Viêm nang lông: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Trungtamthuoc.com - Đa phần viêm nang lông là do nhiễm vi khuẩn của nang lông bề mặt hoặc sâu. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể do các loài nấm, virus và thậm chí là không phải nhiễm khuẩn
1 Viêm nang lông là gì?
Viêm nang lông là tình trạng da phổ biến, lành tính, trong đó nang lông bị viêm nhiễm và hình thành mụn mủ hoặc sẩn hồng ban nơi da.
Nó thường do nhiễm vi khuẩn hoặc nấm. Lúc đầu, nó có thể trông giống như mụn đỏ nhỏ hoặc mụn đầu trắng xung quanh nang lông - những túi nhỏ mà từ đó mỗi sợi lông mọc lên. Nhiễm trùng có thể lan rộng và biến thành vết loét không lành, đóng vảy.
Tình trạng này không nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể gây ngứa, đau và ảnh hưởng thẩm mỹ. Nhiễm trùng nặng có thể gây ra sẹo và rụng tóc vĩnh viễn. [1]
2 Nguyên nhân gây viêm nang lông
Đa phần viêm nang lông là do nhiễm vi khuẩn của nang lông bề mặt hoặc sâu.Viêm nang lông bề ngoài có thể có hoặc không liên quan đến nhiễm trùng. Viêm nang lông sâu có xu hướng nhiễm trùng. Nhiễm trùng phổ biến nhất là tụ cầu vàng. [2]
Một số tác nhân gây viêm nang lông được liệt kê dưới đây và bao gồm:.
- Viêm nang lông do vi khuẩn bề mặt là dạng viêm nang lông phổ biến nhất, tình trạng đặc biệt này thường do vi khuẩn Staphylococcus aureus gây ra. Nhưng cả hai dạng nhạy cảm với methicillin và kháng methicillin của vi khuẩn này đều có thể gây viêm nang lông.
- Viêm nang lông do vi khuẩn gram âm thường do vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa. Nó thường phát sinh sau khi người bệnh tiếp xúc với nước bị ô nhiễm từ bể bơi được xử lý không đúng cách hoặc nước bẩn. Các vi khuẩn khác cũng có thể gây ra tình trạng này như Klebsiella và Enterobacter. Viêm nang lông từ những vi khuẩn có thể gặp sau khi sử dụng kháng sinh đường uống trong thời gian dài.
- Viêm nang nông có thể do nhiễm nấm Malassezia furfur thường thấy ở trẻ do tăng hoạt động tuyến bã nhờn. Tình trạng viêm nang lông này thường gặp ở vai, lưng và cổ của người bệnh, tình trạng có thể nặng hơn khi sử dụng kháng sinh không đúng.
- Viêm nang lông do virus, đa phần là do virus herpes gây ra. Ngoài ra, bệnh cũng có thể xảy ra do Molluscum contagiosum, tuy nhiên ít gặp hơn. Viêm nang lông do virus herpes có triệu chứng tương tự như viêm nang lông do vi khuẩn.
- Viêm nang lông do tăng bạch cầu ái toan được tìm thấy ở một số người nhiễm HIV nặng hoặc những người có số lượng CD4 thấp. Đây được coi là tác dụng phụ hiếm gặp ở những người hóa trị.
Các yếu tố nguy cơ gây viêm nang lông:
- Các đối tượng bị suy giảm sức đề kháng nên dễ bị nhiễm trùng gây viêm nang lông như tiểu đường, bệnh bạch cầu mạn tính, HIV/AIDS.
- Những người đang bị mụn trứng cá hoặc các bệnh viêm da khác.
- Do sử dụng một số loại thuốc, đặc biệt là steroid hoặc sử dụng kháng sinh để điều trị mụn trứng cá lâu dài.
- Ở nam giới, những người thường xuyên cạo râu cũng có nguy cơ bị viêm nang lông cao hơn, người hay tẩy lông.
- Mặc quần áo bó sát, găng tay Cao Su hoặc ủng không thoát mồ hôi hoặc thoát nhiệt. Tắm nhiều trong hồ bơi hoặc bồn tắm nước nóng không được làm sạch thường xuyên. [3]
3 Dấu hiệu viêm nang lông
Chẩn đoán viêm nang lông chủ yếu dựa vào lâm sàng của những người bệnh để bước đầu xác định họ bị viêm nang lông bao gồm:
Với những người bệnh bị viêm nang lông nông, các triệu chứng thường khởi phát cấp tính liên quan đến ngứa hoặc khó chịu nhẹ.
Nếu viêm nang lông sâu người bệnh thường có tổn thương lâu hơn, hay bị đau và đôi khi dẫn lưu mủ. Tổn thương này kéo dài dai dẳng hoặc tái phát nhiều lần có thể dẫn đến sẹo và rụng tóc vĩnh viễn.
Viêm nang lông có thể dẫn đến sự phun trào của nang trứng thứ phát và thường xuất hiện trong vòng 2 tuần đầu tiên điều trị. Thông thường, triệu chứng này xảy ra trên mặt, da đầu, ngực và lưng trên và người bệnh thường ngứa, đau và bong da. Các tình trạng phun trào này phụ thuộc vào liều lượng và đỉnh điểm sau 3-4 tuần điều trị.
Để xác định căn nguyên gây ra tình trạng viêm nang lông này và có hướng điều trị phù hợp, người bệnh được nuôi cấy vi khuẩn hoặc soi nấm trực tiếp.
