Xét nghiệm chức năng thận gồm những gì? Cách đọc kết quả đánh giá chức năng thận
Trungtamthuoc.com - Thận đóng vai trò quan trọng trong việc đào thải độc tố, thanh lọc cơ thể, tuy nhiên các bệnh về thận ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hoá. Như vậy các xét nghiệm đánh giá chức năng thận nào cần được thực hiện để chẩn đoán bệnh và cách đọc các chỉ số này ra sao, hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1 Khi nào cần xét nghiệm chức năng thận?
Xét nghiệm chức năng thận được chỉ định để đánh giá tình trạng sức khoẻ thận, sớm phát hiện các bệnh lý, dưới đây là các trường hợp cần thực hiện xét nghiệm:
- Khi có các triệu chứng nghi ngờ như phù ở mặt, tay, chân do giữ nước. Tiểu ít hoặc không tiểu, đi tiểu nhiều lần vào ban đêm, hay trong nước tiểu có máu trong nước tiểu. Ngoài ra các biểu hiện đau lưng, mệt mỏi, khó thở, mất ngủ…có thể đang cảnh báo những bệnh lý nguy hiểm liên quan đến thận.
- Bệnh nhân có các bệnh lý nền như tiểu đường, tăng huyết áp, tiền sử bệnh thận, gia đình có người bị bệnh thận di truyền, hoặc người cao tuổi, có lối sống không lành mạnh.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm, đặc biệt với người từ 40 tuổi trở lên nhằm đánh giá sức khỏe tổng quát cũng như chức năng thận.
- Trong tình huống cấp cứu như sốc nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, nhiễm độc, chức năng thận cần đánh giá để có hướng xử lý kịp thời.
2 Ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm chức năng thận
Với sự phát triển của y học, không khó để thực hiện các xét nghiệm đánh giá chức năng thận, dưới đây là các xét nghiệm thường được sử dụng:[1]
2.1 Xét nghiệm ure máu
Độ thanh thải ure là một trong những chỉ số đánh giá đầu tiên được xác định, đây là sản phẩm thoái hoá của protein trong cơ thể. Ure được lọc qua cầu thận và khoảng 40% tái hấp thu tại ống thận, sau đó đào thải ra ngoài qua nước tiểu.
Xét nghiệm ure máu là phương pháp cơ bản để đánh giá chức năng thận và theo dõi các bệnh về thận, chúng phản ánh hiệu quả lọc thận và tình trạng chuyển hoá của cơ thể.
- Giá trị bình thường ure trong máu của nam giới là 3,0-9,2 mmol/L.
- Giá trị bình thường ure trong máu của nữ giới là 2,5 - 9,7 mmol/L
Ure trong máu tăng cao có thể do nguyên nhân tại thận như suy thận cấp hoặc mạn, viêm thận kẽ, tắc nghẽn đường tiết niệu hoặc các nguyên nhân ngoài thận như chế độ ăn giàu protein, xuất huyết tiêu hoá, mất nước.
Ure trong máu giảm là dấu hiệu chế độ ăn quá ít protein, phụ nữ có thai hoặc gan không sản xuất đủ ure, sử dụng thuốc lợi tiểu..
2.2 Chỉ số Creatinin phát hiện suy thận
Creatinin là chất lý tưởng đánh giá độ thanh thải của thận, đây là sản phẩm thải hình thành khi cơ creatinin trong cơ bắp thoái hoá nên nồng độ creatinin trong huyết thanh của nam thường cao hơn nữ. Creatinin được tổng hợp với mức độ ổn định, lọc qua cầu thận nhưng không tái hấp thu nên giá trị này có ý nghĩa lớn trong đánh giá chức năng lọc cầu thận. Ngoài ra việc định lượng chất này khá đơn giản, không tốn kém nên được ứng dụng phổ biến.[2]
- Chỉ số bình thường của Creatinin máu ở nam giới là 0.6–1.2 mg/dL (53–106 μmol/L)
- Chỉ số bình thường của Creatinin máu ở nữ giới là 0.5–1.1 mg/dL (44–97 μmol/L)
- Trẻ em có giá trị creatinin thấp hơn thông thường từ 0.3–0.7 mg/dL (26–62 μmol/L)
Khi thận hoạt động bình thường thì giá trị creatinin được giữ ổn định, nếu giá trị creatinin máu tăng cao là dấu hiệu chức năng lọc của thận suy giảm do các bệnh viêm cầu thận, suy thận cấp hoặc mạn tính, tắc nghẽn đường tiết niệu do sỏi thận, nhiễm độc thận, hoặc mất nước nghiêm trọng, chế độ ăn giàu protein…
Chỉ số creatinin trong suy thận tăng lên theo từng cấp độ suy thận.
