1. Trang chủ
  2. Hô Hấp
  3. Viêm phổi do virus ở trẻ: triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Viêm phổi do virus ở trẻ: triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Viêm phổi do virus ở trẻ: triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Trungtamthuoc.com - Virus là một trong những tác nhân gây bệnh viêm phổi thường gặp ở trẻ nhỏ. Làm thế nào để điều trị, tránh các biến chứng nguy hiểm khi trẻ bị viêm phổi do virus?

1 Viêm phổi do virus là gì?

Có đến 60 - 70% các trường hợp viêm phổi ở trẻ là do virus, đặc biệt ở trẻ trong khoảng từ 2 đến 3 tuổi. Có rất nhiều loại virus có thể gây viêm phổi ở trẻ nhưng thường gặp nhất là virus cúm và virus hợp bào hô hấp.

Tùy thuộc vào khu vực địa lý, thời tiết, độ tuổi, sức đề kháng của trẻ mà bệnh có thể nặng hay nhẹ. Viêm phổi do virus là bệnh rất khó để phòng tránh, nó dễ lây lan sang người khác và có thể tái phát nếu sức để kháng suy giảm.

Khi trẻ bị viêm phổi với tác nhân là virus thì có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, tràn dịch màng phổi, bội nhiễm cùng vi khuẩn…[1]

Viêm phổi do virus
Virus là một trong những tác nhân gây viêm phổi nặng ở trẻ.

2 Chẩn đoán trẻ bị viêm phổi do virus

Để chẩn đoán trẻ bị viêm phổi do virus ta cần phải dựa vào các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng.

2.1 Các triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh

Tùy thuộc vào từng loại virus gây viêm phổi mà trẻ có thể có thời gian ủ bệnh ngắn hay dài.

Khi bệnh bắt đầu khởi phát, trẻ sẽ có các triệu chứng như viêm đường hô hấp trên với các biểu hiện là đau họng, chảy mũi, hắt hơi, ho. Lúc này trẻ có thể kèm theo triệu chứng sốt nhẹ.

Khi chuyển sang giai đoạn toàn phát, trẻ sẽ sốt vừa hoặc cao hơn. Cùng với đó là các dấu hiệu thở nhanh, ngực dưới lõm sâu khi hít vào. Với các bé mức độ bệnh nặng hơn thì có thể bị tím tái, rên khi thở và mệt lả. Khi nghe phổi thấy có tiếng ran rít hoặc ran ẩm nhẹ. Các triệu chứng này có thể không điển hình với tùy từng trẻ.

Ngoài ra, trẻ còn có thể gặp các triệu chứng ngoài phổi như: nôn trớ, tiêu chảy, phát ban, hay viêm kết mạc...

Nếu chỉ dựa trên các triệu chứng lâm sàng rất khó phân biệt giữa viêm phổi virus hay do vi khuẩn.

Viêm phổi do virus có thể khiến trẻ sốt cao.
Viêm phổi do virus có thể khiến trẻ sốt cao.

2.2 Các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán viêm phổi do virus

Xét nghiệm đếm số lượng bạch cầu cho kết quả là bình thường hay tăng nhẹ.

Chụp X - quang phổi cho thấy các tổn thương đa dạng và không điển hình. Thường thấy hình ảnh các vết thâm nhiễm ở phổi cùng các kẽ nhìn như lưới hay liễu rủ.[2]

Sử dụng các test nhanh để phát hiện xem có kháng nguyên virus hay không. Hiện đang đã có test nhanh với các loại virus cúm A, B, RSV.

Xét nghiệm dịch tiết đường hô hấp để phát hiện ARN của virus.

Ngoài ra còn có thế làm xét nghiệm chẩn đoán huyết thanh.

3 Điều trị cho trẻ viêm phổi do virus

3.1 Nguyên tắc điều trị

Trong điều trị viêm phổi do virus cần đảm bảo các nguyên tắc sau:

  • Sử dụng các liệu pháp để chống suy hô hấp, chống nhiễm khuẩn đồng thời ở trẻ.
  • Đồng thời, do có sốt dễ dẫn đến mất nước và rối loạn điện giải ở trẻ nên cần bổ sung đủ nước và điện giải.
  • Đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho trẻ và duy trì thân nhiệt ổn định.

3.2 Liệu pháp điều trị chống suy hô hấp

Bạn cần để trẻ ở nơi thoáng khí, yên tĩnh, quần áo thoải mái.

Tùy theo mức độ suy hô hấp mà làm giảm tắc nghẽn đường hô hấp như sau:

  • Các bé dưới 1 tuổi cần được nằm tư thế thẳng, còn các bé từ 1 tuổi trở lên thì để ở tư thế cổ hơi ngửa ra đằng sau.
  • Nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý trước khi ăn, bú và ngủ để làm thông mũi.
Nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý
Nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý
  • Khi trẻ bị tắc nghẽn nhiều đờm trong đường hô hấp phải dùng công cụ hỗ trợ hút dịch ra.
  • Nếu trẻ bị tím tái, khó thở phải cho trẻ thở oxy đến khi hết triệu chứng này, đồng thời phải thường xuyên theo dõi nhịp thở của trẻ. Nếu trẻ tím tái nặng, ngừng thở có thể phải đặt ống thông nội khí quản làm thông đường thở.
  • Kiểm tra máu có bị nhiễm toan hay kiềm không.

3.3 Phòng chống nhiễm khuẩn kèm theo

Cần sử dụng kháng sinh nếu trẻ có bội nhiễm, hay chính là nhiễm khuẩn đi kèm.

