1. Trang chủ
  2. Tai Mũi Họng
  3. Viêm tai giữa cấp tính trẻ em: chẩn đoán và điều trị

Viêm tai giữa cấp tính trẻ em: chẩn đoán và điều trị

Viêm tai giữa cấp tính trẻ em: chẩn đoán và điều trị

Trungtamthuoc.com -  Viêm tai giữa khiến cho trẻ đau, tai sưng có mủ, gây khó chịu và khiến cho trẻ quấy khóc. Vậy điều trị viêm tai giữa ở trẻ như thế nào? Cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

1 Viêm tai giữa cấp tính trẻ em là gì?

Tai người có cấu tạo chia làm 3 bộ phận theo vị trí và cấu trúc giải phẫu đó là tai ngoài, tai giữa và tai trong. Trong đó, bệnh lý viêm tai giữa là bệnh lý khá phổ biến, gây đau, sưng và có nhiều biến chứng nguy hiểm. Ở trẻ nhỏ, viêm tai giữa dễ xảy ra hơn ở người lớn, do vòi nhĩ (ống nối thông tai với họng) ở trẻ thường ngắn và nằm ngang, khiến cho việc dẫn lưu dịch khó khăn hơn, dễ bị tắc gây nên viêm tai giữa. [1]

Tai giữa nằm ngay phía trong màng nhĩ, bao gồm các xương nhỏ có nhiệm vụ truyền âm thanh, do đó viêm tai giữa gây nên đau đớn mạnh, trẻ em thường dễ quấy khóc. Khi bị viêm tai giữa cấp tính, cần phải cho trẻ đi khám sớm để được điều trị kịp thời. 

Viêm tai giữa cấp tính trẻ em
Viêm tai giữa cấp tính trẻ em

2 Nguyên nhân gây viêm tai giữa cấp tính trẻ em

Viêm tai giữa thường là biến chứng sau viêm họng, viêm mũi, thường do virus hay vi khuẩn gây ra, do mắc các bệnh lý như cảm cúm, dị ứng, viêm mũi họng, viêm xoang, viêm V.A,...Rách màng nhĩ do chấn thương cũng là một nguyên nhân gây viêm tai giữa cấp tính. [2]

Các bệnh này làm ứ đọng dịch ở tai giữa, gây nên nhiễm trùng và viêm tai giữa. Do cấu trúc vòi nhĩ ở trẻ ngắn và nằm ngang nên dễ bị ứ dịch hơn người lớn. Ngoài ra, viêm VA cũng là một vị trí viêm gây nên ứ tắc dịch và gây nên viêm tai giữa khá phổ biến. 

Giải phẩu học tai mũi họng của trẻ khác với người lớn
Giải phẩu học tai mũi họng của trẻ khác với người lớn

3 Triệu chứng viêm tai giữa cấp tính

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh, giai đoạn bệnh sẽ co biểu hiện lâm sàng khác nhau: 

Giai đoạn đầu: giai đoạn đầu của viêm, bệnh nhân thường bị sổ mũi, ngạt mũi, đau tai đột ngột, kèm theo sốt cao. Khám tai thấy sung huyết đỏ trong tai ở vùng góc sau hoặc ở dọc theo cán búa, màng Shrapnell.

Giai đoạn toàn phát: xuất hiện mủ trong hòm nhĩ, mủ nhiều chèn ép có thể gây vỡ màng nhĩ, bệnh nhân đau sâu trong tai, đau liên tục do tai giữa chủ yếu là các xương nhỏ nên các cơn đau rất nhói, thường khó chịu đựng được và khiến trẻ quấy khóc. 