- Suy thận độ I: Dưới 130 mmol/L
- Suy thận độ II: Từ 130 – 299 mmol/L
- Suy thận độ IIIa: Từ 300 – 499 mmol/L
- Suy thận độ III b: Từ 500 – 899 mmol/L
- Suy thận độ IV: Trên 900 mmol/L
===> Xem thêm bài viết: Ý nghĩa của các chỉ số trong phiếu xét nghiệm chức năng gan thường quy
2.3 Độ lọc cầu thận ước tính (eGFR)
Cầu thận là những bộ lọc nhỏ cấu tạo nên khả năng lọc của thận, chúng có vai trò loại bỏ chất thải và dịch thừa ra khỏi máu. Ước định mức lọc cầu thận (eGFR) được khuyến cáo sử dụng khi có chỉ số creatinin huyết thanh, giúp đánh giá chính xác hơn chức năng thận. Xét nghiệm này được tính theo lượng máu đi qua cầu thận mỗi phút nên hỗ trợ hiệu quả trong đánh giá bệnh suy thận hoặc bệnh thận mạn cùng với xét nghiệm creatinin máu.[3]
- Giá trị bình thường của chỉ số eGFR là ≥ 90 ml/min/1.73m².
Như vậy nếu chỉ số eGFR cao nghĩa là thận hoạt động tốt, ổn định, còn ngược lại trong trường hợp eGFR thấp cảnh báo chức năng thận bị suy giảm từ đó thực hiện các biện pháp đánh giá chuyên sâu xác định nguyên nhân và phương pháp điều trị phù hợp.
2.4 Cystatin C
Cystatin C là một protein nhỏ được cơ thể sản xuất đều đặn bởi tất cả các tế bào có nhân và được lọc hoàn toàn qua cầu thận, chúng có nồng độ ổn định nếu chức năng thận bình thường, và không bị ảnh hưởng bởi giới tính, tuổi, khối lượng cơ nên có giá trị lâm sàng tương đương với creatinin trong phát hiện sự thay đổi của chức năng lọc cầu thận.
Cystatin C mang lại nhiều lợi ích trong đánh giá chức năng thận ở trẻ em, người già, người có khối lượng cơ bất thường (béo phì, suy dinh dưỡng).
- Chỉ số bình thường của Cystatin C thông thường khoảng 0.5–1.0 mg/L.
Cystatin C tăng cao trong trường hợp suy thận cấp hoặc suy thận mạn, giảm tốc độ lọc cầu thận, viêm nhiễm hoặc tình trạng stress nặng.
2.5 Xét nghiệm albumin máu
Albumin là một loại protein được sản xuất bởi gan nhằm duy trì áp suất thẩm thấu trong máu và vận chuyển các chất trong cơ thể. Xét nghiệm albumin máu giúp đánh giá chức năng thận, đặc biệt trong việc theo dõi tình trạng bệnh thận mạn tính (CKD) và hội chứng thận hư.
Albumin thường không bị lọc qua màng lọc cầu thận, nhưng khi có sự tổn thương ở màng lọc sẽ dẫn đến mất albumin qua nước tiểu, làm giảm nồng độ albumin.
- Giá trị albumin trong máu bình thường ở mức 35 – 50g/L
Khi giá trị Albumin máu giảm (<3.5 g/dL) có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý về thận như hội chứng thận hư, viêm cầu thận mạn hoặc suy thận mạn. Ngoài ra một số nguyên nhân khác ngoài thận như suy dinh dưỡng, xơ gan, bệnh lý ruột làm mất protein qua tiêu hoá.
2.6 Điện giải đồ
Điện giải đồ là xét nghiệm đo nồng độ các ion quan trọng trong máu (như natri, kali, clo, bicarbonate) để đánh giá sự cân bằng nước - điện giải và acid-base, mà thận đóng vai trò lớn trong điều chỉnh nồng độ các ion này nên các xét nghiệm này đánh giá được chức năng thận.
