Viêm tụy mạn: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Trungtamthuoc.com - Số liệu thống kê cho thấy viêm tụy mạn có nguyên nhân chính là do bệnh nhân nghiện rượu, con số này chiếm tới 70 tổng số ca bệnh. Nguy cơ mắc bệnh viêm tụy mạn ở những người thường xuyên uống rượu tăng dần theo thời gian và lượng rượu mà người đó tiêu thụ.
1 Viêm tụy mạn là gì?
Tụy là một cơ quan nằm trong bộ máy tiêu hóa vừa đảm nhiệm chức năng nội tiết, đồng thời cũng có chức năng ngoại tiết. Chức năng nội tiết của tụy là tiết ra hormone Insulin và glucagon giúp cân bằng nồng độ Glucose máu. Bên cạnh đó, chức năng ngoại tiết của tụy là tạo ra các men tiêu hóa để đổ vào ống tiêu hóa giúp phân giải thức ăn thành các chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Viêm tụy mạn là là các nhu mô tụy bị tổn thương trong thời gian dài và không có khả năng hồi phục, dẫn đến tình trạng xơ hóa tụy, tuyến tụy sẽ mất đi cả chức năng nội tiết và ngoại tiết.
2 Nguyên nhân gây ra viêm tụy mạn
Số liệu thống kê cho thấy viêm tụy mạn có nguyên nhân chính là do bệnh nhân nghiện rượu, con số này chiếm tới 70 tổng số ca bệnh. Nguy cơ mắc bệnh viêm tụy mạn ở những người thường xuyên uống rượu tăng dần theo thời gian và lượng rượu mà người đó tiêu thụ.
Ngoài rượu, những người thường xuyên hút thuốc lá, mắc phải tình trạng tăng calci máu, tăng lipid máu hay suy thận mạn cũng có nguy cơ cao dẫn đến viêm tụy mạn.
Viêm tụy mạn cũng có thể là biến chứng của bệnh tắc nghẽn ống mật do sỏi hoặc khối u, các bệnh tự miễn, dị dạng phôi thai tụy đôi, viêm tụy cấp hoại tử, viêm tụy do thiếu máu cục bộ tại tụy,...[1]
3 Viêm tụy mạn có nguy hiểm không?
Viêm tụy mạn nếu không được điều trị sớm có thể khiến bệnh nhân tử vong hoặc gây ra các biến chứng bất lợi cho sức khỏe như:
- U giả nang.
- Nhiễm trùng tụy.
- Suy thận.
- Đái tháo đường.
- Ung thư tuyến tụy.
4 Triệu chứng và chẩn đoán bệnh viêm tụy
4.1 Các triệu chứng lâm sàng
Hầu hết trường hợp bị viêm tụy mạn đều có triệu chứng đau vùng thượng vị. Những cơn đau tăng lên sau khi ăn hoặc uống rượu. Đau lan ra sau lưng hoặc nửa bụng trên, đôi khi lan cả xuống nửa bụng dưới. Trong những năm đầu tiên bị viêm tụy man, các cơn đau xuất hiện với tần suất khá cao, dần dần giảm dần đi nếu người bệnh cai rượu.[2]
Người mắc viêm tụy mạn cũng thường có các biểu hiện như buồn nôn, nôn, chán ăn, sụt cân, người gầy yếu, da vàng vọt. Bên cạnh đó là tình trạng tiêu chảy kéo dài, phân có mỡ, mùi tanh hôi,... (thường gặp ở giai đoạn muộn của bệnh).
4.2 Chẩn đoán cận lâm sàng
Các kỹ thuật cận lâm sàng được thực hiện để chẩn đoán xác định bệnh viêm tụy mạn là:
- Xét nghiệm máu: tổng phân tích tế bào máu, xét nghiệm sự tăng mỡ máu và đường huyết.
- Xét nghiệm phân: đánh giá độ nhầy mỡ trong phân.
- Định lượng men tụy.
- Chẩn đoán hình ảnh tổn thương tại các mô tụy và ống tụy dựa vào X-quang, chụp CT hay siêu âm bụng. Có thể sử dụng kĩ thuật MRI nếu cần.
Lưu ý cần chẩn đoán phân biệt bệnh với hội chứng kém hấp thu và ung thư tụy.
5 Điều trị viêm tụy mạn như thế nào?