Cần phân biệt viêm nang lông với một số bệnh như ung nhọt và sẩn ngứa...
4 Điều trị viêm nang lông như thế nào?
Trước khi tiến hành điều trị, điều quan trọng là phải xem xét nguyên nhân viêm nang lông, mức độ nghiêm trọng và sự phân bố của các tổn thương.
Đối với viêm nang lông bề mặt không biến chứng, sử dụng xà phòng kháng khuẩn và vệ sinh cá nhân sạch sẽ giúp cải triệu chứng hiệu quả.
Các tổn thương bị viêm nhiều hơn thường đáp ứng tốt với chườm ấm có hoặc không sử dụng thuốc chống khuẩn tại chỗ.
Đối với các tổn thương sâu với nguyên nhân nhiễm trùng nặng, thì người bệnh cần được điều trị bằng kháng sinh đường uống.
Viêm nang lông do tụ cầu đa phần là chỉ có một số mụn mủ sẽ tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu người bệnh bị viêm ở nhiều hơn thì xem xét sử dụng thuốc bôi viêm nang lông là kháng sinh tại chỗ như mupirocin và Clindamycin tại chỗ. Nếu người bệnh bị tổn thương sâu hơn không đáp ứng với điều trị trên thì sử dụng thuốc kháng sinh đường uống như Cephalexin và dicloxacillin. Nếu viêm nang lông do tụ cầu vàng kháng Methicillin thì điều trị bằng Vancomycin.
Viêm nang lông do vi khuẩn gram âm thường sẽ tự khỏi sau 7 đến 10 ngày nếu vệ sinh da tốt. Trong một số trường hợp người bệnh có thể sử dụng kháng sinh đường uống có tác dụng điều trị cả vi khuẩn pseudomonas gồm: Ampicillin, trimethoprim-sulfamethoxazole và Ciprofloxacin...
Viêm nang lông do nhiễm nấm được được điều trị bằng thuốc kháng nấm bao gồm Itraconazole và Fluconazole.
Viêm nang lông do virus đa phần là do herpes simplex virus nên điều trị bằng Acyclovir, valacyclovir và famciclovir.
Những trường hợp bị nhiễm kí sinh trùng gây viêm nang lông có thể được điều trị bằng kem bôi Permethrin 5%.
Viêm nang lông tăng bạch cầu ái toan thường điều trị bằng thuốc kháng virus để điều trị HIV tiềm ẩn của bệnh nhân. Trong những trường hợp viêm nang lông do điều trị ARV có thể được điều trị bằng các liệu pháp tùy chọn trong vài tuần đến vài tháng bao gồm: Corticosteroid tại chỗ, thuốc kháng histamine, liệu pháp quang học và thậm chí itraconazole hoặc Isotretinoin.
5 Các cách phòng ngừa viêm nang lông
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến và những điều bạn có thể làm để ngăn ngừa viêm nang lông:
Vệ sinh cá nhân tốt như tắm rửa, rửa tay và giữ móng tay ngắn và sạch sẽ để làm giảm nguy cơ viêm nang lông.
Mặc quần áo rộng khi trời nóng và ẩm. Quần áo chật có xu hướng cọ xát vào da của bạn. Khi trời nóng ẩm, việc cọ xát liên tục có thể làm tổn thương các nang lông, gây viêm nang lông. Nếu bạn mặc quần áo chật trong khi tập thể dục, bạn có thể ngăn chặn cơn bùng phát bằng cách thay quần áo ngay sau khi tập thể dục và tắm xong.
Tránh ngâm mình trong bồn nước nóng, hồ bơi không được vệ sinh sạch sẽ. Giặt bộ đồ tắm hoặc bộ đồ lặn của bạn sau mỗi lần sử dụng và để khô hoàn toàn trước khi mặc sẽ giúp giảm tiếp xúc với vi khuẩn có thể gây viêm nang lông.
Một số người bị viêm nang lông khi họ bôi thuốc. Bạn có thể giảm nguy cơ phát triển viêm nang lông bằng cách bôi thuốc theo cùng hướng lông mọc. Không nên che vùng điều trị bằng băng hoặc quần áo mà để cho thoáng mát. [4]
Cạo râu hoặc lông chân tay cẩn thận. Người bệnh không nên cạo da trong vòng 1 tháng cho đến khi các tổn thương này được giải quyết. Và để ngăn ngừa tổn thương có thể xảy ra, tránh cạo sát và thay dao cạo dùng một lần hàng ngày. Đồng thời nên định kỳ ngâm đầu dao cạo điện trong cồn 70% hoặc thuốc tẩy pha loãng trong 1 giờ để loại bỏ vi khuẩn hoặc nấm.
Trong trường hợp viêm nang lông truyền nhiễm cấp tính, người bệnh cần thường xuyên giặt khăn, giẻ lau và khăn trải giường. Đồng thời cần phải lưu ý là không dùng chung những vật dụng cá nhân này với các thành viên khác trong gia đình.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về bệnh viêm nang lông, hy vọng giúp bạn đọc nhận biết và có cách điều trị, phòng ngừa hiệu quả hơn.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Chuyên gia của Mayoclinic, Folliculitis, Mayoclinic. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2021
- ^ Tác giả: Chuyên gia của PCDS, Folliculitis and boils (furuncles / carbuncles), PCDS. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2021
- ^ Tác giả: Chuyên gia của WebMD, Folliculitis, WebMD. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2021
- ^ Tác giả: Chuyên gia của AAD, Acne - like breakouts could be folliculitis, AAD. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2021