1. Trang chủ
  2. Mắt
  3. Viêm tổ chức hốc mắt: triệu chứng và điều trị bệnh

Viêm tổ chức hốc mắt: triệu chứng và điều trị bệnh

Viêm tổ chức hốc mắt: triệu chứng và điều trị bệnh

Trungtamthuoc.com - Viêm tổ chức hốc mắt (tên tiếng anh là Orbital cellulitis), đây là tình trạng viêm xảy ra ở phần mô mềm của hốc mắt. Các tác nhân gây nên viêm có thể là do sự xâm nhập của vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng gây bệnh.

1 Viêm tổ chức hốc mắt là gì?

Viêm tổ chức hốc mắt (tên tiếng anh là Orbital cellulitis), đây là tình trạng viêm xảy ra ở phần mô mềm của hốc mắt. Các tác nhân gây nên viêm có thể là do sự xâm nhập của vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng gây bệnh.

Viêm tổ chức hốc mắt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, cả ở trẻ em và người lớn. Bệnh xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi thường kèm theo viêm đường hô hấp trên hoặc viêm xoang với trẻ lớn hơn 5 tuổi. Đối với người lớn, viêm tổ chức hốc mắt thường hay gặp ở những người bị tiểu đường, suy giảm miễn dịch, chấn thương có dị vật trong hốc mắt.  [1] 

Viêm tổ chức hốc mắt có thể được chia thành:

  • Viêm phần trước vách (preseptal): dấu hiệu bệnh như sưng, nóng, đỏ, đau trong hốc mắt. Tuy nhiên khi bị viêm trước vách thì thị lực và vận nhãn vẫn bình thường, viêm không lan đến xương hốc mắt.
  • Viêm tổ chức trong hốc mắt sau vách (postseptal): ngoài triệu chứng sưng đỏ và đau mắt ra, người bệnh còn bị suy giảm thị lực và viêm có thể lan vào màng xương và xương hốc mắt.
Viêm tổ chức hốc mắt
Viêm tổ chức hốc mắt

2 Nguyên nhân gây nên viêm tổ chức hốc mắt

2.1 Nguyên nhân chính

Do vi khuẩn: các vi khuẩn gây bệnh thường gặp là Staphylococcus aurreus (tụ cầu vàng), Streptococcus pneumoniae (phế cầu khuẩn), nhóm Streptococcus anginosus/millieri (nhóm liên cầu khuẩn), Heamophilus influenzae type b (liên cầu tan huyết nhóm b),... ngoài ra còn có các vi khuẩn khác. 

Do nấm: nấm sợi (fusarium, aspergillus), nấm men. Nấm xâm nhập vào cơ thể có thể do nguyên nhân sử dụng corticosteroid kéo dài gây suy giảm miễn dịch, vệ sinh môi trường kém, thói quen sử dụng kháng sinh bừa bãi.

Do virus: thường do virus herpes.

Do ký sinh trùng. [2] 

2.2 Các yếu tố nguy cơ gây viêm tổ chức hốc mắt

Khi cơ thể bị yếu, hệ miễn dịch suy giảm, chấn thương,... là một điều kiện thuận lợi để các tác nhân này xâm nhập vào mắt. Cụ thể, các tác nhân này đó là: 

Viêm đường hô hấp trên, viêm xoang ở trẻ em. 

Bệnh nhân bị đái tháo đường, hệ miễn dịch suy giảm. Điều kiện thuậ lợi này thường gặp ở người lớn. 

Dùng thuốc bừa bãi, không có chỉ định: dùng corticoid kéo dài gây ức chế miễn dịch, sử dụng kháng sinh không theo chỉ dẫn gây nên kháng thuốc,...

Do chấn thương mắt, làm tổn thương vách hốc mắt, có dị vật hốc mắt. Thường gặp ở những người đồ bảo hộ lao động kém, như công nhân xây dựng, thợ hàn xì,...

Phẫu thuật mắt như phẫu thuật cắt mí, phẫu thuật lác,...

Viêm tổ chức hốc mắt cũng có thể gặp sau viêm nội nhãn sau phẫu thuật.

Nguyên nhân gây viêm tổ chức hốc mắt là gì?
Nguyên nhân gây viêm tổ chức hốc mắt là gì?

3 Triệu chứng viêm tổ chức hốc mắt

3.1 Triệu chứng lâm sàng

Các cơn đau đột ngột ở mắt, đau quanh hốc mắt. Đặc biệt đau khi vận động nhãn cầu, làm việc nặng nhọc, cúi người, liếc mắt, đau đầu, mệt mỏi, sốt…

Phù mi mắt, sưng mi mắt, kèm đỏ mí mắt.

Phù kết mạc và sung huyết kết mạc.

Lồi mắt: quan sát thấy mắt lồi ra ngoài, thay đổi đáng kể so với lúc mắt bình thường, lồi mắt có thể lồi thẳng trục hoặc không thẳng trục.

Song thị: nhìn một vật thành hai vật.

Sụp mi: mi mắt trên bị sụp xuống gây ảnh hưởng tầm nhìn, mất thẩm mỹ. 

Hạn chế vận nhãn hoặc liệt vận nhãn: có thể do một vài cơ hoặc toàn bộ cơ vận nhãn bị ảnh hưởng.

Giảm thị lực nhiều mức độ khác nhau, nếu viêm gần đỉnh hốc mắt có thểcó giảm thị lực trầm trọng.

Có thể biến chứng viêm hắc mạc hoặc viêm thị thần kinh.

