Viêm tụy cấp: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Trungtamthuoc.com - Sự hoạt hóa hệ thống men trong tuyến tụy là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm tụy cấp. Đóng vai trò chính trong đó là men trypsin và lipaza.
1 Viêm tụy cấp là gì?
Tụy là một cơ quan của hệ tiêu hóa có nhiệm vụ sản xuất các enzyme tiêu hóa để hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, đồng thời giải phóng ra các hormone Insulin và glucagon giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Viêm tụy cấp là tình trạng các nhu mô tụy bị viêm nhiễm cấp tính trong một thời gian ngắn, có thể làm tổn thương cả các tổ chức xung quanh. Bệnh có thể chỉ gây khó chịu nhẹ cho bệnh nhân, nhưng cũng có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh trong trường hợp bệnh nặng mà không được điều trị kịp thời.[1]
2 Nguyên nhân nào dẫn đến viêm tụy cấp?
Sự hoạt hóa hệ thống men trong tuyến tụy là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm tụy cấp. Đóng vai trò chính trong đó là men trypsin và lipaza.
Men trypsin có tác dụng phân hủy đạm thành các acid amin. Bình thường tụy sẽ tiết ra enzyme này dưới dạng trypsinogen (không hoạt động). Khi được vận chuyển xuống ruột, nhờ có enterokinaza nó mới được chuyển thành thể hoạt động. Nếu enzyme này bị hoạt hóa ngay trong tụy sẽ khiến hệ thống mạch máu bị tổn thương, tuần hoàn ứ trệ, rối loạn cấp oxy cho tế bào. Về lâu dài, việc này sẽ dẫn tới tình trạng hoại tử và xuất huyết. Bởi vậy, sự hoạt hóa trypsin được coi là pha đầu tiên của viêm tụy cấp.
Men lipaza cũng được tụy tiết ra dưới dạng không hoạt động. Khi được muối mật kích hoạt, nó sẽ phân hủy mỡ trung tính thành các acid béo và glycerol. Glycerol sẽ được hấp thu còn các acid mỡ sẽ kết hợp với calcium thành các vết nến. Người ta thường tìm thấy các vết nến kích thước không đều và có màu trắng vàng rải rác trong ổ bụng ở những bệnh nhân bị viêm tụy cấp.
3 Các yếu tố kích hoạt men trong tụy
Hầu hết những người bị viêm tụy cấp đều là do nghiện rượu hoặc có sỏi mật, giun chui ống mật gây tắc mật khiến dịch mật trào ngược vào tụy.
Bên cạnh đó cũng còn nhiều nguyên nhân khiến tụy tiết một lượng lớn dịch quá mức bình thường như:
- Dị ứng đồ ăn, đồ uống.
- Ăn nhiều đạm.
- Do sang chấn sau khi phẫu thuật các cơ quan xung quanh, chấn thương vùng bụng,...
- Do tăng mỡ máu.
Nguyên nhân ít gặp hơn là u tụy, sử dụng một số loại thuốc, cường cận giáp trạng, nhiễm trùng, mắc bệnh tự miễn...
Theo thống kê có tới 15% số trường hợp viêm tụy cấp chưa tìm được nguyên nhân.
4 Triệu chứng của viêm tụy cấp
4.1 Triệu chứng lâm sàng
Triệu chứng của viêm tụy cấp không điển hình. Biểu hiện thường gặp nhất là đau bụng, rất dễ nhầm với đau dạ dày. Tùy theo nguyên nhân mà tính chất đau sẽ khác nhau. [2]
- Viêm tụy cấp do sỏi thường đau dữ dội và đột ngột ở vùng thượng vị, cơn đau lan ra sau lưng.
- Viêm tụy cấp do rượu thường không dữ dội như do sỏi, cơn đau kéo dài liên tục và thành từng cơn.
Ngoài đau bụng, bệnh nhân bị viêm tụy cấp còn có dấu hiệu buồn nôn, nôn sau khi đau. Thường nôn ra dịch mật, dịch dạ dày, thậm chí là nôn ra máu.
Các triệu chứng kèm theo là trướng bụng, bí trung tiện, tim nhịp nhanh, tụt huyết áp, rối loạn ý thức,...
4.2 Xét nghiệm cận lâm sàng
Các xét nghiệm có giá trị chẩn đoán bệnh:
- Xét nghiệm amylase hoặc Lipase máu thấy tăng trên 3 lần so với bình thường.
- Công thức máu thấy bạch cầu, hematocrit và các yếu tố viêm interleukin-6 tăng lên.
- Sinh hoá máu: nếu viêm tụy cấp do sỏi mật thì ALT, bilirubin tăng.
- Có rối loạn đông máu (bệnh nặng).
- Chụp bụng không chuẩn bị để loại trừ các cấp cứu ngoại khoa khác.
- Siêu âm để chẩn đoán viêm tụy cấp, xác định mức độ bệnh và loại trừ các nguyên nhân khác.
- Chụp CT hoặc chụp MRI có giá trị cao hơn trong chẩn đoán, cho phép đánh giá kỹ hơn về tổn thương và biến chứng do viêm tụy cấp.
- Chụp ERCP giúp chẩn đoán phân biệt trong một số trường hợp.
- Siêu âm nội soi (EUS) nhạy trong phát hiện VTC do sỏi.
5 Chẩn đoán viêm tụy cấp
Việc chẩn đoán xác định bệnh dựa vào các triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng:
- Đau bụng.
- Amylase hoặc lipase máu tăng gấp 3 lần bình thường.
- Thấy tổn thương trên tụy khi chụp CT, siêu âm,...
