1. Trang chủ
  2. Huyết Học Truyền Máu
  3. Xét nghiệm công thức máu biết được bệnh gì? Cách đọc kết quả xét nghiệm máu

Xét nghiệm công thức máu biết được bệnh gì? Cách đọc kết quả xét nghiệm máu

Xét nghiệm công thức máu biết được bệnh gì? Cách đọc kết quả xét nghiệm máu

Trungtamthuoc - Xét nghiệm công thức máu là một trong những xét nghiệm máu phổ biến nhằm đánh giá tổng số lượng và đặc điểm các thành phần tế bào máu. Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu về ý nghĩa các chỉ số công thức máu trong bài viết dưới đây.

1 Xét nghiệm công thức máu bao gồm những gì?

Xét nghiệm công thức máu hay còn gọi là tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, nhằm đánh giá tổng số lượng và đặc điểm của thành phần tế bào máu, bao gồm bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu. Cụ thể công thức máu sẽ cung cấp những thông tin gồm:

Xét nghiệm công thức máu là gì?
Xét nghiệm công thức máu là gì?
  • Đối với hồng cầu (RBC) có các chỉ số như số lượng hồng cầu (RBC), Hemoglobin (Hb), Hematocrit (HCT), thể tích trung bình của hồng cầu, lượng hemoglobin trung bình, nồng độ hemoglobin trung bình.
  • Đối với bạch cầu có các chỉ số như số lượng bạch cầu toàn phần (WBC), bạch cầu lympho, bạch cầu trung tính, bạch cầu mono, bạch cầu ái toan, bạch cầu ái kiềm.
  • Đối với tiểu cầu có các chỉ số như số lượng tiểu cầu trong một thể tích máu (PLT), thể tích khối tiểu cầu, độ phân bố kích thước tiểu cầu, thể tích trung bình của tiểu cầu, tỷ lệ tiểu cầu có kích thước lớn.  

Dựa vào các kết quả trong công thức máu, bác sĩ sẽ chẩn đoán và tầm soát được các bệnh liên quan đến thiếu máu, nhiễm trùng, rối loạn đông máu. Ngoài ra các kết quả xét nghiệm cũng đánh giá hiệu quả điều trị của một số bệnh để điều chỉnh phương pháp phù hợp.

2 Chỉ số xét nghiệm công thức máu bình thường

Kết quả phân tích công thức máu bình thường nằm trong các giá trị sau:

Chỉ sốGiá trị bình thường ở Nam Giá trị bình thường ở Nữ 
RBC4,5–6,1 × 10^6 /μL4,0–5,4 × 10^6 /μL
Hemoglobin13 - 18 g/dL12,0–16,0g/dL
Hematocrit (HCT)40 - 52% 37 - 47%
MCV80–98fL
MCH 27 - 32 pg
MCHC32 - 36 g/dL
RDW11 - 14.5%
PLT150–400 × 10^3 /μL
PCT0.2 - 0.4%
PDW 15 - 17%
MPV7.5 - 11 fL
WBC4.0 - 10.0 x 10³/µL
Neutro40 - 70% (1.8 - 7.0 x 10³/µL)
Lympho20 - 45% (1.0 - 4.5 x 10³/µL)
Mono 2 - 10% (0.2 - 1.0 x 10³/µL)
Eosino1 - 6% (0.02 - 0.5 x 10³/µL)
Baso<1% (0 - 0.2 x 10³/µL)

3 Ý nghĩa kết quả 18 thông số xét nghiệm công thức máu

Khi có kết quả xét nghiệm công thức máu, cần so sánh với giá trị bình thường để đọc hiểu ý nghĩa từng thông số: 

3.1 Số lượng hồng cầu - RBC (Red Blood Cell)

RBC là chỉ số lượng hồng cầu trong một thể tích máu, và có giá trị khác nhau giữa nam và nữ. Hồng cầu đóng vai trò quan trọng trong máu, chứa hemoglobin (Hb) và giúp vận chuyển oxy từ phổi đến các mô.

Khi giá trị RBC tăng, có thể là dấu hiệu của tình trạng mất nước, bệnh đa hồng cầu, thiếu oxy mạn tính trong bệnh CODP, hoặc hút thuốc lá lâu ngày, bệnh tim bẩm sinh. Một số trường hợp dùng thuốc steroid hoặc doping máu cũng sẽ làm tăng giá trị này.