Có thể tăng nhãn áp do tổ chức viêm chèn ép. 

3.2 ​Cận lâm sàng

Chụp X quang hoặc chụp CT: quan sát thấy hình ảnh viêm tổ chức hốc mắt, hình ảnh viêm xoang (nếu có), hình ảnh ổ áp-xe cạnh màng xương. Trong trường hợp chấn thương có thể xác định được dị vật hốc mắt.

Siêu âm: giúp chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt.

Công thức máu: Bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao trong phản ứng viêm, chỉ số CRP tăng trong nhiễm khuẩn.

Lấy bệnh phẩm ở hốc mắt hoặc mủ ở ổ áp-xe làm các xét nghiệm: soi tươi, soi trực tiếp, nuôi cấy vi khuẩn để chẩn đoán nguyên nhân và để điều trị.

Cần cấy máu nếu nghi ngờ hoặc có nhiễm trùng máu. [3] 

4 Biến chứng của bệnh viêm tổ chức hốc mắt

Khi viêm tổ chức hốc mắt nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng:

Nhiễm trùng huyết: tỷ lệ tử vong cao.

Viêm dây thần kinh thị giác: suy giảm thị lực.

Áp xe hốc mắt, viêm màng não. 

Do vậy, khi mới thấy các triệu chứng kể trên cần đi khám để được các bác sĩ nhãn khoa điều trị kịp thời. 

5 Điều trị viêm tổ chức hốc mắt

5.1 Nguyên tắc chung

Phải điều trị cấp cứu viêm tổ chức hốc mắt để phòng ngừa các biến chứng nói trên có thể xảy ra gây đe dọa tính mạng người bệnh. 

Phải điều trị cấp cứu tích cực cho người bệnh, điều trị nội trú để theo dõi.

Điều trị theo kháng sinh đồ sau khi nuôi cấy và phân lập vi khuẩn. Đồng thời cũng cần điều trị dự phòng nhiễm khuẩn khi tác nhân gây bệnh không phải do vi khuẩn. 

Nếu có các ổ viêm kèm theo như viêm xoang, viêm đường hô hấp trên cần phối hợp điều trị các ổ viêm này.

Điều trị can thiệp ngoại khoa khi cần thiết. 

5.2 Điều trị cụ thể

Kháng sinh: dùng theo đường tĩnh mạch với liều cao, phổ rộng khi chưa có kết quả kháng sinh đồ. Sau khi có kết quả kháng sinh đồ thì điều trị kháng sinh theo kết quả này. Trong thời gian đầu cấp cứu, có thể dùng kháng sinh phổ rộng như: nhóm Cephalosporin thế hệ 3. [4] 

Chống viêm: Steroid đường uống và đường tĩnh mạch.

Điều trị phối hợp những trường hợp viêm xoang, viêm đường hô hấp, đái tháo đường, suy giảm hệ miễn dịch.

Điều trị ngoại khoa: Khi có xuất hiện ổ áp-xe, thực hiện chích dẫn lưu ổ áp xe và xoang viêm.

Nếu do có dị vật trong hốc mắt phải lấy hết dị vật bằng can thiệp ngoại khoa. 

Điều trị viêm tổ chức hốc mắt
Điều trị viêm tổ chức hốc mắt

6 Dự phòng viêm tổ chức hốc mắt

Khi bị các bệnh về mắt, cần điều trị triệt để cho bệnh nhân:

Điều trị những viêm nhiễm của mi, viêm giác mạc, hay các bệnh viêm phần trước vách phòng khác có thể lan vào tổ chức hốc mắt.

Điều trị cho bệnh nhân chấn thương mắt triệt để, lấy hết dị vật, dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn, corticoid chống viêm,...

Ngoài ra, cần phòng các bệnh có nguy cơ cao gây viêm tổ chức hốc mắt như đã nói ở phần các yếu tố nguy cơ. Bên cạnh đó, khi có viêm tổ chức hốc mắt cần bắt buộc điều trị phòng biến chứng cho bệnh nhân.

Mỗi người dân khi làm việc có tỷ lệ mắc tai nạn lao động cao cần chú ý, mang đồ bảo hộ lao động khi làm việc, đặc biệt là đồ bảo hộ cho mắt. 

Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc sẽ có thêm kiến thức về bệnh viêm tổ chức hốc mắt. Đồng thời, biết được các cách để phòng bệnh cho bản thân.

Tài liệu tham khảo

  1. ^  Amina Danishyar ; Shane R. Sergent . (Ngày đăng 12 tháng 8 năm 2021). Orbital Cellulitis, NCBI. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2021
  2. ^  Corey Whelan (Ngày đăng 16 tháng 12 năm 2019). What to Know About Orbital Cellulitis, Healthline. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2021
  3. ^  James Garrity (Ngày đăng tháng 8 năm 2021). Preseptal and Orbital Cellulitis, MSD Manuals. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2021
  4. ^  Jamie Eske (Ngày đăng 14 tháng 2 năm 2019). What is orbital cellulitis?, Medical News Today. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2021

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 0 Thích

    Cảm ơn dược sĩ nhà thuốc đã nhiệt tình tư vấn cho mình.


    Thích (0) Trả lời
  • 0 Thích

    Liều dùng của các thuốc điều trị bệnh viêm tổ chức hốc mắt?


    Thích (0) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
0/ 5 0
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
    vui lòng chờ tin đang tải lên

    Vui lòng đợi xử lý......

    0 SẢN PHẨM
    ĐANG MUA
    hotline
    1900.888.633