất tinh ngược là gì?
Xuất tinh ngược tên tiếng Anh là Retrograde Ejaculation hay còn gọi là xuất tinh ngược dòng, là hiện tượng tinh dịch không được xuất ra ngoài theo đường niệu đạo mà đi ngược vào bàng quang. Do đó, tinh trùng sẽ được đưa ra bên ngoài cùng với nước tiểu. Khi đi tiểu, người bệnh sẽ thấy dịch đặc màu trắng đục lẫn trong nước tiểu.
Xuất tinh ngược còn có nhiều tên gọi khác là bệnh trào ngược tinh trùng, bệnh xuất tinh trong, bệnh xuất tinh khô,... Bệnh xuất tinh ngược có thể do bẩm sinh hoặc do mắc phải.
Xuất tinh ngược mặc dù không có hại cho cơ thể nam giới về mặt sinh lý, nhưng nó gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tình cảm và tình dục của phái mạnh. Người mắc xuất tinh ngược có thể không điều trị, nhưng nếu người bệnh muốn có con, thì việc điều trị lại khá phức tạp và tốn kém.
2 Nguyên nhân gây ra xuất tinh ngược
Hiện tượng xuất tinh ngược do rất nhiều nguyên nhân gây nên, nhưng chủ yếu do bốn nguyên nhân chính sau đây:
2.1 Xuất tinh ngược do dị tật bẩm sinh
Về cấu trúc giải phẫu bệnh, ống dẫn tinh với niệu đạo sẽ nối liền với bàng quang theo cấu trúc hình chữ Y. Hiện tượng xuất tinh xảy ra khi các cơ vòng ở cổ bàng quang thắt lại để mở cửa niệu đạo, tinh dịch được đẩy ra ngoài. Đối với những người mắc xuất tinh ngược dòng bẩm sinh, các cơ vòng cổ bàng quang mất khả năng co thắt, tinh dịch không ra ngoài được nữa mà chảy ngược vào trong, gây ra hiện tượng xuất tinh ngược, hay còn gọi xuất tinh khô.
Ngoài ra, theo một nghiên cứu được đăng tải trên NCBI - thư viện Y khoa quốc gia Hoa Kỳ, một nguyên nhân hiếm gặp khác của người bệnh mắc chứng xuất tinh ngược là dị dạng đường niệu đạo bẩm sinh. Đường niệu đạo quá hẹp khiến cho tinh dịch không thể đẩy ra hoặc ra ngoài rất ít, mà lại đẩy ngược về phía bàng quang. Đây là một trường rất khó khăn trong điều trị nếu bệnh nhân muốn có con, cách duy nhất là thụ tinh trong ống nghiệm bằng tinh trùng được lấy ra từ nước tiểu của người bệnh.
2.2 Xuất tinh ngược do biến chứng của các bệnh mạn tính
Các bệnh mạn tính sau đây gây mất khả năng co thắt vùng cơ vòng bàng quang và tuyến tiền liệt. Điều này dẫn đến các cơ vòng bàng quang vẫn mở (thay vì phải đóng để tinh dịch đi vào niệu đạo). Các bệnh mạn tính điển hình dẫn đến biến chứng xuất tinh ngược gồm:
2.2.1 Bệnh đái tháo đường tuýp 1 và tuýp 2
Bên cạnh biến chứng điển hình là làm số lượng và khả năng vận động của tinh trùng, người bệnh mắc bệnh tiểu đường trong thời gian dài cũng sẽ bị mắc xuất tinh ngược dòng do biến chứng rối loạn co thắt của các cơ vòng bàng quang. Vì vậy, nhóm nam giới mắc tiểu đường có nguy cơ vô sinh nam rất cao.
Nhóm nghiên cứu của David Myland Kaufman và các cộng sự tại khoa Thần kinh và Tâm thần học của Đại học Albert Einstein, New York đã đưa ra số liệu thống kê vào năm 2013 như sau: Gần 50% trong tổng số nam giới mắc tiểu đường trên 10 năm (tại Hoa Kỳ) đều gặp biến chứng xuất tinh ngược hoặc rối loạn cương dương.
2.2.2 Bệnh thoái hóa cột sống, gai đôi cột sống, dị tật cột sống
Những tổn thương cột sống gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hệ thần kinh vận động và sự co thắt của các cơ quan nội tạng. Do đó, một trong những biến chứng tiêu biểu của các bệnh kể trên là rối loạn tiểu tiện, hay cụ thể hơn là rối loạn co thắt bàng quang. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh xuất tinh ngược.
