Virus HMPV có gây chết người không? có nguy hiểm giống virus Covid-19?
Trungtamthuoc.com - virus HMPV là một chủng virus tương tự cúm và virus RSV gây ra các bệnh đường hô hấp trên và có thể gặp nhiều biến chứng nếu không điều trị kịp thời. Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy cùng tìm hiểu các thông tin về virus HMPV trong bài viết dưới đây.
1 HMPV là virus gì?
Virus HMPV là tên viết tắt của Human Metapneumovirus thuộc họ Paramyxovirus, một chủng virus gây bệnh đường hô hấp ở người. Lần đầu tiên phát hiện ra chủng virus HMPV là vào năm 2001 bởi các nhà khoa học Hà Lan. Về cấu trúc, đây là virus RNA sợi đơn, không phân đoạn, bao bọc bên ngoài bởi một lớp vỏ lipid, lây lan chủ yếu qua giọt bắn khi ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc trực tiếp với bề mặt bị nhiễm virus.
Các nghiên cứu cho thấy, chủng này có thể gây viêm đường hô hấp trên và viêm đường hô hấp dưới ở mọi lứa tuổi. Trong đó tỷ lệ trẻ nhỏ mắc phải chủng này tương đối cao, chiếm khoảng 10-12% trong số các chủng gây bệnh về đường hô hấp ở trẻ.
Các triệu chứng khi mắc phải virus HMPV không điển hình, dễ nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp khác như hắt hơi, ho, sổ mũi đau họng. Những đối tượng có sức đề kháng kém, người lớn tuổi, trẻ nhỏ có thể gặp những biến chứng nguy hiểm hơn như viêm phế quản, viêm phổi…
Bệnh bùng phát mạnh vào mùa đông và mùa xuân khi thời tiết chuyển lạnh, thời điểm này các chủng gây nhiễm trùng hô hấp khác cũng lây lan nhanh chóng. Sau khi đã mắc bệnh lần đầu, cơ thể sẽ phát sinh mức độ miễn dịch nhất định, do đó nếu bị lây nhiễm vào lần sau sẽ ít nguy hiểm và triệu chứng nhẹ hơn. Tuy nhiên, khả năng tái nhiễm nhiều lần trong đời vẫn luôn xảy ra và miễn dịch tự nhiên không đủ mạnh để loại bỏ hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm lại.
===> Xem thêm bài viết: Viêm phổi do vi khuẩn ở trẻ em: tác nhân, triệu chứng và điều trị
2 Virus HMPV có nguy hiểm không?
Hầu hết các trường hợp, HMPV gây ra các triệu chứng nhẹ đến trung bình, tương tự như cảm lạnh thông thường hoặc cúm, nhưng trong một số trường hợp nghiêm trọng, nó có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong thường gặp ở nhóm người có nguy cơ cao như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người có hệ miễn dịch suy yếu. Đối với người khoẻ mạnh, tỷ lệ tử vong do HMPV là rất thấp.