  • Màng nhĩ chưa vỡ: Mủ bị tích trong hòm nhĩ gây đau nhiều, nghe kém, ù tai, kèm theo sốt. Khám thấy màng nhĩ bị nề đỏ, ấn gây đau mạnh. Khám mũi và họng có thể có thể xác định nguyên nhân gây viêm tai giữa như: viêm mũi, viêm xoang, viêm V.A, viêm amiđan.
  • Màng nhĩ vỡ: do dịch ứ đọng chèn ép gây vỡ màng nhĩ, hoặc so sơ sót trong quá trình chích tháo mủ. Mủ có thể tràn sang tai ngoài gây viêm tai ngoài, giảm khả năng nghe, nhiễm trùng lan sang các vùng lân cận, gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, cần điều trị viêm tai giữa cho trẻ kịp thời và tìm bác sĩ uy tín, có tay nghề cao để điều trị cho con của bạn. 

4 Chẩn đoán viêm tai giữa cấp tính trẻ em

4.1 Chẩn đoán xác định

Dựa vào các biểu hiện lâm sàng trên, cùng cận lâm sàng dưới đây giúp chẩn đoán bệnh: 

  • Nội soi tai: hình ảnh màng nhĩ, mức dịch, bóng khí,...
  • Thính lực đồ: nghe kém. 
  • X quang (tư thế Schuller): Dùng chủ yếu để chẩn đoán phân biệt.
Hình ảnh soi viêm tai giữa
Hình ảnh soi viêm tai giữa 

4.2 Chẩn đoán phân biệt

Viêm màng nhĩ đơn thuần: bệnh nhân nghe bình thường, khám thấy màng nhĩ sưng đỏ. 

Nhọt ống tai ngoài.

Zona tai: thấy có mụn nước ở nắp tai, vành tai, kèm theo đau tai.

Viêm ống tai ngoài đơn thuần.

Viêm tai giữa mạn tính: bệnh nhân có tiền sử bệnh, triệu chứng đau, chảy mủ, viêm hay lặp lại. 

5 Điều trị viêm tai giữa cấp tính trẻ em

Nguyên tắc điều trị: Đây là bệnh lý cấp tính nên cần điều trị kịp thời để tránh biến chứng và ảnh hưởng toàn thân.

5.1 Màng nhĩ chưa thủng

Điều trị bằng thuốc: dùng một số thuốc nhỏ tai có tác dụng giảm sung huyết tại chỗ: Polymycin…

Chích rạch màng nhĩ khi: sốt cao, mất ngủ, đau tai kèm theo nhức nửa bên đầu, nghe kém, màng nhĩ căng phồng,...[3]

  • Có phản ứng như triệu chứng màng não, triệu chứng mê nhĩ, triệu chứng viêm xương chũm.
  • Viêm tai giữa cấp tính đã kéo dài trên bốn ngày và không tự vỡ.

Nói chung trong trường hợp nghi ngờ có mủ cũng nên chích rạch màng nhĩ, tránh trường hợp viêm mủ tiến vào xương chũm. 

Điều trị viêm tai giữa cấp tính trẻ em
Điều trị viêm tai giữa cấp tính trẻ em

5.2 Màng nhĩ đã thủng

Sau khi màng nhĩ đã thủng tự nhiên hoặc thủng do chích rạch cần phải rửa tai và nhỏ tai các loại thuốc có kháng sinh, kháng viêm hàng ngày. 

Nếu thấy lỗ thủng đóng lại nhưng bệnh nhân vẫn sốt và triệu chứng đau tai vẫn còn thì phải tiến hành chích rạch lại để dẫn lưu mủ. 

Tìm nguyên nhân gây bệnh viêm tai giữa và điều trị nguyên nhân. 

5.3 Điều trị toàn thân

Kháng sinh tốt nhất là theo kháng sinh đồ, thường dùng nhóm Beta lactam, Cephalosporin,... Nên chụp X quang xương chũm để phát hiện viêm xương chũm tiềm tàng.

Thuốc kháng viêm Corticoid.

Hạ sốt, giảm đau.

6 Tiên lượng và biến chứng viêm tai giữa cấp tính trẻ em

Tùy thuộc thời gian khởi phát, sức đề kháng, độc tính của siêu vi gây bệnh mà bệnh viêm tai giữa có tiến triển khác nhau. Tuy nhiên, nếu được điều trị, dẫn lưu mủ tốt thì trẻ có thể lành bệnh, nếu không dễ gây viêm tai giữa mạn và sinh ra nhiều biến chứng. 