2.2.3 Bệnh xơ cứng rải rác (MS)
Bệnh xơ cứng rải rác hay còn được gọi là bệnh đa xơ cứng phá hủy lớp vỏ bao bọc ngoài các dây thần kinh, dẫn đến thông tin từ não bộ đến các cơ quan trong cơ thể bị thiếu hoặc không tới được đích. Điều này gây nhiều vấn đề trong đời sống tình dục của người bệnh, trong đó có bệnh xuất tinh ngược dòng.
2.3 Xuất tinh ngược do biến chứng sau phẫu thuật niệu đạo - sinh dục
Sau những phẫu thuật về cổ bàng quang, phẫu thuật u tuyến tiền liệt hoặc phẫu thuật vùng chậu, một số người bệnh sẽ bị tổn thương cơ thắt vùng bàng quang. Mặc dù những ham muốn tình dục vẫn diễn ra bình thường, nhưng sau khi quan hệ, nam giới sẽ không xuất tinh hoặc xuất tinh rất ít. Tuy nhiên đây không phải là biến chứng sau phẫu thuật quá quan trọng, việc can thiệp khắc phục biến chứng này chỉ nên đưa ra khi người bệnh muốn có con.
2.4 Xuất tinh ngược do tác dụng phụ của thuốc
Bệnh xuất tinh ngược cũng có xảy ra khi sử dụng các thuốc sau trong thời gian dài:
- Thuốc điều trị phì đại tuyến tiền liệt: tamsulosin, Alfuzosin hoặc terazosin.
- Thuốc điều trị tăng huyết áp.
- Thuốc điều trị trầm cảm: Fluoxetine, Sertraline,...
- Thuốc hướng tâm thần: chlorpromazine, thioridazine, Risperidone,...
Cơ chế của những tác dụng phụ này chủ yếu là do những tổn thương đến hoạt động co thắt của các cơ vòng, cơ trơn của hệ sinh dục - tiết niệu.
Ngoài các nguyên nhân điển hình kể trên, một nhóm nghiên cứu thuộc Trường đại học Y Erzincan, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện nghiên cứu lâm sàng trên 120 bệnh nhân xuất tinh ngược. Kết quả cho thấy, một nguyên nhân khác dẫn đến chứng bệnh xuất tinh ngược dòng là do hoạt động quá mức của bàng quang. Các bệnh nhân có thói quen tiểu đêm, tiểu nhiều lần trong ngày, những người mắc bệnh tiểu rắt sẽ có nguy cơ cao bị chứng xuất tinh ngược. Do những hoạt động quá mức của bàng quang trong thời gian dài, sẽ làm giảm khả năng co bóp của các cơ vòng cổ bàng quang, dẫn đến cổ bàng quang không đóng lại được khi xuất tinh.
3 Triệu chứng của xuất tinh ngược
Các triệu chứng điển hình của xuất tinh ngược như sau:
Nam giới vẫn có nhu cầu tình dục bình thường và vẫn có cảm giác cực khoái khi quan hệ tình dục, nhưng lại xuất tinh rất ít hoặc không xuất tinh (cảm giác đạt cực khoái nhưng thực chất người bệnh không có tinh dịch xuất ra bên ngoài).
Sau khi quan hệ tình dục, khi đi tiểu sẽ xuất hiện những lợn cợn màu trắng đục lẫn trong nước tiểu. Đó là tinh dịch của nam giới chưa được xuất ra ngoài.
4 Xuất tinh ngược gây nên những ảnh hưởng gì?
4.1 Xuất tinh ngược gây vô sinh
Theo những thống kê của tổ chức y tế thế giới (WHO), tỉ lệ vô sinh ở nam giới có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Mặc dù xuất tinh ngược không có hại cho cơ thể nam giới nhưng đó lại là vấn đề nghiêm trọng nếu người bệnh muốn có con.
Khi tinh dịch (có chứa tinh trùng) đi ngược vào trong bàng quang mà không được đưa ra ngoài hoặc xuất rỉ ra quá ít, khiến lượng tinh trùng vào được cơ thể nữ giới ít, yếu hoặc gần như không có. Điều này sẽ khiến cho việc thụ thai trở nên khó khăn hơn, gây ra hiếm muộn ở nam giới.
