1. Trang chủ
  2. Truyền Nhiễm
  3. Viêm não cấp ở trẻ em: phương pháp chẩn đoán và điều trị

Viêm não cấp ở trẻ em: phương pháp chẩn đoán và điều trị

Viêm não cấp ở trẻ em: phương pháp chẩn đoán và điều trị

Trungtamthuoc.com - Viêm não cấp ở trẻ em được chẩn đoán với các triệu chứng khởi phát cấp tính và các dấu hiệu tổn thương viêm ở não. [1]Trong một số trường hợp, viêm não có thể đe dọa tính mạng. Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời là rất quan trọng vì rất khó đoán trước được mức độ ảnh hưởng của bệnh viêm não đối với mỗi cá nhân. [2]

1 Viêm não cấp là gì?

Viêm não được định nghĩa là tình trạng viêm nhu mô não và được biểu hiện bằng các dấu hiệu rối loạn chức năng thần kinh kéo dài ít nhất 24 giờ. Các đặc điểm lâm sàng đặc trưng bao gồm tình trạng tâm thần thay đổi (giảm mức độ ý thức, hôn mê, thay đổi nhân cách, hành vi bất thường) kéo dài ít nhất 24 giờ, co giật và / hoặc các dấu hiệu thần kinh khu trú, thường kèm theo sốt, đau đầu, buồn nôn và nôn. [3]

Viêm não cấp là tình trạng các mô não bị viêm cấp, nó có thể viêm khu trú ở một số khu vực nhưng cũng có thể viêm lan ra toàn bộ não. Có rất nhiều nguyên nhân gây hội chứng não cấp ở trẻ em nhưng chủ yếu thường là do virus.

Tùy thuộc vào tác nhân, mà bệnh có thể lây truyền từ người sang người qua muỗi đốt, qua đường hô hấp hay đường tiêu hóa. Bệnh thường bắt đầu bằng những triệu chứng cấp tính như sốt và các dấu hiệu thần kinh [4] diễn biến nặng và có tỷ lệ tử vong và di chứng cao. 

Virus là nguyên nhân chủ yếu gây viêm não ở trẻ

2 Thực trạng mắc bệnh viêm não cấp ở nước ta hiện nay

Bệnh viêm não cấp có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong năm, và có mặt rải rác ở khắp nước ta. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu cho thấy rằng mùa nóng từ tháng 3 đến tháng 8 có tỷ lệ bệnh nhân bị viêm não cấp cao hơn các khoảng thời gian khác trong năm.

Bệnh viêm não Nhật Bản do Arbovirus được thấy hầu hết các địa phương, nhiều nhất là các bé từ 2 đến 8 tuổi. Bệnh được lây truyền qua vật chủ trung gian là muỗi, và thường diễn biến thành dịch vào các tháng 5,6,7.

Viêm não cấp do các virus đường ruột cũng là bệnh thường gặp ở trẻ em, và lây truyền qua đường tiêu hóa. Bệnh được tìm thấy quanh năm nhưng nhiều nhất là từ tháng 3 đến tháng 6.

Viêm não cấp gây ra bởi virus Herpes Simplex cũng được tìm thấy quanh năm, và thường gặp ở trẻ trên 2 tuổi với HSV typ 1. Còn  HSV typ 2 lại thấy gặp nhiều ở trẻ sơ sinh.

Ngoài ra còn một số loại virus khác ít gặp hơn, được ghi nhận rải rác quanh năm như: virus cúm, sởi, quai bị, Rubella, Adenovirus…

Chẩn đoán viêm não cấp thế nào?

3 Các tiêu chuẩn chẩn đoán viêm não cấp ở trẻ 

Để chẩn đoán viêm não cấp ở trẻ ta cần dựa vào các yếu tố dịch tễ, triệu chứng bệnh và cận lâm sàng. Đồng thời phải loại bỏ các bệnh lý khác có biểu hiện tương tự nhưng không phải viêm não.

3.1 Các yếu tố dịch tễ cần quan tâm

Dựa vào các yếu tố như tuổi, thời tiết, khu vực địa lý và bệnh lý của những người xung quanh làm cơ sở ban đầu cho chẩn đoán bệnh.

3.2 Các biểu hiện lâm sàng của viêm não cấp ở trẻ nhỏ

Bệnh được tiến triển thành 2 giai đoạn là giai đoạn khởi phát và giai đoạn toàn phát.

