Xuất huyết tiêu hóa ở trẻ: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Trungtamthuoc.com - Xuất huyết tiêu hóa (GIB) là tình trạng phổ biến ở trẻ em và có thể xảy ra ở bất kỳ vùng nào của đường tiêu hóa, từ miệng đến hậu môn. [1] Vậy khi trẻ bị chảy máu đường tiêu hóa ta cần làm gì? Hãy cùng trung tâm thuốc theo dõi qua bài viết dưới đây nhé!
1 Xuất huyết tiêu hóa là gì?
Xuất huyết tiêu hóa là bệnh lý ít khi gặp ở trẻ em, khi xuất huyết tiêu hóa trẻ sẽ có biểu hiện nôn máu, đi ngoài phân máu. Phần lớn các trường hợp không để lại hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe. [2]
Tùy theo vị trí xuất huyết so với góc tá - hỗng tràng mà người ta chia ra thành xuất huyết tiêu hóa trên và xuất huyết tiêu hóa dưới. Trong đó xuất huyết tiêu hóa trên là bệnh thường gặp hơn.
Từ khi áp dụng phương pháp nội soi trong chẩn đoán và điều trị bệnh thì rất ít khi cần phẫu thuật và tiên lượng bệnh nhân cũng tốt hơn.
2 Nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa
Các nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa trên và dưới của trẻ là không giống nhau, và khác nhau ở từng lứa tuổi.[1]
Đối với trẻ sơ sinh, nứt hậu môn là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây chảy máu đường tiêu hóa. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác nữa như viêm ruột do vi khuẩn, dị ứng sữa, nuốt máu mẹ, tăng sản sinh các tế bào lympho. Nhìn chung, bệnh xuất huyết ở trẻ sơ sinh là do sự rối loạn chảy máu do thiếu hụt các yếu tố đông máu liên quan đến vitamin K.
Với các bé từ 1 tháng đến 1 tuổi thì nguyên nhân phổ biến gây xuất huyết tiêu hóa trên là do viêm thực quản, viêm dạ dày thứ phát hoặc nguyên phát. Còn hiện tượng xuất huyết tiêu hóa dưới thường do có vết nứt ở hậu môn do viêm ruột, viêm đại tràng…
Ở các bé từ 1 đến 2 tuổi, viêm loét dạ dày là nguyên nhân phổ biến của chảy máu tiêu hóa trên. Đa phần, các trẻ bị loét dạ dày là do hậu quả của một số bệnh khác như nhiễm trùng huyết, bỏng nặng hay chấn thương hệ thần kinh trung ương… Còn nguyên nhân gây chảy máu tiêu hóa dưới thì lại thường do có polyp hay túi thừa đại tràng.
Các bé từ 2 tuổi trở lên thì hiện tượng chảy máu đường tiêu hóa trên thường là hậu quả của bệnh loét dạ dày - tá tràng, viêm thực quản hay có vết rách dạ dày thực quản. Và chảy máu đường tiêu hóa dưới ở lứa tuổi này thì thường do có polyp, viêm ruột, mạch máu bị tổn thương hoặc do tiêu chảy truyền nhiễm.
3 Các phương pháp chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa ở trẻ
Để chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa ở trẻ người ta thường dựa vào lịch sử mắc bệnh và các biểu hiện lâm sàng ở trẻ, đặc biệt ở trẻ sơ sinh.
Các dấu hiệu lâm sàng và tiền sử của bệnh nhân mà ta cần để ý như sau:[1]
- Tính chất chảy máu, màu sắc và số lượng máu, cùng các tiền sử căng thẳng, đau bụng hay chấn thương.
- Các loại thực phẩm hoặc thuốc có thể gây xuất huyết như: kháng sinh, thuốc kháng viêm không steroid, corticoid, hay các chất bổ sung sắt…
- Bệnh nhân có các triệu chứng tiền sử như nôn mửa, tiêu chảy, sốt hay có nguyên nhân nhiễm trùng…
- Tính chất phân như máu lẫn trong phân, hay phân đen...
Sau khi thăm khám các triệu chứng lâm sàng người ra còn làm các phương pháp cận lâm sàng để chẩn đoán và tìm nguyên nhân như sau:
- Kiểm tra mạch, đo nhịp tim, huyết áp, màu da, bệnh nhân có dấu hiệu thiếu máu nặng hay không nhờ phương pháp đếm, kiểm tra công thức máu...
- Khám vùng mũi hầu để loại trừ nguyên nhân xuất huyết từ vùng mũi hầu.
- Khám bụng loại trừ nguyên nhân ngoại khoa như lồng ruột (khối u, dấu hiệu tắc ruột), bệnh lý gan (gan lách to, tuần hoàn bàng hệ, vàng da vàng mắt), đau vùng thượng vị.
- Khám trực tràng nếu xuất huyết tiêu hóa dưới: xác định chẩn đoán và xem tính chất phân, tìm vết tổn thương hay dị tật như polyp, nứt hậu môn.
- Tìm các vết bầm tím do xuất huyết.
- Để thăm khám như trên bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp nội soi, siêu âm ổ bụng hay chụp X - quang…
4 Phác đồ điều trị xuất huyết tiêu hóa ở trẻ nhỏ
4.1 Nguyên tắc điều trị
Bệnh nhân bị chảy máu tiêu hóa nặng cần cho trẻ nhập viện điều trị. Trong đó, các nguyên tắc điều trị bệnh như sau:
- Cho trẻ nhịn ăn, uống.