Xuất tinh ngược có thể gây vô sinh nam nhưng còn nhiều nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến bệnh hiếm muộn như: chất lượng tinh trùng kém, mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh dục, những bất thường về gen di truyền,... Do đó, nếu bạn nghi ngờ mình bị mắc bệnh hiếm muộn, cần phải đến thăm khám tại các khoa Nam khoa ở các bệnh viện uy tín để được can thiệp và chữa trị kịp thời.
4.2 Xuất tinh ngược ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần
Bệnh xuất tinh ngược là một thách thức đối với các cặp vợ chồng muốn có con. Việc điều trị bệnh đòi hỏi sự tốn kém về thời gian và tiền bạc, vì vậy nó ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống vật chất và tinh thần của người bệnh. Vợ chồng bạn nên tham khảo thật kĩ ý kiến của bác sĩ để đưa ra những quyết định hợp lý.
5 Chẩn đoán xuất tinh ngược
Các biện pháp để chẩn đoán xuất tinh ngược bao gồm:
5.1 Tìm hiểu các yếu tố nguy cơ
Bước đầu tiên trong chẩn đoán xuất tinh ngược là sự trao đổi giữa bác sĩ và người bệnh về tình trạng sức khỏe hiện tại. Bác sĩ sẽ hỏi bạn về những triệu chứng của bệnh xuất tinh ngược ( tình trạng xuất tinh sau khi quan hệ tình dục, lần đầu tiên bạn bị hiện tượng cực khoái khô là khi nào, nước tiểu sau khi quan hệ có bất thường gì không,...).
Tiếp đó là những câu hỏi về các loại thuốc bạn đang sử dụng (nếu có), bạn có đang bị mắc các bệnh mạn tính nằm trong nhóm nguyên nhân dẫn đến bệnh xuất tinh ngược dòng hay không (bệnh tiểu đường, gai đốt sống cổ, đa xơ cứng,...), đã từng phẫu thuật u tuyến tiền liệt hay chưa,...
5.2 Khám lâm sàng
Thực hiện khám lâm sàng cơ quan sinh dục nam (dương vật, tinh hoàn) và trực tràng để phát hiện ra những bất thường.
5.3 Xét nghiệm cận lâm sàng
Thực hiện xét nghiệm nước tiểu bằng phương pháp soi kính hiển vi sau khi bệnh nhân đạt cực khoái. Nước tiểu của bệnh nhân mắc bệnh xuất tinh ngược dòng khi soi sẽ có xuất hiện tinh dịch. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đạt cực khoái mà không xuất tinh, đồng thời cũng không phát hiện tinh trùng trong nước tiểu, thì nguy cơ cao bệnh nhân có vấn đề tại nơi sản xuất tinh dịch. Lúc này, bác sĩ sẽ thực hiện thêm các xét nghiệm khác để có những chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh của bạn.
6 Điều trị xuất tinh ngược
6.1 Điều trị bằng cách khắc phục nguyên nhân gây bệnh
Nếu người bệnh đang sử dụng lâu dài các thuốc có tác dụng phụ gây bệnh xuất tinh ngược dòng, cần ngưng sử dụng thuốc và chuyển sang loại khác. Trong trường hợp không thể ngưng sử dụng thuốc, cần đánh giá kĩ giữa yếu tố lợi ích và nguy cơ để đưa ra phác đồ điều trị hợp lí.
6.2 Điều trị bệnh xuất tinh ngược bằng thuốc
Điều trị bệnh xuất tinh ngược bằng thuốc không có tác dụng đối với những bệnh nhân mắc bệnh do di chứng sau phẫu thuật u tuyến tiền liệt, các trường hợp mắc bệnh xuất tinh ngược dòng bẩm sinh, tổn thương dây thần kinh giao cảm do chấn thương,... Điều trị bằng thuốc chỉ có tác dụng với những tổn thương cơ vòng bàng quang nhẹ do các bệnh mạn tính như tiểu đường, chấn thương cột sống nhẹ và bệnh đa xơ cứng.
Các thuốc được sử dụng điều trị bệnh xuất tinh ngược dòng bao gồm:
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng ( ví dụ như imipramine).
- Thuốc kháng histamin (ví dụ như Chlorpheniramine, brompheniramine ).
- Thuốc thông mũi ( như Ephedrine, Phenylephrine).