3 Virus HMPV có giống virus Covid-19 không?
Tuy 2 chủng virus HMPV và virus Covid-19 đều gây ra những triệu chứng tương tự nhau, nhưng chúng là 2 chủng hoàn toàn khác nhau và có thể phân biệt qua một số đặc điểm dưới đây:
Tiêu chí so sánh | HMPV | Covid-19 |
Phân loại | Thuộc họ Paramyxoviridae, giống Metapneumovirus. Là virus RNA một sợi đơn, âm tính. | Thuộc họ Coronaviridae, giống Betacoronavirus. Là virus RNA một sợi đơn, dương tính. |
Đối tượng lây nhiễm | Chủ yếu gây bệnh ở trẻ nhỏ, người già, và người có hệ miễn dịch suy yếu. Thường gây bệnh theo mùa (đặc biệt là vào mùa đông hoặc đầu xuân). | Gây bệnh ở mọi lứa tuổi, nhưng người già, người có bệnh lý nền dễ bị nặng hơn. Không có tính mùa rõ rệt, bùng phát thành đại dịch toàn cầu. |
Triệu chứng | Triệu chứng nhẹ đến trung bình: ho, sốt, sổ mũi, khò khè. Trong trường hợp nặng: viêm phổi, viêm tiểu phế quản. Giống các triệu chứng cảm lạnh hoặc cúm thông thường | Triệu chứng rất đa dạng, từ không triệu chứng đến nặng: sốt, ho khan, mất vị giác/khứu giác, đau cơ, khó thở. Có thể gây các biến chứng nghiêm trọng như hội chứng suy hô hấp cấp |
Khả năng lây lan | Lây qua tiếp xúc trực tiếp hoặc giọt bắn từ người bệnh. Tốc độ lây lan không cao như SARS-CoV-2. | Lây qua giọt bắn, không khí và tiếp xúc với bề mặt nhiễm virus. Tốc độ lây lan nhanh, khả năng gây bùng phát dịch cao. |
Tỷ lệ tử vong | Thường có tỷ lệ tử vong thấp, chủ yếu xảy ra ở người suy giảm miễn dịch hoặc trẻ nhỏ. | Tỷ lệ tử vong cao hơn, đặc biệt trong các đợt dịch lớn và ở nhóm nguy cơ cao. |
Điều trị | Hiện không có thuốc đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng. | Vaccine đã được phát triển và triển khai rộng rãi để phòng bệnh. |
4 Virus gây viêm phổi ở người lây truyền như thế nào?
HMPV lây lan dễ dàng qua đường hô hấp, khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc chạm vào đồ vật bị nhiễm virus, cụ thể:
- Tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường hô hấp: nếu tiếp xúc phải dịch tiết hô hấp thông qua ho, hắt hơi hoặc nói chuyện với người bệnh có thể tăng nguy cơ lây nhiễm.
- Tiếp xúc với bề mặt hoặc đồ vật bị nhiễm virus: virus có thể tồn tại trên các bề mặt như tay nắm cửa, bàn ghế, đồ chơi hoặc các vật dụng cá nhân. Nếu chạm vào bề mặt các vật dụng này sau đó tiếp xúc tay lên mắt, mũi, niêm mạc miệng thì có thể nhiễm virus.
- Tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh: khi sinh hoạt chung, chăm óc, hoặc ở gần người bị nhiễm virus cũng làm tăng nguy cơ lây lan.
5 Triệu chứng nhiễm virus HMPV
Triệu chứng nhiễm virus rất đa dạng từ nhẹ đến nặng, có thể gây nhầm lẫn với các chủng cúm thông thường, sau thời gian ủ bệnh thường gặp phải các triệu chứng khởi phát nhẹ như:
5.1 Triệu chứng nhẹ
Thông thường ở người khỏe mạnh, sẽ hay bị nhiễm virus HMPV nhẹ, người bệnh có khả năng hồi phục dần trong ít ngày (thường là 2 – 5 ngày) mà không cần can thiệp điều trị y tế hay nhập viện, bao gồm:
- Sổ mũi, nghẹt mũi
- Ho khan hoặc ho có đờm
- Đau họng
- Sốt nhẹ
- Đau đầu
- Đau cơ
5.2 Triệu chứng nặng
HMPV không phải lúc nào cũng vô hại. Trong một số trường hợp nhất định chẳng hạn như thường gặp ở trẻ nhỏ, người lớn tuổi và người có hệ miễn dịch suy yếu, loại virus này có thể gây ra các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới nghiêm trọng như viêm phổi hoặc làm trầm trọng thêm bệnh lý nền đã có sẵn, chẳng hạn như hen suyễn hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Một số dấu hiệu cho thấy người bệnh đang bị viêm đường hô hấp dưới, bao gồm:
- Sốt cao, khò khè,
- Ho có đờm đặc,
- Khó thở,
- Da tím tái,
- Suy hô hấp
6 Đối tượng nguy cơ nhiễm virus HMPV Trung Quốc là gì?
Bất kỳ ai cũng có thể mắc HMPV, một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao hơn đối với các biến chứng nghiêm trọng khi nhiễm virus này, bao gồm:
- Trẻ em dưới 5 tuổi (đặc biệt là trẻ sinh non) do hệ miễn dịch còn non nớt.
- Người cao tuổi (trên 65 tuổi) có hệ miễn dịch suy giảm, dễ gặp các biến chứng nghiêm trọng khi nhiễm virus.
