1. Trang chủ
  2. Truyền Nhiễm
  3. Bệnh do virus hợp bào hô hấp (RSV): Nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh do virus hợp bào hô hấp (RSV): Nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh do virus hợp bào hô hấp (RSV): Nguyên nhân và cách điều trị

Virus hợp bào hô hấp (RSV) đang lây lan mạnh mẽ trong thời điểm giao mùa, đặc biệt là trên đối tượng trẻ em. Mặc dù các triệu chứng có vẻ nhẹ và gần giống như bệnh cảm lạnh, nhưng nếu không được chăm sóc và điều trị, bệnh có thể diễn tiến nặng gây ảnh hưởng xấu đến đường hô hấp của trẻ. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về virus hợp bào hô hấp

1 Virus RSV là gì?

Virus hợp bào hô hấp (RSV) là một loại virus theo mùa thường gây bệnh tại đường hô hấp với các triệu chứng gần giống như cảm lạnh. Các trường hợp lây nhiễm RSV chủ yếu xảy r ở trẻ sơ sinh, người lớn tuổi hoặc người có các bệnh lý nền. 

Sự lây lan của virus hợp bào hô hấp thường bùng phát mạnh ở thời điểm giao mùa, tức khoảng từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm. Thông thường, hầu hết các trẻ bị nhiễm RSV là khi chúng dưới 2 tuổi. Tuy nhiên, những năm gần đây, các ca bệnh do nhiễm RSV đang tăng lên ở độ tuổi từ 2-4 một cách bất thường. Điều này được giải thích là do ảnh hưởng của giãn cách xã hội trong thời kỳ COVID khiến trẻ chưa hình thành được kháng thể bảo vệ. [1]

2 Dấu hiệu và triệu chứng khi nhiễm RSV

Những ngày đầu khi nhiễm virus RSV triệu chứng thường không điển hình và có vẻ giống như cảm lạnh thông thường. Chúng bao gồm: chảy nước mũi, chán ăn, ho, hắt hơi, sốt và thở khò khè. Các dấu hiệu nhiễm virus RSV ở trẻ sơ sinh dễ khiến trẻ cảm thấy khó chịu, cáu kỉnh hoặc lờ đờ và mệt mỏi. 

Các triệu chứng khi nhiễm RSV ban đầu giống như bệnh cảm lạnh
Các triệu chứng khi nhiễm RSV ban đầu giống như bệnh cảm lạnh

Tuy nhiên, trẻ nhỏ vẫn chưa biết thông báo về những gì chúng cảm thấy và không phải mọi đứa trẻ đều có những triệu chứng trên. Điều này có thể khiến cha mẹ bỏ qua việc con đang bị nhiễm bệnh. Vì thế, cha mẹ nên theo dõi sát sao hơn và để ý bất kỳ thay đổi nào trong hành vi của con, bao gồm cả việc ăn lâu hơn hoặc không hứng thú với thức ăn. 

Những ngày tiếp theo, các triệu chứng có thể nặng lên nhanh chóng khiến trẻ bị sốt cao, khó thở, khò khè, ho dữ dội, da xanh xao, tím tái. Trẻ sơ sinh là đối tượng rất nhạy cảm với các triệu chứng này và có thể đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như co giật, viêm phổi, nhiễm trùng nặng, suy hô hấp và gặp các vấn đề về tim 

3 Khi nào nên đưa trẻ đi khám bác sĩ?

Hầu hết các trường hợp nhiễm virus hợp bào hô hấp thường phục hồi tốt sau 1-2 tuần, nhưng trong một số trường hợp, bệnh có thể tiến triển nặng và cần đến sự can thiệp của y tế. Đặc biệt, nên nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị nếu xuất hiện các dấu hiệu sau:

