Viêm quanh khớp vai: nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Trungtamthuoc.com - Viêm quanh khớp vai thường là hậu quả do sự tác động của môi trường, do tuổi tác do đó bệnh thường gặp ở những người trên 50 tuổi. Bệnh gặp ở những người thường xuyên lao động nặng có gặp một số chấn thương lặp đi lặp lại, làm tổn thương gân và cơ quanh khớp vai.
1 Viêm quanh khớp vai là gì?
Viêm quanh khớp vai là một số các bệnh lý của các mô mềm xung quanh khớp vai như gân, túi thanh dịch, bao khớp. Các bệnh viêm quanh khớp vai không phải bệnh có chấn thương đầu xương, sụn khớp, bao hoạt dịch như viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp…Mặc dù bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể ảnh hưởng đến hoạt động, lao động và chất lượng cuộc sống của người bệnh. [1]
Viêm quanh khớp vai được chia thành 4 dạng theo Welfling:
- Đau vai đơn thuần bởi hậu quả của bệnh lý về gân.
- Đau vai cấp tính bởi hiện tượng lắng đọng vi tinh thể.
- Liệt khớp vai gây ra bởi tình trạng đứt gân của bó dài gân nhị đầu hay gân mũ cơ quay dẫn đến cơ delta không cử động được.
- Cứng khớp vai do màng hoạt dịch bị viêm, bao khớp co thắt và dầy làm giảm hoạt động khớp ổ chảo và xương cánh tay.
2 Nguyên nhân gây viêm quanh khớp vai
Viêm quanh khớp vai thường là hậu quả do sự tác động của môi trường, do tuổi tác do đó bệnh thường gặp ở những người trên 50 tuổi.
Bệnh gặp ở những người thường xuyên lao động nặng có gặp một số chấn thương lặp đi lặp lại, làm tổn thương gân và cơ quanh khớp vai.
Viêm quanh khớp vai có thể gặp ở người tập thể thao quá sức đặc biệt là các môn yêu cầu phải nhấc tay lên trên vai như cầu lông, tennis, bóng rổ...
Viêm quanh khớp vai do ngã, trượt, tai nạn giao thông nhưng khôngđược điều trị triệt để.
Ngoài ra viêm quanh khớp vai có thể gặp ở người mắc bệnh lý về tim mạch, hô hấp, ung thư vú, thần kinh hay sử dụng thuốc ngủ không đúng và không phù hợp.
3 Chẩn đoán viêm quanh khớp vai như thế nào?
Viêm quanh khớp vai có nhiều thể, và mỗi thể có triệu chứng khác nhau, nhưng ở những bệnh nhân này khi xét nghiệm các yếu tố viêm thường âm tính.
Những bệnh nhân bị đau khớp vai đơn thuần thường có bị đau ở khớp vai sau khi vận động khớp vai quá mức, hoặc những chấn thương nhỏ liên tục. Người bệnh thường đau nặng hơn khi vận động co cánh tay đối kháng, ít khi hạn chế cử động của khớp. Các trường hợp người bệnh này thường bị tổn thương gân cơ nhị đầu, gân cơ trên gai. Thông thường khi ấn vào điểm bám tận gân bó dài của gân cơ nhị đầu cánh tay hoặc gân trên gai cảm thấy đau nhói. Kết quả chụp X-quang của những bệnh nhân này bình thường, đôi khi thấy hình ảnh Canxi hóa ở gân, có thể thấy dịch bao quanh gân nhị đầu khi siêu âm.
Trường hợp đau vai cấp, người bệnh thường đau vai đột ngột, dữ dộ̣i, thậm chí vì đau nên mất ngủ, đau lan tỏa khắp vai, cổ, xuống cánh tay, bàn tay. Hậu quả của tình trạng này có thể làm giảm nhiều vậ̣n động khớp vai nhiều, khả năng mở rộng cánh tay, vai sưng to và nóng. Ở một số trường hợp có thể có khối sưng bùng nhùng ở nơi túi thanh mạc bị̣ viêm, đôi khi sốt nhẹ. Chụp X-quang ở những bệnh nhân này có hình ảnh canxi hóa khác nhau ở khoảng cùng vai, có thể biến mất sau vài ngày. Siêu âm có thể thấy có dịch ở màng thanh dịch dưới mỏm cùng vai khi bị đau vai cấp.
Với những người bệnh ở thể giả liệt khớp vai, thường có triệu chứng đau dữ dội có tiếng kêu răng rắc, có thể có đám bầm tím ở phần trước trên cánh tay. Không những thế, ở những bệnh nhân này còn bị hạn chế vận động rõ ràng, mất cử động nâng vai tự chủ, nhưng vận động bị động thì bình thường. Bệnh nhân không có biểu hiện thần kinh, trường hợp đứt bó dài gân nhị đầu khám qua gấp có đối kháng cẳng tay. Riêng những trường hợp này, khi chụp cản quang hoặc cộng hưởng từ thấy hình ảnh gân mũ ở quay bị đứt. Trên siêu âm cho thấy gân nhị đầu bị đứt, máu tụ trong cơ trước cánh tay, gân trên gai không còn tính liên tục khi bị đứt và có hiện tượng co rút ở 2 đầu gân.