- Những người có bệnh lý mạn tính như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… sẽ dễ gặp biến chứng nghiêm trọng khi nhiễm HMPV.
- Người có hệ miễn dịch suy yếu như người bị nhiễm HIV, đang hoá trị, ung thư, rối loạn tự miễn, vừa phẫu thuật ghép tạng.
7 Biến chứng của virus HMPV là gì?
Đôi khi HMPV gây ra các biến chứng. Các biến chứng này có thể nghiêm trọng và cần nhập viện, bao gồm:
- Viêm tiểu phế quản, viêm phế quản: các triệu chứng viêm tiểu phế quản như sốt, ho, khó thở, thở rít và giảm lượng oxy trong máu, hay xảy ra ở trẻ em khi mắc virus HMPV.
- Viêm phổi: HMPV là một nguyên nhân phổ biến gây viêm phổi, đặc biệt ở trẻ em dưới 5 tuổi và người cao tuổi. Viêm phổi do HMPV có thể nặng hơn ở những người có bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch.
- Cơn hen suyễn hoặc COPD bùng phát: HMPV có thể làm nặng hơn các bệnh nền này, dẫn đến những cơ khó thở cấp tính nguy hiểm.
- Nhiễm trùng thứ phát: làm suy yếu hệ miễn dịch sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn hoặc virus khác xâm nhập, dẫn đến các bệnh như viêm tai giữa, viêm xoang hoặc nhiễm trùng phổi do vi khuẩn.
8 Chẩn đoán nhiễm virus HMPV
Bước đầu trong việc chẩn đoán là dựa trên triệu chứng của người bệnh, tiền sử bệnh và tiền sử dịch tễ. Những triệu chứng bệnh không điển hình nên khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác như cảm lạnh, cảm cúm thông thường.
Do đó, bác sĩ sẽ tiến hành các biện pháp xét nghiệm hình ảnh để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, cụ thể:
- Phương pháp nội soi phế quản, chụp X-quang ngực được ưu tiên hơn trong các phương pháp chẩn đoán hình ảnh giúp xem xét những thay đổi đường ống dẫn khí đốt tại phổi của người bệnh.
- Phương pháp PCR được ứng dụng phổ biến để xác định HMPV có trong các mẫu dịch đường hô hấp, nước bọt, dịch hầu họng. Đây là phương pháp chính xác nhất, có độ nhạy cao và đặc hiệu trong chẩn đoán. Phương pháp PCR được chỉ định chủ yếu ở bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng.
Trong thời điểm bùng dịch mạnh phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên có thể được ưu tiên thực hiện, thường áp dụng tại các tuyến cơ sở.
8.1 Chẩn đoán phân biệt
Cúm (Influenza virus): Cúm thường gây triệu chứng toàn thân rõ rệt hơn, khởi phát với sốt cao đột ngột, ho đau họng, đau cơ, đau đầu. Chúng lây lan nhanh và thường bùng phát thành dịch khi thời tiết đổi mùa lạnh.
RSV (Respiratory Syncytial Virus): Thường gây viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ (đặc biệt trẻ dưới 1 tuổi), đây là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh hô hấp ở trẻ dưới 2 tuổi, triệu chứng tương tự HMPV nhưng nặng hơn như ho, thở khò khè, khó thở. Chụp X-quang ngực thất hình ảnh khí phế thũng, xẹp phổi.
9 Phương pháp điều trị
Hiện tại chưa có thuốc đặc trị điều trị chủng virus này. Các phương pháp chính là điều trị triệu chứng và nâng cao thể trạng cho người bệnh. Bệnh ít khi chuyển biến nặng trên người khỏe mạnh nên hầu hết có thể kiểm soát bệnh tại nhà cho đến khi phục hồi. Cụ thể điều trị triệu chứng thường dùng các thuốc và biện pháp hỗ trợ như:
- Thuốc hạ sốt: Sử dụng thuốc như Paracetamol hoặc Ibuprofen để giảm sốt và giảm đau.
- Thuốc giảm ho: Thuốc giảm ho hoặc thuốc long đờm có thể được sử dụng để làm dịu cơn ho, đặc biệt là khi ho về đêm gây mệt mỏi cho người bệnh.