Giá trị bình thường của các thành phần chính của điện giải đồ
- Natri (Na⁺): 135–145 mmol/L.
- Kali (K⁺): 3.5–5.0 mmol/L.
- Clo (Cl⁻): 98–106 mmol/L
- Bicarbonate (HCO₃⁻): 22–28 mmol/L.
Khi có sự thay đổi ở các nồng độ các chất điện giải có thể là cảnh báo triệu chứng của chức năng thận suy giảm, bệnh sỏi tiết niệu, bệnh viêm cầu thận, hội chứng thận hư… Cụ thể như sau:
Thành phần | Nguyên nhân bất thường |
Natri (Na⁺) | Tăng do mất nước, suy thận, hội chứng Cushing. Giảm do suy thận mạn, hội chứng thận hư, mất natri qua nước tiểu. |
Kali (K⁺) | Tăng do suy thận cấp/mạn, bệnh Addison, toan chuyển hóa. Giảm do lợi tiểu, mất kali qua Đường tiêu hóa, kiềm chuyển hóa. |
Clo (Cl⁻) | Tăng do toan chuyển hóa, mất bicarbonate qua thận. Giảm do mất clo do nôn, kiềm chuyển hóa. |
HCO₃⁻ | Tăng do kiềm chuyển hóa, suy thận với bù trừ acid-base. Giảm do toan chuyển hóa, suy thận mạn, mất bicarbonate qua tiêu hóa. |
2.7 Tổng phân tích nước tiểu
Tổng phân tích nước tiểu là một xét nghiệm cơ bản và quan trọng để đánh giá chức năng thận, giúp phát hiện các bất thường liên quan đến thận và đường tiết niệu. Các chỉ số được phân tích như protein, glucose, ketone, hemoglobin,…Phương pháp này kiểm tra được khả năng lọc, tái hấp thu, bài tiết của thận, giúp phát hiện kịp thời các bệnh lý như viêm cầu thận, suy thận, nhiễm trùng tiết niệu và khả năng mắc sỏi thận.
Các thành phần được đánh giá trong tổng phân tích nước tiểu bao gồm:
Chỉ số | Bình thường | Ý nghĩa khi bất thường |
Màu sắc | Màu vàng nhạt, trong | Nước tiểu đỏ (có máu), đục (nhiễm khuẩn), hoặc sẫm màu (mất nước, tổn thương gan, hemoglobin niệu) |
Tỷ trọng nước tiểu | 1.005–1.030 | Tăng: Mất nước, đái tháo đường. Giảm: Suy thận, đái tháo nhạt. |
pH nước tiểu | 4.5–8.0 | Kiềm hóa: Nhiễm trùng đường tiết niệu, kiềm chuyển hóa. Toan hóa: Toan chuyển hóa, suy thận |
Protein niệu | Không có hoặc <30 mg/dL | Protein niệu nhẹ: Nhiễm trùng, sốt, vận động mạnh. Protein niệu nặng: Viêm cầu thận, hội chứng thận hư, suy thận mạn |
Glucose | Không có hoặc < 0,8 mmol/l | Đái tháo đường không kiểm soát, tổn thương ống thận. |
Ketone | 0 mmol/L | Đói, đái tháo đường nhiễm toan ceton, hoặc rối loạn chuyển hóa. |
Hồng cầu (BLD) | 0,015 – 0,062 mg/dL | Nhiễm trùng, sỏi thận, viêm cầu thận, hoặc tổn thương đường tiết niệu. |
NIT (Nitrit) | 0,05 – 0,1 mg/dL | Nhiễm trùng do vi khuẩn chuyển nitrat thành nitrite |
3 Chẩn đoán hình ảnh đánh giá chức năng thận
Kết hợp chẩn đoán hình ảnh với xét nghiệm sinh hoá, nước tiểu hỗ trợ đánh giá chức năng thận và các bệnh lý liên quan một cách toàn diện nhất.
3.1 Siêu âm bụng
Siêu âm giúp đánh giá được hình dạng, kích thước, cấu trúc thận, phát hiện sỏi thận, nang thận. Phương pháp này không gây xâm lấn, không dùng tia bức xạ tác động nên an toàn và được sử dụng phổ biến. Hình ảnh siêu âm thấy thận nhỏ, nhiều nang thay đổi cấu trúc có thể gợi ý bệnh thận mạn, và phát hiện được giãn đài bể thận, ứ nước tại niệu quản.