Vệ sinh sạch sẽ niêm mạc khoang miệng, da cho trẻ.

Áp dụng các nguyên tắc phòng nhiễm khuẩn trong bệnh viện.

3.4 Đảm bảo duy trì nhiệt độ cơ thể cho trẻ ổn định 

Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoải mái.

Theo dõi thân nhiệt thường xuyên nếu trẻ sốt cao, đồng thời hạ thân nhiệt bằng cách:

  • Sử dụng khăn mềm thấm nước ấm cùng chút muối lau khắp người giúp hạ nhiệt độ cho trẻ.
  • Khi trẻ sốt cao đạt ngưỡng từ 38,50C hoặc cao hơn phải dùng thuốc hạ sốt như Paracetamol với liều 15mg/kg mỗi lần, cứ cách 4 đến 6 giờ có thể dùng nhắc lại. Dùng nhắc lại theo chỉ dẫn nếu trẻ còn sốt.
  • Mẹ cần cho bé uống nhiều nước hơn bình thường hoặc cho trẻ bú nhiều hơn để tránh mất nước, điện giải.
  • Kiểm tra thân nhiệt thường xuyên để phòng co giật hoặc thân nhiệt hạ xuống thấp gây biến chứng nguy hiểm.

3.5 Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học cho trẻ

Dù trẻ mệt mỏi, chán ăn nhưng mẹ cũng phải cung cấp đủ dinh dưỡng để đảm bảo năng lượng hàng ngày theo sự phát triển của trẻ.

Bổ sung nước và điện giải đầy đủ cho trẻ
Bổ sung nước và điện giải đầy đủ cho trẻ.

Nếu trẻ không tự ăn được, phải cung cấp dinh dưỡng cho trẻ qua ống thông hoặc truyền tĩnh mạch. Đặc biệt ở trẻ không bú được, nôn khi ăn hay ỉa chảy thường xuyên.

Theo dõi sự phát triển của trẻ qua cân nặng hàng tuần. 

Đề phòng mất nước, rối loạn điện giải khi sốt trong viêm phổi do virus chúng ta cần đánh giá tình trạng mất nước ở trẻ, đảm bảo cung cấp nước và điện giải nếu trẻ bị mất nước vừa đến nặng. Đồng thời cho trẻ bổ sung nhiều nước, hay truyền điện giải khi cần.

3.6 Sử dụng các thuốc kháng virus đặc hiệu trong điều trị

Tùy thuộc vào nhóm virus gây bệnh mà sử dụng thuốc điều trị phù hợp, tiêu biểu như sau:

Sử dụng Oseltamivir (Tamiflu) để điều trị viêm phổi do virus cúm A.

  • Với các bé từ 13 tuổi trở lên cho bé dùng với liều mỗi lần là 75mg, mỗi ngày dùng 2 lần, dùng liên tục trong 7 ngày.
  • Với các bé từ 2 tháng đến 13 tuổi thì liều dùng tùy thuộc vào cân nặng của bé. Cho bé dùng liên tục trong vòng 7 ngày theo liều dùng khuyến cáo của nhà sản xuất.
Thuốc Tamiflu
Thuốc Tamiflu

Nếu không có Oseltamivir có thể sử dụng Zanamivir dạng hít định liều để thay thế.

  • Với đối tượng bệnh nhân từ 7 tuổi trở lên mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần xịt 2 nhát.
  • Còn với trẻ em từ 5 đến 7 tuổi, mỗi ngày dùng 1 lần, mỗi lần xịt 2 nhát.

Sử dụng Ribavirin dạng khí dung để điều trị virus cúm A hoặc virus hợp bào hô hấp (RSV) với liều 5mg/kg mỗi lần, mỗi ngày sử dụng 3 lần.

Hoặc sử dụng Ganciclovir để điều trị viêm phổi do virus CMV với liều như sau:

  • Liều tấn công trong 7 ngày đầu tiên, mỗi ngày truyền tĩnh mạch 10 mg/kg chia làm 2 lần.
  • Sau đó dùng với liều duy trì đến khi xét nghiệm cho kết quả âm tính, mỗi ngày dùng 5 mg/kg.

Đa số các trường hợp viêm phổi do virus đều tự khỏi. Tuy nhiên 1 vài trường hợp viêm phổi do RSV có thể nặng hơn ở những trẻ nhỏ dưới 6 tuần tuổi và một số bệnh nhân có thể ho dai dẳng sau khi đã lui bệnh.

Trên đây chúng tôi đã cung cấp cho các bạn các kiến thức về bệnh viêm phổi do virus ở trẻ em. Nếu bé gặp phải các triệu chứng như trên, bạn cần đưa bé đến gặp bác sĩ để điều trị kịp thời nhé!

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: Kelly J. Henrickson, MD (Ngày đăng: ngày 3 tháng 6 năm 2006). Viral pneumonia in children, NCBI. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2021.
  2. ^ Tác giả: Brunilda Nazario, MD (Ngày đăng:  ngày 08 tháng 4 năm 2020). Viral Pneumonia, WebMD. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2021.

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 0 Thích

    các triệu chứng ngoài phổi của bệnh viêm phổi do virus là gì?


    Thích (0) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Viêm phổi do virus ở trẻ: triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Viêm phổi do virus ở trẻ: triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
    DD
    Điểm đánh giá: 5/5

    nhà thuốc an huy uy tín, thuốc chất lượng, giá cả hợp lý, tôi sẽ tiếp tục đến đây mua

    Trả lời Cảm ơn (0)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633