Giảm trong các trường hợp thiếu máu, thiếu Sắt, thiếu Vitamin B12, mất máu do chảy máu mạn tính, bệnh lý tủy xương, tuyến giáp, nhiễm trùng…

Số lượng hồng cầu - RBC
Số lượng hồng cầu - RBC

3.2 HGB (Hemoglobin)

HGB (Hemoglobin) là chỉ số lượng huyết sắc tố có trong một đơn vị máu toàn phần, thành phần này cấu tạo nên hồng cầu và có vai trò vận chuyển oxy từ phổi đến các mô và cơ quan, đồng thời mang CO2 từ các mô trở về phổi thải ra ngoài. Như vậy chỉ số này phản ánh trực tiếp khả năng cung cấp oxy của máu. 

Giá trị HGB cao trong bệnh đa hồng cầu, cô đặc máu, bệnh thiếu oxy mạn tính như suy tim, CODP…

Giá trị HGB thấp phản ánh tình trạng thiếu máu, mất máu, thiếu vitamin B12, bệnh lý suy tủy, rối loạn di truyền thalassemia, hồng cầu hình liềm. 

3.3 HCT (Hematocrit)

HCT (Hematocrit) là tỉ lệ thể tích khối hồng cầu trên tổng thể tích máu toàn phần, chúng phản ánh số lượng và thể tích hồng cầu trong máu. 

HCT tăng cao có thể do cơ thể mất nước trong tình trạng tiêu chảy, nôn, sốt, bệnh đa hồng cầu, thiếu oxy mạn tính, rối loạn dị ứng…

Hematocrit thấp phản ánh tình trạng thiếu máu, thiếu sắt, hoặc mất máu cấp/mạn tính, trong thời kỳ mang thai, suy tuỷ xương, bệnh thận.

3.4 Chỉ số MCV 

MCV là thể tích trung bình của mỗi hồng cầu, được tính toàn bằng công thức MCV = HCT/RBC. Chỉ số này được tính bằng đơn vị femtoliters (fL), ứng dụng trong phân loại các loại thiếu máu.

Giá trị MCV giảm dưới 80 fL trong các trường hợp thiếu máu hồng cầu nhỏ, bệnh thalassemia, thiếu máu do viêm mạn tính, nhiễm độc chì…

Giá trị MCV tăng > 100 fL trong trường hợp thiếu máu do hồng cầu to vì thiếu vitamin B12, Acid Folic, rối loạn tủy xương, suy giáp, bất sản tủy, tan máu cấp…

3.5 Chỉ số MCH

Chỉ số MCH là lượng huyết sắc tố có trong mỗi hồng cầu, được tính bằng công thức MCH = Hb/RBC.

Khi MCH tăng nghĩa là hồng cầu chứa nhiều hemoglobin hơn bình thường, có thể gặp trong trường hợp thiếu máu ưu sắc hồng cầu bình thường, bệnh gan, suy giáp… 

Khi MCH thấp nghĩa là hồng cầu chứa ít hemoglobin hơn bình thường trong trường hợp thiếu máu thiếu sắt, hồng cầu nhỏ, mất máu mạn tính…

3.6 Chỉ số MCHC

MCHC là nồng độ trung bình của huyết sắc tố có trong một thể tích khối hồng cầu, được tính toàn bằng công thức MCHC = Hb/HCT. 

MCHC tăng trong các trường hợp mất nước ưu trương, thiếu máu hồng cầu hình cầu, bệnh lý tan máu…

MCHC giảm trong các trường hợp thiếu máu do thiếu sắt, bệnh thalassemia, xơ gan, nghiện rượu…

3.7 Độ phân bố kích thước hồng cầu RDW

RDW đánh giá mức độ đồng đều về kích thước giữa các hồng cầu trong máu, giá trị này có thể khác nhau tùy từng phòng xét nghiệm. Chỉ số RDW thường được đánh giá kết hợp với MCV để xác định nguyên nhân của thiếu máu.

  • RDW tăng + MCV tăng: Thiếu máu hồng cầu to (do thiếu B12 hoặc acid folic), bệnh bạch cầu lympho mạn…
  • RDW tăng + MCV bình thường: Thiếu máu mạn tính, tán huyết, hoặc sau truyền máu, thiếu hụt vitamin B12, thiếu hụt folate giai đoạn sớm, thiếu máu do bệnh globin…
  • RDW tăng + MCV giảm: Thiếu máu thiếu sắt, Thalassemia.

3.8 Số lượng bạch cầu trong một thể tích máu WBC

Tế bào bạch cầu là thành phần của hệ thống miễn dịch, có vai trò quan trọng ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng của cơ thể. Số lượng bạch cầu trong một thể tích máu, là một trong những thông số quan trọng trong xét nghiệm công thức máu.

Khi số lượng bạch cầu tăng cao vượt mức bình thường thì có thể do cơ thể nhiễm trùng cấp tính, tình trạng viêm, hoặc do bệnh lý ác tính, căng thẳng do chấn thương.