  • Trẻ khó thở hoặc thở nhanh đến mức rút lõm lồng ngực
  • Trẻ bỏ ăn, bỏ bú.
  • Lượng nước tiểu giảm hoặc trẻ khóc không ra nước mắt
  • Sốt cao trên 39 độ C hoặc co giật
  • Da xanh sao, môi và móng tay tím tái.
  • Trẻ ngủ li bì hoặc hôn mê

Cha mẹ cần lưu ý rằng, RSV có thể trở nên cực kỳ nguy hiểm với đối tượng là trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi. Vì thế, khi xuất hiện các triệu chứng trên, đừng cố gắng giữ trẻ ở nhà mà hãy nhanh chóng tìm đến sự giúp đỡ của y tế.  [2]

4 Cách điều trị virus RSV như thế nào?

Vì đây là bệnh lý do virus gây ra, nên thuốc  kháng sinh thường không có hiệu quả trừ trường hợp có bội nhiễm do vi khuẩn. Hiện nay, vẫn chưa có thuốc nào được lựa chọn để điều trị đặc hiệu cho RSV. Vì thế, các biện pháp chăm sóc người bị nhiễm virus hợp bào hô hấp chủ yếu tập trung vào việc giảm nhẹ các triệu chứng. 

Cha mẹ có thể áp dụng các nguyên tắc sau đây để trẻ nhanh chóng phục hồi:

  • Để trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn và chườm ấm cho trẻ để hạ sốt.
  • Cho trẻ uống nước ấm và vệ sinh mũi họng thường xuyên.
  • Cho trẻ mặc quần áo thoải mái vừa đủ ấm và tránh tắm nước lạnh.
  • Bổ sung thêm vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng.
  • Chuẩn bị các bữa ăn dễ tiêu và đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ như cháo, súp hoặc món hầm. 
  • Nếu trẻ bị sốt hoặc đau mỏi người, có thể sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt như Paracetamol hoặc Ibuprofen. Chú ý không nên sử dụng thuốc Aspirin. Đồng thời đảm bảo cung cấp đủ nước và chất lỏng cho trẻ. Vì nhiễm virus hợp bào hô hấp có thể khiến trẻ bị mất nước nặng, đặc biệt là khi trẻ không chịu ăn uống. 
  • Nếu trẻ bị đau họng hoặc sổ mũi, có thể cho con uống 1 số loại thuốc kháng histamin hoặc siro.
Có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi sốt cao
Có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi sốt cao

Tuy nhiên, đối với việc sử dụng thuốc, cha mẹ nên tham khảo ý kiếm bác sĩ hoặc dược sĩ và tránh việc lạm dụng hoặc cho con sử dụng thuốc quá liều. 

Vậy, trẻ nhiễm virus RSV bao lâu thì khỏi? Điều này còn phụ thuộc vào cách chăm sóc và tình trạng sức khỏe của từng cá thể. Nếu được chăm sóc tốt, các triệu chứng của bệnh sẽ mau chóng hết và trẻ sẽ khỏi bệnh sau 1-2 tuần.

5 Virus RSV có lây không?

Giống như các loại virus gây bệnh trên đường hô hấp khác, RSV có khả năng lây nhiễm cao khi tiếp xúc gần thông qua các giọt bắn nhỏ chứa virus khi ai đó ho hoặc hắt hơi. Ngoài ra, virus cũng có thể tồn tại trên bề mặt các vật dụng (như tay nắm cửa, bàn ghế, đồ chơi,...) trong thời gian ngắn và lây lan khi chúng ta chạm vào. Đối với trẻ nhỏ, việc tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh (như hành động ôm hôn) khiến trẻ rất dễ bị nhiễm RSV. 

Có một điều cần lưu ý là RSV có khả năng tồn tại trên các bề mặt tiếp xúc lâu hơn các loại virus khác. Vì vậy, rửa tay và khử trùng các bề mặt đồ vật thường xuyên là điều quan trọng để giảm sự lây lan của RSV. 