Tuy nhiên, các nghiên cứu lâm sàng về bệnh xuất tinh ngược còn hạn chế so với các bệnh rối loạn xuất tinh khác ở nam giới. Vì vậy, hiện nay chưa có thuốc đặc trị để chữa bệnh khỏi hoàn toàn. Các thuốc điều trị xuất tinh ngược kể trên là thuốc đặc trị cho các bệnh khác, nhưng các hoạt chất của chúng lại có tác dụng đóng các cơ vòng cổ bàng quang nhằm đẩy tinh dịch xuất ra theo đường niệu đạo.
Vì thế, bạn cần phải tuân thủ những chỉ định của bác sĩ khi sử dụng thuốc, do chúng có nhiều tác dụng phụ về tim mạch và huyết áp. Mặt khác, cần sử các thuốc trên đúng thời điểm (thường khoảng 1 đến 2 giờ trước khi quan hệ tình dục) để phát huy được tác dụng của thuốc.
6.3 Điều trị bằng vật lý trị liệu
Một trong những nguyên nhân của chứng xuất tinh ngược dòng là do các chấn thương về tủy sống và cột sống. Những tổn thương này sẽ ảnh hưởng đến khả năng co thắt của các cơ vòng bàng quang, dẫn đến bệnh xuất tinh ngược ở nam giới. Để khắc phục tình trạng bệnh, một nghiên cứu lâm sàng được công bố trên NCBI ( Thư viện Y học quốc gia Hoa Kỳ) đã tiến hành trị liệu chứng xuất tinh ngược và chứng suy giảm ham muốn tình dục cho các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu.
Các nhà nghiên cứu đã xây dựng các bài tập vận động kết hợp giữa chạy bộ và các động tác vật lý trị liệu kích thích các dây thần kinh vận động. Sau khoảng 80 buổi tập luyện, kết quả cho thấy: sự co thắt của các cơ bàng quang được cải thiện rõ rệt, đồng thời, đời sống tình dục của những bệnh nhân tham gia nghiên cứu có xu hướng tốt dần lên. Tuy nhiên, đây chỉ là một nghiên cứu lâm sàng với quy mô nhỏ, nên kết hợp các phương pháp điều trị với nhau để mang lại hiệu quả điều trị tối ưu nhất. [1]
6.4 Điều trị vô sinh do xuất tinh ngược
Nếu nguyên nhân gây bệnh xuất tinh ngược là do những tổn thương không thể phục hồi của của cơ vòng cổ bàng quang thì việc điều trị bằng thuốc không có tác dụng. Lúc này, cần sự can thiệp của các phương pháp thụ tinh nhân tạo nếu người bệnh muốn có con.
Phương pháp lấy tinh trùng từ trong nước tiểu của bệnh nhân mắc xuất tinh ngược được trình bày như sau:
Đầu tiên, cho bệnh nhân uống bicarbonate vào buổi tối trước khi đi ngủ để kiềm hóa nước tiểu (hòa tan 3g bicarbonat vào nước). Tiếp tục sử dụng một liều tương tự khi đến bệnh viện vào buổi sáng hôm sau. Thu thập nước tiểu đã được kiềm hóa có chứa tinh dịch của bệnh nhân, tiến hành ly tâm thu được tinh trùng. [2]
Có thể sử dụng 3 phương pháp thụ tinh nhân tạo sau:
Thụ tinh trong tử cung: sử dụng một ống thông nhỏ để dẫn tinh trùng vào bên trong tử cung của người vợ vào đúng thời điểm rụng trứng.
Thụ tinh trong ống nghiệm: thụ tinh trứng và tinh trùng trong cùng một ống nghiệm.
Tiêm tinh trùng vào tế bào trứng của người vợ để tạo ra sự thụ tinh.
Nếu trứng và tinh trùng của cả hai vợ chồng đều khỏe mạnh, ưu tiên sử dụng phương pháp thụ tinh trong tử cung. Trong những trường hợp tinh trùng của người chồng số lượng ít và hoạt động yếu hoặc cả hai vợ chồng đều hiếm muộn,nên lựa chọn phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. [3]
