Bệnh viêm tiểu phế quản cấp gây nguy hiểm cho trẻ em
Trungtamthuoc.com - Một trong những bệnh hô hấp cấp tính hay gặp ở trẻ là bệnh viêm tiểu phế quản. Bệnh có thể tái phát nhiều lần cùng với các biến chứng nguy hiểm gây tử vong ở trẻ. Vậy để phòng tránh được tốt nhất cho trẻ chúng ta cần nắm rõ các đặc điểm của bệnh qua bài viết dưới đây.
1 Viêm tiểu phế quản là gì?
Viêm tiểu phế quản là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính thường gặp ở trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi. Trẻ thường hay mắc bệnh vào mùa đông xuân, độ ẩm không khí cao. Bệnh có thể gây ra nhiều triệu chứng từ nhẹ đến nặng thậm chí là làm trẻ bị suy hô hấp gây tử vong.[1]
2 Các nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản ở trẻ
Theo các nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân chính gây viêm tiểu phế quản ở trẻ là do virus. Trong đó virus hợp bào hô hấp (RSV) là tác nhân gây bệnh nhiều nhất, chúng chiếm đến 30-50% số các trường hợp viêm tiểu phế quản. Virus này có khả năng lây lan cao nên dễ chuyển hóa thành dịch.
Ngoài virus RSV, thì virus cúm, á cúm và virus Adenovirus cũng là nguyên nhân khiến nhiều trẻ bị viêm tiểu phế quản.[2]
Khi các nguyên nhân này xâm nhập vào cơ thể, chúng đi vào lớp tế bào biểu mô của niêm mạc phế quản làm phù nề, hoại tử các té báo này. Đồng thời làm tăng tiết dịch ở phế quản, và tập trung ở các tiểu phế quản làm ứ đọng, tắc nghẽn.
Ngoài nguyên nhân chính là do virus thì các yếu tố nguy cơ sau cũng khiến tỷ lệ trẻ mắc viêm tiểu phế quản cao hơn:
- Trẻ sinh sống ở nơi xảy ra dịch cúm hay dịch viêm đường hô hấp trên do VRS thì nguy cơ lây nhiễm từ người khác là rất cao.
- Các bé dưới 6 tháng tuổi cũng là một trong những đối tượng có nguy cơ cao hơn mắc viêm tiểu phế quản.
- Hoặc trẻ có sức để kháng suy giảm do mắc virus trước đó như trong bệnh viêm mũi họng, viêm amidan…
- Trẻ mắc các bệnh suy giảm miễn dịch, bệnh tim phổi bẩm sinh.
- Thậm chí người ta còn nhận thấy rằng, những trẻ thường xuyên hít phải khói thuốc lá từ cha mẹ, người thân sẽ dễ bị viêm tiểu phế quản hơn.
3 Triệu chứng viêm tiểu phế quản ở trẻ
Các triệu chứng đầu tiên của bệnh biểu hiện trên đường hô hấp trên của trẻ như chảy nước mũi, ho khan, có thể có sốt cao hoặc vừa. Sau đó 3 đến 5 ngày, do mỗi ngày trẻ ho một nhiều hơn nên có các tình trạng khó thở, khò khè, có thể nghe thấy tiếng thở rít do giảm thông khí phổi. Thậm chí ở một số sẽ còn dẫn đến chứng ngừng thở, tím tái.
Ở một số vị trí trên phế quản còn thấy những tổn thương nặng gây tắc nghẽn và co thắt ở các tiểu phế quản, rồi làm xẹp phổi hay ứ khí phế nang. Tình trạng này là rối loạn thông khí, có thể dẫn đến suy thở và gây tử vong ở trẻ.
Khi kiểm tra nhịp thở cho bé thấy bé thở nhanh, biểu hiện như bị hen suyễn.
4 Chẩn đoán trẻ bị viêm tiểu phế quản
Kết hợp với các triệu chứng của trẻ, chúng ta dựa thêm vào các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh như sau:
- Làm xét nghiệm tính công thức máu ngoại vi ở trẻ thấy lượng bạch cầu không tăng, có thể giảm, và tỷ lệ tế bào lympho tăng lên.
- Làm xét nghiệm khí máu thấy nồng độ oxy máu thấp, nồng độ CO2 trong máu cao hơn bình thường. Đồng thời nếu trẻ có các nhiễm toan hô hấp kèm theo sẽ cho thấy trẻ bị suy hô hấp nặng.
- Chụp X-quang phổi cho kết quả ảnh mờ lan tỏa, thấy hiện tượng ứ khí và xẹp phổi từng khu vực,...
- Làm xét nghiệm dịch tiết đường hô hấp, dịch tiết phổi hay phản ứng huyết thanh để tìm virus.[3]
Cần phải phân biệt bệnh viêm tiểu phế quản với một số bệnh sau:
- Hen phế quản, viêm phổi, trào ngược dạ dày thực quản.
- Trẻ bị mềm sụn thanh khí quản, dị vật đường thở hay nhiễm virus gây khó thở.