Viêm tai giữa gây biến chứng phổ biến là viêm xương chũm, ngoài ra còn gây viêm tắc tĩnh mạch bên, viêm màng não, áp xe não.... 

7 Phòng bệnh viêm tai giữa cấp tính trẻ em

Phòng ngừa các bệnh là nguyên nhân gây nên viêm tai giữa cho trẻ, điều trị triệt để kịp thời cho trẻ. Khi cho trẻ xì mũi nên bịt một bên mũi và để hở bên kia để dịch dễ thoát ra ngoài. Không nên cho trẻ bơi lội khi trẻ bị viêm mũi, viêm xoang. 

8 Case lâm sàng: Viêm tai giữa cấp

Đề bài: Một trẻ 4 tuổi phàn nàn về việc đau tai. Nhiệt độ của trẻ khoảng 102.1°F (38.9°C) và cảm giác rét run vài ngày gần đây, nhưng cậu bé vẫn ăn uống được và sinh hoạt bình thường.[4]
1. Chẩn đoán nghĩ nhiều nhất là gì?
2. Điều trị tốt nhất là gì?

Tóm tắt: Một trẻ nhỏ biểu hiện với đau tai và sốt.

  • Chẩn đoán nghĩ nhiều: Viêm tai giữa cấp - Acute otitis media (ADM)
  • Điều trị tốt nhất: Các kháng sinh đường uống

8.1 Phân tích

8.1.1 Mục tiêu

1. Hiểu rõ yếu tố dịch tễ của viêm tai giữa ở trẻ em.

2. Hiểu được các biện pháp điều trị cho tình trạng này.

3. Biết được biến chứng của việc nhiễm trùng nặng.

8.1.2 Đặt vấn đề

Viêm tai giữa được là một trong các chẩn đoán phân biệt trên trẻ em có nhiễm trùng đường hô hấp trên và đau tai.

Chẩn đoán xác định bằng đèn soi tai khí nén (Pneumatic otoscopy) và có thể bắt đầu điều trị.

Hình 13–1. Giải phẫu tai giữa. (Redrawn, với sự cho phép, từ Rudolph CD, Rudolph AM, Hostetter MK, Lister G, Siegel NJ, eds. Rudolph's Pediatrics. 21st ed. New York,
NY: McGraw-Hill; 2003:1240.)

8.2 Tiếp cận lâm sàng

Viêm tai giữa là một chẩn đoán thường gặp ở trẻ em. Tác nhân vi khuẩn thường gặp là Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae không định danh, và Moraxella catarrhalis. Các tác nhân khác, Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, và Pseudomonas aeruginosa, thường gặp ở trẻ sơ sinh và bệnh nhân có suy giảm miễn dịch. Virus cũng có thể gây viêm tai giữa, trong nhiều trường hợp không tìm được nguyên nhân. Viêm tai giữa cấp có thể chẩn đoán ở trẻ em có sốt (thường <104°F [40°C]), đau tai (thường khiến trẻ thức dậy giữa đêm ngủ), và lạnh run toàn thân. Các triệu chứng toàn thân khác gồm chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy và đau đầu. Thăm khám lâm sàng ghi nhận thấy màng nhĩ đỏ, xung huyết, di động kém bằng dụng cụ soi tai khí nén. Màng nhĩ có thể đục do mủ phía sau, các mốc của tai giữa có thể bị mờ mất, và, nếu tai giữa bị vỡ ra, có thể nhìn thấy mủ trong ống tai. Các mốc bình thường được mô tả ở hình 13–2.