- Bù thể tích máu đã mất do xuất huyết.
- Tìm nguyên nhân gây chảy máu và điều trị nguyên nhân.
- Áp dụng các liệu pháp điều trị triệu chứng, cầm máu cho trẻ, tránh mất máu gây nguy hiểm cho trẻ.
4.2 Một số phương pháp điều trị cho trẻ xuất huyết tiêu hóa
Trong trường hợp trẻ có sốc và thiếu máu nặng, bác sĩ có thể chỉ định như sau:
- Cung cấp oxy cho trẻ bằng ống thông mũi cannula hay bằng mặt nạ.
- Đặt hai đường truyền tĩnh mạch lớn cho trẻ.
- Làm các xét nghiệm công thức máu cho trẻ viết tắt là HCT, để xác định lượng hồng cầu trong máu. Nếu chỉ số HCT ở mức bình thường vẫn không được loại trừ nguy cơ mất máu cấp.
- Truyền nhanh dung dịch Lactate Ringer hoặc nước muối sinh lý truyền tĩnh mạch với liều 20mL/kg trong 15 phút đầu. Sau đó giảm xuống còn 20 mL/kg trong 1 giờ đến khi thấy bệnh nhân có huyết áp.
- Nếu bệnh nhân có HCT dưới 30% và tiếp tục nôn ra máu thì truyền máu toàn phần với liều 20mL/kg trong 1 giờ.
- Đồng thời cho trẻ nhịn ăn.
Trong trường hợp trẻ bị chảy máu tiêu hóa trên nghi ngờ do viêm loét dạ dày tá tràng:
- Bệnh nhân được sử dụng thuốc ức chế bơm proton như sau :
- Sử dụng Omeprazole để tiêm tĩnh mạch trong 3 ngày đầu, sau đó cho trẻ dùng đường uống.
- Hoặc trẻ có thể được thay thế bằng thuốc Ranidine với liều 1-2mg/kg tiêm tĩnh mạch chậm, sau mỗi 6 - 8 giờ có thể tiêm nhắc lại. Liều tối đa là 50mg.
- Omeprazol là thuốc được ưu tiên chọn lựa hơn Ranitidine.
Trường hợp trẻ bị chảy máu tiêu hóa do vỡ dãn tĩnh mạch thực quản cho trẻ dùng như sau:
- Sandostatin: Thuốc có thành phần chính là Octreotide, có tác dụng làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa, co mạch nội tạng nên làm giảm xuất huyết. Ban đầu thuốc được dùng cho trẻ với liều 1-2 µg/kg, tiêm tĩnh mạch chậm. Sau đó giảm liều dần xuống còn 1µg/kg và 0,25µg/kg trong 1 giờ.
- Ngoài ra, trước đây người ta còn điều trị bằng Vasopressin, nhưng hiện nay do nhiều biến chứng so với Sandostatin nên ít được dùng
- Vitamin K1: Thuốc được dùng khi trẻ có các bệnh lý về gan, rối loạn đông máu. Liều dùng được hướng dẫn như sau: 1 mg/kg có thể tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch, không được dùng quá 10mg.
- Trường hợp trẻ có rối loạn đông máu, có thể chỉ định cho trẻ dùng huyết tương đông lạnh để tiêm truyền tĩnh mạch với liều: 10mL cho mỗi kg cân nặng.
Căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh của trẻ mà bác sĩ có chỉ định phù hợp. Với các trường hợp trẻ bị xuất huyết do lồng ruột, có polyp hay túi thừa… bác sĩ sẽ phải chỉ định liệu pháp điều trị ngoại khoa. Khi bé có các triệu chứng của bệnh, mẹ cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế gần nhất để điều trị và tránh biến chứng nguy hiểm.
5 Chăm sóc trẻ bị xuất huyết tiêu hóa
Bên cạnh việc điều trị cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ, cha mẹ cũng cần lưu ý chăm sóc trẻ sau điều trị để tránh bệnh tái phát như sau:
- Cho trẻ ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu hóa để làm giảm gánh nặng cho dạ dày và hệ tiêu hóa của trẻ.
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng, luyện tập để nâng cao sức đề kháng cho trẻ, không mắc các bệnh lý liên quan.
- Không cho trẻ ăn các đồ ăn chưa qua chế biến, thực phẩm khó tiêu và kích thích niêm mạc như đồ ăn thô cứng, các gia vị chua, cay, nước ngọt có ga…
- Thiết lập cho trẻ chế độ nghỉ ngơi khoa học, hạn chế căng thẳng, ngủ đủ giấc trong ngày.
- Không cho trẻ sử dụng thuốc khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Trên đây là các thông tin về tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ. Nếu không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí là gây tử vong ở trẻ. Khi bé nhà bạn gặp phải tình trạng này, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ, đồng thời tham khảo phương pháp chăm sóc trẻ phù hợp như trên.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Claudio Romano , Salvatore Oliva , Stefano Martellossi , Erasmo Miele , Serena Arrigo , Maria Giovanna Graziani , Sabrina Cardile , Federica Gaiani , Gian Luigi de'Angelis và Filippo Torroni, Ngày đăng: 28 tháng 2 năm 2017, Pediatric gastrointestinal bleeding: Perspectives from the Italian Society of Pediatric Gastroenterology , NCBI. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả: Wayne Wolfram, Pediatric Gastrointestinal Bleeding, Medscape. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2021