Viêm mũi dị ứng: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Trungtamthuoc.com - Viêm mũi dị ứng là bệnh trên đường hô hấp khá phổ biến ở các nước khu vực Đông Nam Á, với các đối tượng dễ mắc nhất là trẻ nhỏ. Người lớn có sức đề kháng cao hơn thường ít gặp tình trạng này hơn.
1 Viêm mũi dị ứng là như thế nào?
Viêm mũi dị ứng là bệnh lý viêm niêm mạc mũi do hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức với sự xâm nhập của một số tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, lông động vật, bụi, nấm mốc,... với các triệu chứng điển hình là hắt hoi, ngứa mũi và chảy nước mũi liên tục.[1]
Viêm mũi dị ứng là bệnh trên đường hô hấp khá phổ biến ở các nước khu vực Đông Nam Á, với các đối tượng dễ mắc nhất là trẻ nhỏ. Người lớn có sức đề kháng cao hơn thường ít gặp tình trạng này hơn.

2 Yếu tố nguy cơ bị viêm mũi dị ứng
Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng khá phức tạp, chủ yếu là do cơ địa của người bệnh nhạy cảm hơn người bình thường. Các yếu tố nguy cơ dễ gây dị ứng hơn là:
- Yếu tố di truyền: Nếu gia đình có người bị viêm mũi dị ứng thì khả năng con của họ cũng bị lên tới 65%.
- Do vô tình tiếp xúc với các tác nhân dị ứng như bụi bặm, phấn hoa, lông chó mèo, nấm mốc,...

- Môi trường, khí hậu: thời tiết đột ngột lạnh, ô nhiễm không khí,...
- Do mũi có cấu trúc bất thường như vẹo, gai vách ngăn,... khiến mũi nhạy cảm hơn.
3 Triệu chứng viêm mũi dị ứng
Các triệu chứng hay gặp nhất là:
- Hắt hơi liên tục.
- Ngứa mũi.
- Có dịch mũi trong chảy ra.
Một số triệu chứng đi kèm là ho, khò khè, tắc nghẹt mũi, ngứa mắt, người mệt mỏi,...[2]
Nặng nhất là tình trạng sốc phản vệ.

4 Chẩn đoán viêm mũi dị ứng
Dựa vào việc khai thác tiền sử và các dấu hiệu lâm sàng có thể định hướng bệnh viêm mũi dị ứng. Cần làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán xác định bệnh.
Các xét nghiệm cận lâm sàng:
- Soi dịch mũi thấy có bạch cầu ái toan.
- Test bì với dị nguyên nghi ngờ, test kích thích hoặc xét nghiệm tìm kháng thể để xác định nguyên nhân dị ứng.
Cần lưu ý chẩn đoán phân biệt viêm mũi dị ứng với một số tình trạng tương tư như viêm mũi vận mạch, viêm mũi hội chứng tăng bạch cầu ái toan, viêm mũi do nhiễm khuẩn hoặc một số bệnh đường hô hấp khác.
5 Điều trị viêm mũi dị ứng như thế nào?
Mục tiêu điều trị là cải thiện triệu chứng nhanh chóng và ngăn ngừa bệnh tái phát.
Nguyên tắc điều trị là:
- Phân loại mức độ bệnh và điều trị theo từng bậc.
- Tránh tiếp xúc với dị nguyên trong quá trình điều trị và sau điều trị.
- Nếu bị nặng hoặc dai dẳng cần kiểm tra cả hen.
- Thuốc chữa viêm mũi dị ứng ưu tiên lựa chọn là thuốc kháng H1.
- Có thể cần điều trị kết hợp cả bệnh đường hô hấp trên và dưới nếu cần thiết.