Số lượng bạch cầu giảm thấp là cảnh báo nhiễm trùng virus, bệnh lý xương, suy giảm miễn dịch, bệnh tự miễn…

Các bạch cầu trong máu
Các bạch cầu trong máu

3.9 Bạch cầu Lympho

Bạch cầu lympho có vai trò sản xuất protein chống lại kháng thể, chúng bao gồm tế bào T, tế bào B, tế bào NK ngăn cản tình trạng vi khuẩn, vi rus, tác nhân bên ngoài gây hại cho cơ thể.

Nguyên nhân tăng Lympho do cơ thể nhiễm virus, bệnh tự miễn, bệnh bạch cầu. Giảm bạch cầu lympho trong nhiễm trùng nặng, suy giảm miễn dịch, bệnh lý tủy xương.

3.10 Bạch cầu trung tính (NEU)

Bảo vệ cơ thể bằng cách chống lại nhiễm trùng, tình trạng viêm bằng cách tiêu diệt vi khuẩn, nấm. Chỉ số NEU cao thường là dấu hiệu của nhiễm trùng cấp tính, viêm nhiễm, bệnh lý tủy xương. Chỉ số này giảm trong tình trạng suy tuỷ, bệnh tự miễn, thiếu dinh dưỡng…

3.11 Bạch cầu mono (MON)

Bạch cầu mono là loại bạch cầu đơn nhân, có vai trò chống lại nhiễm trùng và làm sạch tế bào chết hoặc các tác nhân lạ.  Khi số lượng monocyte tăng cao, điều này có thể là dấu hiệu của các bệnh nhiễm trùng mạn tính, bị viêm nhiễm. Số lượng bạch cầu giảm có thể là do suy tuỷ xương hoặc bệnh lý bạch cầu ác tính.

3.12 Bạch cầu ái toan (EOS)

Bạch cầu ái toan (EOS) liên quan đến các phản ứng chống lại dị ứng, nhiễm ký sinh trùng và một số bệnh tự miễn. Bạch cầu ái toan thường tăng cao trong các phản ứng dị ứng như viêm mũi dị ứng eczema, bệnh tự miễn, nhiễm ký sinh trùng tiêu hoá hoặc da. Tình trạng giảm bạch cầu ái toan có thể do căng thẳng hoặc sốc, sử dụng corticosteroid.

3.13 Bạch cầu ái kiềm (BASO)

Bạch cầu ái kiềm (BASO) tham gia vào các phản ứng viêm, đặc biệt liên quan đến phản ứng miễn dịch, chúng chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số bạch cầu.

Tỷ lệ bạch cầu ái kiềm tăng cao trong phản ứng dị ứng nặng như mày đay, hen suyễn, dị ứng thuốc, ung thư leukemia tủy, bệnh Crohn, viêm đại tràng. Giảm bạch cầu ái kiềm khi bị stress cấp tính, điều trị corticosteroid.

3.14 Số lượng tiểu cầu trong một thể tích máu (PLT)

Chỉ số này phản ánh số lượng tiểu cầu trong một đơn vị thể tích máu, đây là các tế bào nhỏ có nhiệm vụ tham gia vào quá trình đông máu, giúp cầm máu khi có vết thương. Khi giá trị tiểu cầu cao quá mức cảnh báo nguy cơ đông máu hoặc đột quỵ. Quá ít tiểu cầu có thể báo hiệu dấu hiệu sốt xuất huyết, bệnh tự miễn, suy tuỷ, sử dụng thuốc hoá trị…

Ý nghĩa xét nghiệm tiểu cầu
Ý nghĩa xét nghiệm tiểu cầu

3.15 Thể tích khối tiểu cầu (PCT)

Thể tích khối tiểu cầu (PCT) được tính bằng tỷ lệ thể tích máu do tiểu cầu chiếm, cụ thể bằng công thức PCT = số lượng tiểu cầu × MPV / 10.000, giá trị này phản ánh mức độ số lượng và kích thước của tiểu cầu. Giá trị PCT cao là dấu hiệu các bệnh lý tủy xương làm tăng lượng tiểu cầu và tiểu cầu lớn như bệnh đa hồng cầu, bệnh bạch cầu. Giá trị này giảm thấp do suy tuỷ, bệnh lupus ban đỏ, hội chứng huyết khối giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu.

3.16 Độ phân bố kích thước tiểu cầu (PDW)

Độ rộng phân bố tiểu cầu (PDW) là thông số đo lường sự biến động về kích thước của các tiểu cầu trong máu. Khi PDW cao, điều này có thể chỉ ra rằng có nhiều loại tiểu cầu có kích thước khác nhau, cảnh báo các bệnh về tủy xương, rối loạn máu, bệnh tiểu cầu lớn. 