- Xông hơi: biện pháp này giúp giảm các triệu chứng khó chịu đường hô hấp trên và cũng góp phần tạo độ ẩm cho đường hô hấp.
Trong trường hợp bệnh chuyển biến nặng, người bệnh có thể phải nhập viện và điều trị bằng các biện pháp tích cực như:
- Liệu pháp oxy: cung cấp oxy cho người bệnh thông qua máy thở hoặc mặt nạ thở trong trường hợp nghiêm trọng.
- Truyền dịch tĩnh mạch: cung cấp nước và dịch trực tiếp vào cơ thể khi hôn mê, sốt cao.
- Sử dụng thuốc Corticosteroid: Steroid có thể làm giảm viêm và giảm một số triệu chứng của khi cơ thể miễn dịch quá mức.
10 Kháng sinh có dùng điều trị virus HMPV không?
Không dùng kháng sinh trong điều trị virus HMPV nếu không có dấu hiệu bội nhiễm khuẩn. Do HMPV là một loại vi-rút, thuốc kháng sinh sẽ không tiêu diệt được vi-rút. Đôi khi, bệnh nhân gặp nhiễm trùng thứ phát là những người bị viêm phổi do HMPV cũng bị nhiễm trùng do vi khuẩn cùng lúc, thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh cho bệnh nhân.
11 Phòng ngừa nhiễm virus HMPV
Để phòng ngừa nhiễm virus HMPV, có thể thực hiện những biện pháp sau:
Rửa tay thường xuyên: Rửa tay với xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây, hoặc có thể dùng cồn trên 60 độ, sau khi tiếp xúc với bề mặt công cộng, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Tránh tiếp xúc với người bệnh: hạn đi đi đến nơi có dịch bệnh đang lưu hành, hạn chế tiếp xúc với những người có triệu chứng nhiễm virus
Che mũi và miệng khi hắt hơi, ho: sử dụng khuỷu tay hoặc khăn giấy để che miệng khi hắt hơi, ho sau đó vứt bỏ chúng, để hạn chế sự lây lan cho người khác.
Duy trì vệ sinh môi trường: Vệ sinh các bề mặt tiếp xúc nhiều như tay nắm cửa, công tắc đèn, điện thoại, bàn phím máy tính bằng các chất tẩy rửa phù hợp.
Tăng cường sức đề kháng: Ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc và duy trì một chế độ sống lành mạnh hoặc có thể bổ sung các thực phẩm chức năng tăng cường sức khoẻ.
Thận trọng với trẻ em và người cao tuổi: đây là đối tượng có nguy cơ nhiễm cao, vì vậy cần đặc biệt chú ý đến việc phòng ngừa cho nhóm đối tượng này. Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ nhỏ để hạn chế được biến chứng nguy hiểm nếu mắc bệnh.
Đảm bảo rằng trẻ em được tiêm phòng đầy đủ và tránh cho trẻ tiếp xúc với người bệnh.
Khám sức khỏe khi có triệu chứng: nếu nhận thấy bản thân có triệu chứng nghi ngờ là nhiễm HMPV, nên đến bác sĩ thăm khám sớm nhất và thực hiện cách ly tại nhà đến khi hết triệu chứng, hạn chế tiếp xúc, không dùng chung đồ đạc với người khác, rửa tay thường xuyên.
12 Kết luận
Virus HMPV là một loại virus đường hô hấp phổ biến, gây ra bệnh lý đường hô hấp. Đây không phải loại virus mới và thường không gây nguy hiểm cho người khoẻ mạnh. Mong rằng bài viết trên đã cung cấp thông tin hữu ích và cần thiết cho người đọc về chủng Virus HMPV này.
13 Tài liệu tham khảo
- Chuyên gia CDC, (ngày đăng 11 tháng 4 năm 2024) About Human Metapneumovirus. CDC. Truy cập ngày 09 tháng 01 năm 2025.
- Tác giả Jennifer E Schuster 1, John V Williams (ngày đăng 2 tháng 10 năm 2014) Human Metapneumovirus. Pubmed. Truy cập ngày 09 tháng 01 năm 2025.
- Chuyên gia American Lung Association, Human Metapneumovirus (hMPV) . ALA. Truy cập ngày 09 tháng 01 năm 2025.