5.1 Điều trị cụ thể
Điều trị triệu chứng bằng các thuốc kháng histamin như:
- Desloratadine 5mg cho người trên 12 tuổi với liều mỗi ngày 1 viên.
- Chlorpheniramine 4mg cho người trên 12 tuổi 1 viên/lần, cách nhau 4-6 giờ.
- Azelastin 137mcg/nhát xịt dùng cho ngườ trên 12 tuổi, mỗi lần 2 nhát/bên mũi, ngày 2 lần. Trẻ 5-11 tuổi dùng liều bằng 1 nửa người lớn.
Có thể dùng thuốc thông mũi, co mạch như:
- Naphazolin 0,05-0.1% hoặc Oxymetazolin 0.05-0.1%, Xylometazolin 0.05-0.1% dạng nhỏ mũi hoặc xịt với liều 2 nhát (giọt)/bên mũi, ngày 2 lần cho người lớn. Trẻ 5-11 tuổi dùng nửa liều. Không dùng quá 3 ngày.
Dùng corticoid xịt mũi:
- Beclomethasone dạng xịt chứa 100mcg/liều, mỗi ngày xịt 2 lần, mỗi lần 2 nhát.
- Budesonide dạng hít, xịt, liều 200mcg/liều, ngày 2 lần, mỗi lần 2 nhát.
- Flulicasone 5mg dạng khí dung ngày 2-4 nang, chia 2 lần, mỗi lần 2 nhát.
- Dùng corticoid đường uống (Prednison, Methyprednisolone) trong đợt cấp, thời gian ngắn để giảm viêm và đáp ứng miễn dịch.[3]
Một số thuốc khác là thuốc kháng leukotriene, thuốc bảo vệ dưỡng bào, kháng cholinergic, được chỉ định cụ thể cho từng trường hợp.
5.2 Điều trị dị ứng ở các đối tượng đặc biệt
Trẻ em trên 4 tuổi: điều trị như cho người lớn.
Trẻn em trên 2 tuổi: dùng thuốc kháng histamin, rửa mũi bằng nước muối. Có thể dụng corticoid dạng xịt nếu bệnh nặng.
Phụ nữ có thai: rửa mũi bằng nước muối sinh lý hằng ngày, dùng kháng histamin và corticoid (tại chỗ, uống) và thuốc co mạch (phải có chỉ định của bác sĩ).
Việc điều trị cần đánh giá kết quả lại sau 2-4 tuần. Nếu không có hiệu quả rõ rệt cần điều chỉnh lại phác đồ và tăng bậc điều trị. Nếu có đáp ứng tốt thì duy trì liều dùng.
6 Dự phòng viêm mũi dị ứng
Để phòng ngừa viêm mũi dị ứng cần tránh xa các tác nhân gây bệnh như phấn hoa, lông chó mèo,... Đặc biệt là gia đình có trẻ nhỏ nên tránh mua hoa bày trong nhà, tránh nuôi những con vật rụng lông,... Che kín mũi khi đi đến những nơi nhiều bụi bặm, ẩm mốc hoặc thời tiết trở lạnh.

Rèn luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe của cơ thể. Vệ sinh mũi hằng ngày bằng nước muối sinh lý, hạn chế việc ngoáy mũi.
Khi có triệu chứng cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị sớm. Tránh để bệnh trầm trọng hơn. Dùng thuốc đúng theo đơn kê của bác sĩ và tái khám đúng hẹn.
7 Mẹo chữa viêm mũi dị ứng tại nhà
Chữa viêm mũi dị ứng bằng nước muối: sử dụng nước muối sinh lý giúp rửa trôi tác nhân gây dị ứng và làm sạch lớp niêm mạc mũi, ngăn ngừa viêm nhiễm hoặc hắt hơi, chảy nước mũi,... Ngoài ra, nước muối sinh lý còn làm loãng dịch nhầy, cải thiện tình trạng ngạt mũi.

Chữa viêm mũi dị ứng bằng gừng: Gừng là vị thuốc có công dụng trị bệnh cảm cúm, giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Khi bị viêm mũi dị ứng, người bệnh có thể lấy một củ gừng thái lát mỏng pha với 1 cốc nước nóng. Uống nước gừng có thể làm giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng. Hoặc có thể kết hợp gừng với Quế, gừng với Mật Ong cũng giúp bệnh viêm mũi dị ứng được cải thiện đáng kể.
Chữa viêm mũi dị ứng bằng mật ong: trong mật ong có chứa các thành phần với tác dụng kháng viêm, chống vi khuẩn. Người viêm mũi dị ứng dùng mật ong giúp cải thiện các triệu chứng bệnh. Bệnh nhân viêm mũi dị ứng có thể uống nước mật ong ấm hoặc kết hợp trộn mật ong với nghệ.
Chữa viêm mũi dị ứng bằng lá cây: đây là phương pháp dân gian được người xưa đúc kết lại, nguyên liệu dễ tìm và dễ thực hiện. Một số loại lá cây có thể giúp làm giảm các triệu chứng bệnh viêm mũi dị ứng như lá cây Ngải Cứu, lá Húng Chanh, Lá Lốt, lá tầm ma, lá Bạc Hà, lá cây Kinh Giới,...
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Lisa M. Wheatley, MD, MPH và Alkis Togias (Ngày đăng: Ngày 29 tháng 7 năm 2015). Allergic Rhinitis, NCBI. Truy cập ngày 20 tháng 9 năm 2021.
- ^ Tác giả: Tiffany Jean, MD (Ngày đăng: Ngày 5 tháng 8 năm 2021). Allergic Rhinitis, Medscape. Truy cập ngày 20 tháng 9 năm 2021.
- ^ Tác giả: Stuart I. Henochowicz, MD (Ngày đăng: Ngày 2 tháng 2 năm 2020). Allergic Rhinitis, MedlinePlus. Truy cập ngày 20 tháng 9 năm 2021.