6 Người bị nhiễm RSV có thể lây truyền bệnh trong bao lâu?

Khi nhiễm virus hợp bào hô hấp, người bệnh có thể phát tán virus trong khoảng từ 3 đến 8 ngày, thậm chí là 1 hoặc 2 ngày trước khi các dấu hiệu của bệnh xuất hiện. 

Đối với trẻ sơ sinh hoặc những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, việc lây lan RSV có thể kéo dài đến 4 tuần sau đó, ngay cả khi các triệu chứng đã hết. [3]

7 Các phòng tránh sự lây lan của RSV

Vì là virus gây bệnh tại đường hô hấp nên RSV rất dễ lây lan. Trong nửa đầu năm 2023 đã có hơn 1000 bệnh nhi đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung Ương vì bị lây nhiễm RSV. Vì thế, cha mẹ cần chủ động áp dụng các biện pháp bảo vệ trẻ nhỏ sau đây:

  • Tránh để trẻ tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh: không cho trẻ chơi cùng trẻ bị ốm khác, không để người mắc bệnh bế, ôm hôn trẻ hoặc ngồi ăn cùng với trẻ. Mặc dù việc lây nhiễm virus RSV ở người lớn ít gặp hơn nhưng vẫn có thể xảy ra.
Chú ý phòng ngừa lây nhiễm RSV cho trẻ nhỏ
Chú ý phòng ngừa lây nhiễm RSV cho trẻ nhỏ
  • Tránh để trẻ dùng chung cốc, đồ chơi, bình sữa với những trẻ bị nhiễm bệnh.
  • Chú ý vệ sinh nhà cửa và đồ chơi của trẻ sạch sẽ
  • Dụng cụ ăn uống của trẻ cần được tiệt trùng cẩn thận.
  • Mặc quần áo cho trẻ vừa đủ ấm.
  • Đeo khẩu trang cho trẻ trước khi ra ngoài.
  • Rửa tay chân và vệ sinh thân thể cho trẻ sạch sẽ, hằng ngày.
  • Bổ sung vào thực đơn của con những món ăn giúp tăng cường sức đề kháng.
  • Cho trẻ tiêm phòng đủ các loại vaccin theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Tóm lại, thời điểm giao mùa là khoảng thời gian mà trẻ nhỏ rất dễ bị lây nhiễm RSV gây ra các bệnh lý tại đường hô hấp. Vì thế, cha mẹ cần chăm sóc trẻ sát sao hơn và chú ý các biểu hiện của con để nhanh chóng có biện pháp xử trí phù hợp. 

Tài liệu tham khảo

  1. ^  Mayo Clinic Staff (Ngày đăng: Ngày 09 tháng 01 năm 2021). Respiratory syncytial virus (RSV), Mayo Clinic. Ngày truy cập: Ngày 05 tháng 04 năm 2023. 
  2. ^  American Lung Association Scientific and Medical Editorial (Ngày đăng: Ngày 07 tháng 03 năm 2023). RSV Symptoms and Diagnosis, American Lung Association. Ngày truy cập: Ngày 05 tháng 04 năm 2023.
  3. ^  Lorna Fernandes (Ngày đăng: Ngày 08 tháng 11 năm 2022). What is Respiratory Syncytial Virus (RSV)?, University of California San Francisco. Ngày truy cập: Ngày 05 tháng 04 năm 2023.

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 0 Thích

    Trẻ nhiễm virus RSV có nguy hiểm không ạ?


    Thích (0) Trả lời 1
    • Chào bạn. Các triệu chứng nhiễm RSV ở trẻ nhỏ thường giống cảm cúm. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách, các triệu chứng có thể nặng thêm và nguy hiểm đến sức khỏe

      Quản trị viên: Dược sĩ Thu Trang vào


      Thích (0) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
0/ 5 0
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
    vui lòng chờ tin đang tải lên

    Vui lòng đợi xử lý......

    0 SẢN PHẨM
    ĐANG MUA
    hotline
    1900 888 633