5.1 Nguyên tắc điều trị
Việc điều trị viêm tụy mạn cần tuân thủ theo nguyên tắc như sau:
- Sử dụng thuốc giảm đau trong giai đoạn đầu để cắt cơn đau.
- Điều trị và phòng ngừa các biến chứng tái phát.
- Tăng cường khả năng ăn uống và tiêu hóa cho bệnh nhân.
- Yêu cầu bệnh nhân tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng, đặc biệt là phải cai rượu hoàn toàn.
5.2 Điều trị nội khoa
Điều đầu tiên mà các bệnh nhân bị viêm tụy cần tuân thủ là thay đổi chế độ ăn hằng ngày, hạn chế ăn chất béo, chất đạm, thay vào đó là ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin, Sắt, Acid Folic,... Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày để giảm áp lực đòi hỏi tụy tiết nhiều men tiêu hóa cùng lúc. Quan trọng nhất là cần bỏ rượu bia, ngưng sử dụng thuốc lá để bảo tồn được phần nhu mô tụy còn lại.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần sử dụng một số loại thuốc như:
5.2.1 Thuốc giảm đau
Nhằm cải thiện tình trạng đau đớn, gián tiếp giúp người bệnh ăn uống dễ dàng hơn, không bị ảnh hưởng cả sức khỏe và tinh thần bởi những cơn đau. Các thuốc giảm đau thường dụng là Aspirin hoặc Acetaminophen.
5.2.2 Thuốc giảm tiết men tụy
Có tác dụng làm sự bất hoạt của Lipase bởi acid dịch vị nhờ đó giảm tình trạng đi ngoài ra phân mỡ. Các nhóm thuốc thường dùng là thuốc anti H2 hoặc thuốc ức chế bơm proton.
Anti H2: dùng Cimetidin 200mg hoặc Ranitidin 50mg theo đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch, ngày 2-3 lần.
Ức chế bơm proton: dùng Omeprazol 40mg, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch 1 - 2 lần mỗi ngày.
Bên cạnh đó cũng có thể cung cấp thêm enzyme men tụy hoặc Octreotide liều 100mcg tiêm dưới da 3 lần mỗi ngày.
Các loại thuốc này thường được dùng để điều trị viêm tụy mạn ngoại tiết.
5.2.3 Thuốc trị đái tháo đường
Nếu bệnh nhân có tình trạng tăng đường máu do viêm tụy mạn thì cần được tiêm thêm insulin để điều hòa đường máu.
5.3 Điều trị ngoại khoa
Có thể giảm đau cho bệnh nhân bằng cách nội soi diệt hạch giao cảm.
Nếu điều trị nội khoa thất bại, bệnh nhân sẽ được chỉ định chọc hút để dẫn lưu các nang giả tụy qua da hoặc dạ dày.
Nếu bệnh nhân bị tắc nghẽn ống tụy cần được nội soi mật tụy ngược dòng để lấy sỏi tụy hoặc đặt stent nếu ống tụy hẹp. Nếu không có điều kiện để nội soi ngược dòng hoặc cách này không có hiệu quả thì bệnh nhân sẽ được phẫu thuật nối thông ống tụy-hỗng tràng, lấy sỏi tụy.
Khi bệnh tiến triển quá nặng có thể sẽ phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tụy của bệnh nhân.[3]
6 Cách phòng ngừa viêm tụy mạn tính
Để phòng ngừa viêm tụy mạn tính, mỗi người chúng ta cần chú ý:
- Hạn chế sử dụng bia rượu hoặc các loại đồ uống có cồn.
- Xây dựng chế độ ăn uống đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.
- Thường xuyên luyện tập thể thao để nâng cao thể trạng.
- Nếu bị viêm tụy cấp cần điều trị sớm và dứt điểm.
- Khám sức khỏe định kì 6 tháng/lần để phát hiện và điều trị từ sớm các vấn đề về sức khỏe.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Angela Pham (Ngày đăng: ngày 17 tháng 5 năm 2018). Chronic pancreatitis: review and update of etiology, risk factors, and management, NCBI. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: Jason L Huffman, MD (Ngày đăng: ngày 15 tháng 7 năm 2019). Chronic Pancreatitis, Medscape. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: Judith Marcin, MD (Ngày đăng: ngày 29 tháng 9 năm 2018). Chronic Pancreatitis, Healthline. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2021.