Phụ thuộc vào tình trạng vi khuẩn đề kháng trong cộng đồng, Amoxicillin ở liều 80 tới 90 mg/kg/ngày trong 7 tới 10 ngày thường là điều trị khởi đầu. Nếu lâm sàng không cải thiện sau 3 ngày điều trị, việc chuyển sang dùng amoxicillin-clavulanate, cefuroxime axetil, Azithromycin, Cefixime,  ceftriaxone, và rạch tháo mủ màng nhĩ được xem xét. Điều trị hỗ trợ (giảm đau hoặc hạ sốt) cũng thường được chỉ định, nhưng các loại khác (kháng histamine, giảm xung huyết, và corticos- teroid) thường không hiệu quả.

Hình 13–2. Màng nhĩ. Tái sử dụng, với sự cho phép, từ Rudolph CD, Rudolph AM, Hostetter MK, Lister G, Siegel NJ, eds. Rudolph's Pediatrics. 21st ed. New York, NY: McGraw-Hill; 2003:1240.

Sau đợt cấp viêm tai giữa, dịch ở tai giữa có thể tồn tại đến vài tháng. Nếu thính lực bình thường, tràn dịch tai giữa thường được theo dõi, quan sát thêm; vài nhà lâm sàng thì họ dùng kháng sinh. Khi dịch không giảm hoặc tái phát các đợt viêm mủ tai giữa xảy ra, đặc biệt là khi mất thính lực, chọc và dẫn lưu áp lực bằng ống thường được sử dụng.

Rất hiếm xảy ra nhưng tình trạng viêm tai giữa nặng có các biến chứng bao gồm viêm xương chũm, viêm xương tủy xương thái dương, liệt thần kinh mặt, hình thành áp xe ngoài màng cứng và dưới màng cứng, viêm màng não, huyết khối tĩnh mạch xoang bên, và não úng thủy do viêm tai (bằng chứng tăng áp lực nội sọ kèm viêm tai giữa). Một bệnh nhân viêm tai giữa có diễn tiến lâm sàng bất thường hoặc kéo dài nên được đánh giá một trong các biến chứng này.

8.3 Câu hỏi lượng giá

13.1. Một trẻ nam 8 tuổi đau nhiều khi di động tai. Trẻ không sốt, buồn nôn, nôn hay có triệu chứng khác. Trẻ khỏe mạnh, trẻ vừa trở về từ trại hè nơi mà cậu bé đi bơi, cưỡi ngựa, và trượt nước. Khám tại nhìn thấy vành tai đỏ ít, kèm rất đau khi di động tai, ống tai đỏ và nề nhiều, nhưng di động màng nhĩ bình thường. Biện pháp nào sau đây phù hợp nhất?

A. Dùng thuốc bôi có chứa polymyxin và corticosteroid

B. Liều cao amoxicillin đường uống

C. Tiêm bắp ceftriaxone

D. Tiêm tĩnh mạch vancomycin

E. Rạch tháo màng nhĩ và nuôi cấy

13.2. Ba ngày sau khi bắt đầu amoxicillin đường uống điều trị viêm tai giữa, trẻ nam 4 tuổi vẫn còn sốt, đau tai, sưng nề và đỏ phía sau tai. Dái tai cậu bé đẩy lên trên và sang hai bên. Cậu bé vẫn sinh hoạt bình thường. Biện pháp nào sau đây là phù hợp nhất?

A. Chuyển sang dùng amoxicillin - clavulanate đường uống

B. Giải áp màng nhĩ và kháng sinh đường tĩnh mạch

C. Chụp SPECT vùng đầu

D. Bôi tại chỗ steroids

E. Rạch tháo màng nhĩ

13.3. Một bé gái 5 tuổi xuất hiện sốt cao, đau tai, và nôn ói một tuần nay. Cô bé được chẩn đoán viêm tai giữa và bắt đầu cho amoxicillin- clavulanate. Vào ngày thứ ba của kháng sinh, bé vẫn còn biểu hiện viêm tai giữa, sốt và đau. Cô bé được tiêm bắp ceftriaxone và đổi sang cefuroxime đường uống. Hiện tại, 48 giờ sau, bệnh nhân còn sốt, đau và không cải thiện tình trạng viêm tai giữa; ngoài ra cô bé sinh hoạt bình thường. Bước xử trí nào hợp lý nhất dưới đây?