Ở giai đoạn khởi phát trẻ sẽ có những biểu hiện như sau:

  • Sốt: Đây là triệu chứng điển hình và phổ biến nhất trong viêm não cấp. Trẻ thường sốt đột ngột, có thể sốt cao liên tục đến 39 - 40oC nhưng cũng có khi sốt nhẹ.
  • Trẻ thường xuyên đau đầu, quấy khóc, và hoạt động kém linh hoạt hơn.
  • Trẻ cảm thấy buồn nôn và nôn.
  • Có thể kèm theo một số triệu chứng khác tuỳ thuộc tác nhân gây bệnh như: ho, chảy nước mũi, đi ngoài phân lỏng không có nhầy máu hay phát ban, nổi mụn...

Khi chuyển sang giai đoạn toàn phát, sẽ xuất hiện các biểu hiện trên hệ thần kinh như:

  • Trẻ bị rối loạn tri giác từ nhẹ đến nặng với các triệu chứng ngủ gà, ngủ li bì, lơ mơ thậm chí là hôn mê.
  • Biểu hiện trên hệ thần kinh thường thấy ở các bé viêm não cấp nữa là co giật toàn thân.
  • Ngoài ra chúng ra còn có thể thấy một số biểu hiện khác như liệt nửa người hay tứ chi, trương lực cơ rối loạn, suy hô hấp, phù phổi, suy tim…

Dựa vào các diễn biến của bệnh mà người ta chia viêm não cấp thành 3 thể lâm sàng là:

  • Viêm não tối cấp: Trẻ sẽ có biểu hiện sốt cao liên tục, co giật, hôn mê sâu, suy hô hấp và trụy mạch. Lúc này, nguy cơ tử vong ở trẻ là rất cao và diễn ra nhanh.
  • Viêm não thể cấp tính ở trẻ thì các biểu hiện lâm sàng như trên diễn ra điển hình và nặng hơn.
  • Viêm não cấp thể nhẹ: Lúc này trẻ chỉ có biểu hiện rối loạn tri giác nhẹ và có thể hồi phục nhanh.

3.3 Các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết chẩn đoán viêm não cấp

Tiêu chuẩn quan trọng và cần được chỉ định làm sớm khi nghi ngờ viêm não là xét nghiệm dịch não tủy để tìm các nguyên nhân bất thường. Nhưng nếu người bệnh có dấu hiệu tăng áp lực nội sọ nguy cơ tụt não, biểu hiện sốc hay suy hô hấp nặng thì không chọc dò dịch não tủy.

Tiêu chuẩn tiếp theo là xét nghiệm máu để kiểm tra công thức máu. Người bệnh thường có lượng bạch cầu bình thường hoặc có thể tăng nhẹ. Khi điện giải đồ và đo đường huyết thường cho kết quả nằm trong giới hạn cho phép.

Ngoài ra, khi cần thiết cần phải làm một số xét nghiệm khác như: Điện não đồ, chụp tim phổi, scan não.

Hình ảnh MRI Não T2W cho thấy tổn thương dày đặc ở đồi thị hai bên.

3.4 Các bệnh lý cần chẩn đoán phân biệt với viêm não cấp

Trong chẩn đoán viêm não cấp, chúng ra cần chẩn đoán loại trừ một số bệnh như:

Hiện tượng co giật do sốt cao, ngộ độc cấp, động kinh hay sốt rét thể não.

Bệnh viêm màng não mủ, viêm màng não do lao hoặc chứng chảy máu não.

4 Điều trị cho trẻ viêm não cấp

4.1 Nguyên tắc điều trị viêm não cấp

Trong điều trị viêm não cấp cho trẻ chúng ta cần phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

Duy trì và phục hồi chức năng sống cho trẻ như: chống sốc, chống phù não, thông khí phổi và chống suy hô hấp…

Cải thiện triệu chứng bằng cách hạ nhiệt độ cơ thể, chống co giật cho trẻ…

Điều trị hỗ trợ cho bệnh nhi thông qua các hoạt động phục hồi chức năng, chống bội nhiễm, đảm bảo dinh dưỡng cần thiết…

Tìm và điều trị nguyên nhân gây viêm não cấp.