3.2 Chụp CT Scan
Nếu muốn dựng hình toàn bộ đường tiết niệu¸ bác sĩ sẽ chụp CT scan để nhìn thấy đa lát cắt thận. Từ đó đánh giá chính xác cấu trúc thận, phát hiện u và sỏi bất thường tại mạch máu. Thông thường chụp CT không cản quang sẽ phát hiện được sỏi thận, tắc nghẽn còn CT có cản quang giúp đánh giá chức năng bài tiết của thận và tìm khối u.
3.3 Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Phương pháp này có thời gian thực hiện lâu và chi phí cao nhưng đánh giá chính xác nhất cấu trúc thận và mạch máu. Xác định khối u bất thường hoặc các bất thường trong cấu tạo thận, đánh giá dòng máu và chức năng mạch máu thận.
4 Trước khi xét nghiệm chức năng thận cần làm gì?
Một vài điều cần lưu ý trước khi thực hiện các xét nghiệm chức năng thận:
- Trước khi thực hiện xét nghiệm chức năng thận, người bệnh nên nhịn ăn trước một khoảng thời gian nhất định tuỳ vào xét nghiệm thực hiện, nên hỏi ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
- Nên uống đủ nước trước khi xét nghiệm nước tiểu để có kết quả chính xác nhất.
- Lấy mẫu máu và nước tiểu theo hướng dẫn của nhân viên y tế, đảm bảo tuân thủ đúng trình tự.
- Cần báo cáo với bác sĩ các thuốc đang sử dụng, kể cả thực phẩm chức năng, thảo dược vì chúng có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
- Nếu có các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, sốt, nôn mửa nên thông báo với bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.
5 Xét nghiệm chức năng thận giá bao nhiêu?
Chi phí xét nghiệm chức năng thận sẽ tuỳ thuộc vào loại xét nghiệm người bệnh lựa chọn, nhưng hầu hết giá các xét nghiệm này thường khá rẻ, dao động từ 50.000 – 70.000 đồng/lần xét nghiệm. Ở một số bệnh viện có thể chi trả bằng bảo hiểm y tế sẽ thấp hơn so với các cơ sở tư nhân. Người dân nên thực hiện xét nghiệm chức năng thận đều đặn hàng năm 6 tháng/lần để sớm phát hiện các bệnh lý và điều trị kịp thời.
6 Nên xét nghiệm chức năng thận ở đâu?
Hiện nay các bệnh về thận ngày càng tăng cao, nên rất nhiều người quan tâm cơ sở nào uy tín để khám và kiểm tra sức khỏe cho bản thân. Để xét nghiệm chức năng thận, bạn nên chọn cơ sở có đầy đủ trang thiết bị y tế hiện đại, bác sĩ có kinh nghiệm nhiều năm, và có thể thực heienj đầy đủ các xét nghiệm từ cơ bản đến chuyên sâu.
- Một số địa chỉ tham khảo ở Hà Nội như bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức…
- Một số địa chỉ tham khảo ở tp Hồ Chí Minh như Khoa Nội thận - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Nhân dân 115…
7 Kết luận
Như vậy, chức năng thận được đánh giá bằng nhiều chỉ số khác nhau, các xét nghiệm sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện để chẩn đoán chính xác nhất. Hy vọng rằng những thông tin trong bài viết đã giúp người đọc hiểu thêm ý nghĩa của các xét nghiệm chức năng thận.
Tài liệu tham khảo
- ^ Chuyên gia CDC, (Ngày 15 tháng 5 năm 2024) Testing for Chronic Kidney Disease. CDC. Truy cập ngày 5 tháng 12 năm 2024.
- ^ Tác giả Verena Gounden; Harshil Bhatt; Ishwarlal Jialal (ngày đăng 27 tháng 7 năm 2024) Renal Function Tests. NIH. Truy cập ngày 5 tháng 12 năm 2024.
- ^ Tác giả Houry V Puzantian 1, Raymond R Townsend (ngày đăng 13 tháng 5 năm 2013) Understanding kidney function assessment: the basics and advances. Pubmed. Truy cập ngày 5 tháng 12 năm 2024