3.17 Thể tích trung bình của tiểu cầu trong một thể tích máu (MPV)

Đây là chỉ số phản ánh kích thước trung bình của tiểu cầu trong mẫu máu, nhận biết các bất thường về tình trạng sản xuất tiểu cầu của tuỷ xương. Khi MPV cao, nghĩa là tiểu cầu trong máu có kích thước lớn hơn bình thường, có thể do rối loạn tủy xương tăng sản xuất, bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Giảm trong các trường hợp như thiếu hụt vitamin B12, acid folic, bệnh suy thận mạn, bệnh Thalassemia…

3.18 Tỷ lệ tiểu cầu có kích thước lớn (P-LCR)

Đây là tỷ lệ phản ánh phần trăm của các tiểu cầu có kích thước lớn trong tổng số tiểu cầu có mặt trong mẫu máu. Sự tăng quá mức chỉ số này có thể là cảnh báo biến cố tim mạch như thiếu máu cục bộ, nhồi máu cơ tim hoặc các bệnh lý tuỷ xương.

4 Xét nghiệm công thức máu có cần nhịn ăn không?

Trước khi thực hiện xét nghiệm công thức máu thường không cần phải nhịn ăn vì các xét nghiệm đo lường thành phần máu như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, những thành phần này ít bị ảnh hưởng bởi thực phẩm tiêu thụ trước đó.

Tuy nhiên một số yếu tố cần tránh khi thực hiện công thức máu như:

Lưu ý trước khi xét nghiệm công thức máu
Lưu ý trước khi xét nghiệm công thức máu
  • Không uống rượu hoặc chất kích thích trước xét nghiệm vì có thể ảnh hưởng đến kết quả các thông số máu.
  • Không nên tập luyện quá mức trước xét nghiệm, hoặc stress vì các tế bào bạch cầu có thể bị thay đổi trong công thức.
  • Trong trường hợp xét nghiệm máu kết hợp với đánh giá đường huyết, lipid máu thì cần phải nhịn ăn theo yêu cầu của bác sĩ.

5 Xét nghiệm công thức máu bao nhiêu tiền?

Chi phí xét nghiệm công thức máu tuỳ thuộc theo từng địa điểm thực hiện như các bệnh viện công thì sẽ có giá thấp hơn các phòng khám tư nhân hoặc bệnh viện quốc tế. Thông thường mức giá tham khảo xét nghiệm công thức máu tại các địa điểm như:

  • Bệnh viện công lập từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, nếu có bảo hiểm sẽ được chi trả theo yêu cầu nên chi phí khá thấp.
  • Bệnh viện tư giá dao động từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.
  • Dịch vụ lấy máu tại nhà sẽ thu thêm phí khoảng từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng tuỳ cơ sở.

Người bệnh nên chọn những địa chỉ uy tín, đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện được đầy đủ xét nghiệm.

6 Xét nghiệm công thức máu ở đâu?

Xét nghiệm công thức máu có thể được thực hiện tại nhiều cơ sở như bệnh viện, phòng khám, cơ sở xét nghiệm cấp phép, nên chọn địa điểm y tế uy tín và gần với khu vực sống.

Một vài địa chỉ uy tín có thể tham khảo như:

Bệnh viện công lập: bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện E, bệnh viện Từ Dũ, Viện Huyết học- Truyền máu trung ương, bệnh viện Nhi Đồng…

Bệnh viện tư hoặc phòng khám như bệnh viện Vinmec, bệnh viện Hoàn Mỹ, bệnh Viện Đa Khoa Medlatec…

7 Kết luận

Các chỉ số trong xét nghiệm công thức máu đánh giá sức khỏe tổng quát, bước đầu trong chẩn đoán bệnh và phát hiện sớm bệnh lý. Khi có dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe, người bệnh có thể lựa chọn phương pháp xét nghiệm công thức máu và thảo luận với bác sĩ để được tư vấn kịp thời. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích về các giá trị xét nghiệm công thức máu.

8 Tài liệu tham khảo

  1. Tác giả In-Ho Seo 1, Yong-Jae Lee (ngày đăng 25 tháng 10 năm 2022) Usefulness of Complete Blood Count (CBC) to Assess Cardiovascular and Metabolic Diseases in Clinical Settings: A Comprehensive Literature Review. Pubmed. Truy cập ngày 6 tháng 12 năm 2024.
  2. Tác giả Beverly George-Gay 1, Katherine Parker (ngày đăng tháng 4 năm 2003) Understanding the complete blood count with differential. Pubmed. Truy cập ngày 6 tháng 12 năm 2024.
  3. Chuyên gia UCSFHealth (ngày 16 tháng 10 năm 2022) CBC blood test. UCSFHealth. Truy cập ngày 6 tháng 12 năm 2024.
     

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900.888.633