Viêm ruột thừa: nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Trungtamthuoc.com - Viêm ruột thừa là bệnh lý nguy hiểm, thông thường phải can thiệp ngoại khoa khẩn cấp. Cùng tìm hiểu thông tin về bệnh viêm ruột thừa qua bài viết sau đây.
1 Viêm ruột thừa là gì?
1.1 Vi trí và vai trò của ruột thừa trong cơ thể
Ruột thừa có cấu trúc hình ống, là một phần của hệ thống tiêu hóa, nằm ở chỗ tiếp nói giữa ruột non và đại tràng phải (đáy manh tràng). Ruột thừa có vai trò gì đối với cơ thể? Các nhà nghiên cứu đã chứng minh được vai trò quan trọng của ruột thừa đối với cơ thể như:
Tham gia vào quá trình miễn dịch của con người, giúp cơ thể chống lại các nhiễm trùng.
Lớp niêm mạc ruột thừa chứa các vi khuẩn có lợi, chính các vi khuẩn có lợi này sẽ giúp hệ tiêu hóa được khởi động lại sau các bệnh lý nhiễm trùng đường ruột khác.
1.2 Viêm ruột thừa là gì?
Viêm ruột thừa là một tình trạng bệnh cấp cứu ngoại khoa và thường xuất hiện trong độ tuổi khoảng từ 10 đến 30 tuổi. [1]. Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng ruột thừa bị viêm, tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu và phổ biến hơn cả vẫn là do vi khuẩn. Có khoảng 14 loại vi khuẩn gây nhiễm trùng ruột thừa, đa phần là Escherichia coli và Bacteroidesyragilis. Ngày càng có nhiều các xét nghiệm mới để chẩn đoán sớm tình trạng viêm ruột thừa, tuy nhiên tỷ lệ không chẩn đoán được vẫn ở mức 15 - 15,3 %.
Phương pháp điều trị chuẩn cho viêm ruột thừa chính là phấu thuật cắt ruột thừa, có thể phẫu thuật mở hoặc nội soi, ngày nay chủ yếu mổ nội soi. Cùng với đó sử dụng kháng sinh để hạn chế, giảm bớt tình trạng nhiễm trùng vết mổ. Ngoài ra có thể sử dụng kháng sinh để giảm tình trạng viêm, tuy nhiên do viêm ruột thừa dễ tái phát nên phẫu thuật vẫn là phương pháp được khuyến nghị.

2 Nguyên nhân gây bệnh viêm ruột thừa
Bệnh viêm ruột thừa có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể kể đến như:
- Nhiễm khuẩn ruột thừa.
- Tắc nghẽn ở lòng ruột thừa (60%) do:
Sỏi phân: Xuất phát từ các sợ xơ của thức ăn, hoặc do giun sán, carcinoma, carcinoid.
Sự tăng sinh quá mức của các hạch bạch huyết gây chèn ép.
Hoặc nguyên nhân tắc nghẽn còn do chèn ép từ bên ngoài, bị xoắn vặn, hoặc bị gập.
Thương tổn viêm có thể bắt đầu từ một chỗ loét niêm mạc.
3 Chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa
3.1 Triệu chứng cơ năng của viêm ruột thừa cấp
Đau bụng: Đau vùng thượng vị hoặc đau vùng quanh rốn, sau đó cơn đau có thể lan xuống hố chậu phải.
Thường gặp tình trạng sốt nhẹ khoảng từ 37,5 oC – 38,5 oC. Tình trạng sốt cao rét run chỉ gặp khi có biến chứng.
Rối loạn tiêu hóa: Bệnh nhân có các triệu chứng buồn nôn, nôn, chán ăn, bỏ bú, tiêu lỏng hoặc mót rặn.
Rối loạn đi tiểu: Bệnh nhân có thể tiểu dắt hoặc đau khi đi tiểu.
3.2 Khám
Khám bụng: Ấn nhẹ vào vùng bị đau, nếu như khi bác sĩ bỏ tay ra mà cơn đau tăng lên chứng tỏ đau do viêm ruột thừa. Có điểm Mc Burney và phản ứng dội.
Khi có nghi ngờ viêm ruột thừa vùng tiểu khung, bác sĩ có thể thăm khám trực tràng.
Khi viêm ruột thừa đã xuất hiện biến chứng: Bệnh nhân có biểu hiện rối loạn nước – điện giải, sốc, nhiễm trùng huyết, tắc ruột... [2]
3.3 Cận lâm sàng
Siêu âm: Có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, khả năng phát hiện bệnh lên đến 98%.
- X-quang bụng không sửa soạn khi có nghi ngờ thủng dạ dày ruột hoặc tắc ruột.
- Chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ khi:
- Các triệu chứng lâm sàng không điển hình, khó thăm khám.
- Chẩn đoán phân biệt, giảm thiểu nguy cơ sai sót.
- Hướng dẫn dẫn lưu dưới chụp cắt lớp vi tính.