7 Thuốc nào điều trị xuất tinh ngược? Mua ở đâu?
Hiện nay, trên thế giới, những tài liệu nghiên cứu lâm sàng về điều trị bệnh xuất tinh ngược chưa được phong phú và công bố rộng rãi so với các bệnh nam khoa khác. Nếu bạn nghi ngờ mình bị mắc bệnh xuất tinh ngược, hãy đến các khoa khám bệnh Nam học tại các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Khi điều trị, tùy từng tình trạng bệnh và khả năng đáp ứng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có những hướng điều trị thích hợp khác nhau. Đối với những bệnh nhân không có nhu cầu có con thì không nhất thiết phải chữa bệnh xuất tinh ngược. Tuy nhiên, khi người bệnh muốn có con, thì việc sử dụng thuốc trong điều trị chỉ có tác dụng với các bệnh nhân tổn thương cơ vòng bàng quang nhẹ. Các trường hợp còn lại cần phải sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo để khắc phục tình trạng vô sinh nam do xuất tinh ngược.
8 Những người dễ bị mắc bệnh xuất tinh ngược
Nam giới có mắc các bệnh ảnh hưởng đến cơ vòng cổ bàng quang đều có nguy cơ cao mắc bệnh xuất tinh ngược, cụ thể như sau:
Bệnh tiểu đường tuýp 1 và 2.
Bệnh đa xơ cứng rải rác (MS).
Bệnh phì đại tuyến tiền liệt.
Người đã phẫu thuật bàng quang, phẫu thuật tuyến tiền liệt, người điều trị ung thư tuyến tiền liệt, người chấn thương tủy sống và cột sống,...
Những người đã hoặc đang dùng thuốc điều trị cao huyết áp hoặc thuốc hướng tâm thần.
9 Làm thế nào để phòng tránh bệnh xuất tinh ngược?
Bệnh xuất tinh ngược không gây đau đớn nhưng lại có thẻ gây vô sinh cho nam giới. Để phòng tránh bệnh, bạn cần duy trì những thói quen tốt và lối sống lành mạnh. Đặc biệt, đối với nhóm người thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh xuất tinh ngược, cần thực hiện những phương pháp phòng tránh sau:
Đối với bệnh nhân tiểu đường, nên kiểm soát lượng đường trong máu để tránh những biến chứng của bệnh.
Tránh sử dụng các loại thuốc có tác dụng phụ gây xuất tinh ngược. Đồng thời, dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Không được tự ý dùng thêm hoặc tự ý bỏ thuốc.
Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh tật.
10 Món ăn giúp cải thiện triệu chứng bệnh xuất tinh ngược
10.1 Cháo đậu tương - nhân sâm
Nguyên liệu:
6 gam nhân sâm,
20 gam mỗi loại Hoàng Kỳ, sơn dược, đậu tương và mật ong,
500 ml sữa bò.
Chế biến:
Xay nhỏ đậu tương đã rang thành bột.
Trộn hỗn hợp gồm: bột nhân sâm, hoàng kỳ, sơn dược, bột đậu tương vào sữa bò.
Đun nhỏ lửa đến sôi, rồi thêm Mật Ong vào hỗn hợp.
Cách dùng: Liệu trình kéo dài 1 tháng, cách 1 ngày ăn 1 lần, chia ngày ăn 3 lần.
10.2 Cháo gà - nhân sâm
Nguyên liệu:
1 con gà,
50 gam gạo nếp,
10 gam nhân sâm,
các thành phần khác: táo khô, trần bì, Thăng Ma, tỏi và muối.
Chế biến:
Sơ chế các nguyên liệu.
Nhồi Nhân Sâm và gạo nếp vào bụng gà, đun lửa to với nước đến khi sôi thì cho thêm tỏi và táo.
Vớt sạch bọt và đun lửa nhỏ trong 2 giờ.
Thêm thăng ma, Trần Bì và muối vừa ăn.
Cách dùng: Liệu trình kéo dài 1 tháng, cách ngày ăn 1 lần.
Tài liệu tham khảo
- ^ Chuyên gia của Pub Med (Ngày đăng 31 tháng 1 năm 2018). Improvements in bladder, bowel and sexual outcomes following task-specific locomotor training in human spinal cord injury, Pub Med. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2022
- ^ Các tác giả Kazuo Saito, Yuzo Kinoshita, Yasushi Yumura, Akira Iwasaki, Masahiko Hosaka. Successful Pregnancy with Sperm Retrieved from the Bladder after the Introduction of a Low-Electrolyte Solution for Retrograde Ejaculation, Science Direct. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2022
- ^ Chuyên viên của Harvard Health Publishing (Ngày 18 tháng 12 năm 2018). Retrograde Ejaculation, Harvard Health Publishing. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2022