A. Dùng thêm nhỏ mũi steroid bên cạnh việc uống cefuroxime

B. Nao V.A

C. Liều cao đường uống amoxicillin

D. Trimethoprim-sulfamethoxazole đường uống

E. Rạch tháo mủ màng nhĩ và nuôi cấy dịch tai giữa

13.4. Một bé trai 1 tháng tuổi sốt cao 102.7°F (39.3°C), quấy khóc, tiêu chảy, và ăn uống kém. Khám ghi nhận màng nhĩ đỏ, không di động và có mủ sau màng nhĩ. Hành động nào tiếp theo là hợp lý nhất?

A. Nhập viện và đánh giá toàn diện tình trạng nhiễm trùng

B. Tiêm bắp ceftriaxone và theo dõi sát sao bệnh nhân

C. Amoxicillin-clavulanate đường uống

D. Cefuroxime đường uống

E. Liều cao amoxicillin đường uống

8.4 Đáp án

13.1. A. Bệnh nhân có vẻ tình trạng viêm tai ngoài gây ra bởi việc đi bơi (còn gọi là tai người đi bơi swimmer's ear). Điều trị là dùng thuốc đường bôi như đã mô tả ở trên. Việc chèn gòn có thể hỗ trợ việc hấp thụ dịch tiết ra trong ống tai. Các nhân gây bệnh gồm chủng Pseudomonas (hoặc chủng gram âm khác), S aureus, và đôi khi tác nhân là nấm (chủng Candida hoặc Aspergillus).

13.2. B. Trẻ bị viêm xương chũm, chẩn đoán xác định lâm sàng cần dùng CT-scan. Điều trị bao gồm chọc màng nhĩ, nuôi cấy dịch và kháng sinh truyền tĩnh mạch. Phẫu thuật dẫn lưu tế bào xương chũm chứa khí (mastoid air cells) cần được thực hiện nếu tình trạng không cải thiện sau 24 tới 48 giờ.

13.3. E. Sau khi thất bại nhiều phổ kháng sinh, rạch tháo mủ màng nhĩ và nuôi cấy dịch ống tai giữa nên được chỉ định.

13.4. A. Trẻ em ở độ tuổi rất nhỏ có viêm tai giữa (đặc biệt nếu trẻ quấy khóc hoặc lơ mơ) thì nguy cơ nhiễm trùng máu hoặc các nhiễm trùng nặng khác rất cao. Việc nhập viện và truyền kháng sinh tĩnh mạch là cần thiết.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: Roderick P. Venekamp (Ngày đăng: ngày 16 tháng 9 năm 2014). Acute otitis media in children, NCBI. Truy cập ngày 17 tháng 11 năm 2021.
  2. ^ Tác giả: John D Donaldson, MD (Ngày đăng: ngày 25 tháng 9 năm 2019). Acute Otitis Media, Medscape. Truy cập ngày 17 tháng 11 năm 2021.
  3. ^ Tác giả: William J. Parkes, IV, MD (Ngày đăng: tháng 4 năm 2017). Middle Ear Infections (Otitis Media), KidsHealth. Truy cập ngày 17 tháng 11 năm 2021.
  4. ^ Clinical Cases, tải bản PDF tại đây

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 0 Thích

    Nguyên nhân gây viêm tai giữa ở trẻ em là gì?


    Thích (0) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Viêm tai giữa cấp tính trẻ em: chẩn đoán và điều trị 5/ 5 2
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Viêm tai giữa cấp tính trẻ em: chẩn đoán và điều trị
    UP
    Điểm đánh giá: 5/5

    bài viết hữu ích, cảm ơn các dược sĩ đã cung cấp thông tin này

    Trả lời Cảm ơn (1)
  • Viêm tai giữa cấp tính trẻ em: chẩn đoán và điều trị
    M
    Điểm đánh giá: 5/5

    Nhà thuốc rất uy tín

    Trả lời Cảm ơn (0)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

hotline
0868 552 633
0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633