4.2 Các biện pháp điều trị viêm não cấp cụ thể

Luôn luôn đảm bảo cho trẻ các điều kiện thông khí để tránh suy hô hấp như sau:

  • Để trẻ nằm ngửa, nâng cao phần thân trên bằng gối dưới vai, đầu hơi ngửa về sau và ngả về một bên. Nếu trẻ có hiện tượng bị ứ đọng đờm, rãi trong đường hô hấp phải hút hết chất dịch này ra.
  • Nếu trẻ bị suy hô hấp cần cho thở oxy, hoặc đặt nội khí quản và thở máy khi có hiện tượng ngưng thở, ngưng thở từng cơn.
  • Nếu trẻ không đặt nội khí quản được thì bóp bóng thở qua mặt nạ, hoặc bóp bóng qua nội khí quản khi không có máy thở. Số lần bóp bóng phải đảm bảo đạt từ 20 đến 30 lần mỗi phút.
  • Khi bệnh nhân đã tự thở được, không còn dấu hiệu co giật, khí máu trở về bình thường thì ngừng thở máy và tháo ống nội khí quản.

Làm các biện pháp để chống phù não cho trẻ viêm não cấp:

  • Liệu pháp này cần được thực hiện khi trẻ có các dấu hiệu phù não như đâu đầu, kích thích vật vã hoặc li bì, thậm chí là hôn mê.
  • Để chống phù não cho trẻ trước hết cần đặt trẻ nằm với phần đầu cao hơn từ 15 đến 30o
  • Cho trẻ thở oxy, nếu thở máy phải cho thông khí tăng lên, và duy trì PaO2 đạt  từ 90 đến 100 mmHg và PaCO2 từ 30 đến 35 mmHg.
  • Truyền tĩnh mạch cho trẻ trong vòng 15 đến 30 phút dung dịch Manitol 20% với liều 2,5 ml/kg. Nếu trẻ có dấu hiệu phù não thì lặp lại liều nữa sau 8 giờ, nhưng không được dùng nhiều hơn 3 lần một ngày và không được quá 3 ngày. Các bé có dấu hiệu sốc, phù phổi thì không được dùng Manitol.
  • Đồng thời cần theo dõi trẻ trong khi truyền liên tục để phát hiện kịp thời nếu có quá tải và rối loạn điện giải. Với các bé dưới 3 tháng tuổi, sau khi truyền Manitol có thể tiếp tục truyền chậm dung dịch Ringer lactat với liều tính theo mỗi kg thể trọng của trẻ là từ 20 đến 30ml.
  • Trong vài ngày đầu, có thể truyền tĩnh mạch chậm cho trẻ Dexamethason  với liều 0,15 đến 0,20 mg/kg, mỗi lần, lặp lại liều sau 6 giờ.
Dùng chăn màn chống muỗi cho bé.

Liệu pháp chống sốc cho trẻ nếu có sốc:

  • Để chống sốc cho bệnh nhi ta sử dụng Dopamin để truyền tĩnh mạch, bắt đầu truyền với liều mỗi phút là 5 mcg/kg và tăng dần liều lên nhưng không được vượt quá 15 mcg/kg một phút. Nếu trẻ bị viêm cơ tim thì cho dùng Dobutamin.
  • Hạ thân nhiệt cho trẻ khi sốt trong viêm não cấp:
  • Khi trẻ sốt cao có thể gây mất nước nên cần cho trẻ uống đủ nước, tháo lỏng quần áo cho trẻ. Đồng thời, nếu thấy trẻ sốt trên 38oC thì cho trẻ uống hoặc đặt Paracetamol với liều 10 đến 15 mg/kg mỗi lần, dùng nhắc lại sau 6 giờ nếu còn sốt. Nếu trẻ sốt cao đến trên 40oC hay dùng thuốc hạ sốt như trên mà không có hiệu quả thì tiêm tĩnh mạch propacetamol liều là 20-30mg/kg/lần.

Dùng thuốc chống co giật nếu viêm não cấp gây co giật cho trẻ:

  • Cho trẻ dùng Diazepam tùy theo điều kiện cơ sở y tế mà lựa chọn tiêm tĩnh mạch chậm, tiêm bắp với liều 0,2- 0,3mg/kg, hoặc bơm qua trực tràng với liều 0,5mg/kg.
  • Nếu sau 10 phút mà trẻ vẫn chưa hết co giật thì cho liều Diazepam lần thứ hai.
  • Nếu sau khi dùng liều thứ 2 mà trẻ vẫn tiếp tục co giật thì cho liều Diazepam lần thứ ba. Hoặc có thể dùng Phenobarbital với liều 10-15mg/kg pha với dung dịch Dextrose 5% để truyền tĩnh mạch trong 30 phút. Sau đó dùng liều duy trì mỗi ngày là  5 đến 8 mg/kg chia làm ba lần, tiêm bắp.