Còn những bệnh nhân bị cứng khớp vai, thường đau khớp vai cơ học, có thể đau về đêm. Người bệnh bị hạn chế vận động khớp vai bao gồm động tác chủ động và bị động, đặc biệt là cử động giạng và quay ngoài khớp vai. Nếu nhìn bệnh nhân từ phía sau, bệnh nhân giơ tay lên thì xương bả vai di chuyển cùng một khối với xương cánh tay. Trên kết quả chụp X-quang ở những người bệnh này thấy khoang khớp bị thu hẹp hơn rất nhiều, giảm cản quang khớp, túi cùng màng hoạt dịch thì không còn.
Cần phân biệt viêm quanh khớp vai với đau vai do đau thắt ngực, tổn thương đỉnh phổi, đau rễ cột sống cổ và một số bệnh lý về xương khớp khác như: Hoại tử vô mạch đầu trên xương cánh tay, viêm khớp mủ; viêm khớp do lao, gout, viêm khớp dạng thấp…
4 Phác đồ điều trị viêm quanh khớp vai
Trong điều trị viêm quanh khớp vai chúng ra cần xử lý các cơn cấp tính của bệnh kết hợp với điều trị duy trì. Người bệnh có thể phải áp dụng nhiều phương pháp điều trị kết hợp khác nhau gồm dùng thuốc, can thiệp ngoại khoa, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng.
4.1 Điều trị nội khoa viêm quanh khớp vai
Theo tổ chức y tế thể giới, bệnh nhân viêm quanh khớp vai sử dụng thuốc giảm đau như sau:
- Thuốc giảm đau thông thường được sử dụng cho bệnh nhân viêm quanh khớp vai như: Acetaminophen hoặc Acetaminophen kết hợp với codein hoặc Tramadol hoặc Ultracet với liều giảm đau theo hướng dẫn.
- Người bệnh viêm quanh khớp vai có thể được lựa chọn điều trị theo hướng dẫn của thuốc chống viêm non-steroid như Diclofenac, Piroxicam Meloxicam, Celecoxib...
- Những bệnh nhân bị thể đau vai đơn thuần có thể dùng thuốc tiêm viêm khớp quanh vai dạng tại chỗ. Các thuốc Corticoid này được tiêm 1 lần duy nhất vào bao gân, bao thanh dịch dưới cơ delta bao gồm Depomedrol 40mg, Diprospan, nếu tái phát nhắc lại sau 3-6 tháng. Những người bệnh bị đứt gân bán phần do thoái hóa không được tiêm corticoid do có thể có nguy cơ bị hoại tử gân và đứt gân hoàn toàn.
- Các thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm được dùng cho bệnh nhân viêm quanh khớp vai bao gồm Glucosamin sulfat, Diacerein.
Đối với các bệnh nhân đau vai đơn thuần, đau vai thể đông cứng được áp dụng vật lý trị liệu để điều trị khi người bệnh hết đau.
5 Phương pháp can thiệp ngoại khoa điều trị viêm quanh khớp vai
Viêm quanh khớp vai được được điều trị ngoại khoa khi người bệnh đau vai thể giả liệt, đặc biệt người trẻ bị đứt các gân ở khớp vai sau chấn thương. Lúc này, người bệnh cần được giải phẫu để nối các gân bị đứt và điều trị phục hồi. Riêng những bệnh nhân bị đứt gân do thoái hóa, đặc biệt người già cần thận trọng khi điều trị ngoại khoa.
Để tránh nguy cơ bị viêm quanh khớp vai, chúng ta cần có chế độ sinh hoạt, luyện tập hợp lý, đặc biệt khi đau cấp cần để cho vai nghỉ ngơi. Sau khi người bệnh được điều trị có kết quả, đã giảm đau thì bắt đầu các sử dụng vật lý liệu pháp để phục hồi chức năng khớp vai.
Song song với điều trên, người bệnh cần được đảm bảo dinh dưỡng, và tái khám định kỳ mỗi 1 đến 3 tháng để xem phục hồi khớp vai và phần mềm.
Ngoài ra, bệnh nhân không được lao động quá mức kéo dài, đồng thời tránh hoạt động dạng quá mức hoặc nâng tay lên cao quá vai.
Bài viết này chúng tôi đã cung cấp cho các bạn các thông tin cơ bản về viêm quanh khớp vai, hy vọng sẽ hữu ích với bạn đọc.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, Ngày đăng: 09 tháng 01 năm 2018, Viêm quanh khớp vai - Không thể coi thường, Sức khỏe đời sống. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2021