Chẩn đoán mức độ viêm tụy cấp:
- Viêm tụy cấp nhẹ: rối loạn chức năng tạng nhẹ và có khả năng tự hồi phục.
- Viêm tụy cấp nặng: có kèm theo suy tạng hoặc tổn thương khu trú tại tụy.
Cần chẩn đoán phân biệt viêm tụy cấp với:
- Đau bụng do thủng dạ dày - hành tá tràng, sỏi mật, tắc ruột,...
- Suy thận.
- U tụy.
- Đợt cấp của viêm tụy mạn.
6 Điều trị viêm tụy cấp như thế nào?
Viêm tụy cấp nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như hoại tử và nhiễm khuẩn tụy, áp xe tụy, tổn thương mạch máu, suy hô hấp, suy thận, xuất huyết tiêu hóa,...
Bởi vậy, phát hiện và điều trị sớm khi bệnh nhân bị viêm tụy cấp là điều rất cần thiết.
6.1 Điều trị chung
Những bệnh nhân bị viêm tụy cấp đều được điều trị theo các nguyên tắc như sau:
- Để bệnh nhân nhịn ăn tới khi triệu chứng đau giảm, sôi bụng trở lại.
- Đặt ống thông tá tràng, hút dịch cho tới khi bệnh nhân giảm tình trạng nôn và trướng bụng.
- Theo dõi chặt chẽ các chỉ số như độ bão hòa oxy, tình trạng tiểu tiện, rối loạn huyết động,... Nếu cần thiết phải điều trị tích cực ngay.
- Truyền dịch qua đường tĩnh mạch để đảm bảo cung cấp đủ nước, điện giải và năng lượng cho bệnh nhân.
- Giảm đau bằng Paracetamol theo đường tĩnh mạch nếu đau nhẹ và vừa, đau nặng hơn hoặc dùng Paracetamol không đỡ thì có thể xem xét dùng Morphine.
- Kiểm soát rối loạn đường máu, hạn chế các biến chứng của bệnh.
- Bù Calci từ từ, điều chỉnh lại triglycerid khi viêm tụy cấp đã ổn định.
- Sử dụng kháng sinh nếu viêm tụy cấp nặng hoại tử có nguy cơ nhiễm khuẩn phổi, đường niệu.
- Sử dụng các thuốc giảm tiết acid dịch vị.
- Giải quyết nguyên nhân gây viêm tụy cấp như sỏi mật, giun chui ống mật,...
6.2 Bệnh nhân cần nhập viện điều trị
Trường hợp này bệnh nhân phải nhập viện và được chăm sóc đặc biệt (ICU).
Bệnh nhân bị viêm tụy cấp nặng thường có biểu hiện: giảm oxy máu, tụt huyết áp, suy thận,...
Tại ICU, bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ để phát hiện sớm dấu hiệu suy tạng và hỗ trợ tim mạch, hô hấp, tiêu hoá, ngoại khoa do viêm tụy sẽ làm tổn thương tới tim, phổi, thận,...
6.3 Điều trị viêm tụy cấp hoại tử nhiễm khuẩn
Nếu nghi ngờ viêm tụy cấp hoại tử nhiễm khuẩn, cần chọc hút ổ hoại tử để lấy bệnh phẩm nhuộm Gram và nuôi cấy. Sau khi có kết quả thì điều trị bằng kháng sinh theo kháng sinh đồ.
Trong khi chờ kết quả kháng sinh đồ có thể dùng Metronidazol, Quinolon, Cephalosporin thế hệ 3, Imipenem.
Các ổ hoại tử nhiễm khuẩn được giải quyết bằng cách phẫu thuật lấy ổ hoại tử kết hợp với dẫn lưu hoặc đặt dẫn lưu ổ hoại tử qua da..
6.4 Điều trị viêm tụy cấp có ổ hoại tử vô khuẩn
Thời điểm điều trị thích hợp là 2 - 3 tuần đầu bị viêm tụy cấp. Nếu để lâu tình nguy cơ các ổ hoại tử bị nhiễm khuẩn là rất cao.
Biện pháp xử lý là phẫu thuật, dẫn lưu qua da hoặc nội soi để loại bỏ các mô chết, các ổ hoại tử để phòng nhiễm khuẩn.[3]
6.5 Điều trị theo nguyên nhân
Việc xác định được nguyên nhân gây ra viêm tụy cấp sẽ giúp các bác sĩ đưa ra phương án điều trị tốt hơn.
Cần giải quyết dứt điểm nguyên nhân gây bệnh. Ví dụ như:
- Viêm tụy cấp do sỏi cần tiến hành sớm cơ Oddi hoặc phẫu thuật lấy sỏi.
- Trường hợp nghi ngờ do giun chui ống mật chủ cho bệnh nhân tẩy giun đũa sớm.
Bạn đọc có thể tham khảo thêm cách chẩn đoán và điều trị Viêm tụy cấp theo hướng dẫn của ACG 2013, Toronto 2016, JPN 2015, WSES 2019 và AGA 2018
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Jean-Louis Frossard, Michael L Steer, Catherine M Pastor (Ngày đăng: ngày 12 tháng 1 năm 2008). Acute Pancreatitis, PubMed. Truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: Jeffrey CF Tang, MD (Ngày đăng: ngày 15 tháng 7 năm 2021). Acute Pancreatitis, Medscape. Truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: Jonathan Gapp, Subhash Chandra (Ngày đăng: ngày 26 tháng 6 năm 2021). Acute Pancreatitis, NCBI. Truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2021.