- Tổng phân tích tế bào máu để xác định viêm nhiễm và các bất thường trong công thức máu.
- Trong các trường hợp cần thiết có thể phải làm thêm các xét nghiệm khác như CRP, điện giải đồ, Amylase máu,…
3.4 Chẩn đoán viêm ruột thừa
Việc chẩn đoán xác định dựa trên các triệu chứng lâm sàng, có thể kết hợp với hình ảnh siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ.
4 Điều trị viêm ruột thừa
4.1 Điều trị hỗ trợ
- Bù dịch đường tĩnh mạch (Lactat Ringer hay NaCl 0,9%) kết hợp điều trị triệu chứng (chống nôn, giảm đau...).
- Kháng sinh:
Kháng sinh dự phòng thường được sử dụng trong viêm ruột thừa chưa vỡ để ngừa nhiễm trùng vết mổ và nhiễm trùng ổ bụng sau mổ.
Chọn kháng sinh có phổ kháng khuẩn trên vi khuẩn Gram âm và kỵ khí.
Có thể lựa chọn các kháng sinh Cephlosporin thế hệ 2, 3 (Cefotetan, cefoxitin, Cefuroxim, Ceftriaxone, Ceftazidim).
Sử dụng đơn trị các chế phẩm kết hợp giữa kháng sinh penicillin và các chất ức chế beta - lactamase. Ở những người dị ứng với Penicillin thì Carbapenem là lựa chọn tốt.
Aminoglycoside sử dụng trong điều trị vi khuẩn Gram (-) nhưng khi phối hợp với Penicillin sẽ làm tăng độc tính nên thường ít được lựa chọn.
Phối hợp kháng sinh diệt vi khuẩn yếm khí là cần thiết, nhất là khi viêm ruột thừa có biến chứng áp xe hay viêm phúc mạc ruột thừa.
Trong trường hợp nặng, phân tầng bệnh nhân theo yếu tố nguy cơ để chọn kháng sinh thích hợp.
4.2 Phẫu thuật
4.2.1 Phẫu thuật cắt ruột thừa hở
Hiện nay phương pháp này chỉ áp dụng khi bệnh nhân không thể phẫu thuật nội soi như:
Choáng nhiễm trùng, suy hô hấp nặng...
Viêm ổ bụng toàn thể nặng như bụng trướng nhiều, khó bộc lộ ruột thừa...
4.2.2 Phẫu thuật cắt ruột thừa nội soi
Ưu tiên chọn lựa cho hầu hết các trường hợp còn lại như:

Phương pháp an toàn và hiệu quả trong viêm ruột thừa không biến chứng. [3]
An toàn đối với ruột thừa vỡ.
Mổ nội soi thường được lựa chọn trong điều trị cho người lớn tuổi.
Có thể an toàn cho sản phụ nghi ngờ viêm ruột thừa.
An toàn và hiệu quả trên người béo phì.
Tài liệu tham khảo
- ^ Verneda Lights (Ngày đăng 19 tháng 11 năm 2021). Everything You Need to Know About Appendicitis, Healthline. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2021
- ^ Chuyên gia của NIDDK (Ngày đăng tháng 7 năm 2021). Symptoms & Causes of Appendicitis, National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases (NIDDK). Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2021
- ^ NHS (Ngày đăng 18 tháng 2 năm 2019). Appendicitis, NHS. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2021