Nếu trẻ bị rối loạn điện giải, rối loạn đường máu thì cần làm như sau:

  • Cấp đủ nước và điện giải cho trẻ để bù lượng đã mất bằng Natri cloridGlucose đẳng trương. Nếu trẻ bị phù phổi cần phải cẩn trọng khi bù. 
  • Cần điều chỉnh rối loạn điện giải và cân bằng  acid - base dựa vào điện giải đồ và khí máu.

Đảm bảo dinh dưỡng và chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ:

Cho trẻ ăn các thức ăn dễ tiêu, nhiều năng lượng, đủ Muối Khoáng và vitamin thiết yếu. Lượng calo mỗi ngày cần đảm bảo cung cấp cho trẻ là từ 50 đến 60 kcal/kg.

Nếu trẻ không tự ăn được thì vẫn phải đảm bảo lượng dinh dưỡng hàng ngày bằng ống thông mũi - dạ dày hay truyền tĩnh mạch cung cấp dinh dưỡng cho trẻ. Đồng thời cho trẻ dùng các vitamin như C, B.

Nếu trẻ còn bú sữa mẹ vẫn phải đảm bảo cho trẻ bú đều đặn. Trường hợp trẻ không bú được phải vắt sữa mẹ và cấp cho trẻ theo từng thìa hoặc bằng  ống thông mũi- dạ dày. Lưu ý khi cho trẻ ăn vì dễ sặc và gây hội chứng trào ngược.

Đồng thời trong quá trình chăm sóc trẻ cần lưu ý hút đờm rãi thường xuyên, cải thiện chức năng đại - tiểu tiện nếu có bất thường.

Sử dụng thuốc kháng virus đặc hiệu trong viêm não cấp:

Nếu trẻ bị viêm não do virus Herpes Simplex thì có thể dùng Acyclovir, với liều 10mg/kg, truyền tĩnh mạch trong 1 giờ, sau 8 giờ có thể dùng nhắc lại. Mỗi đợt điều trị kéo dài ít nhất từ 14 ngày – 21 ngày.

Chỉ sử dụng kháng sinh khi còn nghi ngờ viêm màng não mủ hoặc khi có bội nhiễm.

Viêm não cấp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và có nguy cơ tử vong rất cao nên chúng ta cần phải phòng bệnh bằng cách:

  • Vệ sinh cá nhân, sử dụng chăn màn khi ngủ, vệ sinh môi trường và ăn uống.
  • Tiêm chủng theo đúng lịch tiêm phòng khuyến cáo cho trẻ như: văc xin phòng viêm não Nhật Bản, vắc xin bại liệt, sởi, quai bị, thuỷ đậu…

Trên đây là các thông tin cơ bản về viêm não cấp ở trẻ em. Hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình điều trị và phòng ngừa bệnh.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: T. Jacob John , Valsan Philip Verghese , Govindakarnavar Arunkumar, Nivedita Gupta, và Soumya Swaminathan, The syndrome of acute encephalitis in children in India: Need for new thinking, NCBI. Truy cập ngày 2 tháng 12 năm 2021
  2. ^ Tác giả: Chuyên gia của Mayoclinic, Encephalitis, Mayoclinic. Truy cập ngày 2 tháng 12 năm 2021
  3. ^ Tác giả: Paul Krogstad, MDHordur S Hardarson, MD, Acute viral encephalitis in children: Treatment and prevention, Uptodate. Truy cập ngày 2 tháng 12 năm 2021
  4. ^ Tác giả: Ghosh S, Basu A. Acute encephalitis syndrome in India: the changing scenario. Pubmed. Truy cập ngày 2 tháng 12 năm 2021

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 0 Thích

    Phòng tránh bệnh viêm não cấp ở trẻ em như nào?


    Thích (0) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Viêm não cấp ở trẻ em: phương pháp chẩn đoán và điều trị 5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Viêm não cấp ở trẻ em: phương pháp chẩn đoán và điều trị
    LA
    Điểm đánh giá: 5/5

    Cảm ơn dược sĩ nhà thuốc đã tư vấn thông tin nhiệt tình cho mình.

    Trả lời Cảm ơn (0)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

hotline
0868 552 633
0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633