- Hiện tượng khó thở, tắc nghẽn đường hô hấp khi có u, suy tim, viêm cơ tim...
5 Viêm tiểu phế quản có nguy hiểm không?
Viêm tiểu phế quản nếu được điều trị đúng cách có thể khỏi hẳn nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Gần nhất là các biến chứng cấp tính như sau:
- Suy hô hấp cấp, ngừng thở: Hiện tượng này dễ xảy ra ở trẻ sinh thiếu tháng, trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi.
- Tràn khí màng phổi, viêm phổi - trung thất và bội nhiễm vi khuẩn.
- Xẹp phổi ở trẻ thường gặp khi dưới 3 tháng tuổi, nhất là ở thùy trên phổi.
- Tử vong: Nếu không được điều trị kịp thời, hoặc do hậu quả của những di chứng trên sẽ làm ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Trường hợp tử vong có nguy cơ cao hơn ở trẻ dưới 12 tháng tuổi, đặc biệt là vài tháng đầu sau sinh.
Hậu quả của viêm tiểu phế quản cấp có thể gây ra các biến chứng đến tận sau này như: viêm tiểu phế quản lan tỏa, rối loạn chức năng hô hấp gây hen suyễn.
6 Phác đồ điều trị viêm tiểu phế quản
6.1 Trẻ có suy hô hấp
Trước tiên, nếu trẻ có suy hô hấp hay thể viêm tiểu phế quản thể nặng cần tiến hành cấp cứu như sau:
Sử dụng liệu pháp Oxygen để cung cấp oxy cho trẻ. Ban đầu dùng FiO2 100%, càng về sau càng giảm dần nồng độ xuống.
Làm thông đường hô hấp trên cho trẻ, đặt trẻ ở tư thế nửa nằm - nửa ngồi.
Cho trẻ dùng thuốc giãn phế quản bằng khí dung ẩm Salbutamol với liều 150µg/kg mỗi lần hoặc adrenalin mỗi lần dùng 0,4-0,5 ml/kg.
Truyền nước, điện giải để bù lượng bị thiếu hụt do trẻ nôn nhiều, sốt...
Nếu trẻ không cải thiện được suy thở không cải thiện thì cho trẻ thở bằng NCPAP, hoặc đặt nội khí quản theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu sẽ không có suy thở nữa thì giải thoát đờm cho trẻ bằng vỗ rung, đồng thời làm các phương pháp vật lý trị liệu hô hấp.
Dùng thuốc kháng virus đặc hiệu như: Ribavirin cho trẻ hít phun sương với liều 190 microgam/lít Ribavirin bằng mũ chụp, mặt nạ hoặc máy thở. Cho trẻ dùng ít nhất 3 ngày và không quá 7 ngày.
Có thể cho trẻ sử dụng Corticoid nếu thấy cần. Trường hợp này thì cho trẻ dùng Methylprednisolon với liều 2 mg/kg trong 1 ngày.
Nếu trẻ có nhiễm khuẩn thứ phát thì dùng kết hợp kháng sinh phù hợp.
6.2 Trẻ không có suy hô hấp
Làm thông đường thở cho trẻ, ly giải các dịch ứ đọng hô hấp.
Khi có co thắt phế quản hoặc thở rít thì cho trẻ dùng thuốc giãn phế quản dạng khí dung ẩm salbutamol mỗi lần dùng 50µg/kg.
Cung cấp chất điện giải và nước bị thiếu hụt cho trẻ viêm tiểu phế quản cấp.
Hút đờm, làm long đờm bằng vỗ rung hoặc các phương pháp vật lý phù hợp.
Chỉ được sử dụng kháng sinh cho trẻ viêm tiểu phế quản khi có nhiễm khuẩn kèm theo.
Song song với điều trị cho trẻ, bạn cũng cần lưu ý chăm sóc để trẻ tránh bị nặng hơn như sau:
- Cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng, uống đủ nước trong ngày.
- Không tiếp xúc với người bệnh, người có nguy cơ bị bệnh và những người hút thuốc lá nhiều.
- Cho trẻ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhỏ mũi bằng dung dịch nhỏ mũi sinh lý chuyên dụng để làm giảm nghẹt mũi.
Bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ nhìn chung có thể điều trị khỏi được phát hiện kịp thời và có phương pháp xử lý đúng đắn. Do đó, cha mẹ khi thấy con mình có các biểu hiện như trên cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: By Mayo Clinic Staff (Ngày đăng: ngày 15 tháng 1 năm 2020). Bronchiolitis, Mayo Clinic. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2021.
- ^ Tác giả: Evelyn N. Erickson, Rupal T. Bhakta, Magda D. Mendez (Ngày đăng: ngày 11 tháng 10 năm 2021). Pediatric Bronchiolitis, NCBI. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2021.
- ^ Tác giả: Anoop K. Palta, MD (Ngày đăng: tháng 1 năm 2020). Bronchiolitis, KidsHealth. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2021.